Friday, July 24, 2009

24/07/2009

(TuanVietNam) - Không chọn nhiều vấn đề để nói nhưng những câu chuyện mà "Phát ngôn & Hành động ấn tượng" kể ra trong tuần này đều gần gũi với đời sống người dân trong nước.



Ngư dân phải tự cứu mình?

Dư luận không thể không bày tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ trước việc Trung Quốc bắt giữ, ngăn cản người dân Việt Nam ra đánh bắt cá trên biển, đâm chìm tàu của ngư dân ở Quảng Ngãi đã diễn ra trong mấy ngày qua.

Sự việc diễn ra đúng vụ cá khiến ngư dân của ta phải chịu thiệt đủ đường, thậm chí đã có những thiệt mạng từ những cú va chạm đó. Đã thế, Trung Quốc còn đòi các tàu cá của ta phải nộp phạt. Đây là những hành động và đòi hỏi vô lối, xâm phạm đến lợi ích và sự bình yên của ngư dân VN ở chính vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta.

TS Chu Tiến Vĩnh

"Thật vô lý khi ngư dân hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước mình mà phải đóng phạt. Nên dứt khoát sẽ không có chuyện nộp phạt và Trung Quốc phải thả vô điều kiện các ngư dân đang bắt giữ", TS Chu Tiến Vĩnh, Cục trưởng Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chủ tịch Ủy ban liên hiệp nghề cá Việt - Trung, đã lên tiếng phản đối đòi hỏi quá đáng từ phía Trung Quốc (VietNamNet, 23/7).

Ở một góc độ khác, ông Vũ Khang Cường, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn (Vietnam MRCC), tiếc rằng đã chưa tỏ ra thông cảm và thấu hiểu với những khó khăn mà ngư dân ta đang gặp phải.

"Ý thức người đi biển, đặc biệt là các ngư dân trên tàu đánh cá còn kém. Về nguyên tắc, khi đi biển ngư dân cần có kiến thức tự bảo vệ mình, nếu chẳng may có tai nạn xảy ra thì phải biết tự làm gì trước khi có tàu cứu nạn tới. Ở Việt Nam chúng ta còn rất kém về vấn đề này đặc biệt là ngư dân", ông Cường đã phát biểu, bên cạnh việc đưa ra khuyến cáo rằng ngư dân ra khơi cần "né" luồng tàu lớn và cho rằng công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển ở Việt Nam hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn (Công an nhân dân, 21/7)

"Lời khuyên" của ông Cường đã khiến nhiều người không hài lòng. Nếu gặp phải trường hợp đó, trước hết, các cơ quan chức trách phải cùng lên tiếng và có cách hành động ra sao để ngư dân không phải gánh chịu "tai nạn" thay vì "phàn nàn" về ý thức của ngư dân chứ. Thử hỏi, có ai không lo cho thân mình khi dong buồm ra khơi, nhất là khi ngoài khơi xa đó vẫn luôn có nhiều sóng to, bão lớn!

Việt Nam: Thuận lợi cho các khu tự do kinh tế

TS. Võ Đại Lược

TS Võ Đại Lược cho rằng, phát triển đặc khu kinh tế có ý nghĩa chiến lược đối với VN, nó giúp tạo ra đột phá về thể chế hành chính; đột phá về cơ cấu kinh tế và xã hội, tạo điều kiện nâng cao mức sống và giải quyết vấn đề môi trường. Làm tốt việc xây dựng khu kinh tế tự do là bí quyết quan trọng để thực hiện các mục tiêu kinh tế của quốc gia.

Hơn ai hết, VN có nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển nhanh các khu kinh tế tự do. VN như khu đất vàng của khu vực, giống như Hàng Ngang, Hàng Đào của Hà Nội.

"Chỉ tiếc rằng chúng ta chưa biết khai thác, mà chỉ có thể tổ chức bán nước uống và sửa xe đạp", ông Lược nói.

"Ở Hàng Ngang, Hàng Đào, người chủ sở hữu những khu đất vàng này chủ yếu cho người khác thuê để kinh doanh, từ đó họ học hỏi kinh nghiệm rồi từng bước tự làm. "Đây là phương án dân dã nhất và chúng ta không nên bỏ qua kinh nghiệm này", TS Võ Đại Lược đề nghị. (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 23/7)

Đóng cửa trường học nếu xuất hiện cúm A/H1N1?

Ông Nguyễn Thành Tài

Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM - ông Bùi Khắc Huy cho biết, nếu tình hình dịch cúm lây lan trong trường học diễn biến theo chiều hướng xấu thì có thể sẽ phải đóng cửa tất cả các trường học, cách ly học sinh để đảm bảo an toàn.

Đến chiều 23/7, cúm H1N1 đã loang thành ổ dịch tại 2 trường học ở TP HCM là trường trung học tư thục Ngô Thời Nhiệm, quận 9, với số học sinh xác định dương tính hiện là trên 70. Còn tại Cơ sở 3 Trường trung học tư thục Nguyễn Khuyến, 32 học sinh lên cơn sốt, 2 ca đã xác định dương tính. Các cơ sở này đều đã hình thành "bệnh viện dã chiến", học sinh phải nghỉ học, đi "sơ tán", nhằm đối phó với khả năng lây lan ra cộng đồng

Cũng may đây đang là thời điểm nghỉ hè, học sinh trên địa bàn TP chưa đến trường nhiều. Thế nhưng, mùa học mới cũng đang tới gần. Rõ ràng tình hình dịch cúm H1N1 tại khu vực TPHCM đang trở nên nguy cấp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM - Nguyễn Thành Tài - đã chỉ đạo lưu ý việc điều trị các ca bệnh nặng, tránh để tử vong nhưng không tập trung cho bệnh viện tuyến trên mà sàng lọc phân bố cho các bệnh viện quận huyện.

“Địa bàn tập trung dự phòng ngay là trường học vì hiện thành phố có tới 1 triệu học sinh sắp khai giảng năm học mới và trên 300.000 sinh viên nữa. Trước khai giảng năm học phải khảo sát tất cả trường học, tiến hành vệ sinh, khử trùng”, vị phó chủ tịch nêu. (VnExpress, 23/7)

Lại một lần nữa vấn đề phòng bệnh trong sinh hoạt hàng ngày, vệ sinh cá nhân và phòng bệnh ở những nơi tập trung đông người lại trở nên khẩn thiết, đáng lưu tâm không chỉ trong trường học hay các khu nội trú. Tiếc rằng tại các trường có ổ dịch đã diễn ra cảnh mạnh ai người nấy tháo trường bỏ về nhà hoặc về quê, học sinh chưa được trường tập trung để "có xe đưa các em về nhà an toàn” như kế hoạch mà Ban giám hiệu nhà trường vạch ra ban đầu...

"Né" ung thư bằng phòng bệnh và sống sạch

GS-TS Lê Thế Trung

Là người bỏ nhiều thời gian nghiên cứu những bài thuốc đông y chữa trị ung thư, GS-TSKH Lê Thế Trung, nguyên Giám đốc Bệnh viện 103, Chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội, khẳng định: Một số bài thuốc đông y có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư chứ đông y không thể chữa khỏi hẳn được căn bệnh này như phần lớn những ông lang vẫn quảng cáo.

"80-90% các loại bệnh ung thư bắt nguồn từ ăn, uống, thở. Do đó, ăn sạch, uống sạch, sống ở môi trường trong sạch sẽ hạn chế được 80-90% nguy cơ mắc bệnh ung thư", GS Trung nói.

Cùng với việc cho rằng "bệnh ung thư sẽ không phải quá nguy hiểm nếu phát hiện sớm" thì những "cảnh báo" kể trên về các ông lang vườn quảng cáo chữa được ung thư cũng là điều hữu ích với nhiều người để khỏi tiền mất, tật mang. (VTC News, 23/7)

"Nghiêm trọng"

Ông Bùi Văn Chiểu

Hanoi Landmark Tower, tòa nhà có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD, đang được xây dựng được cho là cao nhất Việt Nam và cao thứ 17 trên thế giới. Được khởi công từ năm 1997, đến cuối năm 2008, trước những nghi ngờ và thậm chí tranh cãi nảy lửa về tiến độ công trình, chủ đầu tư dự án Keangnam khẳng định sẽ hoàn thành phần thô các tòa tháp vào tháng 10/2010.

Tuy nhiên, chỉ trong hai ngày 21 và 22/7 đã có 2 vụ tai nạn liên tiếp đã làm 4 người chết tại công trình này.

Trao đổi với VnExpress, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Bùi Văn Chiểu nhận định sự việc "là nghiêm trọng". Ông cho rằng với một tòa nhà lớn 70 tầng, đòi hỏi biện pháp thi công an toàn, khâu giám sát chặt chẽ, người thi công không được chủ quan.

"Các công trình lớn, phần nhiều tai nạn xảy ra là do giám sát của cán bộ kỹ thuật chưa tốt, công nhân làm ẩu. Tuy nhiên, 2 ngày xảy ra 2 vụ tai nạn tại Hanoi Landmark Tower thì lỗi không hẳn do người thực hiện", ông Chiểu phán đoán.

Không ai mong đợi những tin xấu như vậy, nhưng Hà Nội và nhiều thành phố khác của VN đang ngày càng có thêm nhiều tòa nhà ngày càng cao hơn, quy mô hơn thì sự an toàn và chất lượng công trình cần được xem trọng và đảm bảo chắc chắn như cam kết về... tiến độ.

"Chuyện hầm đường bộ bị ngập chỉ có ở ta"

Nước ngập mênh mông ở hầm đường bộ (Ảnh: VNE)

Sau hai trận mưa lớn ở Hà Nội, hầm đường bộ Kim Liên Liên, được cho là hiện đại nhất VN, đều biến thành... hồ, nước ngập quá nửa bánh xe. Lần đầu, ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị Hà Nội - đại diện chủ đầu tư - giải thích là "do hệ thống bơm chính chưa hoạt động".

Nay, khi trạm bơm chính đã đi vào hoạt động thì không như lời "cam kết " lúc ấy, tình trạng... hầm thành hồ lại xảy ra. Lần này, ông Ngô Quý Tuấn, là Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm đô thị Hà Nội, nói:

"Tôi xin khẳng định trận ngập lụt sáng 20/7 không phải là do trạm bơm. Ở Nhật hoặc một số nước tiên tiến, môi trường sạch, không có rác cho nên nước bao nhiêu cũng chảy hết. Nhưng ở môi trường của chúng ta rác rất nhiều cho nên đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên việc lưu lượng nước đưa vào bể bơm không đầy đủ".

Thế đấy, nếu ở Nhật thì hầm đường bộ kia sẽ không có chuyện ngập đâu, chỉ có ở VN ta thôi... (!)

Đáng suy ngẫm hơn khi ông Ngô Quý Tuấn nói về một sự thật rõ mười mươi là "không riêng hầm Kim Liên mà hầu hết tuyến phố trên địa bàn thành phố đều có hiện tượng ngập"!

Vậy là khi "phố phường thành dòng sông uốn quanh" thì trách gì hầm đường bộ không ngập, tránh làm sao được cơ chứ?! Nghe mà buồn... Loay hoay đổ lỗi cho ai bây giờ?

Có cách gì không, ngoài cách đổ hàng tỉ đôla để nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước, vậy mà việc cứ mưa là ngập vẫn trở thành "chuyện thường ngày ở huyện"? Phải chăng đây chính là hậu quả của một quá trình đô thị hóa nhiều năm đã diễn ra một cách tự phát và thiếu đầu tư đồng bộ cho cơ sở hạ tầng đô thị, phải chăng bây giờ là lúc đô thị phải "trả giá" sau một thời gian dài đi vay mượn, sống lẹm vào tự nhiên.

Nói như TS Hồ Long Phi (ĐH Quốc gia TPHCM) trên Tuổi Trẻ (21/7): Việc cần làm lúc này là theo xu thế đang được ủng hộ rộng rãi trên khắp thế giới là phải kết hợp một cách hợp lý giữa bảo vệ (protection) với thích nghi (adaptation) một cách chủ động. Đó chính là chiến lược kiểm soát ngập lụt đô thị khôn ngoan, bền vững và kinh tế nhất trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Dẫu gì thì cũng phải tin tưởng vào một viễn cảnh tươi sáng hơn, kể cả ngày qua ngày vẫn phải lội nước bì bõm đi làm. Và bắt chước cách nói của ông Ngô Quý Tuấn ở trên - "Khi hoàn thành, hầm Kim Liên chịu được mọi trận mưa" - thì có thể nói rằng "khi Hà Nội, TP HCM giàu có, sung túc hơn, mọi vấn đề về thoát nước, trị thủy được giải quyết, hoàn thiện hết cả, thì mọi trận mưa khi đó mới trở thành... chuyện nhỏ!"

Danh Anh

Related Articles

No comments:

Post a Comment