Sunday, August 30, 2009

28/08/2009

(TuanVietNam) - Những hành động… sai chức năng đã góp phần vào danh sách các Phát ngôn & Hành động ấn tượng tuần qua.


Ngành giáo dục chưa thể trả lời về chất lượng giáo dục

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: Tiến Dũng)

Tại hội nghị về giáo dục ĐH sáng 25/8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: “Có ba câu hỏi ngành giáo dục chưa trả lời được. Đó là chất lượng giáo dục, tình hình chấp hành luật pháp, quy định của các trường và hiệu quả sử dụng ngân sách”. (VnExpress, 26/8)

Lý do khiến chất lượng giáo dục trở thành điều chưa thể “minh định”, được ông Nhân giải thích là do chưa có hệ thống giám sát, các trường cũng không chịu thường xuyên chủ động báo cáo chất lượng. “Hội nghị này được thông báo từ lâu nhưng cuối cũng chỉ 54% số trường gửi báo cáo, 46% số trường không gửi báo cáo” - Bộ trưởng nêu dẫn chứng.

Tình hình quả thật… rất tình hình, khi ngành giáo dục chưa thể trả lời về chất lượng giáo dục. Cũng tương tự như, ví dụ, ngành y tế không nắm được thực trạng ngành y tế, hay ngành ngân hàng không biết ngành mình đang hoạt động ra sao.

Bộ GD&ĐT lâu nay vẫn nêu cao các quyết tâm và khẩu hiệu, chẳng hạn “xây dựng trường ĐH tầm cỡ thế giới”, nhưng đến chất lượng giáo dục hiện giờ thế nào cũng còn chưa trả lời được.

Tất nhiên, có thể ý Bộ trưởng chưa trả lời được nghĩa là chưa thể nói một cách xác đáng, khoa học, không cảm tính, về chất lượng giáo dục, và lý do là tại các trường không chịu thường xuyên gửi báo cáo. Như vậy, vấn đề lại được quy về tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, Bộ nói mà trường không nghe. Thế thì Bộ biết làm thế nào?

Kích cầu ở VN không cào bằng

Chủ tịch UB Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Đức Thúy. (Nguồn ảnh: vneconomy.com.vn)

Phản hồi trước các ý kiến cho rằng những giải pháp kích cầu của Chính phủ là cần thiết nhưng cào bằng, Chủ tịch UB Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Đức Thúy cho rằng: “Tôi xin lưu ý, nếu so với nhiều nước khác thì Việt Nam còn ít cào bằng hơn”. (Thời báo Kinh tế Việt Nam, 21/8)

Nhân nói chuyện so sánh, phải thừa nhận một đặc điểm của khá đông quan chức nước ta là khi cần so sánh với thế giới, thì tránh, còn khi không cần so sánh với thế giới, thì lại đem nước khác ra đối chiếu với Việt Nam ngay.

Tỉ dụ như khi nói về chất lượng cuộc sống của người dân, có một thời kỳ phép so sánh thường ít đặt Việt Nam trong quan hệ với khu vực hay quốc tế, để nói rằng so với Nhật Bản, Đức, v.v... thì mức sống dân ta sau chiến tranh bao nhiêu năm vẫn còn thấp quá. Mà lại là so với quá khứ, ngày trước còn nghèo đói, nay thì nhà nhà ở nông thôn đều đã có phích nước chăn bông, mái bằng, cuộc sống đổi khác rồi.

Còn trong trường hợp “kích cầu” này thì phép so sánh của chúng ta lại không phải là giữa các đối tượng được hưởng gói kích cầu với nhau (để xem có thật sự cào bằng không), mà lại là so giữa Việt Nam với các nước khác: So với nước khác thì Việt Nam kích cầu còn ít cào bằng hơn.

Nói chung, sự so sánh bao giờ cũng thật là thiên biến vạn hóa, cho dù nhiều khi các đối tượng đem ra so… không phù hợp và ăn nhập gì cho lắm.

Phản biện để hoàn chỉnh tư duy

Trả lời phỏng vấn của báo Đại Đoàn Kết, ngày 24/8, nhà báo lão thành Hữu Thọ cho rằng “phản biện có tinh thần xây dựng rất cao. Cho nên phản biện rất cần thiết để hoàn chỉnh các chủ trương, chính sách, tránh các sai sót, sơ hở”.

Nhà báo Hữu Thọ. (Ảnh: Hoàng Long)

Chính phủ đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp để chống khủng hoảng kinh tế. Theo ông Hữu Thọ, “không phải tất cả giải pháp đều đã thật sự hoàn chỉnh, nhưng nếu ở thời điểm này mà ta bàn điều này không được, điều kia không được... rồi nói toáng lên khiến xã hội phân tâm, giảm niềm tin thì rất nguy hiểm, vì niềm tin lúc này chiếm đến 80% yếu tố có thể giúp đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng. Tất nhiên, không vì thế mà cho là lúc này không cần, hoặc hạn chế phản biện”.

Những điều nhà báo Hữu Thọ nói thật ra không quá mới mẻ, đó là những ý mà nhiều chuyên gia đã nêu từ lâu, về sự cần thiết của phản biện xã hội. Tuy nhiên, ý kiến xác đáng của nhà báo lão thành cũng đã trực tiếp nhắc tới một vấn đề mà dư luận đang hết sức quan tâm; và hơn thế, còn một lần nữa khẳng định tinh thần xây dựng rất cao của phản biện.

Còn khả năng ai đó phản biện theo kiểu “nói toáng lên khiến xã hội phân tâm, giảm niềm tin” trên thực tế có lẽ ít xảy ra, bởi “nói toáng lên” tới mức làm cả xã hội “phân tâm”, kỳ thực, đâu có dễ. Tuy nhiên, dẫu sao đây cũng là một nhận định thận trọng của nhà báo Hữu Thọ.

Lan man chuyện đặt tên đường phố

Trong việc đặt tên cho các đường phố ở thủ đô, một số ý kiến đề xuất việc lấy tên nhân vật nước ngoài, chẳng hạn, luật sư Loseby (Anh) và anh Morison (Mỹ). Về điểm này, TS Nguyễn Thị Dơn - Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học Đặt, Đổi tên Đường phố Hà Nội – cho biết:

Cá nhân tôi thấy đề xuất lấy danh nhân người nước ngoài đặt tên là rất có ý nghĩa trong thời kỳ hội nhập và giao lưu quốc tế. Trước đây cũng có ý kiến đề nghị đưa tên Alexandre de Rhodes. Ở Hà Nội đã có một số đường phố, vườn hoa mang tên danh nhân chính trị, văn hóa nước ngoài như V.I. Lenin, Indira Gandhi, Alexandre Yersin, v.v...”. (Tiền Phong, 24/8)

Luật sư Lu-dơ-bai, Lô-dơ-bi hay Lu-z-bai? (Nguồn ảnh: blogspot.com)

Bà Dơn cho biết thêm, ngân hàng dữ liệu hiện còn có tên các danh nhân khác như Tôn Trung Sơn, Suphanuvong, Che Guevara, Henri Gourdon, Victor Tardieu, Yuri Gagarin…

Chẳng dám “phản biện” Hội đồng Tư vấn Khoa học về chuyện đặt tên phố xá, tuy vậy, nếu có thể góp một ý kiến gọi là lan man nhân lúc trà dư tửu hậu, thì xin níu áo nhắc Hội đồng: Tên đường phố rất nên ngắn gọn, dễ phát âm (chuẩn) bằng tiếng Việt.

Những tên như Loseby, Henri Gourdon, Victor Tardieu, nếu Việt hóa (ví dụ thành Lu-dơ-bai, Ăng-ri Guốc-đông, Vích-to Tác-đi-ơ) thì cũng ngọng nghịu, không hẳn chuẩn với tiếng gốc, mà không Việt hóa thì khó đọc.

Ngoài ra, nên hiểu thế nào về khái niệm “danh nhân nước ngoài”? Theo cách hiểu thông thường thì danh nhân là người nổi tiếng và có công lao nổi bật đối với xã hội (của họ), hoặc rộng hơn, cho toàn nhân loại. Trường hợp ông Loseby hay anh Morison, phải chăng Hội đồng Tư vấn nên coi là những người có một số đóng góp (trên những địa hạt nhất định) với Việt Nam thì đúng hơn là gọi họ bằng hai từ “danh nhân”?

Mà suy cho cùng, những người bạn của Việt Nam như vậy thì cũng không hiếm, biết chọn tên ai đặt cho phố nào, đường nào để thật xứng đáng đây?

Cách gì để mọi người dân cùng tham gia làm nghệ thuật?

Lại một chuyện của Hà Nội: Dự án “Con đường gốm sứ quanh sông Hồng” đang gây tranh cãi. Sau một sự khởi đầu được báo chí chú ý và khen ngợi, đến nay, dự án nay lại được báo chí phản ánh là thu hút sự… phản đối kịch liệt từ giới mỹ thuật.

"Phe phản đối" trong giới mỹ thuật cho rằng "Con đường gốm sứ" là hình thức quảng cáo trá hình, bôi xấu bộ mặt thủ đô.

Dân thường, người ngoài ngành mỹ thuật, chẳng biết hay dở thế nào, chỉ nghe họa sĩ Bùi Hoài Mai, một trong những người đầu tiên tham gia cố vấn thiết kế cho dự án, nhận định: “Bất cứ ai, bất cứ nhóm người nào, ở một độ tuổi nào cũng có thể tham gia (dự án)”.

Những tác phẩm được tạo dựng trên con đường gốm sứ này là cái gì không quan trọng, điều quan trọng hơn là người dân sẽ đưa ra những ý tưởng, họ sẽ cùng nhau bàn cách giải quyết sao cho tác phẩm chung của họ nói lên được những vấn đề về Hà Nội hôm nay và cả tương lai. Tất nhiên muốn làm được điều này thì cần đến sự giúp đỡ của các nghệ sĩ”. (Tiền Phong, 21/8)

Có lẽ họa sĩ Mai hơi lãng mạn khi nói thế, chứ làm sao mà một dự án nghệ thuật công cộng lại có thể mở rộng cửa cho mọi người ở mọi độ tuổi, mọi trình độ, bất kể văn hóa, khiếu thẩm mỹ, v.v... tham gia?

Nhất là ở Việt Nam, với một công chúng mà mặt bằng thưởng thức văn hóa, cảm thụ nghệ thuật không cao đồng đều, sẽ ra sao nếu một công trình nghệ thuật có tới hàng trăm ý kiến “đóng góp”, trong đó người thích cây chuối, cục đất, kẻ lại mê máy tính, xe hơi?

Mong muốn của họa sĩ – huy động người dân cùng làm nghệ thuật – lãng mạn và rất đẹp, chỉ tiếc nó chưa nên được áp dụng đại trà ở Việt Nam, và kể ra cũng khó khả thi. Người dân sẽ làm gì để tham gia, để “cùng nhau bàn cách giải quyết”, và được các nghệ sĩ giúp đỡ như thế nào?

Còn về con đường gốm sứ, các họa sĩ có thể cho ý kiến đánh giá dựa vào chuyên môn của họ (và ngay trong giới nghệ thuật cũng vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược), chứ người dân biết bình phẩm thế nào. Cùng lắm thì cũng chỉ “à, ừ, xấu thật”, “đẹp thế?”, “duyên nhỉ?”, v.v... một cách đầy cảm tính mà thôi.

Bác sĩ đánh nhau là quá bình thường (!)

Một chuyện “đình đám” của giới y tế tuần qua: Sáng 22/8, phòng mổ của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, có ba bác sĩ đã “choảng” nhau ngay trong một ca mổ nội soi, khiến một vị bị thương tích.

Bác sĩ Trần Đức Dũng bị đồng nghiệp (bạn thân?) đánh bị thương. (Nguồn ảnh: KH&ĐS)

Sở Y tế Hà Tĩnh đã giao cho Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh thành lập Đoàn Thanh tra vào cuộc điều tra. Tuy thế, theo quan điểm của Giám đốc Sở, bà Phan Thị Ninh, vụ “đánh hội đồng không ảnh hưởng gì lắm, chuyện đánh nhau là quá bình thường, vì hai bác sĩ là bạn bè thân thiết với nhau, hơn nữa cùng làm việc một khoa, một trưởng, một phó hiểu nhau. Nhưng do việc đánh nhau xảy ra trong phòng mổ, vì thế Sở phải chỉ đạo vào cuộc”. (Khoa học và Đời sống, 24/8)

Đã đành các bác sĩ (nam) này cũng là đàn ông, có thể nóng tính, cũng “biết” bức xúc như người thường. Nhưng đánh nhau tại phòng mổ, ngay trong ca mổ, nơi rất cần sự tập trung vào chuyên môn để cứu người, thì e là... sai chức năng của y bác sĩ. Thiên thần “blouise trắng” nào cũng Trương Phi như vậy, phòng mổ liệu có còn an toàn cho bệnh nhân?

Và dẫu là bạn bè thân thiết hay không thì việc dùng bạo lực với nhau cũng là thiếu văn hóa. Nếu áp dụng cách nói như bà Ninh, thì chúng ta hoàn toàn có thể bình phẩm: Hai anh chị kia đánh nhau là quá bình thường, vì họ là… vợ chồng, cùng ở một nhà, hiểu nhau!

Vấn nạn “làm việc” sai chức năng

Tối 24/8, vợ chồng ông C. và bà H. ở Quận 12, TP HCM đang đi trên đường thì bị một thanh niên giật phăng dây chuyền. Kẻ cướp giật bị dân chúng bắt được, và thật lạ, anh ta khai nhận mình là… cảnh sát Phạm Bình Minh, hiện công tác tại Đội cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, công an Quận 12. (VietNamNet, 24/8)

Trong một diễn biến khác, thầy giáo Đoàn Đình Thuấn (Trường THCS Hoàng Văn Thụ, Chương Mỹ), vì góp ý với gia đình một học sinh gần nhà nên bị chính phụ huynh học sinh (trên là Sỹ) và một số người khác hành hung, trong đó có Trưởng Công an xã là ông Nguyễn Thanh Tuấn (em trai ông Sỹ). (VietNamNet, 27/8)

Đồng chí Trưởng Công an xã thừa nhận có tham gia… tát thầy giáo Thuấn. Tuy nhiên, nạn nhân thì khẳng định ông Nguyễn Thanh Tuấn không chỉ đánh vào mặt vào cổ thầy mà còn bắt thầy phải quỳ xuống xin lỗi ông Sỹ, viết bản tường trình về việc vu khống học sinh.

Sự việc xảy ra đã 10 ngày có lẻ, nhưng chính quyền vẫn “án binh bất động”. Phó Công an xã Nguyễn Văn Thu cho biết mình chỉ là cấp phó nên không có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết sự việc liên quan đến cấp trưởng, và đến nay vẫn chưa có ai chỉ đạo điều tra xử lý.

Thế là, bác sĩ đánh nhau trong phòng mổ, một cảnh sát đi giật dây chuyền trên đường phố, một trưởng công an xã hành hung dân, một phó công an xã lúng túng không biết “xử lý” sếp thế nào… Mọi sự âu cũng đều xuất phát từ cái sự làm việc sai chức năng mà ra cả!

Hoàng Thư

Related Articles

No comments:

Post a Comment