Saturday, January 3, 2009

Decision Making - Intro


Mỗi chúng ta luôn phải đưa ra quyết định cho bản thân hay thậm chí ảnh hưởng lên người khác và để tránh những sai lầm hoặc những quyết định không mang lại hiệu quả, tôi nghĩ kỹ năng ra quyết định là điều tối cần thiết mà mỗi con người trong xã hội hiện nay cần được học. Ở các quốc gia phát triển với nền giáo dục tiên tiến, đây được xem như là những kỹ năng sống hữu ích và họ đã đào tạo rất tốt về vấn đề này. Ngược lại, ở Việt Nam, từ mẫu giáo cho đến tốt nghiệp đại học, chúng ta đã và đang rất thiếu những kỹ năng sống nói chung vì rõ ràng nền giáo dục của ta đã không xem trọng những vấn đề trên.

Tôi thử tìm kiếm trên Google với từ khóa "kỹ năng ra quyết định" và tìm được hầu hết là những thông tin rời rạc, trong số đó có 2 tài liệu nhưng theo tôi hầu như không giúp được cho chúng ta trong việc ra một quyết định nào đó.

Tài liệu 1:

1. Kỹ năng ra quyết định là gì?

Kỹ năng ra quyết định là một loạt các kết luận và hoạt động của bản thân để đưa ra một quyết định đảm bảo đạt được một kết quả nào đó theo mong muốn của bản thân.

Những người thành công thích cảm giác tự tin do biết cách lựa chọn khôn ngoan thích hợp. Cùng với việc rèn luyện, bạn có thể cải thiện khả năng đưa ra những quyết định tốt cho mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống - riêng tư, tài chính và nghề nghiệp - vì cuộc sống bao gồm rất nhiều quyết định và những lựa chọn tốt nhất là chìa khoá cho sự thành công của bạn. Khả năng đưa ra quyết định tốt có thể giúp bạn:

* Đạt được mục đích đã đề ra trong học tập, trong cuộc sống ở gia đình và nhà trường cũng như cuộc sống tương lai của bạn.
* Tránh được những sai lầm có thể để lại hậu quả không tốt cho bạn.

Với các bạn học sinh còn nhỏ tuổi, việc đưa ra một quyết định chín chắn là rất có lợi và đó là một trong những dấu hiệu bạn đã khôn ngoan hơn, trưởng thành hơn. Cho dù bạn đang học, đang làm việc, kiếm tiền hay đang đi chơi cùng bạn bè thì điều quan trọng là vẫn phải nghĩ về những hậu quả trước khi bạn đưa ra một quyết định.

Sau đây là một ví dụ:

Hãy tưởng tượng bạn đang đi chơi cùng bạn bè, một người bạn rủ bạn hút thử một điếu thuốc lá, bạn sẽ từ chối hay nhận lời? Hoặc vào một ngày nghỉ, vài bạn hàng xóm rủ bạn đi tắm ở suối, nhưng bạn không biết bơi. Bạn sẽ từ chối hay nhận lời, từ chối thế nào hay bạn phải nghĩ đến một giải pháp nào đó?

Cuộc sống là vậy đó! Chúng ta luôn phải đưa ra quyết định và phải có trách nhiệm với quyết định của mình. Quyết định là quá trình lựa chọn bạn phải làm gì bằng việc xem xét các hậu quả của những lựa chọn khác nhau mà có thể xảy ra.

2. Các bước để đưa ra một quyết định

Trong cuộc sống, có những quyết định rất đơn giản, chỉ cần một "tích tắc" là chúng ta đã có thể cho "ra đời" một quyết định đúng. Ví dụ như: sẽ quyết định hôm nay mình phải mặc bộ quần áo nào đến trường? ( Dù bạn mặc quần áo màu gì đến trường cũng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của bạn).

Nhưng cũng có những quyết định rất phức tạp đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ, có thể hàng ngày, hàng giờ và đôi khi còn cần phải tham khảo các ý kiến từ những người khác. Vậy với những quyết định phức tạp thì bạn sẽ làm gì để đưa ra một quyết định chín chắn cho mình? Trong trường hợp này, bạn hãy tham khảo và làm theo những bước sau đây:

Bước 1: Hiểu vấn đề

* Bạn phải quyết định điều gì?
* Đảm bảo là bạn phải tập trung chính xác vào vấn đề mà gây ra sự rắc rối.

Để hiểu rõ vấn đề, bạn hãy đặt câu hỏi: “Ta cần quyết định điều gì?” và tự trả lời. Ví dụ: Vấn đề cần quyết định của bạn là “Có nên bỏ đội bóng đá để tham gia đội cầu lông không?”

Bước 2: Nhận định các giải pháp

* Những lựa chọn của bạn là gì? ( Ví dụ: Bỏ đội bóng, sang đội cầu lông/ Không bỏ đội bóng mà vẫn tham gia đội cầu lông/ Duy trì tham gia đội bóng nhưng không tham gia đội cầu lông)
* Nghĩ đến các cách mà bạn có thể giải quyết được vấn đề. ( Với mỗi lựa chọn kể trên, bạn sẽ phải làm gì để đạt được điều bạn mong muốn?)
* Tham khảo ý kiến từ những người khác, có thể là bố mẹ, thầy cô, bạn bè hoặc những người mà bạn cảm thấy tin tưởng.
* Lắng nghe những ý kiến góp ý và phân tích trên cơ sở thực tế của bản thân.

Bước 3: Đưa ra các lý lẽ tán thành và phản đối của mỗi lựa chọn

* Lựa chọn một số giải pháp thực thi. ( Ví dụ: Bạn chọn cả hai phương án là không bỏ đội bóng nhưng cũng không tham gia đội cầu lông và vừa tham gia đội bóng vừa tham gia đội cầu lông)
* Suy nghĩ và so sánh đến ưu điểm, nhược điểm của từng giải pháp.
* Xác định hậu quả tiềm tàng và các kết quả có thể đạt được cho mỗi lựa chọn và ảnh hưởng của nó đối với người khác.

Bước 4: Quyết định đâu là giải pháp tốt nhất, sau đó làm theo giải pháp đó

* Kết hợp tất cả các thông tin để quyết định đâu là sự lựa chọn tốt nhất.
* Quyết định và thực hiện.
* Chịu trách nhiệm về quyết định và hành động của mình.

3. Những điều “nên” và “không nên” khi ra quyết định.

3. 1. Những điều “nên”.

* Trung thực trong việc xác định và đánh giá vấn đề
* Chấp nhận trách nhiệm cho các quyết định trong cuộc sống của mình
* Sử dụng thời gian một cách khôn ngoan khi bạn quyết định – Sử dụng tối đa thời gian mà bạn cần để không tạo thêm vấn đề mới
* Có sự tự tin trong khả năng đưa ra quyết định của mình – và khả năng học hỏi từ những sai lầm của bạn nữa.

3. 2. Những điều “không nên”

* Không nên có những mong muốn không thực tế cho bản thân bạn – chắc chắn sớm hay muộn bạn cũng sẽ có quyết định sai
* Không nên vội vàng quyết định, trừ khi thật cần thiết. Cần tuân thủ theo 4 bước khi đưa ra quyết định .
* Không nên làm những điều mà “làm cũng được, không làm cũng chẳng sao”.
* Không lên lừa gạt bản thân mình bằng cách chọn những giải pháp dễ dàng và thuận lợi – nhưng không giải quyết được vấn đề.
* Không nên né tránh, chần chừ khi cần ra quyết định. Bạn hãy dũng cảm ra quyết định cho bản thân và chịu trách nhiệm trước quyết định ấy. Không làm điều gì, không quyết định được một vấn đề gì… không phải là người “khôn ngoan” mà là người “chậm chạp”.

Ghi nhớ: Đưa ra quyết định thì dễ – Nhưng để đưa ra quyết định đúng yêu cầu phải có kiến thức và kỹ năng.

Huy là học sinh lớp 5. Huy có một người bạn thân tên là Hoàng đang học lớp 7. Hàng ngày hai bạn thường đi chơi, học nhóm cùng nhau. Bố mẹ Huy rất quý Hoàng vì thấy Huy và Hoàng thân thiết như hai anh em một nhà.

Một hôm Hoàng đưa cho Huy điếu thuốc lá và bảo : « Là con trai phải bíêt hút thuốc lá, nếu không thì là con gái ». Tuy rất nể Hoàng, nhưng Huy cũng đắn đo suy nghĩ, bởi Huy biết hút thuốc lá rất có hại cho sức khoẻ. Huy muốn từ chối, nhưng lại sợ Hoàng phật lòng. Chính Hoàng đã kèm cặp cho Huy từ một học sinh kém về môn Toán trở thành học sinh giỏi. Chính Hoàng đã dẫn dắt Huy tham gia đội bóng đá của trường và bảo vệ Huy khi có một số bạn lớn tuổi bắt nạt. Càng nghĩ, Huy càng khó quyết định.

Rồi Huy đem câu chuyện này hỏi Lan, một bạn gái thân học cùng lớp của Huy. Lan nói : « Thuốc lá không làm cậu trở thành con trai đâu. Có bao nhiêu người thanh niên trưởng thành, học giỏi, họ có hút thuốc đâu mà vẫn được mọi người yêu mến, kính trọng. Cậu chớ thử, lỡ may thành nghiện thì chết ».

Sau khi nhận được lời khuyên như vậy Huy đã quyết định sẽ không thử hút thuốc lá, cho dù Hoàng có giận hay không chơi với Huy chăng nữa. Huy cảm thấy thật thoải mái và tự tin hơn khi đã nói KHÔNG với thuốc lá.

Sau đây là câu hỏi dành cho bạn:

· Hãy thử đặt bạn vào tình huống của Huy, bạn sẽ làm gì?

· Bạn có cân nhắc kĩ trước khi đi đến quyết định của mình không?

· Với mỗi phương án giải quyết (hút hoặc từ chối) bạn có cân nhắc và lường trước các kết quả và hậu quả của nó không?

· Khi cảm thấy mình chưa tự tin trong quyết định của mình, bạn có cảm thấy thoải mái và tự tin khi tham khảo ý kiến từ những người khác không?
Nếu những câu hỏi trên trả lời là có thì bạn có thể yên tâm trong các quyết định của mình.

Tài liệu 2:

1 - Khái niệm

Nội dung của một quyết định là nhằm để trả lời được các câu hỏi sau đây: Làm gì? Ai làm? Khi nào làm? Làm ở đâu? Điều kiện vật chất để thực hiện là gì? Làm như thế nào? Bao giờ kết thúc? Kết quả tối thiểu phải đạt là gì? Tổ chức kiểm tra và tổng kết báo cáo như thế nào?

2 - Các nguyên tắc cơ bản ra quyết định

a. Nguyên tắc về định nghĩa

Muốn giải quyết có hiệu lực một vấn đề, đầu tiên phải hiểu rõ vấn đề đó. Thời gian dùng để tìm ra giải pháp cho một vấn đề thường là vô ích, bởi vì người ta hay tự thỏa mãn trong việc xử lý các diễn biến của nó mà quên không bàn tới nội dung sâu sắc của nó.

b. Nguyên tắc về sự xác minh đầy đủ

Tất cả mọi quyết định lôgic phải được dựa trên những cơ sở vững chắc. Người ta phải bảo vệ được quyết định đã đề ra bằng cả một tổng thể những sự việc hiển nhiên và có thể kiểm tra lại để chứng tỏ quyết định đó là hợp lý và lôgic. Mà một người khác nếu quan sát tình hình cũng dưới góc độ đó và trong hoàn cảnh đó, thì dù họ có thể có những ý kiến bất đồng hay những định kiến và lợi ích khác thì họ cũng buộc phải đi tới cùng kết luận đó.

c. Nguyên tắc về sự đồng nhất

Thực tế thường xảy ra tình trạng cùng một sự việc, có thể có nhiều quan điểm, nhiều cách nhìn nhận khác nhau tùy thuộc vào người quan sát và không gian, thời gian diễn ra sự việc đó. Chẳng hạn, cạnh tranh dưới cơ chế quản lý bao cấp của các nước XHCN bị coi là một hiện tượng xấu, thì ngày nay tất cả các nước thực hành nền kinh tế thị trường đều coi là một hiện tượng tất yếu và lành mạnh. Cho nên ta cần phải xác định một cách rõ ràng những sự việc và để làm việc đó, cần phải tin chắc rằng ta đã nghĩ tới những sự khác nhau có thể có do các sự thay đổi về địa điểm hay về thời đại gây ra.

3 - Yêu cầu với các quyết định

a. Tính khách quan và khoa học

Các quyết định là cơ sở quan trọng đảm bảo cho tính hiện thực và hiệu quả của việc thực hiện chúng, cho nên nó không được chủ quan tùy tiện, thoát ly thực tế. Vì quyết định là sản phẩm chủ quan sáng tạo của con người, do đó đảm bảo tính khách quan không phải là việc đơn giản, nhất là trong những trường hợp việc thực hiện các quyết định có liên quan đến lợi ích của người ra quyết định.

Tính khoa học của các quyết định là sự thể hiện của những cơ sở, căn cứ, thông tin, nhận thức, kinh nghiệm của nhà quản trị trong việc xử lý, giải quyết những tình huống cụ thể xuất hiện đòi hỏi có sự can thiệp bằng các quyết định của họ, nó phải tuân thủ đòi hỏi của các quy luật khách quan

b. Tính có định hướng

Một quyết định quản trị bao giờ cũng phải nhằm vào các đối tượng nhất định, có mục đích, mục tiêu, tiêu chuẩn xác định. Việc định hướng của quyết định nhằm để người thực hiện thấy được phương hướng công việc cần làm, các mục tiêu phải đạt. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các quyết định có tính lựa chọn mà người thực hiện được phép linh hoạt hơn, sáng tạo hơn trong quá trình thực hiện quyết định.

c. Tính hệ thống

Yêu cầu tính hệ thống đối với các quyết định trong quản trị kinh doanh đòi hỏi mỗi một quyết định đưa ra phải nhằm đạt được một nhiệm vụ nhất định, nằm trong một tổng thể các quyết định đã có và sẽ có nhằm đạt tới mục đích chung.

d. Tính tối ưu

Trước mỗi vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp thường có thể xây dựng được nhiều phương án khác nhau cùng nhằm đạt tới mục tiêu. Yêu cầu phải đảm bảo tính tối ưu có nghĩa là quyết định sẽ đưa ra để thực hiện phải là quyết định có phương án tốt hơn những phương án quản trị khác và trong trường hợp có thể được thì nó phải là phương án quyết định tốt nhất.

e. Tính cô đọng dễ hiểu

Dù được biểu hiện dưới hình thức nào các quyết định đều phải ngắn gọn, dễ hiểu, để một mặt tiết kiệm được thông tin tiện lợi cho việc bảo mật và di chuyển, mặt khác làm cho chúng đỡ phức tạp giúp cho người thực hiện tránh việc hiểu sai lệch về mục tiêu, phương tiện và cách thức thực hiện.

f. Tính pháp lý

Đòi hỏi các quyết định đưa ra phải hợp pháp và các cấp thực hiện phải thực hiện nghiêm chỉnh.

g. Tính góc độ đa dạng hợp lý

Trong nhiều trường hợp các quyết định có thể phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện. Những quyết định quá cứng nhắc sẽ khó thực hiện và khi có biến động của môi trường sẽ khó điều chỉnh được.

h. Tính cụ thể về thời gian thực hiện

Trong mỗi quyết định cần bảo đảm những quy định về mặt thời gian triển khai, thực hiện và hoàn thành để cấp thực hiện không được kéo dài thời gian thực hiện.

4 - Các bước ra quyết định

Quá trình đề ra quyết định bao gồm các bước sau:

a. Sơ bộ đề ra nhiệm vụ

Quá trình ra quyết định phải bắt đầu từ việc đề ra nhiệm vụ, nhưng không phải bao giờ cũng đề ra được ngay nhiệm vụ môt cách chính xác. Tùy theo mức độ nghiên cứu những vấn đề mới xuất hiện, giải quyết những vấn đề này có ảnh hưởng nhiều hay ít đến kết quả của quyết định. Vì thế, trong quá trình đề ra quyết định, phải làm rõ thêm nhiệm vụ đã đề ra và đôi khi phải thay đổi nhiệm vụ. Khi đề ra nhiệm vụ, nếu tương tự như những nhiệm vụ đã được quyết định trước đây, có thể sử dụng kinh nghiệm đã có và đạt ngay được mức độ chính xác cao. Khi quyết định những nhiệm vụ có nội mới ở bước đầu phải sơ bộ đề ra nhiệm vụ và là rõ dần nó trong quá trình quyết định nhiệm vụ. Muốn đề ra nhiệm vụ, trước hết cần phải xác định: - Vì sao phải đề ra nhiệm vụ, nhiệm vụ đó thuộc loại nào, tính cấp bách của nó. - Tình huống nào trong sản xuất có liên quan đến nhiệm vụ đề ra, những nhân tố ảnh hưởng đến nhiệm vụ. - Khối lượng thông tin cần thiết đã có để đề ra nhiệm vụ, cách thu thập những thông tin còn thiếu.

b. Chọn tiêu chuẩn đánh giá các phương án và các mô hình xử lý

Muốn so sánh các phương án một cách khách quan để lựa chọn phương án tốt nhất cũng như thấy rõ khả năng thực hiện mục đích đề ra cần phải có tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả. Tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả phải thể hiện được bằng số lượng, cố gắng phản ánh đầy đủ nhất những kết quả dự tính sẽ đạt, phải cụ thể, dễ hiểu và đơn giản. Thường các tiêu chuẩn được chọn từ các chỉ tiêu: chi phí nhỏ nhất, năng suất cao nhất, sử dụng thiết bị nhiều nhất, sử dụng vốn sản xuất tốt nhất v.v... Tùy theo mục đích chính của nhiệm vụ được đề ra. Ngoài ra còn có nhiều chỉ tiêu: chất lượng sản phẩm làm ra, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường v.v... Việc chọn các tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả là quá trình quan trọng và phức tạp. Nếu không chú ý đến điều này, khi đề ra nhiệm vụ dễ nêu những mục đích chung chung, do đó dẫn tới những khó khăn lớn khi chọn quyết định. Các phương án của những quyết định phức tạp được nghiên cứu bằng mô hình toán học. Mô hình phản ánh hoặc tái tạo đối tượng, thay thế đối tượng để sau khi nghiên cứu mô hình thu được những thông tin về đối tượng đó. Mô hình của đối tượng đơn giản hơn và chỉ phản ánh những mặt cơ bản để đạt mục tiêu. Các mô hình cho phép nghiên cứu các phương án của quyết định với hao phí về sức lực, phương tiện và thời gian. Nhờ mô hình và máy vi tính người ta xác định nhanh chóng hiệu quả các phương án theo tiêu chuẩn đánh giá đã chọn. Trên cơ sở đó, có thể chọn được phương án quyết định tối ưu.

c. Thu thập thông tin để làm rõ nhiệm vụ đề ra

Chỉ có thể giải quyết đúng đắn một vấn đề nào đó nếu như có thông tin đầy đủ và chính xác. Lượng thông tin cần thiết phụ thuộc vào tính phức tạp của nhiệm vụ được xét và phụ thuộc vào trình độ thành thạo, kinh nghiệm của người ra quyết định. Người lãnh đạo lành nghề có kinh nghiệm khi giải quyết những vấn đề thường gặp, có thể bổ sung những tin đã nhận được, xuất phát từ kinh nghiệm của mình trong các trường hợp tương tự. Nhưng cần thiết phải thu thập mọi thông tin, nếu điều kiện cho phép, về tình huống nhất định. Nếu thông tin chưa đủ để quyết định vấn đề một cách chắc chắn, phải có biện pháp bổ sung tin. Đôi khi cần giải quyết những vấn đề cấp bách và quan trọng, người lãnh đạo có thể trực tiếp tìm hiểu tình hình tại chỗ. Công việc này thường không tốn nhiều thời gian mà lại giúp cho người lãnh đạo có thông tin cần thiết, đầy đủ và chính xác nhất. Không phải tất cả mọi thông tin thu nhận được luôn luôn chính xác đầy đủ. Trong một số trường hợp, thông tin bị sai lệch đi một cách có ý thức do xuất phát từ các lợi ích cục bộ, hoặc do phải truyền đạt quá nhiều cấp bậc. Nhưng đôi khi thông tin bị méo đi một cách vô ý thức vì cùng một hiện tượng những người khác nhau có thể có những ý kiến chủ quan khác nhau hoặc trong cạnh tranh nhiều thông tin giả (nhiễu) được các đối thủ tung ra để đánh lạc hướng đối phương v.v... Cho nên, người lãnh đạo phải chú ý tất cả những điều đó khi đánh giá các nguồn thông tin.

d. Chính thức đề ra nhiệm vụ

Bước này có ý nghĩa rất quan trọng để đề ra quyết định đúng đắn. Chỉ có thể chính thức đề ra nhiệm vụ sau khi xử lý các thông tin thu được do kết quả nghiên cứu về tính chất của nhiệm vụ, tính cấp bách của việc giải quyết nhiệm vụ đó, tình huống phát sinh, việc xác định mục đích và tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả.

e. Dự kiến các phương án quyết định

Nêu những phương án quyết định sơ bộ trình bày dưới dạng kiến nghị. Những phương án sơ bộ này thường xuất hiện ngay ở bước đề ra nhiệm vụ. Cần xem xét kỹ lưỡng mọi phương án quyết định có thể, ngay cả đối với những phương án mà mới nhìn qua tưởng như không thực hiện được. Trước hết, nên sử dụng kinh nghiệm đã có khi giải quyết những vấn đề tương tự. Nếu như kinhnghiệm đó là kinh nghiệm tốt và những phương án riêng biệt đã cho những kết quả tốt thì nên đưa các phương án đó vào trong số các phương án quyết định. Tuy nhiên, không nên dừng lại ở đó mà nên tìm các phương pháp giải quyết nhiệm vụ có hiệu quả hơn. Có thể dùng phương pháp lập luận lôgic và trực giác của người lãnh đạo để lựa chọn phương án. Cần xác định xem xây dựng phương án nào thì có lợi, còn phương án nào khó thực hiện do nguyên nhân nào đó. Để lựa chọn lần cuối chỉ nên để lại nhữngà phương án quyết định thiết thực nhất, bởi vì số lượng các phương án càng nhiều thì càng khó phân tích, đánh giá hiệu quả của chúng.

f. Đề ra quyết định

Sau khi đánh giá những kết quả dự tính của quyết định và lựa chọn được phương án tốt nhất, chủ doanh nghiệp phải trực tiếp đề ra quyết định và chịu trách nhiệm trực tiếp về quyết định đó.

g. Truyền đạt quyết định đến người thi hành và lập kế hoạch tổ chức

Trước hết quyết định cần được nêu thành mệnh lệnh hay chỉ thị để có hiệu quả của một văn bản hành chính. Trong bản thân quyết định không phải chỉ dự tính làm cái gì mà còn phải quy định ai làm, ở đâu, khi nào làm và làm bằng cách nào, ai kiểm tra việc thực hiện quyết định, bao giờ thì kiểm tra và kiểm tra như thế nào? Tất cả những điều đó tạo thành những tiền đề cần thiết về tổ chức thực hiện quyết định. Tiếp theo là tuyên truyền và giải thích trong doanh nghiệp ý nghĩa và tầm quan trọng của quyết định đã đề ra, những kết quả có thể đạt được của quyết định ấy. Sau đó vạch phương trình thực hiện quyết định này. Kế hoạch tổ chức phải xuất phát từ việc quy định rõ giới hạn hiệu lực của quyết định và phải theo đúng thời hạn đó trong quá trình thực hiện. Việc tổ chức phải cụ thể và chi tiết, nghĩa là tùy theo tính chất và mức độ phức tạp của nhiệm vụ đã đề ra mà phân định toàn bộ khối lượng công việc theo các đối tượng và các khoảng thời gian. Trong kế hoạch phải nêu rõ: Ai lam? Và Bao giờ thì bắt đầu? Lúc nào thì kết thúc? Thực hiện bằng phương tiện nào? Trước khi chỉ đạo tiến trình thực hiện kế hoạch, cần chú ý đặc biệt vấn đề tuyển chọn cán bộ với số lượng cần thiết và chuyên môn thích hợp. Có ba yêu cầu quan trọng đối với cán bộ: có uy tín cao trong những vấn đề mà họ sẽ chỉ đạo giải quyết; được giao toàn quyền khi chỉ đạo thực hiện; có khả năng tiến hành kiểm tra. Người thực hiện việc kiểm tra nhất thiết không được dính líu về lợi ích vật chát với đối tượng bị kiểm tra. Kế hoạch tổ chức cần năng động, sao cho vào thời gian nhất định và tại một điểm nhất định có thể tập trung được lực lượng chủ yếu.

h. Kiểm tra việc thực hiện quyết định

Kiểm tra tình hình thực hiện quyết định có vai trò quan trọng và nó có hai ảnh hưởng tới thực tiễn kinh tế. Thứ nhất, kiểm tra tác động tới hành vi của con người, nâng cao trách nhiệm của họ và động viên họ thực hiện chính xác những hoạt động đã nằm trong kế hoach. Thứ hai, việc tiến hành kiểm tra liên tục thúc đẩy sự thực hiện kịp thời và có trình tự các nhiệm vụ đã đặt ra. Như vậy, tổ chức tốt việc kiểm tra sẽ đem lại cho quá trình thực hiện quyết định sự linh hoạt cần thiết; nếu không, xã hội sẽ chịu những thiệt hại lớn. Những thiệt hại đó bao hàm những sự trì trệ, sai hỏng v.v... xảy ra do các quyết định không được hoàn thành đúng thời hạn hoặc do kỷ luật lao động bị vi phạm. Từ đó, người ta thấy rõ mục đích của việc kiểm tra không chỉ là để kịp thời đề ra những biện pháp khắc phục những lệch lạc đã thấy, hoặc tốt hơn nữa là nhằm ngăn ngừa việc xảy ra những lệch lạc. Việc kiểm tra được tổ chức tốt sẽ là một sự liên hệ ngược có hiệu lực tốt, nếu không nó sẽ không giải quyết kịp thời các vấn đề đang xuất hiện, không khắc phục được các khâu yếu v.v... và quá trình quyết định khó tiến hành một cách bình thường.

i. Điều chỉnh quyết định

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cần thiết phải điều chỉnh quyết định trong quá trình thực hiện chúng. Các nguyên nhân đó thường là: - Tổ chức không tốt việc thực hiện quyết định. - Có những thay đổi đột ngột do nguyên nhân bên ngoài gây ra. - Có sai lầm nghiêm trọng bản thân quyết định, và một số nguyên nhân khác. Không nên do dự trong việc điều chỉnh quyết định khi một tình huống đã hình thành làm cho một quyết định trước đây đã mất hiệu lực, không còn là một nhân tố tổ chức mà trái lại trên một chừng mực nào đó đang trở thành nhân tố phá hoại. Đối với các quyết định được đề ra trong điều kiện bất định, cần dự kiến trước những sửa đổi trong quá trình thực hiện chúng. Những điều kiện bất định thể hiện ở chỗ thông tin không đầy đủ, khiến cho tầm dự đoán bị thu hẹp đáng kể, nhưng nhiệm vụ lại yêu cầu phải đề ra quyết định không chờ đợi đến khi hoàn toàn hiểu rõ tình hình. Trong điều kiện như vậy, khi đề ra quyết định, chủ doanh nghiệp đã xuất phát từ chỗ là khi tình huống đã lộ rõ hoàn toàn hay khi đã tích lũy được kinh nghiệm cần thiết thì quyết định sẽ được sửa đổi. Sự điều chỉnh quyết định không nhất thiết là do xuất hiện tình huống bất lợi. Chẳng hạn, trong quá trình thực hiện quyết định có thể phát hiện ra những khả năng mới mà trước đó ta chưa dự kiến được, đem lại kết quả cao hơn kết quả dự định, vì thế cần có những sửa đổi quyết định. Chủ doanh nghiệp cần có bản lĩnh, đôi khi phải khắc phục cả sự phản đối trực tiếp để điều chỉnh quyết định, tránh để tình trạng quyết định quá vô lý gây nên tâm trạng chán chường cho những người thi hành. Mặt khác, cần chú ý rằng những sửa đổi nhỏ không căn bản sẽ tạo nên các xáo trộn về mặt tổ chức, gây ra sự mất tin tưởng ở tính ổn định của nhiệm vụ và dẫn đến những thiệt hại lớn hơn so với việc không sửa đổi.

j. Tổng kết tình hình thực hiện quyết định

Đây là một yếu tố quan trọng trong công tác quản lý quyết định doanh nghiệp. Trong mọi trường hợp, không kể là quyết định có được thực hiện đầy đủ và đúng hạn hay không, đều cần đúc kết các kết quả thực hiện quyết định. Qua việc đúc kết các kết quả, các tập thể biết được họ có tầm quan trọng xã hội như thế nào. Đó cũng là sự học tập thực tiễn ngay trên kinh nghiệm của mình, làm phong phú kho tàng kinh nghiệm quản lý, kiểm tra hiệu quả của cách đề ra và cách thực hiện quyết định quản lý. Trong quá trình tổng kết các kết quả, cần xem xét chu đáo, tất cả các giai đoạn công tác, phân tích rõ tất cả những thành công cũng như những sai lầm, thiếu sót, phát hiện hết các tiềm năng chưa được sử dụng. Hệ thống mọi chỉ tiêu và nhân tố của hoạt động kinh tế, mối liên hệ qua lại và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng. Khi tổng kết cần xây dựng kế hoạch tổng kết, lựa chọn và kiểm tra những thông tin cần thiết, phân tích và so sánh các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, tìm ra nguyên nhân thành công hoặc thất bại và đánh giá tổng hợp.

5 - Trở ngại của chủ doanh nghiệp khi ra quyết định

Một vấn đề đã chín muồi và đã được đặt ra, song quyết định có đưa ra thực hiện được hay không còn tùy thuộc vào động cơ và bản lĩnh của của một giám đốc. Để có một quyết định đúng đắn phụ thuộc rất lớn vào động cơ của người quyết định ra nó. Những động cơ ảnh hưởng trực tiếp đến việc ra quyết định của giám đốc đó là: Lợi ích kinh tế (bao gồm lợi ích cá nhân, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của xã hội), các ràng buộc và uy tín, trách nhiệm của giám đốc. Ngoài việc phụ thuộc vào động cơ, quyết định còn phụ thuộc vào bản lĩnh của giám đốc tức là người giám đốc có dám chấp nhận rủi ro để vượt qua mọi trở ngại trong khi ra quyết định hay không. Các trở ngại thường xảy ra là sự thiếu chuẩn xác, thiếu đồng bộ hoặc bất hợp lý của hệ thống luật pháp Nhà nước, mâu thuẫn giữa tham vọng và khả năng có hạn, cuối cùng là sự biến động hàng ngày của thị trường. Tất cả những khó khăn đó đòi hỏi giám đốc phải có nghị lực mới ra quyết định kịp thời và có hiệu quả.
---------------------------------------------

Bạn cảm thấy thế nào sau khi đọc hết 2 tài liệu trên?

Related Articles

No comments:

Post a Comment