Friday, January 23, 2009

23/01/09

"Phát ngôn & Hành động ấn tượng" tuần này hơi khác bình thường là gửi đến bạn đọc những câu chuyện, vấn đề, ý tưởng được chắt lọc từ tờ báo Xuân Kỷ Sửu 2009. Một điểm thú vị lần này là nhiều nhân vật có cách "phản biện" lại những luận điểm hay cách nói tưởng chừng như đã quá hằn sâu, quen thuộc.



"Nhìn lại để thấy bước trưởng thành, nhưng không chủ quan"

Cùng với phần nội dung về về việc giao trọng trách cho thanh niên đủ tài, có khát vọng cống hiến trong chủ đề "Đất nước đặt hàng người trẻ" mà báo Tiền Phong Xuân đặt ra, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá về thành tựu của hơn 20 năm đổi mới:

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (Ảnh: VNN)

"Đại hội X của Đảng đã tổng kết những thành tựu 20 năm đổi mới. Những thành tựu đó rất to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và có ý nghĩa lịch sử đối với đất nước.

GDP tăng trưởng với tốc độ khá cao (7-8%/năm) liên tục trong suốt 20 năm. An ninh chính trị ổn định là nền tảng có ý nghĩa hết sức quan trọng - đây là điểm sáng nhất của mình.

Kinh tế còn có va vấp, có chuyện này chuyện khác, nhưng an ninh quốc phòng, an ninh chính trị phải nói là tuyệt đối đảm bảo. Các mặt văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo cũng có những thành tựu rất đáng ghi nhận...

Phải thấy hết ý nghĩa những thành tựu đó, đồng thời cũng phải nghiêm túc thấy được yếu kém của mình để khắc phục, chẳng hạn như sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, trình độ quản lý vẫn còn yếu; an ninh trật tự, an toàn xã hội chưa thật sự tốt, tai nạn giao thông, trộm cắp, cướp giật vẫn phức tạp và cuộc sống của người dân chưa thật yên ổn; người nghèo ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn... Nhìn lại để thấy bước trưởng thành, nhưng không chủ quan.

"Con thuyền" mình nhỏ khi ra biển gặp gió to sóng lớn không thể tránh khỏi bị tròng trành, nhưng nếu tay lái yếu thì sẽ càng nghiêng ngả hơn. Nhờ đoàn kết, nhờ đồng lòng, hiệp lực mà "con thuyền" của mình, tuy nhỏ, song vẫn đang vượt sóng gió, thác ghềnh một cách tự tin!"

"Đã qua rồi một thời đổi mới"

GS Trần Văn Thọ

Đó là cụm từ được GS Trần Văn Thọ, giảng dạy tại Đại học Waseda (Tokyo), từng là thành viên Hội đồng Tư vấn kinh tế của nhiều đời Thủ tướng Nhật, đề xuất để làm mệnh đề mở đầu cho việc bàn đến một tư duy chiến lược mới, cơ chế mới và sự đồng thuận mới của xã hội giai đoạn "hậu Đổi mới", để đưa đất nước tiến vào một giai đoạn giàu mạnh và bền vững.

Ông viết: "Điểm qua kinh nghiệm Mỹ và Nhật, tôi thấy VN bây giờ giống như Nhật hồi giữa thập niên 1950. Giống ở chỗ đối diện với thời điểm chuyển tiếp giữa hai giai đoạn phát triển. Ở thời điểm đó, nếu có tư duy mới, đồng thuận xã hội mới, chính sách, chiến lược mới thì sẽ bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đưa kinh tế đến một thứ bậc cao hơn.

Còn ở thời điểm đó nếu vẫn giữa tư duy cũ, cơ chế cũ, xã hội có thể trì trệ, phát triển với tốc độ thấp hoặc phát triển nhưng phải hy sinh môi trường và đứng trước nguy cơ bất ổn xã hội". (Thời báo Kinh tế Sài Gòn Xuân Kỷ Sửu 2009)

"Nội lực" nhà nước lấn át

Đó là điều được rút ra từ những phân tích của TS Lê Hồng Giang (hiện đang làm việc tại một quỹ phòng vệ (hedge fund) có trụ sở tại Anh và Australia) về kinh tế VN nhìn từ hệ thống tài khoản quốc gia, trong đó nhấn mạnh đến "những số liệu căn bản" (từ ADB) của tiêu dùng tư nhân (C) và tiêu dùng chính phủ chi các dịch vụ công (G).

TS Lê Hồng Giang

Với C = 64,9, cao hơn nhiều so với Trung Quốc, Thái Lan, một câu hỏi được nêu ra là: dân VN vì nghèo nên tiết kiệm thấp hay vì không tiết kiệm nên nghèo? Hay đấy là một cái vòng luẩn quẩn?

Còn với G = 6,1, chưa bằng nửa mức của Trung Quốc và Thái Lan, thì từ số liệu về ngân sách cho thấy không phải do nguồn thu của Chính phủ thấp nên G buộc phải nhỏ. Với nguồn thu bằng 24,9% GDP năm 2007, Chính phủ đã chi tiêu tổng cộng bằng 28,1% GDP trong đó phần chi vào G chỉ có 6,1%.

Như vậy, 22% GDP được Chính phủ chi vào đầu tư và xây dựng cơ bản. Đây là tỉ lệ chi pho đầu tư công lớn nhất khu vực, gấp 4 lần Trung Quốc, hơn ba làn Thái Lan. Chính phủ VN là nhà đầu tư lớn nhất trong nền kinh tế. Giới doanh nghiệp tư nhân VN bị "lấn át", chỉ đầu tư bằng 10,4% tổng đầu tư trong nước, so với 35% của Trung Quốc, 17% của Thái Lan.

"VN đã có những sai lầm trong quá trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế, đã có một cấu trúc không được tối ưu. Chúng ta cần nhìn nhận những sai lầm đó và kiên quyết sửa chữa. Một điều đáng tiếc là chúng ta sẽ phải trả giá cho những sai lầm này, không sớm thì muộn.

Việc dịch chuyển đầu tư hay tương quan G/C có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, nhất là trong giai đoạn khó khăn này. Nhưng thà chấp nhận tăng trưởng chậm lại trong vài năm để điều chỉnh còn hơn là cứ tiếp tục cơ cấu kinh tế không cân bằng hiện tại...", TS Lê Hồng Giang đưa ra kết luận khi "Suy nghĩ lại nội lực" - chủ đề mà Sài Gòn Tiếp Thị Xuân Kỷ Sửu 2009 lựa chọn.

Cũng theo mạch đó, trong một "phản biện" khác với cụm từ hay khẩu hiệu ra biển lớn mà chúng ta hay dùng hiện nay, tác giả Hoàng Hữu Phước viết: "Toàn cầu hóa không chỉ có nghĩa là đi ra biển lớn, vì rằng đi là để đến và nào phải đi để cùng nhau chạm chán giữa đại dương, bỏ mặc vận hội ở quê nhà? Toàn cầu hóa do vậy hàm ý khi có kẻ vượt biển ra khơi, thì phải có người bám trụ làm tốt công tác tối quan trọng của hậu cần, hoặc tạo cơ sở tại chỗ để chào đón sự cập bến của những đoàn người từ nơi khác đổ ra "cập bến". Đó mới là cách nhìn tích cực để thấy được cơ hội và biến hoàn cảnh thành vận hội".

Cuối 2008, đầu 2009, cả ba miền đều... có nước!

Chuyên gia chứng khoán Huy Nam

Đó là "tổng kết" của chuyên gia kinh tế Huy Nam trước thềm Xuân 2009. Ông nói: "Bà con ta lâu nay vẫn tin nước nhiều là tiền nhiều. Nhưng có một thứ chính là nước, nhưng ai nghe cũng ớn, đó là... triều cường. Ngày thường mà triều cường còn khổ huống hồ ngày tết. Do vậy, ít có nằm nào như năm nay, trong các chương trình chuẩn bị tết của TPHCM có cả việc "ra quân đắp đê chống lụt".

"Cũng là chuyện nước, rất ít thấy đầu năm mà mưa to, lụt nặng nhưng ở miền Trung đầu tháng 1-2009 vẫn còn mưa dầm lụt lớn. Nếu kể luôn trận lụt lịch sử ở Hà Nội đầu tháng 11-2008 thì những tháng cuối năm 2008 và đầu 2009, đủ ba miền đều có nước". (Tuổi Trẻ Cuối tuần số Tất niên)

Không hiểu đây là do "biến đổi khí hậu" hay còn người "biến đổi" làm cho khí hậu đổi theo? Câu trả lời là...

"Sao chúng ta chẳng mong bình dị làm người..."

TS Phạm Duy Nghĩa (Ảnh: Tuổi Trẻ)

"Ngày xưa, những diễn biến thời tiết cực đoạn cũng xảy ra, nhưng không phải với mật độ dày đặc như hiện nay. Rõ ràng, ông trời đã thực sự nổi giận trước thái độ xúc phạm ngang ngược kéo dài của con người đối với môi trường thiên nhiên và bắt đầu mạnh tay trừng phạt...", TS Nguyễn Ngọc Điện (ĐH Quốc gia TPHCM) mở đầu trong bài viết nằm trong chủ đề "Môi trường dưới góc nhìn văn hóa và tập quán người Việt" mà Tuổi Trẻ mở ra trên báo Xuân.

"Câu ngạn ngữ lạc quan "Trời sinh voi, sinh cỏ" không còn đúng nữa. Từ một lúc nào đó, voi ngày càng đông và càng háu đói, trong khi cỏ vẫn chỉ mọc từ từ, diện tích trồng cỏ còn bị thu hẹp theo thời gian vì phải nhường không gian cho voi có chỗ đứng, chỗ nằm, đôi lúc có chỗ để chơi golf".

TS Nguyễn Ngọc Điện bàn đến chuyện... "voi", chuyện "cỏ" thì TS Phạm Duy Nghĩa (ĐH Quốc gia HN) nói đến chuyện "rồng", chuyện "hổ":

"Một thời háo hức, những mong hóa rồng hóa hổ, sao chúng ta chẳng mong bình dị làm người. Đã qua rồi những ngây thơ tăng trưởng GDP năm sau đẹp hơn năm trước; lụt lội, kẹt xe, chúng ta lo âu theo dõi từng bước chân con trẻ tới trường. Làm cho người dân được than thản, ung dung hòa hợp với thiên nhiên, đó cũng chính là mục đích của mọi chính sách quốc gia".

"Trong tiếng hú dài của những rồng những hổ khát tài nguyên, chính quyền thời nay càng đứng trước thách thức phải đủ mạnh và tự tin, dám nói không với ham muốn của giới chủ và giữ lấy sự thanh thản trên từng khuôn mặt người dân. Điều ấy chỉ có thể đạt được nếu người dân ngày càng có quyền can dự vào chính sách, có khả năng tập hợp lực lượng và khả năng phản biện khi cần thiết. Rễ sâu cây mới vững. Thuận lòng người chính quyền mới mạnh..."

TS Nguyễn Hùng Vỹ

Nhìn ở góc độ của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, TS Nguyễn Hùng Vĩ chỉ ra nguyên nhân về tính cách văn hóa của "mối họa" môi trường đang diễn ra ở VN và đề xuất giải pháp:

"Nay cuộc sống đô thị, công nghiệp hóa cao, các công trình xây dựng lớn, yếu tố hội nhập mạnh thì tư duy tiểu nông của người Việt rất khó cho bảo vệ môi trường. Tư duy sống chung với thiên tai tuy khá nhưng cũng không phải là yếu tố cần phát huy nhiều.

Muốn thay đổi tâm lý, tập quán cũ chắc chắn phải bắt đầu từ tầng lớp quản lý, trí thức. Sau đó thể chế hóa và đưa từng nếp nghĩ mới vào cộng đồng. Ngay cả các nước phương Tây muốn bảo vệ môi trường tốt cũng phải xây dựng được một xã hội pháp quyền tốt, sau đó mới mong có một nền tảng đạo đức xã hội tốt".

Một năm khép lại với chủ đề nóng nhất, được đa số tờ báo, chương trình truyền hình Tết đề cập tới chính là ô nhiễm và thanh lọc môi trường sống. "Tống cựu, nghinh tân" - hy vọng năm sau sẽ khác vì chắn chắn rằng từ người dân, doanh nghiệp đến nhà quản lý, không ai muốn giữ nếp cũ bị "ô nhiễm" kinh niên.

Niềm tin - phải "lao động" cật lực mới có được

Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn

"Để xác lập và nuôi dưỡng niềm tin giữa con người với nhau, đồng thời để chữa trị căn bệnh suy thoái đạo đức và tâm trạng hoài nghi trong xã hội, điều hiển nhiên là cần khôi phục một nền đạo đức dựa trên nguyên tắc tự trị của chủ thể luân lý, nghĩa là tôn trọng và đề cao lương tâm và tinh thần tự quản, tự quyết định của mỗi chủ thể, dựa trên sự tự do và lý tính của mỗi chủ thể luân lý.

Mặt khác, cũng không kém phần quan trọng là phải xây dựng một nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa của từ này. Một xa hội hiện đại không chỉ có những công dân tốt mà còn kỳ vọng có những chủ thể luân lý thực sự tự do".

Tác giả Trần Huy Quang viết về "Xây đắp niềm tin" trong chủ đề chính cùng tên mà Thời báo Kinh tế Sài Gòn Xuân Kỷ Sửu đặt ra khi nhìn lại năm 2008 và hướng đến năm 2009.

"Việc có được lòng tin đích thực (hay ngược lại, tạo được lòng tin đích thực nơi người khác) là gian nan hơn mới thoạt nhìn, vì lòng tin không phải là quà tặng mà phải "lao động" cật lực mới có được - giống như đối với mọi giá trị bền vững đích thực khác" - dịch giả Bùi Văn Nam Sơn bàn về "xây đắp niềm tin" - việc làm không bao giờ là quá muộn.

"Phẩm chất và tật xấu của con trâu giống người VN đến kỳ lạ" (!)

Paul Trần Văn Thình

"Tôi đã quan sát và thấy chợt thấy các phẩm chất và tật xấu của con trâu giống người vN đến kỳ lạ. Chăm chỉ, thông minh nhưng bè phái. Bướng bỉnh, cố hữu nhưng cởi mở. Tình cảm và an toàn với gia đình và làng xóm nhưng sẵn có một sức mạnh bình tâm hiếm thấy.

Kỷ Sửu là mốc quan trọng trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu để bảo vệ người dân và để phát động ý thức chiến đấu và đoàn kết của người dân ở cơ sở chứ không chỉ tầng lớp trên.

Đoàn kết sẽ giúp người VN thắng lợi trong cuộc chiến khó khăn nhất mọi thời đại: Tăng trưởng kinh tế xã hội mang diện mạo nhân văn để đạt đến hạnh phúc"
- Paul Trần Văn Thình, Cựu Đại sứ Liên minh châu Âu, hiện đang sống ở Bỉ nói về năm "Kỷ sửu gian khó" trên Lao Động Xuân với chủ đề "Khám phá VN".

"Có", "có" và "có"!

TS Trần Sĩ Chương

Cuộc khảo sát đầu tiên của Ngân hàng Thế giới vào năm 1995 với gần 100 doanh nghiệp VN, khi nước ta gia nhập ASEAN đồng thời ký hiệp định hợp tác VN - Liên minh châu Âu.

Với hai câu hỏi: 1, VN đã gieo mầm mống để phát triển kinh tế tư nhân chưa? 2, Xã hội VN có những doanh nhân đủ năng lực và ý chí để cáng đáng công cuộc phát triển này hay không?

"Sau hơn một năm khỏa sát, đáp án cho hai câu hỏi trên đều là "Có" và "Có", TS Trần Sĩ Chương, nguyên trợ lý lập pháp ngoại giao, ngoại thương của Quốc hội Mỹ, chuyên gia kinh tế ngân hàng của Quốc hội Mỹ những năm 80, hiện đang đầu tư và tư vấn chiến lược phát triển cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam, cho biết.

Đến nay, khi VN đã bước vào sân chơi kinh tế toàn cầu - tức là biết mình ở đâu đi đến đâu chứ không lao "ra biển lớn" không biết đâu mà bến bờ - thì câu hỏi đặt ra bây giờ là chúng ta có những con người với những tố chất mới để lèo lái con thuyền kinh tế VN trong kỷ nguyên mới này không? Lần này câu trả lời vẫn là "Có"!

"So với nhiều nước trong khu vực, những doanh nhân trẻ của chúng ta thời nay hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với những doanh nhân hàng đầu của Singapore, Hồng Koong, Hàn Quốc hay Nhật Bản, nếu như họ được "cởi trói" và có thêm cơ hội phát triển bản thân trong môi trường kinh doanh thoáng hơn, phẳng hơn, minh bạch hơn", TS Trần Sĩ Chương khẳng định trên Doanh nhân Sài Gòn Xuân Kỷ Sửu.

Related Articles

No comments:

Post a Comment