Friday, October 31, 2008

31/10/08

Melamine, chất gây ung thư, formol hay ô nhiễm... có thể gây hại cho cơ thể nhưng vẫn là những thứ có thể đong đếm được. Còn những giá trị vô hình, giá trị tinh thần hay kể cả những "đường đi nước bước" khó nắm bắt là chủ đề của "Phát ngôn & Hành động ấn tượng" tuần này.

"EVN phải sử dụng phần chênh lệch để đầu tư"

Về đề nghị trích thưởng hơn 1.000 tỷ đồng của EVN, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh nói: "Vấn đề này phải xử lý theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh (Ảnh: VTC News)

Thủ tướng nói rằng, chênh lệch giá thì phải dành để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Vậy thì EVN phải sử dụng phần chênh lệch đó để đầu tư. Còn kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà chính đáng, được phân phối theo quy định".

Ông Vũ Văn Ninh cũng cho biết Bộ Tài chính mới đưa vấn đề ra lấy ý kiến của Bộ Công thương chứ chưa đồng ý cho EVN được trích thưởng. (Tiền Phong, 30/10)

Thấp bé, nhẹ cân, ngực lép... thở phào!

Tiêu chuẩn sức khỏe "83 điểm" do Bộ Y tế vừa ban hành ít ngày liền bị chính Bộ này xin đề nghị... rút, vì dư luận nổi giận, vì Bộ Y tế (cùng với mấy Bộ nữa đóng góp ý kiến) tự thấy nó có nhiều điểm... kệch cỡm quá.

Ông Nguyễn Huy Quang

Không những thế, còn có lý do khác nữa: "Bộ Y tế tự ban hành quyết định 33 và 34 đó là không đúng thẩm quyền", như ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng như Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thông báo. Lý do là Điều 55 Luật Giao thông quy định Bộ Giao thông vận tải mới là đơn vị chủ trì xây dựng quy định này.

Theo ông Quang: Quy định này nếu "thực hiện theo điều 55 Luật Giao thông đường bộ thì trái ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại nghị quyết 32, mà nếu thực hiện theo nghị quyết 32 thì trái với tinh thần điều 55 Luật Giao thông đường bộ" (Tuổi Trẻ, 30/10)

Thế nhưng, trả lời trước đó, ông Trần Quý Trường, Cục phó Cục Quản lý khám chữ bệnh, vẫn khẳng định Bộ Y tế đã làm đúng quy trình, các chỉ số về thể lực vẫn giữ nguyên như đã áp dụng 8 năm nay mà không thấy có sự phản hồi nào. (Gia đình & Xã hội, 29/10)

Về chuyên "tiêu chuẩn", dư luận phản ứng gay gắt và thấy rõ Bộ Y tế sai là rõ rồi; còn chuyện thẩm quyền ban hành, nếu văn bản quy phạm không "lệch" nhau thì lấy đâu ra cái "hớ" của Bộ Y tế?

Đền bù cả giá trị vô hình

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên

Đại biểu Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, trả lời trước Quốc hội: "Bộ Tài nguyên - môi trường đang tích cực sửa Luật đất đai để khắc phục những bất cập, đặc biệt trong đền bù giải tỏa....

Trước đây, Bộ Tài chính khi tính giá đất mới chỉ tính giá trị hữu hình. Giá trị vô hình như mất công ăn việc làm, mất văn hóa làng quê, mất bệnh viện gần... thì chưa ai tính cho nông dân. Trong khi đó, giá trị vô hình thường bằng 40-50% hữu hình. Sắp tới sẽ tính cả giá trị vô hình cho dân...

Về cách đền bù, sắp tới sẽ tính toán không đưa một cục tiền cho dân ngay mà sẽ chuyển một phần vào thành vốn góp trong doanh nghiệp. Còn về nhà tái định cư, sắp tới phải làm sẵn nhà. Dân đã mất đất, không có chỗ ở là không được". (Tuổi Trẻ, 29/10)

Sau lạm phát là giảm phát?

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc

"Chúng ta cứ nói nhiều đến lạm phát năm tới khoảng 15% hay mười mấy phần trăm, mới bàn đến phương án đó thôi mà quên rằng nếu nó là zero thì sao?", TS Trần Du Lịch đặt câu hỏi. (Thời báo Kinh tế VN, 28/12)

Trong khi đó, vào lúc VN đang lo lắng về nguy cơ giảm phát sau khi chỉ số tăng giá tiêu dùng tháng 10 là âm thì Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc, cho biết:

"Hiện tại chúng ta chưa vội vàng kết luận về giảm phát mà phải theo dõi tiếp trong tháng 11, 12 tới xem tình hình sản xuất của doanh nghiệp, sức mua của dân, chỉ số tăng giá của thị trường trong nước để có kết luận.

Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đề phòng các biện pháp ngăn ngừa thiểu phát, vì chống thiểu phát còn đòi hỏi thời gian dài hơn là chống lạm phát". (Thanh Niên, 30/10)

"Doanh nghiệp Nhà nước như công tử con quan"

ĐBQH Trần Hồng Việt

“Sao cùng bơi trên biển nhưng khi gặp khó khăn do lạm phát thì TĐ, TCT được nhận phao cứu sinh của Chính phủ dù đó là lúc họ phải thể hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế? Trong lúc đó thì người nông dân vừa phải tự bơi vừa phải gánh hậu quả do dự báo sai của Chính phủ”, Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Việt (Hậu Giang) nói về vai trò của DNNN, đặc biệt các tập đoàn, tổng công ty trong “cuộc chiến” chống lạm phát vừa qua.

“DNNN như công tử con quan, được chăm sóc nên béo tốt, to cao vạm vỡ muốn gì được nấy”, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) ví von.

“Có hay không một bộ phận các đại gia thời gian qua đã chi phối nền kinh tế đất nước để xảy ra hệ lụy đang khiến cả xã hội phải gánh chịu?”, đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) buông ra một câu hỏi không dễ trả lời. (VietNamNet, 28/10)

Đại gia chứng khoán bị bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng

Ông Đoàn Nguyên Đức trên SVĐ của CLB Arsenal

Trước khi "đảo chiều" vào ngày 29/10, thị trường chứng khoán VN đã "cán đáy" mới, khi trong gần một năm qua, VN - Index giảm từ 927 điểm ngày 29/12/2007 xuống còn 322 điểm ngày 28/10/2008. Hàng loạt "đại gia" trên thị trường được kể ra với con số "bốc hơi" tài sản hàng ngàn tỷ đồng.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Investment Group, người giàu nhất Thị trường năm 2008 hiện có 2.400 tỷ đồng, giảm 3.900 tỷ so với cuối năm 2007. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ FPT Trương Gia Bình với hơn 7,6 triệu cổ phiếu FPT nay chỉ còn 500 tỷ, "bốc hơi" hơn 1.200 tỷ đồng.

Chủ tịch Tập đoàn hòa Phát Trần Đình Long còn hơn 1.600 tỷ đồng, "bốc hơi" 1.800 tỷ đồng. Hay ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh gia Lai cũng bị giảm khoảng 12.000 tỷ so với thời kỳ ông đánh tiếng mua CLB Arsenal. 65 triệu cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức từ 240.000 đồng/ cổ phiếu nay chỉ còn khoảng 60.000 đồng/ cổ phiếu, tổng trị giá còn gần 4.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, một số gương mặt kể trên nay vẫn nằm trong danh sách 20 người giàu nhất TTCK VN do "cơn bão" chứng khoán không chừa một ai.

Theo chuyên gia Trần Ngọc Nam: "Con số hàng ngàn tỷ bị mất trên thực tế chỉ là con số ảo, chỉ khi nào các vị ấy bán chứng khoán ra thì mới biết họ được mất bao nhiêu nhưng với vị trí của mình họ không thể bán ào ạt được. Tuy nhiên từ ngày TTCK VN ra đời đến nay, năm 2008 là năm mà tài sản tính trên số cổ phiếu nắm giữ của các đại gia chứng khoán giảm nhiều và nhanh nhất" (Tiền Phong, 29/10)

"Cái gì cũng có giá của nó, nhất là với sức lao động"

Bà Dương Thu Hương

"Cái gì nó cũng có giá của nó, nhất là với sức lao động. Những người có tài năng, sức khỏe và quan hệ tốt thì thù lao cho họ phải cao. Với lại những người như thế rất hiếm, nên anh doanh nghiệp nào nhanh tay thì sẽ được...

Mà thực ra, với tôi bây giờ chỉ làm bằng nhiệt huyết nghề nghiệp, chứ lúc này tôi cũng chẳng vì kinh tế, mà cũng chẳng vì chính trị gì cả. Nhưng với các bạn trẻ lại khác, các bạn nên hỏi thẳng các bạn sẽ được trả bao nhiêu. Phải mình bạch và sòng phẳng".

TS. Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, từng giữ cương vị Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội, nói về hiện tượng nhiều doanh nghiệp hiện nay muốn săn tìm các quan chức nghỉ hưu về làm việc. (Sinh Viên Việt Nam, 29/10)

Maradona trở thành HLV đội tuyển Argentina

Diego Maradona (Ảnh: world.lib.ru

Huyền thoại bóng đá Diego Maradona (48 tuổi) đã được LĐBĐ Argentina chọn làm tân HLV trưởng ĐTQG, thay thế HLV Alfio Basile từ chức hôm 16/10.

Đây được cho là quyết định mạo hiểm của bóng đá Argentina vì sẽ đứng trước thách thức về người "cầm quân" danh tiếng nhưng đã từng dính dáng đến cocaine, scandal, tính tình thất thường và sức khỏe không thực sự tốt mà công chúng đã từng biết...

2 cặp anh em ấn tượng

Hai anh em Danh Ngọc (trái) và Nhật Nam cùng chiếc cúp Merdeka (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Chiến thắng chủ nhà Malaysia, vô địch Merdeka Cup nơi xứ người - đó là dư ấm chiến thắng vẫn còn đọng lại với các cầu thủ U22 Việt Nam đến ngày hôm nay.

Góp trong vinh quang đó là hai "bộ đôi": anh em song sinh Hoàng Danh Ngọc (số áo 11, tiần vệ trái) và Hoàng Nhật Nam (8, tiền vệ trung tâm) cùng chào đời ngày 2/4/1990, cách nhau 15 phút.

Năm 2007, Danh Ngọc đá cho đội Nam Định và trở thành cầu thủ trẻ nhất V-leage (17 tuổi). Cùng năm này, Ngọc có được cú đúp với danh hiệu vô địch cúp quốc gia, vô địch giải U-20 Đông Nam Á. Mùa bóng 2008, đến lượt Nhật Nam gia nhập V-leage và cả hai sớm trở thành trụ cột của hàng tiền vệ Nam Định đang trẻ hóa đội hình.

Thanh Bình và Tấn Trường cùng ông Phạm Huỳnh Tam Lang vui với cúp vàng Merdeka (Ảnh: Phát luật TPHCM)

Cùng trở về từ Malaysia còn có Thanh bình và Tấn Trường là hai anh em con cô con cậu chơi bóng chung với nhau từ nhỏ. Tại Merdeka Cup vừa rồi, Thanh Bình ghi bốn bàn thắng, còn Tấn Trường đã đẩy thành công ba quả phạt penalty.

Một điều thú vị nữa là, nhờ bị ông Calisto loại mà cả Thanh Bình và Tấn Trường đều có cơ hội... nâng cúp. Và có cup rồi, ông Calisto đã đánh tiếng gọi trở lại đội tuyển hai cầu thủ này! (Pháp luật TPHCM - 28/10, Tuổi Trẻ - 30/10)

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Quận "đạo nhạc"?











Ca khúc "của" ông Hùng và của nhạc sĩ Xuân Hồng

Ông Bùi Thế Hùng, Quận ủy viên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Quận 1, Nhà hát Bến Thành có bài "Ngọn đuốc soi đường" bị "soi" là giống đến 95% bài hát “Người đốt đuốc soi đường” của nhạc sĩ Xuân Hồng. Riêng phần lời chỉ đổi một vài chữ cho có vẻ khác.

Ông Hùng nói giải thích do yêu thích quá nên ông đã viết lại lời ca và ghi nhớ giai điệu. Đến năm 1990, từ lời ca và giai điệu này, ông đã tập tành viết nốt nhạc.

"Thật khó tin khi một người nghe qua bài hát một lần trên đài phát thanh mà có thể ký âm gần như trọn vẹn một ca khúc, trong khi phần lời thì tác giả nói rằng mình nhớ không đúng! Dưới tựa đề bản nhạc Ngọn đuốc soi đường được in hẳn hoi: “Nhạc và lời: Bùi Thế Hùng” thì không thể biện minh rằng ông chỉ ghi lại ca khúc và đưa vào bộ sưu tập vì quá yêu thích.

Điều đáng nói là việc ông Hùng đưa bản nhạc này ra dựng thành tiết mục biểu diễn cho một sinh hoạt chính trị lớn nhất ở địa phương là đại hội Đảng cấp quận mà không cần quan tâm đến tác giả của nó" - tờ Công an nhân dân (25/10) bình luận.

"Thiếu vắng văn hóa đường phố cũng trực tiếp làm cuộc mưu sinh thêm lầm than"

Nhà phê bình Mỹ thuật Nguyễn Quân phát biểu tại Hội thảo Điêu khắc ngoài trời Việt Nam hiện đại (Ảnh: VNN)

"Sức sống, giá trị văn hóa, giá trị tinh thần của một đô thị phần căn bản là văn hóa nghệ thuật đường phố. Ba mươi năm CNH, HĐH, Việt Nam ta không có không gian văn hóa dùng chung, không có đời sống hè phố và công cộng. Ta không chỉ mất cân bằng nghiêm trọng về tỷ lệ diện tích dành cho giao thông mà nghiêm trọng hơn là tỉ lệ diện tích dành cho vỉa hè và công cộng.

Người dân vật vã mưu sinh và thiếu niêm vui sống. Ô nhiễm môi trường đe dọa cuộc sống của họ nhưng thiếu vắng văn hóa đường phố cũng trực tiếp làm cuộc mưu sinh thêm lầm than".

"Thứ gì làm ra xấu xí, xô bồ, tạm bợ thì rồi chúng nó còn khổ thêm vì phải lo đập phá đi, cải tạo lại. Của để dành của thế hệ ta, của thừa kế của thế hệ con cháu ta sẽ trước hết là văn hóa nghệ thuật tốt đẹp và môi trường xanh sạch...", nhà phê bình Nguyễn Quân viết về một thứ "giá trị vô hình", đó là văn hóa - nghệ thuật đường phố. (Lao Động, 24/10)

Sunday, October 26, 2008

Luật thuế thu nhập cá nhân - áp dụng 01/01/09

Cách tính thuế thu nhập cá nhân hiện nay và từ 1-1-2009 khác nhau thế nào?

TT - Hiện nay tôi có thu nhập từ lương 9 triệu đồng/tháng (bao gồm cả tiền đóng bảo hiểm xã hội với hợp đồng lao động thời vụ). Tôi phải nuôi vợ và một con nhỏ. Vậy tôi phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo qui định hiện nay và theo Luật thuế TNCN sắp tới ra sao?

Nguyễn Ngọc Quang

- Văn bản pháp luật về thuế TNCN đang có hiệu lực hiện nay là pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao năm 2001 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, đối tượng nộp thuế là người có thu nhập thường xuyên bình quân tháng trong năm từ trên 5 triệu đồng. Thu nhập thường xuyên gồm các khoản tiền lương, tiền công, tiền thù lao, lương làm thêm giờ, tiền phụ cấp (ngoại trừ một số phụ cấp được miễn thuế theo qui định), tiền thưởng…, không phân biệt loại hợp đồng lao động có hay không có thời hạn hay hợp đồng thời vụ.

Đối với tiền nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động thì không thuộc diện chịu thuế. Việc tính thuế được áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần từ 10-40%. Như vậy, trong trường hợp của anh, tiền lương tháng 9 triệu đồng sau khi trừ đi khoản đóng bảo hiểm và trừ 5 triệu đồng được miễn thuế nêu trên, số còn lại sẽ phải nộp thuế theo thuế suất 10%.

Kể từ 1-1-2009, khi Luật thuế TNCN có hiệu lực, sẽ không áp dụng cách tính thuế theo đối tượng có thu nhập thường xuyên từ trên 5 triệu đồng nữa, mà sẽ áp dụng cách tính giảm trừ gia cảnh. Theo đó, mỗi đối tượng nộp thuế sẽ được giảm trừ gia cảnh cho bản thân là 4 triệu đồng/tháng, cứ mỗi người phụ thuộc được giảm thêm 1,6 triệu đồng/người/tháng.

Ở trường hợp của anh, anh được kê khai con nhỏ và vợ (nếu vợ không có thu nhập) là người phụ thuộc, như vậy tổng mức giảm trừ gia cảnh của anh là 4 triệu + 1,6 triệu x 2 = 7,2 triệu đồng. Tiền lương 9 triệu đồng của anh, sau khi trừ tiền nộp bảo hiểm xã hội được miễn thuế và trừ 7,2 triệu đồng như trên, số còn lại sẽ nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần với thuế suất 5% (mức áp dụng cho phần thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng).

LS BÙI QUANG NGHIÊM (Đoàn luật sư TP.HCM)


TOÀN VĂN LUẬT

THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

CỦA QUỐC HỘI KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 2, SỐ 04/2007/QH12

NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2007

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, giảm thuế và căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.

Điều 2. Đối tượng nộp thuế

1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.

2. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;

b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.

3. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 3. Thu nhập chịu thuế

Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:

1. Thu nhập từ kinh doanh, bao gồm:

a) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;

b) Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.

2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công, phụ cấp quốc phòng, an ninh, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động, các khoản trợ cấp khác do Bảo hiểm xã hội chi trả, trợ cấp giải quyết tệ nạn xã hội;

c) Tiền thù lao dưới các hình thức;

d) Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý và các tổ chức;

đ) Các khoản lợi ích khác mà đối tượng nộp thuế nhận được bằng tiền hoặc không bằng tiền;

e) Tiền thưởng, trừ các khoản tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế, tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Thu nhập từ đầu tư vốn, bao gồm:

a) Tiền lãi cho vay;

b) Lợi tức cổ phần;

c) Thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, trừ thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ.

4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm:

a) Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế;

b) Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán;

c) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.

5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, bao gồm:

a) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;

b) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở;

c) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, thuê mặt nước;

d) Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản.

6. Thu nhập từ trúng thưởng, bao gồm:

a) Trúng thưởng xổ số;

b) Trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại;

c) Trúng thưởng trong các hình thức cá cược, casino;

d) Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác.

7. Thu nhập từ bản quyền, bao gồm:

a) Thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ;

b) Thu nhập từ chuyển giao công nghệ.

8. Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.

9. Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.

10. Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.

Điều 4. Thu nhập được miễn thuế

1. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.

2. Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất.

3. Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất.

4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.

5. Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.

6. Thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao để sản xuất.

7. Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

8. Thu nhập từ kiều hối.

9. Phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật.

10. Tiền lương hưu do Bảo hiểm xã hội chi trả.

11. Thu nhập từ học bổng, bao gồm:

a) Học bổng nhận được từ ngân sách nhà nước;

b) Học bổng nhận được từ tổ chức trong nước và ngoài nước theo chương trình hỗ trợ khuyến học của tổ chức đó.

12. Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tiền bồi thường tai nạn lao động, khoản bồi thường nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật.

13. Thu nhập nhận được từ quỹ từ thiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, không nhằm mục đích lợi nhuận.

14. Thu nhập nhận được từ nguồn viện trợ nước ngoài vì mục đích từ thiện, nhân đạo dưới hình thức chính phủ và phi chính phủ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 5. Giảm thuế

Đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

Điều 6. Quy đổi thu nhập chịu thuế ra Đồng Việt Nam

1.Thu nhập chịu thuế nhận được bằng ngoại tệ phải được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh thu nhập.

2.Thu nhập chịu thuế nhận được không bằng tiền phải được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo giá thị trường của sản phẩm, dịch vụ đó hoặc sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh thu nhập.

Điều 7. Kỳ tính thuế

1. Kỳ tính thuế đối với cá nhân cư trú được quy định như sau:

a) Kỳ tính thuế theo năm áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ tiền lương, tiền công;

b) Kỳ tính thuế theo từng lần phát sinh thu nhập áp dụng đối với thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ chuyển nhượng vốn, trừ thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ trúng thưởng; thu nhập từ bản quyền; thu nhập từ nhượng quyền thương mại; thu nhập từ thừa kế; thu nhập từ quà tặng;

c) Kỳ tính thuế theo từng lần chuyển nhượng hoặc theo năm đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán. Trường hợp cá nhân áp dụng kỳ tính thuế theo năm thì phải đăng ký từ đầu năm với cơ quan thuế.

2. Kỳ tính thuế đối với cá nhân không cư trú được tính theo từng lần phát sinh thu nhập áp dụng đối với tất cả thu nhập chịu thuế.

Điều 8. Quản lý thuế và hoàn thuế

1. Việc đăng ký thuế, kê khai, khấu trừ thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế, xử lý vi phạm pháp luật về thuế và các biện pháp quản lý thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

2. Cá nhân được hoàn thuế trong các trường hợp sau đây:

a) Số tiền thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp;

b) Cá nhân đã nộp thuế nhưng có thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế;

c) Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 9. Áp dụng điều ước quốc tế

Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về thuế thu nhập cá nhân khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Chương II

CĂN CỨ TÍNH THUẾ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN CƯ TRÚ

Mục 1

XÁC ĐỊNH THU NHẬP CHỊU THUẾ VÀ THU NHẬP TÍNH THUẾ

Điều 10. Thu nhập chịu thuế từ kinh doanh

1. Thu nhập chịu thuế từ kinh doanh được xác định bằng doanh thu trừ các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập chịu thuế từ kinh doanh trong kỳ tính thuế.

2. Doanh thu là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.

Thời điểm xác định doanh thu là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hoá, hoàn thành dịch vụ hoặc thời điểm lập hoá đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ.

3. Chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập chịu thuế từ kinh doanh trong kỳ tính thuế bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công, các khoản thù lao và các chi phí khác trả cho người lao động;

b) Chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng, hàng hoá sử dụng vào sản xuất, kinh doanh, chi phí dịch vụ mua ngoài;

c) Chi phí khấu hao, duy tu, bảo dưỡng tài sản cố định sử dụng vào sản xuất, kinh doanh;

d) Chi trả lãi tiền vay;

đ) Chi phí quản lý;

e) Các khoản thuế, phí và lệ phí phải nộp theo quy định của pháp luật được tính vào chi phí;

g) Các khoản chi phí khác liên quan đến việc tạo ra thu nhập.

4. Việc xác định doanh thu, chi phí dựa trên cơ sở định mức, tiêu chuẩn, chế độ và chứng từ, sổ kế toán theo quy định của pháp luật.

5. Trường hợp nhiều người cùng tham gia kinh doanh trong một đăng ký kinh doanh thì thu nhập chịu thuế của mỗi người được xác định theo một trong các nguyên tắc sau đây:

a) Tính theo tỷ lệ vốn góp của từng cá nhân ghi trong đăng ký kinh doanh;

b) Tính theo thoả thuận giữa các cá nhân ghi trong đăng ký kinh doanh;

c) Tính bằng số bình quân thu nhập đầu người trong trường hợp đăng ký kinh doanh không xác định tỷ lệ vốn góp hoặc không có thoả thuận về phân chia thu nhập giữa các cá nhân.

6. Đối với cá nhân kinh doanh chưa tuân thủ đúng chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ mà không xác định được doanh thu, chi phí và thu nhập chịu thuế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu, tỷ lệ thu nhập chịu thuế để xác định thu nhập chịu thuế phù hợp với từng ngành, nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Điều 11. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công

1. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số thu nhập quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật này mà đối tượng nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế.

2. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế hoặc thời điểm đối tượng nộp thuế nhận được thu nhập.

Điều 12. Thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn

1. Thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn là tổng số các khoản thu nhập từ đầu tư vốn quy định tại khoản 3 Điều 3 của Luật này mà đối tượng nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế.

2. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế hoặc thời điểm đối tượng nộp thuế nhận được thu nhập.

Điều 13. Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn

1. Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

2. Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng chứng khoán thì thu nhập chịu thuế được xác định là giá bán chứng khoán.

3. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn là thời điểm giao dịch chuyển nhượng vốn hoàn thành theo quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.

Điều 14. Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản

1. Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định bằng giá chuyển nhượng bất động sản theo từng lần chuyển nhượng trừ giá mua bất động sản và các chi phí liên quan, cụ thể như sau:

a) Giá chuyển nhượng bất động sản là giá theo hợp đồng tại thời điểm chuyển nhượng;

b) Giá mua bất động sản là giá theo hợp đồng tại thời điểm mua;

c) Các chi phí liên quan được trừ căn cứ vào chứng từ, hoá đơn theo quy định của pháp luật, bao gồm các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật liên quan đến quyền sử dụng đất; chi phí cải tạo đất, cải tạo nhà, chi phí san lấp mặt bằng; chi phí đầu tư xây dựng nhà ở, kết cấu hạ tầng và công trình kiến trúc trên đất; các chi phí khác liên quan đến việc chuyển nhượng bất động sản.

2. Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng bất động sản thì thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng bất động sản.

3. Chính phủ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá chuyển nhượng bất động sản trong trường hợp không xác định được giá chuyển nhượng hoặc giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi trên hợp đồng thấp hơn giá đất do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định có hiệu lực tại thời điểm chuyển nhượng.

4. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Thu nhập chịu thuế từ trúng thưởng

1. Thu nhập chịu thuế từ trúng thưởng là phần giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được theo từng lần trúng thưởng.

2. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ trúng thưởng là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế.

Điều 16. Thu nhập chịu thuế từ bản quyền

1. Thu nhập chịu thuế từ bản quyền là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được khi chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ theo từng hợp đồng.

2. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ bản quyền là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế.

Điều 17. Thu nhập chịu thuế từ nhượng quyền thương mại

1. Thu nhập chịu thuế từ nhượng quyền thương mại là phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được theo từng hợp đồng nhượng quyền thương mại.

2. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ nhượng quyền thương mại là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế.

Điều 18. Thu nhập chịu thuế từ thừa kế, quà tặng

1. Thu nhập chịu thuế từ thừa kế, quà tặng là phần giá trị tài sản thừa kế, quà tặng vượt trên 10 triệu đồng mà đối tượng nộp thuế nhận được theo từng lần phát sinh.

2. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế được quy định như sau:

a) Đối với thu nhập từ thừa kế là thời điểm đối tượng nộp thuế nhận được thừa kế;

b) Đối với thu nhập từ quà tặng là thời điểm tổ chức, cá nhân tặng cho đối tượng nộp thuế hoặc thời điểm đối tượng nộp thuế nhận được thu nhập.

Điều 19. Giảm trừ gia cảnh

1. Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Giảm trừ gia cảnh gồm hai phần sau đây:

a) Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm);

b) Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.

2. Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế.

3. Người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm:

a) Con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động;

b) Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức quy định, bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.

Chính phủ quy định mức thu nhập, kê khai để xác định người phụ thuộc được tính giảm trừ gia cảnh.

Điều 20. Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo

1. Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được trừ vào thu nhập trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú, bao gồm:

a) Khoản đóng góp vào tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa;

b) Khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học.

2. Tổ chức, cơ sở và các quỹ quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích lợi nhuận.

Điều 21. Thu nhập tính thuế

1. Thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công là tổng thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Luật này, trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, các khoản giảm trừ quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật này.

2. Thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, tiền bản quyền, nhượng quyền thương mại, nhận thừa kế, quà tặng là thu nhập chịu thuế quy định tại các điều 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 của Luật này.

Mục 2

BIỂU THUẾ

Điều 22. Biểu thuế luỹ tiến từng phần

1. Biểu thuế luỹ tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này.

2. Biểu thuế luỹ tiến từng phần được quy định như sau:

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/năm

(triệu đồng)

Phần thu nhập tính thuế/tháng

(triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Đến 60

Đến 5

5

2

Trên 60 đến 120

Trên 5 đến 10

10

3

Trên 120 đến 216

Trên 10 đến 18

15

4

Trên 216 đến 384

Trên 18 đến 32

20

5

Trên 384 đến 624

Trên 32 đến 52

25

6

Trên 624 đến 960

Trên 52 đến 80

30

7

Trên 960

Trên 80

35





Điều 23. Biểu thuế toàn phần

1. Biểu thuế toàn phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế quy định tại khoản 2 Điều 21 của Luật này.

2. Biểu thuế toàn phần được quy định như sau:

Thu nhập tính thuế

Thuế suất (%)

a) Thu nhập từ đầu tư vốn

5

b) Thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại

5

c) Thu nhập từ trúng thưởng

10

d) Thu nhập từ thừa kế, quà tặng

10

đ) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này

Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này

20

0,1

e) Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này

Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản quy định tại khoản 2 Điều 14 của Luật này

25

2



Điều 24. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú

1. Trách nhiệm kê khai, khấu trừ, nộp thuế, quyết toán thuế được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập có trách nhiệm kê khai, khấu trừ, nộp thuế vào ngân sách nhà nước và quyết toán thuế đối với các loại thu nhập chịu thuế trả cho đối tượng nộp thuế;

b) Cá nhân có thu nhập chịu thuế có trách nhiệm kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước và quyết toán thuế đối với mọi khoản thu nhập theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

2. Tổ chức, cá nhân trả thu nhập có trách nhiệm cung cấp thông tin về thu nhập và người phụ thuộc của đối tượng nộp thuế thuộc đơn vị mình quản lý theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định mức khấu trừ thuế phù hợp với từng loại thu nhập quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Chương III

CĂN CỨ TÍNH THUẾ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN KHÔNG CƯ TRÚ

Điều 25. Thuế đối với thu nhập từ kinh doanh

1. Thuế đối với thu nhập từ kinh doanh của cá nhân không cư trú được xác định bằng doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều này nhân với thuế suất quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Doanh thu là toàn bộ số tiền phát sinh từ việc cung ứng hàng hoá, dịch vụ bao gồm cả chi phí do bên mua hàng hoá, dịch vụ trả thay cho cá nhân không cư trú mà không được hoàn trả.

Trường hợp thoả thuận hợp đồng không bao gồm thuế thu nhập cá nhân thì doanh thu tính thuế phải quy đổi là toàn bộ số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được dưới bất kỳ hình thức nào từ việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ tại Việt Nam không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành các hoạt động kinh doanh.

3. Thuế suất đối với thu nhập từ kinh doanh quy định đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh như sau:

a) 1% đối với hoạt động kinh doanh hàng hoá;

b) 5% đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ;

c) 2 % đối với hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải và hoạt động kinh doanh khác.

Điều 26. Thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công

1. Thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công quy định tại khoản 2 Điều này nhân với thuế suất 20%.

2. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công là tổng số tiền lương, tiền công mà cá nhân không cư trú nhận được do thực hiện công việc tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.

Điều 27. Thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn

Thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn của cá nhân không cư trú được xác định bằng tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc đầu tư vốn vào tổ chức, cá nhân tại Việt Nam nhân với thuế suất 5%.

Điều 28. Thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn

Thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú được xác định bằng tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại tổ chức, cá nhân Việt Nam nhân với thuế suất 0,1%, không phân biệt việc chuyển nhượng được thực hiện tại Việt Nam hay tại nước ngoài.

Điều 29. Thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản

Thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản tại Việt Nam của cá nhân không cư trú được xác định bằng giá chuyển nhượng bất động sản nhân với thuế suất 2%.

Điều 30. Thuế đối với thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại

1. Thuế đối với thu nhập từ bản quyền của cá nhân không cư trú được xác định bằng phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo từng hợp đồng chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam nhân với thuế suất 5%.

2. Thuế đối với thu nhập từ nhượng quyền thương mại của cá nhân không cư trú được xác định bằng phần thu nhập vượt trên 10 triệu đồng theo từng hợp đồng nhượng quyền thương mại tại Việt Nam nhân với thuế suất 5%.

Điều 31. Thuế đối với thu nhập từ trúng thưởng, thừa kế, quà tặng

1. Thuế đối với thu nhập từ trúng thưởng, thừa kế, quà tặng của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế quy định tại khoản 2 Điều này nhân với thuế suất 10%.

2. Thu nhập chịu thuế từ trúng thưởng của cá nhân không cư trú là phần giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng theo từng lần trúng thưởng tại Việt Nam; thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là phần giá trị tài sản thừa kế, quà tặng vượt trên 10 triệu đồng theo từng lần phát sinh thu nhập mà cá nhân không cư trú nhận được tại Việt Nam.

Điều 32. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế

1. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập quy định tại Điều 25 của Luật này là thời điểm cá nhân không cư trú nhận được thu nhập hoặc thời điểm xuất hoá đơn bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ.

2. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập quy định tại các điều 26, 27, 30 và 31 của Luật này là thời điểm tổ chức, cá nhân ở Việt Nam trả thu nhập cho cá nhân không cư trú hoặc thời điểm cá nhân không cư trú nhận được thu nhập từ tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.

3. Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập quy định tại Điều 28 và Điều 29 của Luật này là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực.

Điều 33. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế là cá nhân không cư trú

1. Tổ chức, cá nhân trả thu nhập có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo từng lần phát sinh đối với các khoản thu nhập chịu thuế trả cho đối tượng nộp thuế.

2. Đối tượng nộp thuế là cá nhân không cư trú có trách nhiệm kê khai, nộp thuế theo từng lần phát sinh thu nhập đối với thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 34. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.

2. Bãi bỏ các văn bản, quy định sau đây:

a) Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao số 35/2001/PL-UBTVQH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 14/2004/PL-UBTVQH11;

b) Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất ban hành ngày 22 tháng 6 năm 1994 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/1999/QH10;

c) Quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cá nhân sản xuất, kinh doanh không bao gồm doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 09/2003/QH11;

d) Các quy định khác về thuế đối với thu nhập của cá nhân trái với quy định của Luật này.

3. Những khoản thu nhập của cá nhân được ưu đãi về thuế quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được hưởng ưu đãi.

Điều 35. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

Nguyễn Phú Trọng