Saturday, May 23, 2009

22/05/09

(TuanVietNam) - Chính trị, kinh tế, giáo dục và văn hóa đều có những vấn đề nóng, gắn với những nhân vật cụ thể qua góc nhìn của "Phát ngôn & Hành động ấn tượng" tuần từ 15/5 đến 22/5/2009.


Nhanh nhảu

Ông Trần Đình Đàn

Hai ngày trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội, chính xác là ngày 18/5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn được tờ Sài gòn tiếp thị dẫn lời đã rào trước: "chắc chắn QH sẽ hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác bô-xít".

Phát ngôn của ông Đàn khiến không ít cử tri ngơ ngác: Không rõ người người đứng đầu cơ quan giúp việc của QH có biết, "QH tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số” (Điều 4, Luật Tổ chức Quốc hội).

Chiểu theo điều luật này, tờ Sài gòn tiếp thị hôm 20/5 nói thẳng: Bản thân cá nhân ông Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội và ngay cả chủ tịch Quốc hội cũng chỉ có mỗi người một phiếu và không ai có thể phát ngôn thay cho 493 đại biểu của dân.

Lời bình của Sài gòn tiếp thị được giới thạo luật và đông đảo cử tri đồng tình.

Không nên "phóng đại"

Ông Nghiêm Vũ Khải (Ảnh: VNE)

Đúng như dự đoán của dư luận, chủ đề khai thác tài nguyên đã góp phần làm nóng hành lang nghị trường ngay từ ngày làm việc đầu tiên. Nhiều vị đại biểu Quốc hội thổ lộ với báo giới: Bô-xít là một trong những lo lắng được cử tri gửi Quốc hội.

Bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được Chủ tịch UB Mặt trận tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày trước diễn đàn đại biểu Quốc hội cũng cho thấy: Cử tri cả nước kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành và địa phương thực hiện đúng kết luận của Bộ Chính trị để vừa xây dựng ngành công nghiệp bô-xít, nhôm phục vụ phát triển kinh tế đất nước, phát triển Tây Nguyên, đảm bảo lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của đất nước, vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng, môi trường sinh thái và môi trường văn hóa.

ĐBQH Nghiêm Vũ Khải nói trên tờ vnexpress rằng: "Không nên gây căng thẳng về dự án bô-xít". (Ông Khải là Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, và vừa có 10 ngày thị sát tại Tây Nguyên).

"Trong giai đoạn nhất định, dự án cũng có thể có một số sơ suất, chúng ta không nên phóng đại vấn đề nhưng phải nói ra để không lặp lại", ông Khải nói với báo giới.

Tại phiên thảo luận tổ đầu tiên của kỳ họp, nhiều ĐBQH đã yêu cầu Chính phủ phải có báo cáo riêng về các dự án bô-xít Tây Nguyên ngay trong tuần này; Phải cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu nắm được tình hình, nếu cần thì phải chất vấn cho rõ chuyện.

Xem ra vấn đề bô-xít sẽ còn làm nóng hội trường Bộ Quốc phòng trong những ngày tiếp theo.

Rót thêm tiền kích cầu

GS Paul Krugman ở VN (Ảnh: VNN)

Tại TP. Hồ Chí Minh, GS. Paul Krugman - người đoạt giải Nobel Kinh tế 2008 quả quyết: gói kích cầu của các nước hiện vẫn chưa đủ lớn để vực dậy nền kinh tế, do đó ông xúi: tăng quy mô lên gấp đôi.

GS Paul Krugman còn khuyến cáo, các nước cần có những giải pháp khác như xem xét lại chính sách vĩ mô, không can thiệp quá sâu vào thị trường… nhằm giảm bớt ảnh hưởng của khủng hoảng.

Những khuyến cáo như trên của GS Paul chắc chắn sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách, các kinh tế gia Việt Nam phải cân nhắc thêm.

Bản thân gói kích cầu hiện tại mặc dù được Thường vụ Quốc hội đánh giá đã có kết quả bước đầu nhưng xem ra vẫn còn rất nhiều chuyện phải bàn. Bời vấn đề mà người dân quan tâm không phải là chuyện bơm thêm bao nhiêu tiền, họ nóng lòng muốn biết việc triển khai gói kích cầu sao cho hiệu quả, và có vực dậy được nền kinh tế đã bị tổn thương trong cuộc suy thoái?

GS - TS Võ Tòng Xuân và Chủ tịch UBND An Giang Nguyễn Minh Nhị (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Trên tờ Tuổi trẻ hôm 21/5, ông Nguyễn Minh Nhị, Chủ tịch tỉnh An Giang cũng nói: Kích cầu sao cho có hiệu quả vẫn là trăn trở của nhiều người.

"Gói này cho nông dân vay tiền để mua sắm xe, máy, vật tư và hàng tiêu dùng cho sản xuất và sinh hoạt, nhằm tạo nhu cầu cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ và xuất nhập khẩu.

Trong tình hình này, chủ trương của Chính phủ là hoàn toàn đúng. Nhưng tiếc là việc triển khai rất khó nên rất chậm, thậm chí có người cần vốn thật sự lại không được trao vốn, vốn có khi đi lạc địa chỉ. ..".

Nhà vô địch Olympia và chất lượng giáo dục

Nhà vô địch Hồ Ngọc Hân (Ảnh: Thanh Niên)

Hôm 17/5, cậu học trò lớp 12 trường Quốc học Huế Hồ Ngọc Hân đoạt vòng nguyệt quế vinh quang Olympia sau khi vượt qua 5 thí sinh ngang tài, ngang sức.

Ngay phút vinh quang, Hồ Ngọc Hân được tờ Thanh niên mô tả "Không khóc vì sung sướng như các thí sinh các năm trước đó, Hân đã phát huy hết cỡ “nụ cười thiên thần”.

Dự định tương lai của nhà vô địch là chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi ĐH sắp tới. Hân chia sẻ ước mơ của em sẽ được đi du học và sẽ trở thành một nhà khoa học trong tương lai.

Ứơc mơ của Hân cũng là ước mơ của hàng triệu cô cậu học trò và các bậc cha mẹ. Và đây cũng chính là trăn trở mà ngành giáo dục đang hối hả tìm hướng đi. Những thông tin liên quan đến chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo luôn nóng trên các mặt báo.

Đề án đổi mới cơ thế tài chính của GD-ĐT giai đoạn 2008 - 2012” giành được sự quan tâm đặc biệt của công luận trong tuần qua. Quan điểm của số đông là tăng học phí phải đồng nghĩa với tăng chất lượng giáo dục và minh bạch trong thu - chi.

GS Đào Trọng Thi

Những trăn trở này được GS.TS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đồng cảm: “phải có thêm mục tiêu cam kết chất lượng”

Ông Thi dẫn chứng, “bao nhiêu năm nay giáo dục đại trà chưa chuẩn vì lý do học phí thấp. Nay người dân phải đóng góp cao hơn thì chất lượng giáo dục phải có sự thay đổi. Chứ nếu muốn tăng học phí mà không có cam kết, đảm bảo gì cả thì không có sự công bằng giữa người dân và nhà trường. Có thể gọi đó là một biểu hiện cửa quyền. Anh đòi người ta tăng tiền đóng thì người ta phải được hưởng cái gì cụ thể chứ. Người dân không thể đóng tiền nhiều hơn mà không được đòi hỏi gì cả". (Tuổi Trẻ, 18/5)

Danh Anh


Related Articles

No comments:

Post a Comment