Sunday, August 16, 2009

14/08/2009

(TuanVietNam) - Kinh tế và văn hóa là hai lĩnh vực chính mà "Phát ngôn & Hành động ấn tượng" tuần này chọn đề cập. Ở đây, có những "giá trị" kinh tế cần được minh bạch hóa, làm rõ và có những giá trị văn hóa cần khơi dậy khi là vốn quý bị khuất lấp.



"Làm không đúng, phải “thổi còi"

Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là một trong những đối tượng được các nhà kinh tế quan sát, "ngắm nghía" kỹ về hiệu quả hoạt động và luôn đứng trước câu hỏi: chúng nên được phình to thêm hay cần được thu bớt lại?

Đợt "khám sức khỏe" đầu tiên đối với các tập đoàn kinh tế do đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện đã cho thấy, việc chuyển từ tổng công ty lên tập đoàn chỉ là thay "vỏ" chứ không thay đổi hay nâng cấp về mô hình quản lý nhà nước cũng như quản trị doanh nghiệp.

Ông Mai Quốc Bình (Ảnh: VNN)

Hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty so với các khu vực DN khác còn "thấp, chưa tương xứng với quy mô, vị trí và vai trò trong nền kinh tế".

Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền công bố cho hay, một số tập đoàn, tổng công ty đã không thực hiện được nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu. Có những tổng công ty do mất phần vốn nhà nước ở các đơn vị thành viên nên phần vốn chủ sở hữu toàn công ty bị âm trong 3 năm liên tiếp, "làm thất thoát tài sản mỗi năm một nhiều hơn nhưng vẫn hoạt động".

Chủ nhiệm UB Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận góp ý: Các Thứ trưởng chỉ nên thực hiện quản lí nhà nước, không cần tham gia HĐQT tại các tập đoàn như hiện nay.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội Lê Quang Bình băn khoăn: “Thất thoát tài sản và lỗ liên tục như vậy, có ai chịu trách nhiệm hoặc bị cách chức? Nhà nước có cần đến trên 90 tập đoàn, tổng công ty không hay thu gọn lại chỉ giữ những doanh nghiệp làm rường cột quốc gia?”. (VietNamNet, 13/8)

Câu hỏi của ông Bình không rõ sẽ được ai "hóa giải" hay đó sẽ còn tiếp tục là "một câu hỏi lớn không lời đáp"? Chỉ biết rằng, các tập đoàn, tổng công ty đang rục rịch đòi thành lập vẫn tiếp tục được nối dài, trong khi đó, vấn đề hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững của những đứa "con cưng" này còn chưa biết đấy là đâu.

Câu hỏi tương tự như ông Bình đề cập vừa rồi cũng được một vị thính giả nêu ra với một vị giáo sư người Mỹ trong một cuộc hội thảo nhỏ tại một Viện nghiên cứu. Có lẽ đó là câu hỏi khó hoặc không tiện trả lời nên vị giáo sư đó đã... tránh trả lời (với giải thích là không có "thông tin trong suốt" từ đó).

Trong một diễn biến khác, khi đề cập đến sai phạm trong cổ phần hóa của Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Phó Tổng Thanh tra Chính Phủ Mai Quốc Bình nêu rõ quan điểm xử lý: làm không đúng, phải “thổi còi". Lý do là cơ quan chức năng đã phát hiện Vinaconex sai phạm các quy định lên đến hàng trăm tỷ đồng và Thủ tướng đã có chỉ đạo thu hồi ngay trong tháng 8 gần 900 tỷ đồng tiền sai phạm, trong đó, riêng khoản thặng dư bán cổ phần lần đầu khoảng 810 tỷ đồng. (VietNamNet, 13/8)

"Chỉ 30% doanh nghiệp tốt"

Ông Đặng Như Lợi

Đó là hiện trạng của các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động hiện nay. "Chỉ khoảng 30% trong tổng số 164 doanh nghiệp được cấp phép", ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết.

Còn theo ông Đặng Như Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội: Gần ba mươi năm làm xuất khẩu lao động mà cơ quan quản lý vẫn không có lấy một thước đo về doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Các văn bản, chính sách ở trong tình trạng "cơ bản đầy đủ, nhưng cất tủ là chủ yếu".

Theo ông Lợi, các doanh nghiệp "tốt thực sự" như đánh giá của ông Cục trưởng chỉ căn cứ trên số lượng lao động mà doanh nghiệp đó đưa đi được từ 1.000 lao động/năm, ít để xảy ra tiêu cực, khiếu kiện. Trong khi các điều kiện khác để chăm lo, đảm bảo cho người lao động lại chưa tính đến như năng lực đội ngũ cán bộ, việc mở rộng thị trường mới, có ban quản lý lao động ở nước ngoài, tỷ lệ lao động bỏ trốn thấp...

Một vấn đề khác, chắc chắn được nhiều người lao động quan tâm là tình trạng giá dịch vụ không thống nhất, phí môi giới tràn lan, không kiểm soát được dẫn đến hậu quả: chi phí cho lao động đi thường cao gấp 1,2-2 lần so với quy định, thậm chí có thị trường cao gấp 10 lần. (Tuổi Trẻ, 11/8)

Lập "Văn phòng đồ thất lạc"

Anh Nam đang giao lại đồ thất lạc cho chủ nhân (Ảnh: Thanh Niên)

Hãy làm điều tốt – đó là phương châm của một hoạt động từ thiện có tên "Văn phòng đồ thất lạc" do anh Nguyễn Giang Nam (ở P903, nhà CT3, tòa nhà Vimexco, 218 Trần Duy Hưng, Hà Nội).

Thông qua website vanphongdothatlac.com và hai số điện thoại 0915 070505 và 0906 111113, "Văn phòng đồ thất lạc" làm cầu giữa người nhặt được và người đánh mất, có thể giúp bất cứ ai tránh mất thời gian và các thủ tục rườm rà khi xin cấp lại giấy tờ mà bạn đã mất.

Theo anh Nam, tính đến nay văn phòng đã giúp khoảng 300 người tìm lại đồ vật và giấy tờ thất lạc. Anh Nam đã phải tốn hàng trăm triệu đồng để lập văn phòng và để duy trì hoạt động, hàng tháng phải chi phí 10 triệu đồng. Tuy vậy, tất cả được thực hiện hoàn toàn miễn phí.

Anh Nam lập ra văn phòng vào năm 2008 là sau khi chính anh nếm trải nỗi khổ của người mất những giấy tờ quan trọng. Anh nói: Kinh phí hoạt động tôi lấy từ hoạt động kinh doanh của gia đình. Tôi tin ở đời có Nhân - Quả, khi mình làm được việc tốt cho xã hội, mình sẽ được nhận lại nhiều hơn từ cuộc sống". (Thanh Niên, 11/8)

Văn hóa dân tộc thua ngay trên sân nhà?

Bà Trịnh Thanh Nhã

Phim ảnh đang tác động hàng ngày, hàng giờ lên đời sống người dân Việt Nam. Thế nhưng, cả trên màn ảnh của truyền hình quốc gia thì người ta cũng ồ ạt "quảng bá" (mà người được "quảng bá" thì cũng được... trả phí) cho văn hóa ngoại lai. Cũng tốt, để mọi tầng lớp dân cư có thể dễ dàng mở rộng tầm nhìn, đa dạng tri thức văn hóa. Điều ấy "cần", nhưng nếu không chăm chút cho văn hóa Việt ngay trên màn ảnh Việt thì như thế là chưa "đủ".

Loạt bài "Phim Việt - đói văn hóa Việt" trên Sài Gòn Tiếp Thị tuần qua đề cập đến khía cạnh này, chủ yếu xét đến phim truyền hình. Hãy bật tivi lên sẽ thấy ngay hiện tượng "sính ngoại" trong cả các bộ phim Việt Nam do Nhà nước đầu tư thể hiện thế nào. Hiện tượng ồ ạt mua kịch bản phim nước ngoài dựng lại, có nói là được "Việt hóa", nhưng nhiều series phim dài tập trong số này rất xa lạ với đời sống người Việt.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhìn hai chiều về vấn đề này. Trước hết là sự thừa nhận (có phần là "đổ thừa" cho Tây) rằng "lối nói năng, ứng xử rất "tây", rất vắn tắt, giật cục đến mức hỗn hào của giới trẻ được coi là thời thượng!" và "đó là hiện thực đáng buồn về lòng tự tôn dân tộc trong những người xem trẻ".

"Nhưng chẳng có gì để đối chứng, để bảo rằng thuần phong mỹ tục của dân tộc mới là nên theo", đó là một chiều khác của vấn đề, để cái nhìn trở nên cân đối, dễ đồng cảm hơn. "Thỉnh thoảng có vài hình ảnh liên quan đến chủ đề này thì lại được làm một cách vô thức, khiến nó giống như một background lẩm cẩm hơn là một nền thẩm mỹ buộc người ta phải chiêm ngưỡng".

Những bộ phim làm với mục tiêu được hô hào là mang "bản sắc văn hóa dân tộc", tuy nhiên, dễ thấy khi chúng chưa thành công, chưa tạo nên sức hút thì đó mới chỉ là phần "vỏ" mà phần "nhân" chưa được chăm chút.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói: "Đã đành rằng dấu ấn văn hóa dân tộc không chỉ cứ phim lịch sử mới thể hiện được. Từ cách ứng xử, trong trang phục, trong cách nói năng... và đặc biệt trong bối cảnh, nếu thực lòng muốn tạo dựng hình ảnh dân tộc thì không phải là không làm được. Nhưng chắc chắn nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, tâm huyết, và không thể không nói đến tiền bạc. Vậy là văn hóa dân tộc đang có nguy cơ thua ngay trên sân nhà. Đã có lời phàn nàn rằng giới trẻ VN đang vong quốc ngay trên quê hương mình. Lỗi do ai?".

Đây sẽ là một chủ đề quá cũ nếu không tìm ra hướng giải quyết mới. Ở đây phim Việt cũng như hàng Việt. Với hàng hóa Việt, Bộ Chính trị vừa có văn bản thông báo kết luận về tổ chức cuộc vận động "Người VN ưu tiên dùng hàng VN" nên rồi đây có thể là sẽ có phong trào "người Việt hướng tới phim Việt".

Tuy nhiên, để thuyết phục người tiêu dùng hay khán giả quan tâm đến sản phẩm nội thì không chỉ cần có thôi thúc, hô hào. Phải có hàng Việt vì người Việt và có nhà làm phim, nhà đầu tư quan tâm đến chất lượng và giá trị của phim chứ không chỉ tập trung vào số lượng của các spot quảng cáo.

Bây giờ phải bắt đầu thế nào? Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã là "có lẽ lại phải bắt đầu từ cấp vĩ mô thôi, tức là cấp đã tuyên bố cái chiến lược ngoại giao/ nội giao văn hóa ấy".

"Tư duy thằng Bờm"

Ông Nguyễn Văn Mỹ

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt đưa ra một số phản biện trong ngành du lịch. Ông nói: Kiểm kê tài sản du lịch VN, kể cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thì không ai bằng VN. Nhưng quản lý, khai thác những tài sản này thì chúng ta dở cũng không ai bằng. Tại sao? Chúng ta cứ an phận là một nước đứng đầu... tốp dưới của Đông Nam Á.

"Theo chủ quan của tôi, có lẽ do bị ăn "bánh vẽ" nhiều quá nên người Việt chúng ta đang trở nên thực dụng một cách thô thiển. Người ta sẵn sàng bỏ con tép để bắt con tôm, còn mình lại bỏ ton tôm, bắt con tép. Tầm nhìn chỉ một khúc thôi.

Trong du lịch cũng vậy, thường thì thấy cái gì "ăn" được là ăn ngay, sợ để lại người khác ăn mất. Đó là tư duy "thằng Bờm". Nếu không dám thay đổi thì suốt đời chúng ta cứ bạc nhược mãi thôi. Nên bỏ cái mặt nạ tự huyễn hoặc mình lại. Tôi nói chuyện này hơi gay gắt, nhưng nếu không dám đối mặt với nó thì xin lỗi, muôn đời...". ((Thanh Niên, 9/8)

Tâm linh đại khái?

KTS Phó Đức Tùng

Trong một bài viết rất hay có tên "Bản sắc dân tộc thời mở cửa: Tâm linh đại khái?" trên Thể thao & Văn hóa Cuối tuần (7/8), kiến trúc sư Phó Đức Tùng đã gợi mở nhiều kiến giải lý thú và đáng suy ngẫm về cách ứng xử và lối hành động của con người hôm nay với các yếu tố tâm linh và và bản sắc dân tộc.

Anh chỉ ra một số hiện tượng và lý giải, nhận định: "Đối với tín đồ thực sự, thánh địa tôn giáo là nơi giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn và củng cố niềm tin, còn đối với người mê tín thì sự cúng tế là một thủ tục để có thể yên tâm làm những việc bon chen hàng ngày mà không cần phải tự vấn lương tâm. Vì thế trong một xã hội mà tín ngưỡng gốc không được vun đắp thì càng nhiều đền chùa mới càng suy đồi tâm linh. Hiện nay ở VN, tín ngưỡng đang có nguy cơ trở thành ngành kinh doanh dịch vụ đơn thuần.

Để tiện cho người Nam thì làm thêm Đền Hùng trong Nam. Cứ theo logic này có ngày các vua Hùng phải về phục vụ từng tỉnh, từng huyện. Để đỡ vất vả thì làm cáp treo lên Yên Tử, chùa Hương. Nhiều dự án kinh doanh bất động sản tư nhân cũng có thể xây chùa, phủ, miếu để câu khách. Đền chùa nào cũng cố khoe nào chuông nặng nhất nước, nào là tháp cao nhất, cột to nhất, rồi nhiều phòng nhất, nhiều cửa nhất... Tất cả đều giống như quảng cáo dân dụng chứ chẳng liên quan gì đến lĩnh vực tâm linh".

Và anh kết luận, bản sắc dân tộc hay văn hóa tâm linh cần được trả về đúng với giá trị thiêng liêng, trên cơ sở có sự hiểu biết sâu sắc về cội nguồn gốc rễ, vì ý nghĩa đích thực của nó:

"Chúng ta có quyền tự hào về cội nguồn dân tộc nhưng việc liên tiếp làm những đền đài mới để biểu dương nguồn gốc, tốn kém và không hiệu quả bằng việc nghĩ xem từ những câu chuyện đó rút ra được bài học gì giúp chúng ta đứng vững trong tương lai. Và chính ý tưởng tương lai này sẽ là thông điệp, là định hướng cho một đền đài thực thụ.
Tương tự như vậy, thông điệp của Phật Giáo, Nho Giáo, Lão Giáo, Thiên Chúa Giáo mới là linh hồn của đền chùa, nhà thờ chứ không phải bài vị và tượng Phật hay Không Tử và bố mẹ của họ".

Danh Anh

Related Articles

No comments:

Post a Comment