Friday, May 29, 2009

Thời gian

Truyền thuyết kể rằng ở xứ Thebes có một con nhân sư quái ác, một quái vật mặt phụ nữ, mình sư tử và có cánh chim, ra một câu đố quái quăm nhưng ai không trả lời được thì nó ăn thịt: "Sinh vật nào buổi sáng đi bốn chân, buổi trưa đi hai chân, và buổi chiều đi ba chân?”. Cuối cùng Oedipus, một trong những anh hùng nổi tiếng nhất của Hy Lạp, đã trả lời đúng: “Con người”. Khi chúng ta mới sinh ra là những đứa trẻ tập bò, khi lớn lên là những người trưởng thành đi đứng hiên ngang và khi về già, chúng ta lại cần đến gậy trong từng bước chân.

Bao nhiêu năm sau, hoàng đế Napoleon của Pháp từng nói thời gian là một kẻ cướp mà pháp luật không hề đá động đến nhưng lại lấy đi những gì quý giá nhất của chúng ta.

Chúng ta hôm nay, liệu có cảm nhận được thời gian giống Oedipus và Napoleon của thời xa xưa? Tôi nghĩ câu trả lời tự tồn tại ở bản thân mỗi người.

Theo Wikipedia, Thời Gian là một thành phần của một hệ thống đo lường được dùng để diễn tả trình tự xảy ra của các sự kiện, để so sánh độ dài của các sự kiện, và khoảng cách giữa chúng, để lượng hóa chuyển động của các đối tượng. Và tôi cho rằng lượng hóa chuyển động của các đối tượng còn có ý nghĩa là môi trường chứa đựng sự thay đổi của sự vật, rõ ràng nếu mọi vật bất động, không thay đổi thì thời gian trở nên vô nghĩa mặc dù vẫn tồn tại khách quan.

Do đó giá trị của thời gian dựa vào sự thay đổi của sự vật. Nơi mà chúng ta làm được nhiều việc, quá trình thay đổi của sự vật xảy ra nhanh thì ở đó thời gian càng có giá trị và ý nghĩa hơn. Và tôi nghĩ chắc hẳn ai trong chúng ta điều biết giá trị của thời gian vì mỗi người chỉ có một thời gian để sống, đặc biệt hơn nữa chúng ta cũng không biết mình còn bao nhiêu “tài sản giá trị” ấy.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là chúng ta rất hiếm khi hoặc không bao giờ nuối tiếc thời gian hay thấy mình thiếu thốn dù nó rất hạn chế. Nói một cách chính xác hơn, chúng ta quan tâm tới sự hạn chế của nó vì nó không đủ để chúng ta có được điều này, điều nọ, chứ không phải quan tâm vì thời gian là thước đo cho cách mà chúng ta sử dụng nó để tạo ra tất cả những giá trị chân thật khác trong cuộc đời.

Tại sao lại vậy? Đó là vấn đề hữu hạn trong quan điểm về “NGÀY MAI”! Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện về nó.

Khi bạn còn trẻ, vừa ra trường liền phải lăn xả vào xã hội để tạo nền tảng cho sự nghiệp, trau dồi kỹ năng để thăng tiến và nghĩ trong đầu rằng mình sẽ chăm sóc cuộc sống cá nhân, gia đình vào ngày mai.

Khi bạn bước qua tuổi 30 với nghề nghiệp ổn định và điều này buộc mình phải phấn đấu hơn nữa để giữ vững thành quả sau bao năm, đồng thời tiến triển hơn nữa để có nhiều điều kiện cho con cái mai sau phát triển, và lại một lần nữa, bạn chờ ngày mai để chăm lo cho cuộc sống cá nhân, gia đình.

Và ngày mai, khi tất cả nỗ lực của bạn được đền bù xứng đáng. Bạn đang ở vị trí cao và bắt đầu bạn trở nên lo lắng với áp lực phải bảo vệ thành quả và sợ hãi sự cạnh tranh của thế hệ trẻ phía sau. Một lần nữa cho ngày mai.

Rồi ngày mai đến, nhưng có lẽ quá trễ để bắt đầu một ngày mai thực sự cho chính mình vì bạn đã già, thời gian đã tàn nhẫn cướp mất đi sức lực của bạn lúc này.

Câu chuyện của NGÀY MAI là vậy, nhưng
đừng vội lo lắng bạn ạ! Vì chúng ta còn một thứ quý giá khác, đó là THỜI ĐIỂM HIỆN TẠI. Ngay khi bạn đọc tới những dòng chữ này, thì thời điểm này là thời điểm quan trọng nhất của bạn, vì chỉ ngay lúc này, bạn có thể tác động và làm thay đổi nó. Ngày mai thực sự của bạn đã đến.

Tôi không có ý định viết tiếp với những kỹ năng để quản lý thời gian như tổ chức công việc, học cách nói không, hành động theo độ ưu tiên, giao việc cho người khác, v..v.. vì tôi nghĩ bạn đã đủ hiểu biết về nó. Vấn đề của bạn cũng là vấn đề của tôi, đó chính là trân trọng, hiệu quả hơn để thời gian càng có nhiều giá trị và ý nghĩa.

Related Articles

No comments:

Post a Comment