Tuesday, August 11, 2009

31/07/2009

(TuanVietNam) - "Phát ngôn & Hành động ấn tượng" tuần này là sự "hội tụ" của các vấn đề thiết thân như dịch cúm, thịt nhập khẩu "bẩn", bệnh viện "tử thần", kết quả thi cử, tăng trưởng kinh tế. Có một điểm chung ở đây đó là ý thức về việc bảo vệ bản thân và khẳng định giá trị của mình.



Cẩn trọng nhưng không nên hoang mang

Tình hình dịch cúm H1N1 là vấn đề nóng bỏng khắp các mặt báo tuần qua. Tính đến 17h00 ngày 29/7/2009, Việt Nam đã ghi nhận 763 trường hợp dương tính, không có tử vong.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, tình hình cúm A/H1N1 ở Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn lây lan trong cộng đồng, do đó cả hệ thống chính trị và các phương tiện thông tin đại chúng phải tuyên truyền rộng rãi các biện pháp phòng, chống để toàn dân tham gia chống dịch.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu thị sát khu
cách ly bệnh nhân cúm H1N1

"Người dân không nên hoang mang vì nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì không sao. Tuy nhiên không được chủ quan vì dịch đang lây lan theo cấp số nhân", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đánh giá tại cuộc họp hôm 29/7.

Chính trong hoàn cảnh này, mỗi người cần bình tĩnh thực hiện đúng nguyên tắc phòng chống dịch. Ngoài những thông tin chính thống của cơ quan Y tế, mỗi người nên lưu ý khi tiếp nhận thông tin, để vừa tự phòng ngừa vừa tránh trở thành nạn nhân, gây hại cho sức khỏe của mình và cộng đồng. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất để hạn chế và đẩy lùi dịch bệnh.

GDP - tăng 5% hay giảm 5%?

Ông Vũ Thành Tự Anh

Có một câu châm ngôn vốn dĩ đã khá quen thuộc với chúng ta, từng mang lại vinh quang cho hoa hậu hoàn vũ 2005 Natalie Glebova trong phần ứng xử đêm chung kết cuộc thi: “Hãy nhìn phần nửa đầy của ly nước, thay vì nửa vơi”. Đại ý đây là cách nhìn tích cực trước một vấn đề: Vẫn chỉ là một thể tích nước cố định, nhưng nếu nhìn ở góc độ lạc quan sẽ thấy phần còn lại của ly nước thay vì bi quan chỉ thấy phần vơi.

Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh đã có cách nhìn, không phải vào phần đầy hay phần vơi, mà là nhìn đúng, nhìn thẳng vào "ly nước".

Ông nhận định: "Chúng ta vẫn thường tự hào Việt Nam là 1 trong 13 nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương. Nhưng nếu so sánh với tiềm năng tăng trưởng của VN là 9 - 10%/ năm, có thể nói tác động của khủng hoảng kinh tế đã làm cho GDP của chúng ta giảm 5 - 6%, tức là giảm tương tự như các nước chịu tác động mạnh nhất của khủng hoảng kinh tế". (Nhịp cầu đầu tư, 27/07)

Như thế, so với tiềm năng có thể đạt được, với tốc độ tăng trưởng GDP của VN theo dự báo vào khoảng 4 - 5% trong năm nay, thì ai nói VN không bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng so với các nước khác thường có tốc độ tăng trưởng thấp hơn VN nhiều năm trước?

Tại Hội nghị Đầu tư 2009 vừa diễn ra tại TPHCM, theo các chuyên gia kinh tế, bất chấp gói kích cầu 8 tỉ đôla được tung ra, tốc độ tăng vốn đầu tư và tiêu dùng (hai yếu tố quan trọng cho tăng trưởng) đều sụt giảm.

Hình như trong câu chuyện này, phải mở rộng thêm một vế cho câu châm ngôn ấy: "Nếu tất cả cùng vơi đi một nửa, thì cốc bé đừng tự hào là mình vơi ít nhất".

Biết chết ai tiêm làm gì...!

Ông Dương Văn Thanh,
Giám đốc bệnh viện Phú Lương

Hàng ngàn lượt thư và ý kiến bạn đọc phản hồi suốt những ngày qua khi VietNamNet đăng tải loạt bài điều tra về những sự việc xảy ra tại bệnh viện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên).

Những bằng chứng khó giải thích về một bệnh viện "tử thần" thường xuyên mắc những lỗi sơ đẳng, khiến nhiều nạn nhân chết oan hoặc lãnh hậu quả suốt đời khiến ai nấy không khỏi ghê sợ và bức xúc.

Và phản hồi của người đứng đầu bệnh viện, Giám đốc Dương Văn Thanh không vỗ về được người dân chút nào. Ông Thanh nhất mực khẳng định "rất đáng tiếc", nhưng “đã làm hết trách nhiệm, bệnh viện nào cũng thế thôi” (?!)

Một giám đốc bệnh viện mà khi nghe những trường hợp của nhiều người dân phản ánh, mà "hồn nhiên" có trường hợp ông biết, có nhiều trường hợp ông không được biết.

Trường hợp hút thai rồi nhưng thai vẫn phát triển, ông Thanh cho rằng: “Trường hợp ấy là do khi hút thai thì thai chưa di chuyển đến tử cung nên chưa hút được ra. Do không biết vậy nên y tá vẫn tiêm thuốc tránh thai”.

Về cái chết của một ca cấp cứu đau ruột thừa, ông Thanh tỏ ra đáng tiếc. Ông cho rằng: “Do không biết cháu đau ruột thừa nên bác sỹ Hoàng Thị Minh Toàn mới tiêm thuốc giảm đau cho cháu. Biết vậy thì đã không tiêm”.

Theo lý luận này, thầy lang trong câu chuyện "Đau bụng uống nhân sâm tắc tử" sẽ biện hộ trước quan tòa thế này: "Do chưa lật sang trang sách bên cạnh, nên tôi mới cho bệnh nhân đau bụng uống nhân sâm. Nếu nhìn thấy chữ "tắc tử" thì ai cho uống làm gì!".

Thật khó tìm được từ chính xác để mô tả thái độ của các ông thầy lang ở bệnh viên Phú Lương.

Hội Bảo vệ người tiêu dùng còn chờ...

Kiểm tra lô hàng của Vinafood chứa trong
kho Sea Sài Gòn

Sau hàng loạt các vụ việc liên quan tới hàng trăm tấn thịt gà, heo, nội tạng động vật nhập ngoại "kém chất lượng" và hết hạn sử dụng vừa được cơ quan thú y của TPHCM và Bình Dương phát hiện trong thời gian gần đây, người tiêu dùng ngã ngửa khi được biết "phương châm kinh doanh" của một số DN.

Tỉ dụ: "Tôi khảo sát thực phẩm ngoài chợ, thấy rằng quản lý chất lượng thịt "nội" của chúng ta còn lỏng lẻo, trong khi thịt "ngoại" được đóng gói theo quy trình kỹ lưỡng, tại sao lại làm khó thịt "ngoại"". (Thanh niên, 24/07).

Đỉnh điểm là hàng chục tấn thực phẩm tồn kho được Công ty cổ phần Thực phẩm VN (Vinafood) dán chồng hạn sử dụng mới đưa ra thị trường tiêu thụ...

Quyền lợi của người tiêu dùng VN đang bị xâm phạm mỗi ngày khi họ phải uống sữa không đúng chuẩn công bố với giá cao ngất ngưởng, thực phẩm quá đát, xăng dầu thì vừa dỏm vừa bị đong thiếu..., trong khi không thiếu những văn bản luật, pháp lệnh, và cả hiến pháp quy định bảo vệ quyền của người tiêu dùng.

Thế nhưng, làm thế nào để người tiêu dùng có thể dễ dàng thực hiện được các quyền này khi họ không hiểu trình tự luật pháp hoặc có khi ngán ngẩm với các thủ tục phức tạp? Luật cũng quy định có một tổ chức để đại diện, đứng ra bảo vệ quyền lợi chung cho người tiêu dùng trong trường hợp này. Tổ chức này là Hội Bảo vệ người tiêu dùng.

Thế nhưng, vì sao người tiêu dùng VN lại được mệnh danh là "được bảo vệ kém nhất thế giới"?

Luật sư Trương Thị Hòa trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ: "Vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng hiện nay chưa được phát huy để bảo vệ người tiêu dùng. Bảo vệ người tiêu dùng không phải chỉ chờ người tiêu dùng đi khiếu nại mới vào cuộc, mà ngay cả khi vừa nghe thực phẩm “có vấn đề” của Vinafood hay xăng dỏm, sữa giá cao..., hội này phải nhảy vào cuộc ngay". (Tuổi trẻ 27/07)

Khi kết quả thi đáng thất vọng...

Kết quả của học sinh phản ánh
thực chất đào tạo

Sau khi đã chấm hơn 1.000 bài thi môn Văn của thí sinh nhiều trường ĐH, một giảng viên khoa Văn học, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã thốt lên: "Tôi thất vọng về kết quả thi môn Văn năm nay!". (Thanh niên, 27/07)

Theo vị giám khảo này, có quá nhiều bài viết “vẹt”, lảm nhảm vô hồn, đa số thí sinh hô khẩu hiệu là chính. Bài điểm cao rất ít, chỉ diễn đạt suôn sẻ, gãy gọn, chứ chưa có em nào thể hiện được chính kiến và không có gì "sáng chói" cả.

Lý lẽ được đưa ra là: "Đây là năm đầu tiên lứa thí sinh được học theo chương trình mới, học theo chương trình sách giáo khoa tích hợp, đúng ra phải có được kết quả khả quan, tiến bộ, sáng tạo và linh hoạt hơn. Vậy nhưng lại chẳng thấy có tiến bộ gì. Thậm chí kết quả môn Văn năm nay thấp hơn mọi năm do chất lượng làm bài kém hơn".

Thứ nhất, nỗi thất vọng này không cần phải đợi tới đề mở như năm nay mới có thể nói ra, mà cách học văn, dạy văn áp đặt và không thoát ly sáng tạo, chính kiến của học trò đã được báo động từ rất lâu. Những lý lẽ về chương trình mới, sách giáo khoa tích hợp thích hợp... nhưng không đạt được sự "đúng ra" đó, chỉ là thêm một cơ hội rõ rệt nữa để nền giáo dục, người làm giáo dục nhìn lại thực chất công việc của mình.

Nếu phải có một đề bài về sự trung thực, có lẽ, những người chịu trách nhiệm đào tạo, tổ chức thi cử nên làm đầu tiên. Cũng không cần phải tổ chức thêm một hội đồng chấm thi nữa làm gì (nhỡ lại phải phúc khảo tốn thời gian), vì kết quả này tương đồng với kết quả mà những sĩ tử - sản phẩm đào tạo của họ đạt được. Lẽ hiển nhiên, thất vọng hay hoan hô cũng tương đồng như vậy.

Tân thủ khoa ĐH muốn
trở thành Bộ trưởng
Bộ Giáo dục trong
tương lai

Và hi vọng cho giáo dục

Phát ngôn thứ hai cũng về kết quả thi cử được lựa chọn trong tuần này là tràng pháo tay cho những sĩ tử đầu bảng của kỳ thi ĐH vừa rồi. Lê Minh Thông - học sinh khối chuyên Toán ĐHKHTN – ĐHQGHN, 1 trong những tân thủ khoa của ĐH Ngoại thương HN bày tỏ mong muốn rất đặc biệt:

"Trong tương lai, em muốn trở thành Bộ trưởng Giáo dục. Em muốn đóng góp sức lực nhỏ bé của mình giúp đất nước phát triển hơn. Vì đất nước có phát triển được thì giáo dục phải đi đầu". (VietNamNet)

Hình như lần đầu tiên, có một phát ngôn giàu tính "chính trị" đến thế của một tân thủ khoa vừa đủ tuổi thành niên. Trong khi cuộc tranh luận về cải cách giáo dục với trách nhiệm của người lãnh đạo đang trở thành vấn đề trung tâm của giáo dục nước nhà, cậu học trò nhỏ đất Tổ đã nghiêm trang khẳng định mình không hề ngoài cuộc với vấn đề lớn của đất nước.

Với ước muốn đó, Thông đã đặt lên vai người đương nhiệm một "đơn hàng". Ấy là sự định giá về khả năng của Bộ trưởng và các vị lãnh đạo ngành trong việc thúc đẩy giáo dục VN hoàn thành nhiệm vụ đi đầu của nó. Trên một chặng của con đường này, cậu cũng đang chuẩn bị để sẵn sàng ghé vai nhận ngọn đuốc trách nhiệm đi tiếp trong tương lai.

Có người hoài nghi rằng hành trang là 3 điểm 10 tròn vẹn cả 3 môn thi dù rất đáng giá nhưng chưa phải là năng lượng bất biến cho một chặng đường dài phía trước, và mọi việc sẽ còn khác nhiều sau khi cậu nếm trải chương trình đào tạo đại học - lại là một vấn đề nan giải của nền Giáo dục nước nhà.

Quả thực, chưa ai biết liệu Lê Minh Thông có tìm đủ "nhiệt" để nuôi tiếp dự định của mình, chỉ hi vọng thêm 1 điều nhỏ rằng: Đến thế hệ ngọn đuốc thuộc về thế hệ cậu, nó đã bừng cháy và rạng rỡ đáng kể so với điểm bây giờ rồi.

Nguyên Nhung

Related Articles

No comments:

Post a Comment