Saturday, January 31, 2009

Người Việt và văn hóa đánh đổi

(TuanVietNam) - “Công ăn việc làm ổn định trong cơ quan Nhà nước” - đó là nguyện vọng của không ít người VN trong độ tuổi lao động. Người ta thích một chỗ làm việc yên ấm hơn là “chạy lung tung” nơi này nơi kia hoặc ra làm riêng, đối mặt với sóng gió thương trường. Nhìn sâu hơn vào vấn đề, có thể suy rộng ra một đặc điểm tâm lý của số đông người Việt: nỗi sợ sự đánh đổi.

Phát triển nhìn từ văn hóa của sự đánh đổi

Đối với một cá nhân, một doanh nghiệp hay với cả quốc gia, luôn tồn tại sự đánh đổi giữa trạng thái phát triển về mặt vật chất và trạng thái thư giãn về mặt tinh thần. Muốn phát triển thì phải đánh đổi, triết lý phát triển là gì nếu không phải là khuyến khích và thúc ép một nền văn hóa sẵn sàng chấp nhận sự đánh đổi.

Theo thống kê năm 2006, ở Mỹ, khoảng 400.000 người mất việc hàng tuần; và cùng thời gian đó, khoảng 600.000 người thay đổi việc một cách tự nguyện. Trung bình, một người Mỹ gắn bó với một công việc trong vòng 6,6 năm, so với 10,6 năm của Đức và 11,2 năm của Nhật Bản. (*)

Mô hình kinh tế thị trường cạnh tranh tự do của Mỹ được cho là mô hình hiệu quả nhất, năng động nhất, nhiều sáng tạo nhất và cũng phát triển nhất. Nhưng đừng bao giờ quên rằng, đó là mô hình nhiều áp lực nhất. Cạnh tranh tự do đã liên tục tạo ra sức ép phải đổi mới, phải thay đổi.

Lịch sử đã chứng minh rằng mô hình tự do đã tạo ra xung lực mạnh mẽ cho sự phát triển, đó là mô hình có hiệu quả hơn cả cho nền kinh tế quốc gia xét như một tổng thể. Trong dài hạn, nó đã thể hiện tính ưu việt hơn các mô hình kinh tế kế hoạch tập trung hay hỗn hợp mà thành phần nhà nước chiếm ưu thế. Nhưng, xét trong ngắn hạn và xét trên bình diện mỗi cá nhân hay doanh nghiệp, mô hình tự do cạnh tranh không hẳn đã là tốt nhất.

Doanh nghiệp trước sức ép cạnh tranh luôn đứng ở bờ vực mong manh của khả năng bị đào thải, bị phá sản. Thống kê ở Mỹ cho thấy, 80% số doanh nghiệp mới thành lập không thể trụ được quá 3 năm và 98% “sập tiệm” sau 10 năm. Trên thế giới, nói chung, doanh nghiệp tư nhân trong môi trường tự do phải gánh chịu rủi ro cao gấp nhiều lần doanh nghiệp nhà nước trong môi trường “ổn định”.

Mỗi cá nhân, dù là nhân viên bình thường hay nhà quản lý, sống trong môi trường cạnh tranh luôn phải chịu những căng thẳng tâm lý rất lớn. Họ thường xuyên phải phấn đấu, phải vươn lên để trụ được và phát triển trong những công ty đang phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ. Thất nghiệp và thay đổi công việc là chuyện cơm bữa ở các quốc gia có nền kinh tế cạnh tranh mạnh.

Cựu Giám đốc Cục dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan có một so sánh cực kỳ thú vị liên quan đến sự đánh đổi giữa giàu có vật chất và căng thẳng tâm lý. Ông viết: “Hầu hết các nước đều phải lựa chọn một chỗ đứng giữa hai thái cực tượng trưng bằng hai điểm trên bản đồ: Thung lũng Silicon ở một cực với năng suất cao, áp lực lớn, và Venice thủ cựu, ung dung tự tại ở cực bên kia”.

Hai yếu tố tác động tới sự sẵn sàng đánh đổi

Trong dài hạn, phát triển có nghĩa là phải chấp nhận sự đánh đổi. Không thể có phát triển trong một môi trường mà các doanh nghiệp trì trệ bởi thiếu cạnh tranh, con người trì trệ bởi thiếu nỗ lực vươn lên. Quán tính của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp là rất lớn, họ sẽ không đánh đổi nếu như không có sức ép từ bên trong và bên ngoài phải đánh đổi.

Nghiên cứu phát triển phải nghiên cứu tâm lý học của sự đánh đổi, nghiên cứu những yếu tố tác động khiến cá thể phải đánh đổi sự lười biếng cá nhân vì sự năng động cộng đồng. Theo tôi, có hai nguyên nhân ở tầm vĩ mô có khả năng thúc ép các doanh nghiệp và cá nhân phải đánh đổi.

Yếu tố thứ nhất là văn hóa, đây là yếu tố sẽ tạo ra lực đẩy bên trong của sự đánh đổi. Một nền văn hóa có truyền thống cởi mở, khuyến khích làm giàu, khuyến khích tự do kinh doanh sẽ tạo ra những con người sẵn sàng đánh đổi, những doanh nghiệp sẵn sàng đánh đổi nhiều hơn một nền văn hóa cô lập, khép kín, bảo thủ.

Một nền văn hóa tôn vinh những con người tự do sáng tạo, tự do làm giàu sẽ mang lại những thành tựu đột phá trong phát triển hơn một nền văn hóa coi giàu có là phù hoa, trái đạo lý, thậm chí tội lỗi.

Ngay cả ở những quốc gia phương Tây, cùng lấy tự do và duy lý làm giá trị nền tảng như Mỹ và Pháp, độ chênh văn hóa vẫn tạo ra sự khác biệt trong văn hóa đánh đổi. Thăm dò cho thấy, 71% người Mỹ cho rằng hệ thống thị trường tự do là mô hình tốt nhất trong khi chỉ 36% người Pháp cho như vậy. 75% thanh niên Pháp muốn làm việc cho chính phủ trong khi rất ít thanh niên Mỹ muốn thế. Mỹ đương nhiên có nền kinh tế tư bản phát triển năng động hơn Pháp. (**)

Yếu tố thứ hai là thể chế, đây là yếu tố sẽ tạo ra lực đẩy bên ngoài của sự đánh đổi. Một thể chế với hệ thống luật lệ bảo vệ quyền tư hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ sẽ tạo ra khuôn khổ để cá nhân, doanh nghiệp thành công trong sự lựa chọn đánh đổi của mình. Một thể chế với các doanh nghiệp tư nhân làm cột trụ chắc chắn sẽ khích lệ tính cạnh tranh nhiều hơn một thể chế mà doanh nghiệp nhà nước độc quyền hay nắm vai trò chủ đạo.

Việt Nam có sẵn sàng cho sự đánh đổi?

Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh bởi đạo Khổng và phần nào nữa là đạo Phật. Khổng giáo vốn trọng lễ nghi, thứ bậc, hình thức. Phật giáo khuyến khích an nhiên, tự tại, đơn giản. Nhiều người cho rằng cả hai trào lưu tư tưởng này đều phản tư do. Quan niệm như vậy là cực đoan, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, hai luồng tư tưởng này đều không mấy khuyến khích những con người năng động, sẵn sàng chiến đấu, vươn lên trong môi trường cạnh tranh tự do khốc liệt.

Xã hội vẫn tồn tại tâm lý khuyến khích hình thức, lễ nghi hơn là thực chất, hiệu quả; tâm lý học để làm quan chứ không phải để ứng dụng trong thực tiễn; tâm lý hưởng thụ an nhàn hơn là cố gắng, phấn đấu.

Những nét tâm lý đó không hẳn hoàn toàn tạo ra bởi văn hóa nhưng phần nào xuất phát từ văn hóa. Xét về khía cạnh văn hóa, Việt Nam chưa thực sự có được sự hẫu thuẫn mạnh mẽ cần thiết cho những con người dấn thân đánh đổi.

Việt Nam trải qua nhiều năm chiến tranh khốc liệt và nền kinh tế đi theo mô hình kế hoạch hóa tập trung. Thời gian mở cửa và bước vào nền kinh tế thị trường mới chỉ hơn 20 năm, thể chế mới đã định hình nhưng chưa đạt những chuẩn mực của thế giới. Những tàn dư của thế chế cũ không tạo ra môi trường cho sự cạnh tranh quyết liệt và bình đẳng.

Tâm lý bám víu vào thể chế cũ, quan niệm cũ để tránh sự khốc liệt của cạnh tranh, tìm kiếm sự ổn định vật chất và tinh thần vẫn hằn sâu trong não trạng của rất rất nhiều người. Ngay cả với những người có tinh thần đổi mới, sáng tạo vươn lên, sự đền bù họ nhận được từ tinh thần đó cũng không đủ lớn, thậm chí ngược lại, họ phải trả giá vì đã đánh đổi.

Họ dễ dàng quay về tìm kiếm những không gian bình yên hơn là dấn thân bước vào một môi trường nhiều rào cản và bị bóp méo bởi những thành tố phi logic, phi thị trường. Xét về khía cạnh thể chế, Việt Nam cũng chưa có được nền tảng cần thiết để thực sự mở đường cho sự đánh đổi.

Nhìn đi phải nhìn lại, không thể phủ nhận rằng 20 năm đổi mới đã tạo ra một bước khởi đầu. Khu vực tư nhân từ chỗ không có gì nay đã là khu vực tạo ra công ăn việc làm nhiều nhất (50% lực lượng lao động, số liệu năm 2006), đóng góp vào GDP nhiều nhất (41,3% năm 2006) trong khi đó lại chiếm tỷ trọng vốn đầu tư ít nhất (28% so với 50% của nhà nước). Sự hiệu quả và năng động của khu vực này góp phần quyết định vào thành công của hơn 20 năm đổi mới và mở cửa nền kinh tế Việt Nam. (***)

Sự thành công của khu vực tư cũng đã góp phần nhất định, tạo áp lực ngược lại khiến văn hóa và thể chế thay đổi. Những nhìn nhận về vai trò của thực học, của doanh nhân, của mô hình thị trường tự do… đã thay đổi nhiều từ sau đổi mới và đang diễn tiến theo chiều hướng ngày một ủng hộ và cởi mở hơn. Tâm lý bám víu cũng đã giảm dần nếu so sánh với nhiều năm trước.

Thế nhưng, sự đổi thay ấy vẫn chưa đủ. Chúng ta vẫn không có được bầu sinh khí mạnh mẽ của một môi trường khuyến khích đánh đổi, vẫn chưa cảm thấy sức nóng của nhiệt huyết sáng tạo, năng lượng của nỗ lực cạnh tranh để kiếm tìm thịnh vượng và sự khẳng định.

Ngay cả trong nội bộ đất nước, sự năng động của môi trường cạnh tranh ở các tỉnh phía Nam cũng đã mạnh mẽ hơn nhiều các tỉnh phía Bắc, đó cũng là một lý do giải thích tại sao khu vực phía Nam lại phát triển nhanh và mạnh hơn.

Phát triển, như đã nói ở trên, là phải chấp nhận sự đánh đổi. Nhưng mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp có sự lựa chọn hợp lý đối với họ, họ có thể không sẵn lòng đánh đổi và không muốn đánh đổi lợi ích ngắn hạn cho tiềm năng dài hạn, quyền lợi cục bộ cho phát triển toàn bộ. Và không ai có quyền bắt buộc người khác phải đánh đổi. Đánh đổi không nảy sinh từ sự bắt buộc mà từ sự thúc đẩy. Nhà nước với tư cách là người hướng dẫn, người lãnh đạo mới cần phải tạo ra sự thúc đẩy đó bằng văn hóa và thể chế.

Văn hóa là lực đẩy bên trong, thể chế là lực đẩy bên ngoài. Đó là hai chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển. Và chính nhà nước cũng phải đóng vai trò tiên phong trong quá trình đánh đổi ấy.

Khánh Duy

(*), (**) Số liệu lấy từ cuốn The Age of Turbulence (Kỷ nguyên hỗn loạn) của Alan Greenspan

(***) Số liệu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quản lý Trung ương (CIEM)

Related Articles

No comments:

Post a Comment