Friday, July 17, 2009

17/07/2009

Trong quá trình phát triển ở các đô thị của chúng ta, luôn có những chuyện, những tình huống rất bi hài mà người chứng kiến một lần có thể nhớ mãi. Chẳng hạn câu chuyện “anh hùng vô danh cắt dây cáp” mà Phát ngôn & Hành động ấn tượng tuần này sẽ kể lại cho quý độc giả.


Phó Chủ tịch HN: “Không rõ bao nhiêu khu đô thị có trường”

Tại phiên chất vấn của HĐND về thực trạng thiếu trường học trên địa bàn thành phố, một loạt đại biểu đã nêu câu hỏi đối với Phó Chủ tịch Hà Nội, bà Ngô Thị Thanh Hằng. Tình hình là, trong 100 khu đô thị mới trên địa bàn, nhiều nơi bị thiếu trường, do việc xây dựng trường chưa có trong quy hoạch khu đô thị.

Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội, bà Ngô Thị Thanh Hằng, trả lời chất vấn tại phiên họp HĐND. (Ảnh: Nguyễn Hưng)

Trường học sẽ ngày càng thiếu hơn trong những năm tới, cùng với quá trình phá bỏ, cải tạo chung cư cũ, cấp thấp thành chung cư mới.

Các đại biểu ồ ạt chất vấn, làm Phó Chủ tịch mất gần hai tiếng đồng hồ giải trình. Bà cho biết thành phố đã yêu cầu chủ đầu tư các khu đô thị xây đồng bộ trường học.

Tuy vậy, bà cũng thừa nhận: “Đến nay tôi không nắm được có bao nhiêu khu đô thị đã có trường”. Thế nên các đơn vị liên quan vẫn đã và đang rà soát. (VnExpress, 16/7)

Có điều, theo ông Lê Quang Nhuệ, Phó Chủ tịch HĐND Hà Nội, thì từ năm 2007 lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo rà soát trường học. Ngồi tại bàn điều hành phiên họp, nhưng ông Nhuệ cũng phải bức xúc đứng dậy chất vấn:

Cách đây 2 năm, tức năm 2007, HĐND thực hiện giám sát về hạ tầng các khu đô thị mới, UBND đã nói sẽ rà soát, bây giờ lại vẫn nói… sẽ rà soát. Rà soát có khó không khi chúng ta có bộ máy từ quận đến phường, có hệ thống mạng thông tin? Liệu chúng ta có phải thuê lực lượng chuyên nghiệp rà soát không?”. (Dân Trí, 16/7)

Liên quan đến chuyện trường sở còn thiếu, bà Ngô Thị Thanh Hằng giải thích, việc thiếu trường tại 6 phường Trung Liệt, Láng Thượng, Phương Mai, Ngã Tư Sở, Lê Đại Hành, Thanh Nhàn là do quỹ đất hạn hẹp, quy hoạch mạng lưới trường không đáp ứng thực tế. Tóm lại là “do lịch sử để lại”.

Thật đến khổ cho lịch sử!

“Xu thế mà thế giới đang tránh là không đi vào “bệnh đầu to””

Căn bệnh đầu to mà ông Trần Trọng Hanh - đại biểu HĐND, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội – nêu ra ở đây không phải là bệnh lý trong y học, mà là bệnh phát triển dồn về đô thị. Nhận xét về 700 đồ án quy hoạch thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, với chỉ tiêu 40% đất dành cho xây dựng và cải tạo, ông Hanh cho rằng Hà Nội sẽ biến thành một “siêu thành phố với 34 triệu dân”.

ĐB HĐND Trần Trọng Hanh. (Ảnh: Tiến Dũng)

Trong khi đó, theo ông Hanh, “trong giai đoạn hiện nay, xu thế mà cả thế giới đang tránh là không đi vào “bệnh đầu to”. Ví dụ, thủ đô Bangkok đã tạo ra sự chênh lệch giữa đô thị và nông thôn, giữa giàu và nghèo...”. (VnExpress, 15/7)

Có lẽ cũng nên xem điều ông Trần Trọng Hanh nói như một lời cảnh báo cho các nhà quy hoạch và làm chính sách. Phát triển hợp lý phải là một quá trình đô thị hóa đồng đều cả nước chứ không thể tập trung vào hai thành phố đã quá tải. Mỗi tỉnh đều đã có thành phố lớn trực thuộc tỉnh, đô thị hóa là quá trình người dân di cư từ vùng ngoại ô, nông thôn, ra thành phố trực thuộc tỉnh mình, chứ không phải đổ dồn hết vào Hà Nội và TP HCM.

Để rồi không còn là đô thị hóa, mà là nông thôn hóa Hà Nội và TP HCM. Để rồi đến khi cơ sở hạ tầng của hai thành phố này quá tải, đất đai khan hiếm, thiếu bệnh viện, trường học, sẽ lại có người đổ tại “lịch sử”.

Riêng trong trường hợp Việt Nam, nếu nhiễm căn bệnh đầu to trong quy hoạch đô thị và phát triển, Hà Nội và TP HCM sẽ phình đại. Tức là nước ta tiến tới ngưỡng bệnh “đầu to chân to”.

Ra đề sai, lỗi là của người biên soạn sách

Mới đây, trên trang web vanhocmang.net, tác giả Nguyễn Đình Nam đưa ra dẫn chứng trên Google và tài liệu của sử gia Mỹ cho thấy trích dẫn trong đề Văn ĐH khối C không phải của tổng thống Lincoln.

Cục phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa cho biết, đề Văn khối C đã ra theo đúng nội dung chương trình phổ thông. Câu trích dẫn Tổng thống Lincoln nằm trong SGK Văn lớp 10.

Việc xác định đó có đúng là câu nói của tổng thống Mỹ hay không là trách nhiệm của những người biên soạn SGK Văn” - ông Nghĩa nói. (VnExpress, 13/7)

Bộ SGK Văn 10 do GS Phan Trọng Luận làm chủ biên. (Nguồn ảnh: songhuong.com.vn)

Còn GS Phan Trọng Luận, Tổng chủ biên của SGK Văn lớp 10 - cuốn sách đăng tải bức thư được trích trong đề Văn – thì cho biết: Khi soạn sách, Ban soạn thảo đã dựa vào một cuốn sách của NXB Trẻ (cuốn “Những mẩu chuyện về nhà giáo” xuất bản năm 2004) để làm nguồn.

Quả thật, nếu nguồn đã sai thì trích dẫn sai theo là điều không tránh khỏi. Thế nhưng, việc trích dẫn, nhất là để đưa vào những văn bản, ấn phẩm có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn như đề thi ĐH cả nước, SGK dùng cho cả nước, thì không thể làm theo kiểu “tôi chỉ biết bê nguyên xi, đúng hay sai là do nguồn ngay trước tôi” được.

Nhìn nhận một cách bi quan thì câu chuyện này cho thấy một hiện tượng đang trở thành phổ biến trong xã hội, ngay cả ở những giới được coi là “elite” như trí thức, quan chức. Đó là cái sự thấy lỗi đổ vấy cho nhau, rất lòng vòng, thiếu tinh thần trách nhiệm “dám làm dám chịu”.

Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục quy lỗi cho bên biên soạn SGK. Bên biên soạn đá vội quả bóng trách nhiệm sang NXB Trẻ. Rồi đến lượt mình, NXB Trẻ sẽ đổ lỗi cho ai?

Nhà có con gái đẹp thì phải có chính sách bảo vệ!

Ngày 9/7, 6 nhà xuất bản ngoại văn ở Việt Nam loạt đưa ra 393 tựa sách của mình bị làm lậu và đồng thanh kêu cứu.

Đây mới là lần đầu tiên các nhà xuất bản nước ngoài kêu cứu lên chính quyền Việt Nam, chứ giới làm sách trong nước thì đã “oai oái” từ lâu trước nạn sách lậu. Chưa cần số liệu thống kê, ta chỉ vào mạng tìm từ khóa “sách lậu” là đã ra hàng chục bài báo viết về vấn nạn này, với rất nhiều đơn vị kêu la: NXB Trẻ, NXB Văn hóa - Thông tin, Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam, v.v…

Cục trưởng Vũ Mạnh Chu.
(Nguồn ảnh: An Ninh Thủ Đô)

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Vũ Mạnh Chu lại bảo: “Các đơn vị bị vi phạm tác quyền mới chỉ lên tiếng chứ chưa quyết tâm bảo vệ tác quyền của mình. Nếu không tỏ thái độ quyết liệt thì đừng kêu tôi bị vi phạm tác quyền nữa. Đã lên tiếng thì phải đưa ra giải pháp. Nhà có con gái đẹp thì phải có chính sách bảo vệ”. (VietNamNet, 11/7)

Câu nói của ông Chu làm giới xuất bản “nóng gáy”. Thứ nhất là ông Chu buông lời chê trách hơi… nặng và sai. Các đơn vị làm sách đã không chỉ “xoay xở” bằng con đường chính thống là gửi đơn khiếu nại, kêu gọi chính quyền, kêu gọi báo chí vào cuộc mà còn đi theo cả con đường phi chính thống, thậm chí đánh tiếng “xin” từng đầu nậu “lạy bác tha cho sách nhà em”.

Thứ hai là… nếu nhà ta (chẳng may) có con gái đẹp, phải có chính sách bảo vệ kiểu gì đây nếu luật pháp không được thực thi, chính quyền, công an, cảnh sát đều bảo ta “chưa quyết tâm bảo vệ”, “đã lên tiếng thì phải đưa ra giải pháp”?

Trong tình huống như thế, cách tốt nhất là phải may cho con gái một bộ áo giáp 5 lần khóa!

Giá xăng dầu tuy tăng nhưng vẫn thấp hơn khu vực

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính – đang “treo” một tin vui trên đầu người tiêu dùng: “Nếu đến 20/7 tới diễn biến giá xăng dầu thế giới vẫn giảm, mà các doanh nghiệp không có ý kiến về việc giảm giá thì dứt khoát liên bộ sẽ nhắc nhở”. (Tiền Phong, 16/7)

Cục trưởng Nguyễn Tiến Thỏa. (Nguồn ảnh: tienphongonline.com)

Đây có lẽ là phát ngôn khiến chúng ta mừng rỡ nhất trong tuần, dù chuyện giảm giá xăng dầu chưa đến.

Trước đó, Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, với mức giá xăng dầu thế giới bình quân 14 ngày gần đây cộng với các khoản thuế, phí phải nộp và khoản tạm ứng từ ngân sách nhà nước 1.000 đồng đối với mặt hàng xăng, thì doanh nghiệp vẫn bị lỗ. Nói cách khác, xăng dầu vẫn bị lỗ chưa hạ giá được, người dân chờ đã.

Ông Hiếu cũng nói thêm là tuy giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng lên nhưng hiện nay còn thấp hơn giá của một số nước trong khu vực.

Để ý theo dõi những lần tăng giá xăng dầu, chúng ta thường thấy có sự so sánh với giá mặt hàng này trong khu vực để thấy dù tăng, giá của ta vẫn rẻ hơn. Đây là một phép so sánh rất được ưa thích, chắc cũng chỉ nhằm mục đích làm người tiêu dùng chúng ta mừng rỡ, lạc quan mà thôi.

“Có một chiếc chiếu rách, đem ra Mỹ Đình cho thuê, tôi cũng có tiền”

Câu nói này là của TS. Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch Chi hội Marketing Hà Nội, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và đầu tư Thủ đô. Tốt nghiệp cử nhân vật lý ĐH Sư phạm Hà Nội, thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Australia, tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Mỹ, anh có đủ tài năng, kiến thức, ý chí và lòng tự tin để “lập ngôn” như vậy.

TS. Hoàng Anh Tuấn, nguyên GĐ Marketing của Microsoft Việt Nam. (Ảnh: Việt Hưng)

Hãy nghe anh nói với các bạn trẻ: “Nếu tôi có một chiếc chiếu rách, đem ra Mỹ Đình cho thuê, tôi cũng có tiền. Nếu tôi có một cái bơm, đi bơm xe và tôi cũng có tiền. Thú thật, tôi nhìn đâu cũng thấy tiền và các bạn có đến n cách kiếm tiền mà chẳng bao giờ phải nói nhà em nghèo, nhà em không có tiền, em phải đi học không có thời gian…”. (Dân Trí, 16/7)

Đây không phải câu nói của một người giàu có nhờ may mắn, thân thế và sau đó rung đùi “dạy thiên hạ”. Bởi vì Hoàng Anh Tuấn đã vươn lên từ nỗ lực của bản thân, trong một gia cảnh không lấy gì làm khá giả. Như lời anh kể: “Tôi từng làm việc tới chảy máu mũi ở trong lò bánh mỳ của Úc, từng lang thang 11-12h đêm trên đường phố Sydney, đơn độc và đói khát”.

Điều tốt đẹp anh đang muốn làm cho thế hệ trẻ, là tư vấn miễn phí cho họ, thậm chí bày cách cho họ kiếm tiền và làm giàu, chỉ với điều kiện họ mạnh dạn, dám làm. Bởi vì “trẻ là phải hành động”.

Cắt dây cáp, cứu giao thông

Đoạn đường ngã tư Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học (Hà Nội) giờ cao điểm chiều 16/7 đã bị ùn tắc nghiêm trọng bởi một sợi dây cáp võng xuống. Các xe buýt (vốn đã cồng kềnh) muốn đi qua đều phải dừng lại, để phụ lái trèo lên nóc, nâng dây lên cho xe đi. Xe trước lọt qua an toàn, dây lại võng xuống, xe sau lại tiếp tục phải nâng dây lên, cứ thế…

Các phụ lái phải "đánh đu" trên nóc xe, dưới hàng dây "giăng mắc muôn nơi". (Nguồn ảnh: Dân Trí)

Báo chí cho hay, đại úy Hoàng Quang Chiến (Đội cảnh sát giao thông số 2), đang làm nhiệm vụ tại khu vực này, đã gọi điện về đơn vị, nhờ thông báo cho cơ quan liên quan đến giải quyết. Tuy nhiên, đến tận 18h40, vẫn không thấy ai đến xử lý.

Không thể tiếp tục chờ đợi, một người dân bèn chủ động dùng kìm cắt đứt sợi dây cáp trên. Giao thông khi ấy mới trở lại bình thường. (Dân Trí, 16/7)

Xin bầu hành động của người vô danh này là hành động ấn tượng của tuần, bởi anh đã giải quyết bay một sự cố mà các cơ quan chức năng chưa kịp xử lý, mặc dù trời đã tối và người dân đang đói bụng muốn về nhà.

Hành động tuy có phần bột phát, hậu quả mang tính phá hoại là làm đứt một dây cáp, nhưng đó là giải pháp linh hoạt trong tình huống cấp bách, lại gỡ rối được cho cả một nút giao thông

Đoan Trang

Related Articles

1 comment:

  1. Bạn nên đổi màu background để mọi ngừoi để đọc thông tin hơn
    ................................
    Đặng Văn Hà
    Chuyên viên tư vấn dịch vụ kế toán trọn gói cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
    Xem chi tiết: Dịch vụ kế toán trọn gói uy tín tại TpHCM hoặc Dich vu ke toan tron goi uy tin tai TpHCM

    ReplyDelete