Wednesday, April 1, 2009

Người lắng âm vọng nhân sinh

Tận hiến cuộc đời mình cho nghệ thuật, Trịnh Công Sơn và các ca khúc của ông đã tạo nên một bộ phận giá trị, không thể tách rời trong dòng chảy ca khúc trữ tình Việt Nam thế kỷ XX.

Hầu hết những người từng (hoặc sẽ) viết về Trịnh Công Sơn đều chia sẻ: đặt giai điệu sang một bên, thì phần ca từ trong các tác phẩm của ông chính là những thi phẩm đích thực. Cái thế giới thi ca mang đậm tính siêu hình của ông mở ra trước mắt chúng ta một hồn người, và qua đó, cả một thời đại đầy biến động. Bước vào thế giới thi ca ấy, ta sẽ có dịp nhìn trở lại thực tại bằng chính cái nhìn mà thi nhân đã hướng về thực tại. Và thêm nữa, ta sẽ có thể nắm được thực tại bằng chính những âm vọng mà thi nhân đã nghe ra từ thực tại, theo một cách thật đặc biệt của riêng ông.

Giai đoạn sáng tác sung sức nhất và nhiều thành tựu nhất của Trịnh Công Sơn là những năm tháng chiến tranh. Các tập Ca khúc da vàng, Phụ khúc da vàng, Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời chính là những trải nghiệm đau thương mà chiến tranh đã in hằn trên cuộc đời và trong tâm hồn ông. Tiếng súng nổ, tiếng đại bác gầm, tiếng mẹ khóc con tử nạn, tiếng người hấp hối... đó là những âm thanh thảm khốc ngập đầy trong các ca khúc về đề tài này của Trịnh Công Sơn. Nhưng, đôi khi chúng vang lên thật lạ lùng: Đại bác đêm đêm dội về thành phố/Người phu quét đường/Dừng chổi đứng nghe/Đại bác đêm đêm tương lai rụng vàng/Đại bác như kinh không mang lời nguyện/Trẻ thơ quên sống/Từng đêm nghe ngóng... Đại bác đêm đêm ru da thịt vàng/Đại bác nghe quen như câu dạo buồn/Trẻ con chưa lớn để thấy quê hương (Đại bác ru đêm). Tiếng đại bác trong thính trường của Trịnh Công Sơn - ít ra là ở ca khúc này - không hề mang vẻ hăm dọa khủng bố. Trái lại, nó có giai điệu, nó du dương, nó gần gũi và quen thuộc, nó như một cái gì gắn liền với đời sống và tạo thành nhịp sống của con người! Bằng "cái nghe" riêng có của mình, ông đã bóc lộ một sự thật tàn nhẫn: chiến tranh làm mòn mỏi, làm đờ đẫn, làm mụ mị, làm tê liệt con người; con người bị đẩy vượt lên trên nỗi sợ, con người đánh mất cảm giác sợ hãi trước tiếng gầm của đại bác, con người chỉ còn là những tấm bia thịt vô tri mà đạn pháo có thể viếng thăm bất cứ lúc nào!

Chiến tranh, chết chóc, thịt nát xương tan đã để lại vết tích trong ca từ của Trịnh Công Sơn với những hình ảnh đau đớn: Một chiếc xe tang/trái mìn nổ chậm/người chết hai lần/thịt da nát tan (Ngụ ngôn mùa đông), một buổi sáng mùa xuân/một đứa bé ra đồng/đạp trái mìn nổ chậm/xác không còn đôi chân, người con gái chợt ôm tim mình/trên da thơm vết máu loang dần (Người con gái Việt Nam da vàng)... Sự sống trở nên quá đỗi mong manh trong guồng máy chiến tranh. Lằn ranh giữa sinh và tử của đời người trở nên vô nghĩa như một tiếng cười nhạo. Thực tại ấy, được thêm sức đẩy của ngọn triều tư tưởng về cái phi lý từ Âu Mỹ tràn sang, đã đưa Trịnh Công Sơn đến rất gần quan niệm về sự hư ảo của nhân sinh và những nỗi đau khổ bất tuyệt của phận người.

Ông luôn nghe thấy những âm thanh của một thứ định mệnh tàn nhẫn đè nặng trên thân phận con người: Nghe xót xa hằn lên tuổi trời/Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi/Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người (Gọi tên bốn mùa). Ông đặc biệt nhạy cảm với những tiếng gọi của trăm năm - hư vô - cái chết: Đêm ta nằm bóng tối che ngang/Đêm ta nằm nghe tiếng trăm năm/Gọi thì thầm, gọi thì thầm, gọi thì thầm/Đêm nghe trời như hú như than/Ta nghe đời như có như không/Còn lại mình, đời bồng bềnh, đời buồn tênh (Còn có bao ngày). Bởi thế, không khó hiểu khi chợt bắt được một âm thanh rất đỗi bình thường của đời sống thực - tiếng ru - ảo giác về cái chết của chính mình đã ập đến với ông: Về trong phố xưa tôi nằm/Có lần nghe tiếng ru bên vườn/Chợt như xác thân không còn/Và cạnh tôi là đồng vắng (Lời thiên thu gọi).

Cái bóng trăm năm luôn ám ảnh trong suy tưởng và trong cảm xúc của Trịnh Công Sơn. Nói theo giọng phân tâm học, ông có lẽ thuộc về kiểu nghệ sĩ mà bản năng chết (thanatos) mạnh hơn bản năng sống (eros). "Cái nhìn", và tất nhiên, cả "cái nghe" của ông, chịu lực hút chủ đạo không phải từ sự sinh trưởng - khỏe khoắn - ấm áp - tươi vui, mà là từ những gì tàn lụi - héo úa - mòn mỏi - u sầu - lạnh lẽo. Một ví dụ: nếu mùa thu với sắc nắng vàng đã làm say đắm bao tâm hồn nghệ sĩ, họ chờ đón "những mùa thu tới", thì Trịnh Công Sơn lại chỉ thấy "những mùa thu đi", ông nghe ra ở sự đi của những mùa thu ấy cái chết của thời gian và sự chết dần của đời người: Nhìn những mùa thu đi/Em nghe sầu lên trong nắng/ Và lá rụng ngoài song/Nghe tên mình vào quên lãng/Nghe tháng ngày chết trong thu vàng (Nhìn những mùa thu đi). Một cách tất yếu, như là định mệnh, con người hướng theo tiếng gọi của cái bản năng chết ấy sẽ phải là một con người cô đơn, tuyệt đối cô đơn, bất chấp ý chí muốn nối kết với đời sống, với tha nhân của chính anh ta. Mỗi thanh âm của thế giới khi lọt vào thính trường của con người ấy đều trở thành một vọng âm nói về sự cô đơn, gợi đến sự cô đơn hoặc bắt anh ta phải nhận ra sự cô đơn. Đó là tiếng hát: Chiều chủ nhật buồn/Nằm trong căn gác đìu hiu/Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều/Trời mưa trời mưa không dứt/Ô hay mình vẫn cô liêu (Lời buồn thánh). Đó là tiếng gà trưa: Về trên phố cao nguyên ngồi/Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi/Chợt như phố kia không người/Còn lại tôi bước hoài (Lời thiên thu gọi). Đó là tiếng mưa như lời ru miệt mài/ngàn năm ngàn năm trong ca khúc Tuổi đá buồn, tiếng mưa khiến câu hỏi "còn ai còn ai?" bật ra não nuột như tiếng thở dài của thi nhân trước nỗi cô đơn trên nhân thế.

Cần nói thêm rằng: giữa trùng trùng âm thanh của thế giới, cùng với lời ru, dường như Trịnh Công Sơn yêu nhất tiếng mưa. Không phải chỉ vì mưa đã giăng mịt mùng trong các ca khúc của ông, mà còn vì tiếng mưa nhiều khi được ông dùng như một âm chuẩn để "đo" các thanh âm khác, tiếng lá chẳng hạn. Dùng tiếng mưa "đo" tiếng lá, ông có những ca từ tuyệt hay: Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ (Diễm xưa), Lá hát như mưa suốt con đường đi (Em còn nhớ hay em đã quên) v.v...

Cô đơn, ở một khía cạnh nào đó, là cây thập giá tinh thần mà người nghệ sĩ đích thực phải mang vác suốt cuộc đời mình. Trong cô đơn, Trịnh Công Sơn tỏ ra có một thính lực thật kỳ lạ, ông nghe thấy muôn trùng lên tiếng, những thanh âm kết dệt một bầu khí thật ma mị liêu trai: Đêm nghe gió tự tình/Đêm nghe đất trở mình vì mưa/Đêm nghe gió thở dài/Đêm nghe tiếng khóc cười của bào thai... Đêm nghe gió than hoài/ Đêm nghe lá đưa lời hàm oan/Đêm nghe thân xác mịt mùng/Đêm nghe tiếng muôn trùng đẩy đưa (Nghe tiếng muôn trùng). Đi tới cùng của cô đơn, Trịnh Công Sơn rút gọn toàn bộ thế giới vào chính bản thân mình, ông nghe từ chính mình những âm vọng bi thiết của nhân sinh: Đôi khi ta lắng nghe ta/Nghe sóng âm u/Dội vào đời buốt giá/Hồn ta gió cát phù du bay về/Đôi khi trên mái tình ta/Nghe những giọt mưa/Tình réo tình âm thầm/Sầu réo sầu bên bờ vực sâu (Tình xa). Và đây nữa, một âm thanh - âm thanh zero - mà Trịnh Công Sơn đã nghe ra từ nhịp đập của chính trái tim mình, trái tim của một người Việt Nam biết thổn thức biết xót xa trước những biến cố đau thương đang diễn ra hằng ngày trên đất đai xứ sở, trên cuộc đời người Việt: Giọt nước mắt quê hương/Ôi còn chảy miên man/Ôi dòng nước mắt chảy hoài/Dòng nước mắt đời đời/Dòng nước mắt thương ai/Ôi dòng nước mắt trong tim/Chảy lai láng vào hồn/Nửa đêm gọi đến mình (Giọt nước mắt cho quê hương).

Tận hiến cuộc đời mình cho nghệ thuật, Trịnh Công Sơn và các ca khúc của ông đã tạo nên một bộ phận giá trị, không thể tách rời trong dòng chảy ca khúc trữ tình Việt Nam thế kỷ XX. Những ca khúc mang giai điệu buồn. Buồn, đó cũng là chủ âm trong ca từ của ông. Bởi lẽ, ở một phương diện nào đó, dường như cái tạng sẵn có của Trịnh Công Sơn không hợp với những vui vẻ hời hợt. Thượng đế đã bắt (hay đã ban?) cho ông sứ mệnh của kẻ có thể lắng trong mình những âm thanh u uất, những tiếng nói tang thương từ cõi người và cõi đời rồi chưng cất chúng thành những ca từ buồn và đẹp. Một điều mà chúng ta có thể khẳng định chắc chắn: Đó sẽ là di sản không bao giờ bị mất chân giá trị của Trịnh Công Sơn.

Lời mở theo nhạc của Trịnh Công Sơn bài Đại Bác Ru Đêm

Bao la là tiếng nói của độ lượng. Đời không thấy tha thứ cho nhau mà vẫn mơ ước bao la. Ai cũng thích những cánh đồng mênh mông, những chân trời rộng mở. Sao mà lắt léo thế? Con người luôn luôn sẵn sàng tham dự những chuyến đi bồng bềnh, sảng khoái với những chân trời không thấy. Thèm gió bể khơi. Thèm núi đồi trùng điệp. Hân hoan reo ca cùng chim chóc. Nâng niu những hoa đồng cỏ nội. Ai cũng thế. Không riêng ai. Đến với đất trời như những đứa con của vũ trụ, mà tấm lòng thì đóng kín tối tăm. Sao mà biển lận với trời đất quá vậy?

Đời đã mở cho ta những cõi rộng. Mà lòng nhân gian thì quá hẹp hòi. Có cái gì bất trắc mà nẩy sinh như thế. Đã vậy thì không nên sàm sỡ thốt tiếng bao la, mở lời rộng rãi. Đánh lừa thiên hạ còn khả thứ. Đừng bất kính với đất trời. Chưa bao giờ đóa sen, đóa hồng nở một cách gian dối. Lòng không nở được một điều gì tốt đẹp thì thôi. Đừng ép gượng.

Con người ta cũng hay đấy chứ. Dễ quên có phải là cái vốn liếng ở đời? Sống với người thì hẹp. Hẹp quá! Mai đây ra đứng trước cõi bao la thì nói chuyện phiêu bồng. Vả chăng, trời đất cũng dễ tính. Làm gì có chuyện trời đất ganh đua với người. Có chăng, chỉ là ganh với hồng nhan, với tài mệnh.

Thế ra, ông Trời cũng khéo lắm. Cũng bày ra những cuộc chơi riêng. Chơi với kẻ tương xứng. Hiểu ra như thế thì những định mệnh nổi trôi mới khỏi buồn.

Thời nào cũng có những hồng nhan đa truân. Bất cứ ở đâu. Kiều năm xưa hay Kiều nay thì cũng vậy. Gặp được người đồng điệu thì nói ngay tiếng nặng tình. Tinh lắm. Đã gặp được thì không bao giờ gieo lời mắc mỏ. Làm vậy, không những xấu mặt, mà xấu lòng.

Hình như có sự xếp đặt của ai đây. Bàn tay ghép gán quả là tài tình lắm. Tài tình và tài tử. Tài tử trong cái nghĩ ẩn báu lộng ngọc của cuộc đời. Bởi khi ta chạm đến tấm lòng quí giá kia của Kiều thì lập tức ta gặp cái bao la của trời đất. Hay lắm! Quỷ quyệt đến thế thì hết sức.

Và cái bao la kia là gì vậy? Là gì mà ai nấy đều nặng lòng với? Có kẻ đứng trước bao la mà không thấy được bao la. Có kẻ ở buổi bình minh, nghe tiếng chim hót đã chạm mặt với cõi vô lượng. Biết được vô lượng là cùng lúc đến với vô biên. Hay đôi khi gắn bó, hòa lẫn với nhau trong một cuộc hôn phối son sắt. Qua tay kẻ phàm nhân, cái vô biên được ví von đối chiếu nghịch lý với cuộc đời hữu hạn của con người. Nhưng nếu rảnh rỗi một chút hãy ra nhìn sông nước thử. Cái vô biên nằm đâu đó trên cánh vạc chở hoàng hôn về núi mỗi chiều.

Chạm đến vô biên là nhắc nhở cái lý sinh tử ở đời. Là muốn tầm tích con đường vô định của sự sống chết. Thường khi nó gây nên sự buồn bã không nguôi trong kiếp nhân sinh. Trái lại, đi vào cõi bao la người ta nhận ra được nỗi hân hoan trong lòng. Khi bắt được cái nhịp của trời đất, lòng ta bỗng reo ca, nhảy múa trong một hòa âm thuận chiều. Một cái gì đó soi tỏ đời ta như đạo đạt. Đó là cái bước nhảy hân hoan, nối liền trời với đất, của Zorba trên bờ biển. Cái phút hạnh phúc đó không đến với mọi người. Cái sự hòa nhịp kia cũng không thể có nếu lòng ta không được trang bị vẻ thênh thang của vũ trụ. Có thực sự chạm đến cõi vĩnh phúc vô hình, mới hý lộng, mới nhảy múa say sưa đến thế được .

Cho nên, nói đến chuyện riêng chung của trời đất là nói trong cái lý đó vậy. Cũng không dễ gì tập tành sự độ lượng. Muốn có được phải làm cả một cuộc đổi đời. Thay cái nhìn. Thay trí óc. Và tuyệt đối phải có một con tim đẹp đẽ.

Nếu không, cái tình với cõi bao la kia chỉ là cái tình gian lận. Và còn thú vị gì một cuộc chơi thiếu hào hứng như thế. Trời đất nương ta, nhưng ta vốn như con bệnh, thủy chung không phát giác được gì. Con mắt rêu phong đã đóng kín ta lại với thế giới ích kỷ, hẹp hòi, riêng tư. Làm sao còn nghe ra tiếng hoan ca của thế giới bên ngoài. Nếu bảo là nghe, thì sao lại có thể thiếu hòa điệu đến thế được. Chân tay trì trệ. Đời sống như đóng đinh, xa cách. Đừng mưu toan với trời đất. Hạnh phúc xa lạ kia chỉ dành cho người có lòng. Kẻ hời hợt dễ đàm tiếu, thị phi về cái hạnh phúc đó lắm. Bởi nhìn gần, hạnh phúc đó có vẻ phù du quá. Không mang lại áo cơm. - Đến thế thì còn nói thêm được một lời nào nữa. Hãy ôm lấy cái phần của mình. Kẻ nổi trôi gặp người trôi nổi. Cứ theo trời xa đất rộng kia mà rong chơi vui thú một đời vậy.

Trịnh Công Sơn viết về Tình yêu

Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi
Đừng xô tôi ngã dưới chân người
Biển sóng, biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại sóng về đâu
Sóng bạc đầu và núi chìm sâu
Ta về đâu đó
Về chốn nào mây phủ chiêm bao


Cuộc sống không thể thiếu tình yêu

Tôi là kẻ vô đạo trong tình yêu
những khi tôi giận hờn cuộc đời.
Khi cuộc đời yêu tôi, tôi sẽ là tín đồ của tình yêu
.

Người ta nói trên trái đất không có gì ở ngoài qui luật cả. Nhưng tình yêu hình như cũng có lúc là một ngoại lệ. Tình yêu có thể nâng bổng con người nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm kẻ háo hức. Tôi không tin những người quá lạc quan khi nói về tình yêu bằng thể khẳng định. Người ta có thể tin rằng mình được yêu và cũng có thể hiểu nhầm mình không được yêu.

Tôi không thể nói về một vấn đề mà chính bản thân mình cũng chưa hiểu hết. Chưa hiểu hết là nói theo kiểu đại ngôn chứ thật sự là hoàn toàn không thể hiểu. Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu.

Có người yêu thì hạnh phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu. Hàng nghìn năm nay con người đã sống và đã yêu - yêu thật lòng chứ không phải giả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời. Sự giả trá đó lúc biết được thì làm khổ lòng nhau biết bao nhiêu mà kể. Người giả, người thật nhìn nhau lúc bấy giờ ngỡ ngàng không biết thế nào nói được. Người thật thì nằm bệnh, người giả thì nói, cười huyên thuyên. Ðời sống vốn không bất công. Người giả trong tình yêu thế nào cũng thiệt. Người thật thế nào cũng được đền bù.

Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì. Có người đã nói như vậy.

Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: "Cuộc sống không thể thiếu tình yêu".

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly (1992)


Diễm của những ngày xưa

Thuở ấy, có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây Long não lá li ti xanh mướt để đến trường.

Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.

Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những ngày nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái đi qua nhoà nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mù mịt.

Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.

Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến những phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người đi quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ chậm rãi đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho một người hay cho nhiều người thì quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đi về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi còn quá cũ kỹ. Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thời giờ ngắm nhìn trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn, thanh khiết. Huế nhờ vậy, không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, lăng tẩm, đền đài khiến con người dễ có một phần nào hoài niệm về quá khứ hơn và một phần nào cũng giúp cho con người được cứu rỗi ra khỏi vòng tục luỵ. Và từ đó, Huế đã hình thành một không gian riêng. Nó không cám dỗ như cõi phồn hoa đô hội nhưng nó là mạch nguồn gợi cảm nhẹ nhàng riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và mơ ước những cõi trời gần như không có thực.

Nhưng sự thật và mơ là gì? Thật ra nói cho cùng cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời khá dài lâu những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đã dệt gấm, thêu hoa những giấc mơ giấc mộng của mình.

Bút pháp của Trịnh Công Sơn

Đó cũng là thời gian mỗi sáng tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, khi tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, truyền đi trên dòng sông để đến với những giấc mộng của mình.

Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ con người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không màu sắc, không bóng hình, chỉ có cái chết của những người già vào mùa đông quá rét mới làm sực tỉnh và bỗng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ của những vùng núi đá chung quanh.

Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoan lạc của giấc mơ.

Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng cây long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.

Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường - giấc mơ liêu trai ngày nào sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.
Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi rất xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỉ niệm. Kỉ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng vẫn phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.

Chợt tôi thấy thiên thu là một đường không bến bờ

(Trịnh Công Sơn. Báo Tuổi trẻ, ra ngày 6-2-1994)

Những con đường trăng tròn là những con đường trăng khuyết. Vẫn là những con đường cũ en đi qua và tôi đi qua. Thế rồi, có những lúc tôi đi qua những con đường mù mịt không trăng. Những tro tàn quá khứ bỗng dậy lên một cơn lốc cuốn tôi về với những con đường ma quái ảo ảnh chập chờn.

Cái chập chờn của một thân thể phiền não không biết mai nay mốt nọ ra sao, cứ thắc thỏm muốn gởi gắm vào cuộc đời một linh hồn phiêu lạc. Tôi phiêu lạc bao nhiêu năm rồi trên một dòng đời không bờ bến. Có khi tưởng bờ là bến. Có khi tưởng bến là bờ. Cái tạm và cái thường hằng lắm khi là một. Thế mà cứ lại là khác nhau. Cái bờ mỏng manh khoảnh khắc ra đi. Cái bến nhiều khi bền bền ở lại. Bờ mở ra những bến. Có dâu bể cho bờ. Nên định mệnh bờ thường trói buộc thân phận bến.

Tôi là bờ em ra đi. Em là bến tôi ghé lại
Con đò ghé qua bờ này bờ nọ, nhưng sẽ đậu lại ở một bến kia.

Mùa xuân là bờ hay bến? than ôi, mùa xuân chỉ là bờ. Ai ai trong đời này cũng có lần ghé qua cái bến tạm mùa xuân. Cái bờ bến mùa xuân nhập nhằng những dặm trường lận đận. Thoắt nhiên bến xuân chỉ còn lại là bờ. Cái biến đi qua, rồi cái bờ ở lại. Cái bến hiu hắt của một thuở tưởng rằng thời hoàng kim bến sẽ mãi mãi không bao giờ là bờ. Thế rồi tuổi đời người người -đến đến – đi đi cứ mộng vờ, hoang tưởng hão huyền một thứ bờ bờ - bến bến, không biết nơi nào để neo lại một thân thể phiêu bồng.

Có thể bến cho em và bờ cho tôi. Tôi cứ mãi đi và em ở lại. Cái thân phận thuyền quyên ấy đừng làm đau xót đời. Cuối cùng, trong cõi mông lung mờ mờ ảo ảo, em vẫn chính là cái bến hư ảo một cách vẹn toàn mà tôi có lúc mỏi mệt sẽ tìm về nương tựa.

“ Ru đời đi nhé cho ta nương nhờ lúc thở than”…
Cái bờ ru lời hiu quạnh lau lách. Cái bến ru chập chờn một đốm lửa chiều…

Trong một giấc ngủ bồng bềnh không giờ giấc của mùa xuân, tôi thảng thối thấy bờ bến bỗng rã tan thành những cánh bèo mông lung vô định. Em tôi không bến và tôi không bờ. Em trôi đi và tôi cũng trôi đi. Em và tôi cũng là bến. Em và tôi cũng là bờ. Chúng ta tan biến vào nhau thành một khối bến bờ không còn chia lìa nữa. Trong em không còn trí nhớ về bến. Trong tôi cũng mất hết những ký ức về bờ. Bến ở đâu và bờ ở đâu?

Bút pháp của Trịnh Công Sơn bài Diễm Xưa

Tình yêu và tiếng hát

Tình yêu cho phép những ca khúc ra đời. Nỗi đau và niềm hân hoan làm thành bào thai sinh nở ra âm nhạc. Âm nhạc như thế là tình yêu, là trong bản thân nó hàm chứa 1 cõi nhân sinh bề bộn những khổ đau và hoan lạc. Không có bất hạnh và nụ cười có lẽ âm nhạc cũng không thể có duyên ra đời.

Có người đi đến với cuộc đời và ngẫm nghĩ: nếu đời sống vắng bóng âm nhạc và tiếng hát thì ta sẽ như thế nào đây? Ở đâu có con người , ở đó có tiếng hát. Trên mặt đất , trần gian này tiếng hát nhắc nhở ta 1 điều giản dị: tôi hát là tôi hiện hữu. Tôi tồn tại có nghĩa là tôi sẽ mất đi. Tôi mất đi, mọi người cũng sẽ mất đi, nhưng tiếng hát còn ở lại. Ở lại như chiến tích vừa buồn bã vừa huy hoàng của 1 cõi đời.

Tiếng hát thường làm nhớ nhung con người. Nhớ một con người là nhớ cả một trần gian. Cái thân thể mĩ miều của trần gian này nọ đã từng vạch ra những lối đi mờ ảo, hoang đường trong bể dâu của cuộc sống. Thân thể ấy bỗng tự thân đã biến thành thánh địa cho cuộc chiêm ngưỡng tình yêu. Âm nhạc và tiếng hát ra đời để ca tụng một gót chân, một bàn tay, những môi, mắt, má, và đôi khi một mái tóc trầm hương và sau đó là nụ cười, nước mắt của một đời người.

Tiếng hát là con đẻ của thân xác. Từ thân xác bay lên những giai điệu và lời ca. ca hát là để nhớ nhau và đôi lúc, để an ủi mình. An ủi một cái gì còn ở lại và than thở một điều gì đã ra đi.
Tất cả mọi điều sẽ qua đi, sẽ biến mất, nhưng tiếng hát, câu ca, một khi đã được khai sinh với ngày thôi nôi huy hoàng của nó thì sẽ ở lại với đời mãi mãi. Đó là một cuộc rong chơi ngậm ngùi của hữu hạn muốn chộp bắt cái vô hạn làm món quà thế chấp cho đời mình.

Đành vậy với tình yêu

Cho đến cuối thế kỷ này, khi mà những khám phá khoa học đã bóc trần mọi lớp vỏ huyễn hoặc của thế giới quanh ta thì con người vẫn tiếp tục hồn nhiên chất vấn mình và chất vấn nhau: Tình yêu là gì? Tình yêu có thật hay không ?

Bao nhiêu thế kỷ qua đi và tình yêu cũng thay hình đổi dạng. Đắm chìm vào những cuộc vong thân ngoạn mục, tình yêu đã hoá thân và theo từng thời kỳ, mang những khuôn mặt khác.

Tình yêu cuối thế kỷ này không còn mộng mị nữa. Những giấc mơ hão huyền đã ra đi. Con người đến với tình yêu bằng một ngôn ngữ khác. Có một thứ hình bóng của mộng du len lỏi vào giữa cái điều mà người ta gọi là tình yêu. Và cứ thế người ta lao vào cái điều "tưởng như" ấy một cách đồng bóng và đánh mất dần cái hồn phách thơ mông của những ngày đã xa xưa.

Đừng bao giờ nói một lời có tính cách khẳng định về tình yêu. Mới ngày hôm qua là như thế hôm nay đã khác rồi. Tình yêu tưởng vĩnh viễn ra đi mà không ra đi. Tình yêu vờ như ở lại mà không ở lại. Kể lại một chuyện tình thường khi là kể lại một cái gì đã mất. Nhưng cũng không hiếm những trái tim lạc hướng bỗng một hôm lại ngoạn mục quay về. Không thể nói nhiều về tình yêu mà không mắc lỗi lầm. Cứ để nó yên ở một vị trí nào đó và nhìn ngắm, quan sát hoặc chờ đợi. Tình yêu là bất khả tư nghì.

Không ai điên gì mà tự xưng mình là kẻ biết rõ về tình yêu nhất. Đau khổ cả trăm lần vẫn cứ là một đứa trẻ thơ trong tình yêu. Tình yêu có lẽ là lời nói dối uyên thâm nhất của trái tim. Một trái tim kim cương không tì vết, không thách thức nhưng ngạo nghễ và thích đùa. Một thứ đùa cợt làm bằng bi hài kịch và trên sân khấu của cuôc hành trình đã làm nổ tung ra những cơn thịnh nộ của núi lửa hoặc của những mùa băng rã tuyết tan.

Dù thế nào cũng đừng phỉ báng tình yêu bởi nghĩ cho cùng nó vẫn là nguồn an ủi duy nhất. Nó là trò chơi dối trá cần thiết và qua nó chỉ có con ngưòi mới hiểu được thế nào là đau khổ để rồi có lúc phải thốt lên: Tôi buồn quá....

Tình yêu là không khoan nhượng. Cái khía cạnh ác độc của tình yêu không ai có thể đo lường được. Khi cần dập chết một cuộc tình nó sẽ không cần biết nương tay. Nó lạnh lùng thản nhiên trước cơn hấp hối của "con bệnh tình". Vì thế xin các hoàng tử, quí công nương hãy biết kềm giữ mình khi đứng bên mép bờ hiu hắt và luôn luôn chuẩn bị sẵn cho mình một bài kinh thiền định để giữ được cõi lòng bình an, tĩnh lặng. Mọi cơn bão sẽ qua đi và trên các bờ bãi, biển đã để lại bao nhiêu là sinh vật biển cho một bữa tiệc dù muộn màng, phù du, nhưng cũng đủ để làm hồi sinh một nỗi khát sống và xoá đi những thương tích tuồng như không đáng có.

Tình yêu không có thắng bại. Ở đây không phải đấu trường mặc dù vẫn có những vết thương. Thậm chí đôi khi còn mang đến những cái chết, những cái chết không báo trước nhưng cũng nhuốm đầy đủ màu sắc tai ương, của một kiếp nạn. Những cái chết như thế không còn mới mẻ gì nữa, chỉ đủ gây ngạc nhiên thoáng qua để có dịp nhắc nhở lại một thời kỳ vàng son của triều đại lãng mạn. Thế nhưng ở đâu đó trên các vỉa hè trong lòng các đô thị, nhất là dưới ánh đèn mờ tỏ ở các ngoại ô, tiếng xì xào vẫn cứ vang lên như một ngọn gió xót thương qua các đền thờ của ảo giác. Đó cũng là lời tôn vinh phù phiếm nhằm làm thăng hoa tình yêu hầu khôi phục lại một thứ lòng tin đã bị đánh mất.

Nếu có dịp chạm vào tình yêu thì hãy thử mượn một cỗ xe chở lòng bất kính đến trước. Có thể không hẳn là lòng bất kính mà một cái gì đó gần với sự thờ ơ, lãnh đạm hoặc một phương cách lịch sự bóng bẩy phường tuồng. Đó là lá chắn cần thiết, một thứ bùa hộ mạng để chống đỡ những mũi dao vô đạo có thể gây thương tích bất ngờ trên lòng tự trọng.

Tình yêu hình như không di chuyển trên một mặt phẳng. Nó thường dẫn người trong cuộc đi qua những nơi chốn không hề dự phòng trước. Thế rồi một hôm bỗng dưng mọi chuyện cứ lệch lạc hẳn đi và người trong cuộc thấy mình không còn là mình nữa. Như trong mùa biển động, những con sóng dữ tha hồ nhảy múa và nó rút dần tinh lực của con người.

Có những kẻ thấy được thiên đường. Có những kẻ thấy được địa ngục. Và có không ít những kẻ bị chọc mù đôi mắt khi đi qua tình yêu. Những giấc mơ hồng, những ác mộng đen. Đôi khi có những cái bóng vô hồn ngoan ngoãn tới lui trong không gian vô hình của những câu thần chú. Khi nhóm lửa đốt lòng mình trên những mê hoặc của lời thề nguyền thì lúc ấy chỉ còn âm binh nói chuyện với âm binh. Giấy vàng bạc bay lả tả phủ hết con đường tỉnh thức để mở ra một cõi đời son phấn ngào ngạt hương hoa mơ mơ, tỉnh tỉnh, muội muội, mê mê nhưng đầy một thứ lạc thú riêng tư, một cõi trời bay bổng.

Chấp nhận tình yêu là chấp nhận một thứ có có, không không, đùa đùa, thật thật. Nó vô hình tướng nhưng làm rã tan hồn phách. Không có nó thì đời sống không biết sẽ tẻ nhạt đến dường nào. Thôi thì đành có nó vậy.

Xuân ''98

Trân Khanh

Tuần san Thanh Niên


Related Articles

No comments:

Post a Comment