Tuesday, September 16, 2008

Mới hay vật đổi sao dời


Cha tôi, một công chức cũ thời Pháp, mẫn cán và thanh bạch sinh được ba mụn con. Chị gái tôi là người hiền hậu lại xinh đẹp nhất nhà. Da trắng mịn, mũi cao, môi đỏ hồng, dáng người nhỏ nhắn trông rất khuê các. Những năm 70, Hà Nội kề cận với chiến tranh phá hoại, cũng là năm chị tôi do trước đó, buộc phải rẽ ngang, đi học về kỹ thuật ở một nước Châu Âu để cứu đói cho cả nhà, trở về. Thời đó, là thiếu nữ Hà Nội vào loại xinh đẹp, lại ở nước ngoài về, chị tôi trở thành người nổi tiếng ở con phố cũ, nơi cả gia đình tôi cư ngụ.

Cứ đến chủ nhật nhà tôi lại đông khách. Toàn các chàng trai bạn của chị. Xe đạp các chàng có khi xếp cạnh nhau thứ tự, trông rất buồn cười. Bọn trẻ con hàng xóm đường phố tinh quái, không chủ nhật nào không có chàng lốp xe đạp “xịn” bị chúng dùng kim nhọn đâm thủng. Khi từ nhà tôi trở về, thế nào cũng có chàng mặt mày nhăn nhó dắt xe đi bộ trong những cái nháy mắt, cười nhăn nhở của bọn chúng. Nhưng không có tang chứng, vật chứng, các chàng đành chịu.

Đông bạn bè thế, nhưng trái tim chị tôi lại dành cho anh, con trai một nhà tư sản có tiếng của Hà Nội. Khi đất nước tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, cha anh cống gần như toàn bộ cơ sở dệt may cuả gia đình cho Nhà nước. Vì thế, trước khi nghỉ hưu, ông được Nhà nước cho đi thăm 12 nước XHCN hồi đó là “oách” lắm. Thế nhưng cho dù vậy, thì cái tai tiếng “con tư sản”, “dân buôn bán”… vẫn như một bóng ma ám ảnh lý lịch anh, ám ảnh cả cha tôi, một công chức cũ hưởng lương lưu dung nhưng lại là người thành tâm, tin tưởng ở xã hội mới.

Nên cho dù hai người rất đẹp đôi, rõ ra “trai thanh, gái lịch”, anh lại là con người có học, nền nếp, đàng hoàng tử tế, nhưng cha tôi dứt khoát không đồng ý cho chị gái yêu anh. Trái lại, mẹ tôi lại ủng hộ và bênh vực mối tình của chị. Vì bà cũng là con gái “dân buôn” chính cống. Ông ngoại tôi là một Thông phán thời Tây, tiếng Pháp rất giỏi. Thuở bé thơ, bà đã được "kinh lý" trong Nam ngoài Bắc với cha, tức ông ngoại tôi, nên cách nghĩ của bà rất phóng khoáng. Học hết tiểu học (có bằng Xécteifica), bà vẫn được đi tập kịch, diễn kịch, một điều hồi đó người ta rất cấm kỵ, định kiến với con gái nhà lành. Còn bà ngoại tôi, nguyên là thiếu nữ Hà Nội gốc, chuyên bán hàng tấm (lụa) ở phố Hàng Dầu, nay là trung tâm bán giầy dép nổi tiếng của Hà Nội.

Thời đó, không hiểu sao người ta kỳ thị người buôn bán đến thế. “Sĩ, công, nông, binh, thương” thì “thương” (thương mại, thương nhân) xếp ở hàng cuối đã đành, nhưng trong mắt không ít người, họ như một giai tầng lắm mưu mô, thủ đoạn, dối trá, không thật thà, một giai tầng “bóc lột”. Thời Hà Nội cũ mới giải phóng, những người buôn bán mà đáo để, bị ví như bọn “hàng tôm, hàng cá” ở chợ. Thời bao cấp, ai dính líu đến buôn bán một chút, bị cho vào một rọ, gọi là “phe phẩy”, “con phe”…

Đến ngay mua nhà, thuê nhà, người Hà Nội ngày xưa, nhất là giới công chức cũ, cũng chỉ tìm mua nhà, thuê nhà trên gác, xa cách với đường phố cho yên tĩnh và cuộc sống không xô bồ phố thị. Chỉ những người chậm chân mới phải chấp nhận thuê nhà tầng một, bị nhà phía trong, hay nhà trên gác đi qua. Nhà cha mẹ tôi cũng ở trên gác hai, có ban công nhìn ra Hồ Gươm cổ tích và Tháp Bút huyền thoại.

Mối tình đầu của chị tôi trở thành trắc trở, thành tâm điểm của những cơn bão trong gia đình giữa cha và mẹ vì quan niệm khác nhau. Gia đình tôi như cái tổ chim yếu ớt, nghiêng ngả trước những trận cãi vã không dứt. Cha thì hiền nhưng dứt khoát không chấp nhận. Mẹ thì thương con gái nhưng vẫn là phận đàn bà. Chị gái tôi nước mắt lưng tròng. Những lần hò hẹn với người yêu, chị tôi toàn phải nhờ lũ em, hoặc trẻ con hàng xóm. Nhưng cuối cùng, cha tôi cũng biết và cấm cửa. Vốn là người nhu mì, có phần cam chịu, chị tôi đành chia tay anh.

Ít lâu sau, chị lên xe hoa với một người vốn đeo đuổi chị từ lâu, chỉ làm thợ, vừa ở bộ đội xuất ngũ, lại là thương binh. Ngày đó, người nào có thẻ thương binh là được trọng vọng và ưu ái lắm.

Ngày cưới, tôi thấy gương mặt chị thật vô cảm. Không buồn, không vui, dửng dưng mọi điều. Tôi thương chị lắm nhưng không hiểu thế nào là đúng, thế nào là sai. Chỉ cảm nhận một điều rất rõ ràng, chị tôi sẽ không hạnh phúc. Cảm nhận đó của tôi nhanh chóng trở thành hiện thực kinh hoàng. Sau những tháng ngày ngắn ngủi của hạnh phúc vợ chồng, chồng chị ngày càng lộ rõ bản chất một người đàn ông lười nhác, bê tha, ham chơi và nát rượu nhưng lại muốn kiếm tiền bằng con đường “ngắn” nhất - cờ bạc.

Thế là bao nhiêu của cải dành dụm từ những ngày chị đi “Tây” lần lượt đội nón ra đi. Lúc đầu chị gắng giấu cả cha mẹ, gia đình. Nhưng những nỗi đau cuối cùng như ung nhọt, vỡ tung. Đấy là khi căn nhà duy nhất của hai mẹ con chị cũng bị anh ta bán dần bán mòn để gá bạc. Chị tôi nước mắt ngắn dài ôm con về với cha mẹ.

Gia đình bé nhỏ của chúng tôi lại một lần nữa như tổ chim ngả nghiêng trong “tâm bão”. Mẹ tôi chì chiết, trách móc cha: “Bây giờ ông hài lòng chưa? Cái “lập trường tư tưởng” của ông có làm cho con ông hạnh phúc không?”. Rồi mẹ khóc. Nước mắt mẹ mặn đắng lòng tôi. Cha tôi chỉ thở dài đau đớn. 30 tuổi, tóc còn xanh, da vẫn trắng mịn, nhưng môi không còn hồng như xưa, chị tôi ra toà với lá đơn ly hôn và ngày ngày nhẫn nhịn, lặng lẽ làm lụng nuôi con.

Thời cuộc và đất nước rồi cũng dần thay đổi, được đánh dấu bằng công cuộc đổi mới cơ chế quản lý, với sự khẳng định và thừa nhận nhiểu thành phần kinh tế. Tự lúc nào cả xã hội hối hả lao vào “cơn lốc” buôn bán. “Làm giàu” trở thành mục đích của toàn xã hội. Chả thế, một giáo sư từng thốt lên: “Xã hội bây giờ, nếu người đàn ông không năng động, không biết kiếm tiền hay làm giàu không phải đàn ông”. Đủ biết làm giàu kích thích bản năng giới thế nào. Cũng không phải chỉ có nam giới. Nhiều phụ nữ trẻ cũng không chịu kém, cho dù không ít bi kịch từ đó mà ra…

Nhà mặt phố, nhà tầng một có thể làm cửa hàng buôn bán, làm công ty trở nên đắt giá khủng khiếp. Căn nhà cũ của cha mẹ tôi, xưa kia, tầng một như cô ngan, cô vịt xấu xí, chỉ có mấy gia đình lao động ở, cha mẹ con cái hay chửi bới, cãi cọ nhau vì nghèo, nay được tân trang, tu sửa nâng cấp thành một “shop” thời trang mỹ phẩm, giày dép, lộng lẫy như nàng thiên nga. Con cái họ cũng như lột xác. Mắt xanh, tóc vàng, ăn mặc toàn hàng “xịn”.

Đâu đâu tôi cũng thấy người ta lập công ty, làm giám đốc. Có những công ty thật nhưng không ít công ty ma. Chuyện bi hài của các kiểu làm ăn chụp giật, lừa đảo không phải không có. Nhưng đáng mừng nhất, cái chữ “thương" trong “sĩ, công, nông, binh, thương” bây giờ đã được “thương”. Làm giàu nếu chân chính, chính đáng đã được xã hội trân trọng, được ngưỡng mộ, được trọng vọng. Bởi đằng sau đồng tiền ấy chính là chất xám, là mồ hôi lao động cật lực của con người. Cứ xem 727 thương hiệu, sản phẩm tiêu biểu của các doanh nghiệp Việt Nam được trao giải thưởng Sao vàng Đất Việt, từ 2003 đến nay thì đủ biết.

Cái chữ “thương” ấy tạo nên động lực đáng kể góp phần xã hội phát triển và nó được trân trọng, được đón nhận bằng một ngày mới - Ngày doanh nhân 13/10. Nó hoàn toàn tương phản với một thời, một xã hội ấu trĩ vì chữ “thương” bị khinh thị, bị định kiến. Một xã hội mà sự phân phối hàng hoá biến thành những câu thơ châm biếm hài hước:

" Bắt cởi trần phải cởi trần.
Cho may-ô mới được phần may-ô”.

Cái chữ “thương” ấy trong thời mới làm thay đổi đến cả những khái niệm. Giờ người ta không gọi là dân buôn, con buôn, nhà buôn, mà gọi là “doanh nhân, nhà doanh nghiệp”, và “đời” hơn là “đại gia”. Các bà mẹ có con gái đến tuổi cập kê, biết “anh ấy” là giám đốc công ty thì yên lòng và tự hào lắm, không cần giấu giếm mà lại thích khoe với bạn bè, hàng xóm. Các "đại gia" bây giờ mới thực là có giá. Không ít các cô gái đẹp chân dài, mục tiêu săn đuổi của họ chính là các “đại gia”. Mới hay vật đổi sao dời. Thời cuộc thay đổi, mọi thước đo giá trị cũng thay đổi theo.

Chỉ chị gái tôi, sau hơn hai mươi năm ly dị vẫn “một cõi đi về”, cho dù có những người đàn ông tử tế theo đuổi. Chị vẫn không chịu cùng ai, không rõ vì sao. Có một lần, khi cha tôi ốm, tình cờ biết tin, “người xưa” của chị cũng đến thăm. Con đường đi của anh cũng lạ. Không biết có phải do lý lịch ám ảnh hay không, mà anh “bị” chọn hay “tự” chọn con đường “cơ bắp” - học đại học và làm ở ngành thể dục thể thao. Anh vẫn thế, đẹp đẽ, phong độ lịch lãm, nhưng gương mặt phong trần nhiều nét buồn.

Ngồi ngắm hai người, ngay cả khi tuổi không còn trẻ, họ vẫn rất đẹp đôi. Anh vừa dịu dàng vừa trầm tĩnh, rất "đàn ông", chị tôi da vẫn trắng mịn, chiếc mũi cao kiêu hãnh và nụ cười rất duyên. Tôi thầm kêu lên: “Hạnh phúc ơi, sao nghiệt ngã và ảo ảnh đến vậy. Sao con đường đến ngôi đền thiêng lại quanh co, khúc khuỷu đến vậy, dù người yêu dấu vẫn ở kề bên?”. Anh về rồi, cha tôi bỗng khóc.

Nước mắt của mẹ, nước mắt của cha, nước mắt của người già, cả một đời lương thiện và thanh bạch, cứa xót lòng tôi, khi cha tôi bảo: “Giá cha không ấu trĩ, giáo điều và ngộ nhận như ngày xưa, chị con đã hạnh phúc!”. Tôi an ủi cha: “Có phải một mình cha đâu. Còn có biết bao nhiêu người ấu trĩ, giáo điều. Vì thế mới có sự đổi mới ngày nay cha ạ”. Nhưng tôi không nói với cha rằng, một đất nước, một dân tộc, nếu ấu trĩ, giáo điều, phải trả giá bằng sự tụt hậu hàng chục thế kỷ so với nhân loại. Còn đời người vốn ngắn, nên thường phải trả giá bằng cả cuộc đời của chính mình.

Bởi số phận con người, dù bé nhỏ đến đâu, cũng mang một phần lịch sử

(Kim Dung)

Related Articles

No comments:

Post a Comment