Friday, May 29, 2009

Trinh tiết

Trước tiên, tôi xin phép tác giả Cao Huy Thuần được trích dẫn một số đoạn trong “Quà Tết” – tác phẩm Thấy Phật.

Tôi tìm thấy niềm vui và yên bình khi đọc Thấy Phật, may mắn hơn nữa, tôi được thả mình trong những dòng suy nghĩ của bác và tìm thấy sự đồng cảm ở “Quà Tết”.

Được dẫn nhập từ vụ kiện của cặp vợ chồng người gốc Ả Rập tại Pháp, câu chuyện về một anh chồng đâm đơn ra tòa kiện chị vợ, xin hủy bỏ hôn thú theo điều 180 luật dân sự Pháp vì trong đêm tân hôn, anh ta phát hiện ra cô dâu không còn trinh bạch.

“Phần thắng, anh chồng nắm chắc trong tay, vì điều 180 nói rõ: nếu có lầm lẫn về “đặc tính cốt yếu” của người phối ngẫu, người kia có thể yêu cầu hủy bỏ giá thú. Anh là Ả Rập, Hồi giáo, chị là Ả Rập, Hồi giáo, cùng một văn hóa, cùng một phong tục, cùng một tôn giáo, cả hai đều yên chí trong đầu rằng trinh tiết là “đặc tính cốt yếu”…Anh bị lừa vì chị nói dối…Đứng về mặt pháp lý thuần túy, quan điểm của anh chắc như đinh đóng cột”

“Như đinh đóng cột, tòa án cũng thấy như vậy. Cho nên xử anh thắng kiện, giá thú vô hiệu, hôn nhân hủy bỏ. Giải pháp đó lại hợp lòng hai cá nhân vì anh tuyên bố không thể sống chung trên một lời nói dối…”

Tuy nhiên câu chuyện không đơn giản như vậy khi các ký giả lại đưa bản án lên báo.

“Báo vừa đăng tin, lập tức dư luận nổi sóng. Báo, đài, nhân vật tôn giáo, nhân vật chính trị, hội bảo vệ phụ nữ, hội bảo vệ nhân quyền, đảng phái, luật gia, văn nhân, nghệ sĩ…bao nhiêu tai mắt trong xã hội chính trị, xã hội dân sự, xôn xao phản ứng như thể có con ong ngứa nào đấy chích một phát làm nổi dị ứng cả mình. Có vấn đề nào nhạy cảm hơn vấn đề ấy không? Chẳng những nó chạm vào vùng hoang tưởng sâu kín nhất trong đầu óc con người, nó còn là bãi chiến trường giữa hai quan niệm giá trị, hai văn hóa, hai cách sống. Nhân danh tiến bộ, xã hội Pháp lên án quan niệm cổ hủ trói chặt người phụ nữ vào cái chữ trinh bất bình đẳng, nền tảng của một chế độ phụ quyền, gia trưởng, xem phụ nữ như thuộc cấp dưới, có những bổn phận, nghĩa vụ mà đàn ông không cần biết, tệ hơn nữa như vật sở hữu của đàn ông.”

“Cái gì vậy? Trinh tiết? Trinh tiết là cái gì mà tòa án phải xem như “đặc tính cốt yếu”? Cái gì mà tòa án phải xử bỏ hôn thú? Cái ấy, nếu nó là quý giữa hai người Ả Rập với nhau, nó chẳng là cái gì nếu cả hai người sống trên đất Pháp…Chẳng lẽ nước Pháp sẽ a tòng với các cô thiếu nữ Hồi giáo để xúi các cô ấy làm cái việc mọi rợ mà nhiều cô đã làm, là vào bệnh viện nhờ phẫu thuật vá lại tấm màng trinh?”

“Xôn xao dư luận khiến Nhà nước phải chống lại bản án. Bảy tháng sau, tòa thượng thẩm xử lại, bác lối giải thích của tòa dưới, không xem trinh tiết như “điều kiện cốt yếu” nữa, dù có lừa dối. Tòa thượng thẩm nói rõ: xem như vậy là vi phạm nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ, vi phạm quyền tự do định đoạt về thân thể, vi phạm trật tự xã hội mà luật pháp phải bảo vệ.”

“Theo dõi vụ án trên báo đài, con tôi hỏi tôi: người Việt ta nghĩ gì? Thú thật, tôi đã rất ngập ngừng.”

Tôi tin rằng câu hỏi của con bác Thuần cũng là câu hỏi của nhiều người hiện nay, đặc biệt là nam nữ thanh niên Việt Nam khi chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục hòa mình vào nền văn minh nhân loại. Rõ ràng sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông Tây cũng đang dẫn đến những xung đột mà ai trong chúng ta cũng có thể cảm nhận được. Với sự phát triển của văn hóa Tây phương, tôi nghĩ cuộc sống của người Đông phương nói chung, và Việt Nam nói riêng đang thay đổi về đạo đức, giá trị tôn giáo, tư tưởng. Điều này theo tôi là tất yếu trong thời đại toàn cầu hóa vì sự giao thoa, dung hợp thiết nghĩ cũng là một phần trong sự tiến hóa của con người.

Hôm nay, chúng ta hay nói với nhau về khuynh hướng của giới trẻ trong cách tiếp nhận nền văn hóa khác và chúng ta lại lo lắng cho giới trẻ sẽ bị tiêm nhiễm những cái mới đồng thời đánh mất đi tất cả những giá trị truyền thống của quê hương. Điều này đúng, nhưng tôi nghĩ đó cũng chỉ là khuynh hướng, tính nhất thời vốn có, chứ không có chuyện văn hóa Đông sẽ Tây đi và ngược lại. Tuy nhiên, điều quan trọng là liệu chúng ta có định hướng, khuyến khích để thúc đẩy quá trình một cách hiệu quả hơn hay là để mặc người trẻ loay hoay tìm tòi và rồi mất quá nhiều thời gian cho việc quay trở lại.

Tôi là một người trẻ và tôi đã và đang quanh quẩn tìm lối thoát cho riêng mình. Có lẽ đối với tôi, điều đầu tiên là khả năng nhận thấy được sự khác biệt giữa hai nền văn hóa Đông và Tây để dựa vào nền tảng ấy, tôi phân biệt được đâu là những mặt tiêu cực và tích cực, để chúng tồn tại song hành, hòa hợp chứ không hợp nhất. Và điều cuối cùng là tôi nghĩ rằng mình cần phải có những kỹ năng để vượt những rào cản văn hóa, nếu không tôi sẽ bị cuốn vào vòng xoáy, vô hình không tự biết chính mình, không còn hướng về bên trong để giữ vững bản thân như giá trị cốt lõi của Đông phương.

“Cũng bối rối không tìm ra câu trả lời. Nhưng tôi biết con tôi đoán được lòng dạ tôi. Tôi đủ phóng khoáng để chấp nhận tiến hóa của xã hội ở đây, nhưng tôi biết tự do nào cũng có giới hạn và mực thước là cái nôi trong đó tự do nằm thoải mái nhất. Tôi thấy tôi xa lạ với thứ văn hóa gì đã tạo ra dối trá của chị vợ và hớt hải của anh chồng. Đồng thời, tôi chẳng thấy tôi quen thuộc được với thứ văn hóa gì nhạo báng việc trân quý một đặc tính của người phụ nữ. Một món quà mọn còn lựa người để cho, chẳng lẽ món quà quý không tìm người xứng đáng để trao tặng? Và món quà đó luôn luôn là quà quý dù lần đầu hay lần cuối, dù nữ hay nam. Trinh tiết là gì, xét cho cùng, nếu không phải là biết quý mình và quý người. Quý mình thì không làm gì để mình có thể tự chê mình. Quý người thì không đem cái gì mình tự chê để tặng người.”

“Tôi nói thế là đứng trong xã hội của nước Pháp, một văn hóa không giống văn hóa mà tôi đã thừa hưởng, để nói. Ví thử con tôi hỏi quan điểm của người Việt ở trong nước, tôi nói sao đây? Tôi nói thế này đúng chăng: trinh tiết vẫn là giá trị mà số đông gia đình Việt Nam vẫn giữ gìn như một lý tưởng, và điều đó may mắn cho xã hội. Nhưng nếu con tôi hỏi thêm: xã hội ấy có khe khắt chăng đối với những người không giữ được lý tưởng? Có biến con người thành những nạn nhân của dối trá, của hớt hải? Ngang mức này thì tôi đành phải mắc nợ thôi, vì tôi không nắm vững thực tế”

Tôi, ở ngay trong làn sóng văn hóa và ngay trong thế hệ mà mọi người bàn tán xôn xao về đạo đức của giới trẻ với những “mỹ từ” như báo động, băng hoại, suy đồi, thật sự cũng không biết phải trả lời sao cho đúng. Thật vậy, với tỉ lệ nạo phá thai cao ngất ngưỡng hàng năm, với từ khóa “sex” được người Việt tìm kiếm hàng đầu trên Google, và đặc biệt với những gì xảy ra chung quanh tôi, những tranh luận ầm ĩ về sự chung thủy của đàn ông Việt Nam và đàn ông nước ngoài, về cái ngàn vàng, về dan díu giữa nhân viên nữ và sếp nam, tôi cho rằng chúng tôi, là hiện thân của những người trẻ, vẫn chưa hiểu hết được điều tích cực và có kỹ năng sống cần thiết để vượt rào khi mình gặp phải chướng ngại. Và thật buồn khi thấy chúng tôi không bằng ngay cả cụ Nguyễn Du, cho dù đã vượt xa biết bao về nhiều mặt như công nghệ, khoa học kỹ thuật, thông tin.

“Nhưng tôi có một câu trả lời bên cạnh mà tôi cho là mang tính đạo đức cao hơn – cao hơn quan niệm thường tình, cao hơn luân lý của đức Khổng, thích hợp hơn với giới trẻ, đúng với mọi thời đại. Đó là đạo đức mà đại thi hào của nước tôi đã chuyển thành thơ, đạo đức của Nguyễn Du, đạo đức của Truyện Kiều, đạo đức của Kim Trọng khi chàng nói với người tình mười lăm năm trước: “Chữ trinh kia cũng có năm bảy đường”…Xã hội ấy có cái may mắn vô song thu nhận một thứ văn hóa khác, rộng mở, bao dung, giải thoát, bổ túc cho thứ luân lý nghiệt ngã, chật hẹp mà các ngài quân tử đã trùm lên đầu chị em. Truyện Kiều là hiện thân của văn hóa đó.”

“Tôi sẽ hỏi: Con có biết nàng Kiều bị vùi dập ấy nói câu gì với người tình muôn thuở không? Một đạo đức bất hủ: “Chữ trinh còn một chút này”. Chưa ai định nghĩa chữ trinh như thế! Tuyệt vời! Cao ngất! Và “một chút” ấy nằm ở đâu? Ở trong đầu! Trong suốt 15 năm luân lạc, có lúc nào Thúy Kiều không nghĩ đến người xưa? Với người xưa ấy, cách đây mười lăm năm, nàng đã giữ mình trong trắng. Trong trắng ấy vẫn còn nguyên vẹn. Nguyên vẹn trong đầu. Ai dạy Thúy Kiều bài học vỡ lòng của chốn thiền môn: tâm dẫn đầu mọi việc? Chẳng ai dạy cô, tự cô sống, tự cô biết. Cô nhìn vào tâm cô, tâm cô trong trắng, chung thủy: trinh tiết là vậy.”

“Hiểu như thế, cái lỗi thời không phải là trinh tiết mà là đạo đức răn đe, đạo đức mệnh lệnh. Đạo đức đó đã tạo ra bộ mặt hớt hải lúc bốn giờ sáng, tạo ra dối trá….con người ai cũng có khuynh hướng tự nhiên hướng thượng, như hạt mầm tự nhiên tìm ánh sáng vươn lên…sống buông thả không đem lại hạnh phúc vì hạnh phúc khác với thú vui. Thú vui chốc lát đi qua, chán chường sẽ đến, hạnh phúc lại vẫn ước mơ. Trinh tiết là hạnh phúc – hạnh phúc tặng nhau cái gì mình quý cho người mình quý”

Tôi hoàn toàn đồng ý với bác, trinh tiết là giá trị, là hạnh phúc và chúng ta không nên hiểu nó với ý nghĩa chật hẹp của luân lý đời thường. Dẫu biết rằng như thế, tôi nghĩ bao nhiêu phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục trăn trở vì nhận thức của phái nam, nhận thức của xã hội cần một thời gian dài để thẩm thấu, không đơn giản để tiếp thu điều tích cực, hay nói cách khác là loại bỏ điều tiêu cực dễ dàng. Hơn thế, xã hội cần phải tạo ra và phát triển những thể chế cần thiết để làm đòn bẩy đưa nền văn hóa Việt Nam sắc sảo hơn trong thời đại mới.

Tôi vẫn còn nhớ một bài phân tích của Dự Trần (Minh Biện) về việc ngoại tình ở Việt Nam cao trên cơ sở so sánh với các nước khác về khía cạnh khác biệt thể chế, bỏ qua các yếu tố về đạo đức, văn hóa, là cái không đo đếm được. Vì không phải ai cũng có cơ hội để ngoại tình nên sự sẵn có của các cơ hội là yếu tố bản lề và nếu các cơ hội này xuất hiện thì khó xảy ra việc ngoại tình, cho dù lợi ích thu được từ việc ngoại tình lớn hơn so với rủi ro bị phát hiện và bị trừng phạt thế nào. Bài phân tích cho rằng Việt Nam có một số thể chế nổi trội sau:

  1. Thị trường mại dâm năng động và giá cả dịch vụ rẻ hơn so với các nước khác nếu tính theo phần trăm thu nhập tháng
  2. Thị trường nhà nghỉ khách sạn và giá cả dịch vụ rẻ hơn so với các nước khác nếu tính theo phần trăm thu nhập tháng
  3. Bất bình đẳng thu nhập và bất bình đẳng cơ hội góp phần hình thành thị trường mại dâm, đồng thời tạo ra điều kiện cho nhiều người sẵn sàng làm bồ nhí cho tầng lớp giàu hơn
  4. Quan niệm xã hội về ngoại tình khi nhiều người không quan niệm mua dâm là hành vi ngoại tình. Ngoài ra văn hóa truyền thống cũng giúp cho xã hội không khắt khe đối với đàn ông như là phụ nữ trong việc quan hệ ngoài hôn nhân
  5. Kinh tế kém phát triển và sự phụ thuộc của phụ nữ khi thị trường hôn nhân cho người phụ nữ đã ly dị rất hẹp, kèm theo chi phí nuôi con lớn khi thu nhập thấp. Hai yếu tố này dẫn đến việc không muốn ly dị cho dù biết chồng ngoại tình.
  6. Chính sách nhà nước về mại dâm không tốt, ngoài ra người đi mua dâm chỉ bị phạt hành chính trong khi các nước khác có thể bị tù
  7. Nền kinh tế tiền mặt và thu nhập ngoài lương, điều này làm cho người vợ khó kiểm soát được thu chi của chồng
  8. Giờ nghỉ / Ngủ trưa kéo dài tạo cơ hội cho việc ngoại tình

    Ngoài ra, theo tôi còn hai thể chế sau

  9. Việc ký hợp đồng, làm ăn buôn bán đa phần qua nhậu nhẹt và điều này cũng là cơ hội để mua vui, chiều lòng lẫn nhau.
  10. Việc thực thi luật pháp không nghiêm minh, do đó đàn ông Việt Nam không chịu gánh nặng tài chính nặng như ở các nước khác. Đa phần các trường hợp người chồng không trợ cấp cho vợ và con cái theo luật định.
Tôi tin rằng khi những thể chế trên được cải thiện, nó sẽ là nền tảng vững chắc để cải thiện số phận của người phụ nữ Việt Nam, dẫn đến nhận thức đúng đắn hơn về đạo đức trinh tiết cho toàn xã hội. Và cũng vì thế, văn hóa truyền thống được tiếp nhận, dung dưỡng để hội nhập cho hôm nay và mai sau.

Related Articles

No comments:

Post a Comment