Sunday, July 12, 2009

Chống sách lậu: có con gái đẹp, phải biết bảo vệ

Bộ Thông tin truyền thông và Bộ Công an vừa ra thông tư liên tịch về phối hợp phòng, chống in lậu vào ngày 12/5, thì chưa đầy hai tháng sau, ngày 9/7, sáu nhà xuất bản ngoại văn tại Việt Nam đồng loạt đưa ra 393 tựa sách của mình bị làm lậu và đồng thanh kêu cứu.

Cứ có sách, ắt sẽ bị luộc

Ngay lần đầu tiên các nhà xuất bản nước ngoài xếp hàng kêu ca về chuyện bị vi phạm tác quyền, số lượng sách bị làm lậu của họ đã gây choáng vì quá lớn. Tính từng đơn vị thì không kém gì tình trạng của các đơn vị xuất bản nội địa đã từng kêu gào nhiều năm qua như Trẻ, Trí Việt...

393 tựa sách của 6 nhà xuất bản nước ngoài bị luộc

Nhà xuất bản Cambridge bị luộc 61 tựa sách, MacMillan 44 tựa, Cengage Learning 30 tựa... Đặc biệt, nhà xuất bản Oxford trưng ra một kỷ lục không mong muốn: bị luộc 206 tựa sách các loại.

Các đầu sách bị vi phạm tác quyền dưới nhiều hình thức: photocopy 100% sách gốc nhưng bìa in màu; in như sách gốc, chất lượng đạt đến 80 - 90%, chỉ người trong nghề mới nhận ra; sách nhái nội dung như sách gốc nhưng chêm vài câu tiếng Việt và có tên nhà xuất bản địa phương; sách song ngữ có tên tác giả và người dịch nhưng không có hợp đồng chuyển nhượng tác quyền.

Ông Vũ Mạnh Chu: Hệ thống pháp luật Việt Nam có 3 con đường xử lý các vụ vi phạm bản quyền: hành chính, dân sự và hình sự. Về mặt xử lý hình sự, hành vi sao chép tác phẩm trái phép có mức án tù là 3 năm nhưng chúng ta chưa có vụ nào, mới chỉ có 20 vụ dân sự trong lĩnh vực này. Luật của chúng ta có mức phạt tối đa đến 500 triệu đồng, có thể đối với một số đơn vị thì không hề gì, nhưng ở đây, vi phạm số lượng lớn như NXB Đồng Nai và nhà sách Quỳnh Mai thì họ có thể sập tiệm.

Sách bị vi phạm bản quyền trải đều trên nhiều thể loại nghiên cứu, văn học, sống đẹp..., nhưng nhiều nhất là các loại giáo trình dạy và học tiếng Anh.

Ông Võ Đại Phúc, trưởng đại diện NXB Oxford tại Việt Nam khẳng định: "90% sách dạy và học tiếng Anh hiện đang lưu hành, phổ biến tại các trường học và trung tâm ngoại ngữ, là sách vi phạm bản quyền".

Tình trạng xấu đến mức hầu như các nhà xuất bản nước ngoài nào có văn phòng đại diện ở Việt Nam cũng đều bị dân làm lậu viếng thăm.

Hiệu ứng xấu này đã lan sang hoạt động mua bán bản quyền. Các nhà xuất bản lớn của nước ngoài tỏ ra lo ngại và chần chừ khi một số đơn vị Việt Nam đặt vấn đề mua sách về in ấn phát hành ở thị trường trong nước.

Nhà có con gái đẹp, phải biết cách bảo vệ

Sách bị "luộc" với số lượng lớn nhưng đại diện các nhà xuất bản nước ngoài tại Việt Nam tỏ ra e dè trong các bước tiếp theo để đòi lại công bằng.

Ông Võ Đại Phúc lý giải sự thận trọng: "Chúng tôi từng được tòa án xử thắng trong một vụ kiện bản quyền. Nhưng thiệt hại của chúng tôi đến cả nửa triệu USD, trong khi mức phạt dành cho đối tượng vi phạm chỉ là chục triệu đồng. Chế tài quá nhẹ làm chúng tôi nản chí".

Mảng tối của thị trường sách và văn hóa đọc. Ảnh: V.T

Trong số 393 tựa sách bị làm lậu nói trên, riêng bộ đôi thủ phạm NXB Đồng Nai và đơn vị liên kết là Công ty TNHH phát hành sách Sài Gòn (nhà sách Quỳnh Mai) đã luộc đến 313 tựa. Nếu tính riêng, NXB Đồng Nai còn luộc thêm 31 đầu sách khác.

Bà Nguyễn Thị Loan - Phó chánh thanh tra Sở Thông tin truyền thông TP.HCM: Chúng tôi nghĩ các đơn vị nên công khai danh mục ấn phẩm mà mình hoặc đại diện thương mại đã mua bản quyền để các đơn vị khác biết. Người tiêu dùng cũng không nên vì ham rẻ mà vô tình tiếp sức cho việc vi phạm bản quyền. Sắp tới, Thanh tra Sở Thông tin truyền thông sẽ triển khai thanh tra diện rộng các cơ quan in ấn, phát hành sách trên địa bàn nhằm phát hiện việc in, sao chép lậu.

Dù đã biết được đối tượng phạm pháp, nhưng các nhà xuất bản ngoại vẫn chỉ mới la lối chứ chưa tóm áo ai.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, trưởng văn phòng đại diện nhà xuất bản Pearson tại Việt Nam phân trần: "Cá nhân tôi thì tôi muốn gặp ngay đơn vị vi phạm. Nhưng đây là cuộc chiến lâu dài, phải chờ xem quyết định của tập đoàn, các bằng chứng, yếu tố khác nhau thì chúng tôi mới có các bước đi kế tiếp".

Tuy nhiên, theo ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả: "Các đơn vị bị vi phạm tác quyền mới chỉ lên tiếng chứ chưa quyết tâm bảo vệ bản quyền của mình".

Theo ông Chu, vi phạm bản quyền không chỉ xử lý hành chính mà còn có thể là án hình sự nếu đủ chứng cứ. Nếu không chứng minh được mình bị thiệt hại bao nhiêu, tòa án không thể phán quyết về việc bồi thường.

Không thể nói suông với nhau rằng chờ cơ quan chức năng can thiệp, đợi chế tài cao hơn..., mà không đưa ra được biện pháp cụ thể nào. Nhưng đại diện các nhà xuất bản nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam cũng chỉ nói sẽ gặp nhau để bàn tiếp, dù tất cả đều thừa nhận cuộc chiến chống sách lậu là vô cùng cam go.

"Nếu không tỏ thái độ quyết liệt thì đừng kêu tôi bị vi phạm tác quyền nữa. Đã lên tiếng thì phải đưa ra giải pháp. Nhà có con gái đẹp thì phải có "chính sách" bảo vệ" - ông Vũ Mạnh Chu.

Võ Tiến

Related Articles

No comments:

Post a Comment