Sunday, February 15, 2009

Bill Gates châu Á: "Tôi sang Việt Nam săn nhân tài"

Đang ở đỉnh cao thành công, Steve Chang người được mệnh danh là Bill Gates châu Á, đột ngột rẽ ngang để đi trồng rừng. Đến Việt Nam từ 12/2, ngoài mục đích lập quỹ từ thiện, ông còn cất công tìm kiếm nhân tài cho công ty.
> Bill Gates châu Á và bí quyết lập nghiệp

Ông Steve Chang qua Việt Nam lần này để thành lập một quỹ trẻ em khuyết tật, theo ý nguyện của mẹ. Chương trình giúp đỡ những trẻ em khuyết tật duới 15 tuổi, cả về giáo dục lẫn sức khỏe. Kinh phí bao gồm cả đào tạo giáo viên là 500.000 USD và sẽ nâng lên 1 triệu USD. Số tiền này do ông tự bỏ ra.

Mục đích thứ hai là giúp InnovGreen tại Việt Nam tìm kiếm một số nhân tài. Trong tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay, rất nhiều công ty giảm biên chế. Ông cho rằng đây là cơ hội rất tốt để tuyển dụng lại các nhân viên giỏi.

Trong buổi phỏng vấn dành riêng cho VnExpress.net hôm 13/2, ông "vua diệt virus" cởi mở chia sẻ những câu chuyện đời tư, kinh nghiệm thành công và dự định tương lai.

- Cơ duyên nào đưa ông đến với quyết định trở thành nhà doanh nghiệp?

- Tôi sinh ra tại Bình Đông, khu vực nghèo nhất của Đài Loan. Tôi vẫn còn nhớ, mỗi buổi tối đi ngủ, có rất nhiều chuột chạy qua chạy lại trong căn nhà gỗ nhỏ của gia đình.

Lúc đó, nhà tôi rất nghèo. Mà tôi cũng không được ngoan lắm, kết quả học không được tốt nên thường xuyên bị bố đánh đòn. Tuy vậy, tôi biết bố mẹ luôn kỳ vọng vào mình và luôn lấy những tấm gương của những người thành đạt ra làm “kim chỉ nam” để giáo dục dạy dỗ, mong một ngày tôi sẽ thành công như họ.

Tuy nhiên, do khá ham chơi nên tôi đã bị trượt đại học. Bạn bè tôi lần lượt đi học xa hết. Tôi cảm thấy rất hụt hẫng như mất mát một điều gì đó. Từ thất bại đầu đời, tôi quyết tâm rời Đài Loan sang Mỹ khởi nghiệp và xây dựng nên tất cả từ bàn tay trắng.

Từ năm 2004, ông bỏ công việc kinh doanh đang tốt đẹp để sang Việt Nam trồng rừng. Ảnh: InnovGreen

- Giờ đây ông đã là doanh nhân thành đạt, và được nhiều người biết đến như một Bill Gates của châu Á. Ông nghĩ gì về biệt danh này?

- Tôi và Bill Gates đều làm trong lĩnh vực phần mềm, bởi vậy có thể có nhiều điểm tương đồng. Cả hai chúng tôi đều không bị bó buộc bởi chế độ giáo dục hiện có. Bill Gates lập nghiệp từ con số không và tạo nên một sản nghiệp lớn. Tôi cũng vậy. Sau khi đã thành công trong sự nghiệp, cả Bill Gates và tôi đều đã lui lại phía sau nhường chỗ cho thế hệ mới.

Ngoài ra có một điểm giống nữa là cả hai đều dành phần lớn tài sản của mình đi làm từ thiện, làm công ích chứ không để lại cho con cháu. Chúng tôi làm ngay sau khi kết thúc công việc cũ chứ không để sắp chết mới làm.

Dẫu vậy, giữa chúng tôi cũng có nhiều điểm khác biệt, nhất là về nhân sinh quan. Tôi bị ảnh hưởng bởi tư tưởng triết học phương Đông, nên có mong muốn được cộng sinh với người nông dân và qua đó giúp đỡ họ. Còn Bill Gates thì mang tài sản của mình đi làm từ thiện tại các nước châu Phi.

- Thời điểm nào ông cảm thấy khó khăn nhất trong cuộc đời.

- Năm 2000, khi đó kinh tế suy thoái, giá cổ phiếu bị đẩy lên rất cao, thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng “bong bóng”, đặc biệt là những cổ phiếu ngành công nghệ. Còn trong lĩnh vực phần mềm, chúng tôi phải tìm ra cách xử lý nhiều loại virus mới do bọn tin tặc liên tục tấn công. Tuy nhiên sau 72 ngày khó khăn nhất, chúng tôi đã vượt qua và tiếp tục đứng vững.

- Tại sao ông lại rời Trend Micro khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp và chỉ để đi trồng rừng?

- Theo quan điểm của tôi, mỗi còn người, khi đến 45-50 tuổi thì nên xem xét lại để chọn một con đường riêng mà mình muốn đi. 50 tuổi trở về trước là cuộc đời 1.0, sau 50 tuổi là 2.0. Nếu như 1.0 là dành cho tình yêu, công việc, phấn đấu vì sự nghiệp, thì 2.0 là dành cho riêng mình. 1.0 là một cuộc sống chinh phục, đối mặt với những thách thức, còn 2.0 là một cuộc đời hoàn toàn theo lẽ tự nhiên.

Ông từng 2 lần nhận danh hiệu "Ngôi sao châu Á" của BussinesWeek. Ảnh: InnovGreen.

Tôi cho rằng cuộc đời như việc leo qua một quả núi. Ở nửa đầu ta cố gắng hết sức leo lên đến đỉnh. Khi đã lên đến đỉnh rồi ra có quyền nghĩ đến việc hưởng thụ, tiêu tiền cho mình hoặc cho xã hội. Đấy là thời điểm xuống núi. Thế nhưng chưa chắc xuống núi đã dễ dàng hơn nhiều so với lên núi. Vì xác suất bị vấp, bị ngã có khi còn lớn hơn. Tôi có cảm nhận tương tự về công ty InnovGreen. Trước đây trong lĩnh vực phần mềm tôi chỉ thuần túy tìm kiếm lợi nhuận. Còn InnovGreen mang tính xã hội, tôi hợp tác với người nông dân và giúp đỡ họ. Tất nhiên trong đó vẫn phải có kinh doanh. Vì không có tiền thì không thể làm công tác xã hội lâu dài.

Khi bắt đầu một thứ hoàn toàn mới như vậy tôi phải học hỏi rất nhiều. Điều này cũng làm cho con người tôi bớt bảo thủ hơn trước, và trở nên khiêm tốn hơn.

- Lý do gì khiến ông chọn việc trồng rừng ở Việt Nam làm con đường mới trong giai đoạn cuộc đời 2.0 "dành cho riêng mình"?

- Thực ra công việc kinh doanh phần mềm là niềm mơ ước của cha tôi. Bản thân tôi là người biến ước mơ đó thành hiện thực. Tuy cũng rất hứng thú với nghề này nhưng cái mà tự đáy lòng tôi mơ ước lâu nay, là rời khỏi lĩnh vực thương mại, quay trở lại với thiên nhiên, thành lập một công ty để giúp đỡ người dân. Tôi quyết định dành nửa cuộc đời còn lại mong muốn đó.

Hai ngành nghề mà tôi lựa chọn hoàn toàn trái ngược nhau. Ngành công nghiệp phần mềm có sức cạnh tranh rất ghê gớm nhưng mang lại lợi nhuận cao. Còn công việc trồng rừng lại khác. Khi cây trồng xuống, sự tăng trưởng của cây phụ thuộc hoàn toàn vào trời, vào thời tiết, mình có sốt ruột cũng không thể được. Trước đây khi kinh doanh phần mềm chúng tôi thu được 2 triệu USD mỗi ngày. Còn hiện nay Inmov Green thì chỉ toàn chi ra chưa thu lại đồng nào.

Nếu như trong mô hình thương mại phần mềm, tài sản của chúng tôi hoàn toàn là trí tuệ, còn khi trồng rừng thì tài sản là cố định, bao gồm đất và cây. Một bên thì ở khách sạn 5 sao, một bên thì toàn ở rừng rú, lán trại. Một bên là khoa học kỹ thuật tiên tiến, còn bên này suốt ngày quan tâm đến phân bón, cây trồng, sâu bệnh.

Steve Chang được báo chí thế giới gọi là "Bill Gates châu Á".
Ảnh: Thanh Bình.

- Như ông đã đề cập, cả ông và Bill Gates đều khá lận đận trong đường học vấn. Lần trước khi Bill Gates đến Việt Nam, ông ấy đã khuyên sinh viên Việt Nam không nên bỏ học giống như ông ấy, “hãy làm như tôi nói, đừng làm như tôi đã làm”. Còn ông, ông muốn khuyên thanh niên Việt Nam điều gì?

- Chỉ có một điều đó là “Đừng sợ thất bại”. Đấy là điều cơ bản nhất.

Làm việc với tư tưởng không sợ thất bại là một tâm thế rất cần thiết và quan trọng. Khi tôi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh phần mềm, tôi không những không sợ thất bại mà còn dám đối mặt với nó. Cũng bởi vì lúc đó tôi chẳng có gì để mất nên không sợ.

Ngoài ra trong sự nghiệp, tôi luôn muốn làm những việc tôi cảm thấy có hứng thú. Tôi biết rõ mình thích gì và không thích gì.

Tôi cũng thích làm những việc chưa ai làm, mình là người làm đầu tiên. Ngày xưa khi đọc các tài liệu phần mềm bằng tiếng Anh, tôi nảy ra ý định tự viết ra các tài liệu bằng tiếng Trung. Ngoài ra tôi cũng lập các kho dữ liệu bằng tiếng nước mình, những việc mà trước đó chưa có ai làm.

Tôi nhận thấy thanh niên Việt Nam nổi bật nhất ở châu Á về tính hiếu học. Đặc biệt, họ mang trong mình khát vọng mạnh mẽ muốn đuổi kịp các nước trên thế giới về khoa học kỹ thuật. Nếu họ có sự hướng dẫn hợp lý và đúng đắn, chắc chắn họ sẽ thành công.

- Ông sẽ hướng con mình trở thành mẫu người như thế nào?

- Tôi để chúng tự do phát triển và chúng sẽ tự tìm con đường đi cho riêng mình. Đứa con cả của tôi đã tốt nghiệp đại học và nó đã chọn con đường riêng là làm việc ở một công ty khác. Đứa con thứ năm sau sẽ tốt nghiệp đại học. Nó tuyên bố học xong sẽ chưa vội đi kiếm việc ngay mà sẽ đi du lịch vòng quanh thế giới để mở mang tầm mắt.

Steve Chang (Trương Minh Chính) là người đồng sáng lập Tập đoàn Trend Micro, tập đoàn kỹ thuật mạng xu thế nổi tiếng thế giới của Đài Loan. Trend Micro hiện đã phát triển thành tập đoàn xuyên quốc gia chuyên cung cấp những sản phẩm phần mềm chống virus.

Steve Chang được báo chí thế giới gọi là Bill Gates của Châu Á. Năm 2001, ông lọt vào danh sách "25 người tạo ra sự thay đổi" do tạp chí ZDNET ASIA bình chọn. BussinessWeek cũng hai lần trao giải "Ngôi sao châu Á" cho ông. Năm 2004, Steve Chang đã được nhận danh hiệu "Nhà cải cách của năm" dành cho các nhà lãnh đạo châu Á.

Ông đến Việt Nam năm 2004 và sáng lập Tập đoàn InnovGreen hoạt động chính trong lĩnh vực trồng rừng.

Sau khi trồng thử nghiệm thành công tại Quảng Ninh, InnovGreen đang có kể hoạch mở rộng ra các tỉnh khác như Nghệ An, Kon Tum.

Thanh Bình

Related Articles

No comments:

Post a Comment