Friday, January 23, 2009

Pháp luật

Một nhà nước nếu không có pháp luật sẽ ra sao? Có lẽ ai trong chúng ta đều có thể trả lời và vì vậy pháp luật ban đầu có được chính từ nhu cầu tự nhiên của cuộc sống. Với tác phẩm Hàn Phi Tử, Hàn Phi được xem như là người sáng lập ra học thuyết Pháp trị đối nghịch với tư tưởng của Nho giáo khi cho rằng quản lý xã hội phải dùng Nhân trị và Đức trị, chính nhờ nó Tần Thủy Hoàng đã thống nhất các nước và lập ra chế độ quân chủ chuyên chế đầu tiên của Trung Quốc.

Một cách giản đơn, pháp luật là một hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành và thực hiện nhằm bảo đảm các quan hệ xã hội. Nhiệm vụ của luật pháp không phải để biến thế giới thành thiên đường mà nhiệm vụ chính là không để thế giới chúng ta trở thành địa ngục bằng những định chế nhằm khẳng định, bảo vệ hay thậm chí phát triển các quyền con người. Nhưng điều này không có nghĩa là tất cả chúng ta điều tuân thủ nó, vì rõ ràng lợi ích cá nhân đã làm cho con người quên đi mình là chủ sở hữu của những nguyên tắc sống và là đồng sở hữu của những khế ước xã hội, những quy phạm luật pháp được lập ra vì con người nói chung và vì bản thân mình nói riêng.

Tất cả những điều trên dẫn đến sự cần thiết của việc am hiểu pháp luật của mỗi công dân để đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong quan hệ với những người xung quanh, cũng như bảo vệ bản thân trong những trường hợp mà người khác phá vỡ nguyên tắc để có được lợi ích cho bản thân họ.

Hằng ngày, có vô số vụ vi phạm pháp luật của cá nhân, cũng như của tập thể (công ty) xảy ra, đã, đang và tiếp tục sẽ làm tổn hại đến lợi ích của người khác và tiếc thay, vì không tường tận luật pháp, họ đã không thể tự bảo vệ mình một cách chính đáng. Điển hình một công ty vì tình hình khó khăn, đã sa thải một số nhân viên của mình bằng một cách rất không phù hợp. Họ đã bị chấm dứt hợp đồng lao động ngay lập tức và bị buộc rời khỏi công ty ngay chiều hôm ấy như những kẻ đã vi phạm kỷ luật. Họ đã không được tôn trọng như những người đã từng đóng góp cho công ty ấy, hay hơn nữa là những người ra đi để công ty vượt qua được giai đoạn khó khăn. Đáng lẽ họ nên được trân trọng!

Theo bộ luật lao động:

Điều 38

1- Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng;

b) Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại Điều 85 của Bộ luật này;

c) Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 12 tháng liền, người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn ốm đau đã điều trị sáu tháng liền và người lao động làm theo hợp đồng lao động dưới một năm ốm đau đã điều trị quá nửa thời hạn hợp đồng lao động, mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khoẻ của người lao động bình phục, thì được xem xét để giao kết tiếp hợp đồng lao động;

d) Do thiên tai, hoả hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

đ) Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chấm dứt hoạt động.

2- Trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo các điểm a, b và c khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Trong trường hợp không nhất trí, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan lao động biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động, Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người lao động có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.

3- Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn từ một năm đến ba năm;

c) ít nhất ba ngày đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ, theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm.

Thật ngây thơ khi chúng ta cho rằng tất cả mọi người đều hành động đúng đắn để có một thế giới tốt đẹp, công bằng và thiết nghĩ việc các nhân viên ấy nên nhờ sự can thiệp của nhà nước, ở đây là tòa án, là điều cần thiết nếu sự đền bù không thỏa đáng, chẳng hạn không có thêm một tháng lương cho việc dừng hợp đồng lao động ngay lập tức và tiền trợ cấp thất nghiệp trước 01/01/2009 cho thâm niên làm việc. Như vậy, điều này sẽ giúp cho công ty tôn trọng pháp luật hơn khi hành xử về sau, cũng như quyền lợi những nhân viên ở lại sẽ được “an toàn hơn” một cách chính đáng. Và hơn thế, đây xứng đáng là một bài học cho những ai trước giờ không quan tâm đến luật pháp, một công cụ hữu hiệu để bảo toàn lợi ích của chính mình, và cũng là một câu chuyện tự vấn cho những ai đang luồn lách kẽ hở của pháp luật, cho những ai đang lợi dụng sự vô tri về luật pháp của người khác để trục lợi.

Đánh cắp lợi ích của người khác, đặc biệt là những người mang cùng dòng máu quê hương là một việc đáng hổ thẹn! Và tiếc là ngày nay chúng ta lại được thấy ngày càng nhiều những việc như vậy.

Related Articles

No comments:

Post a Comment