Tuesday, December 23, 2008

21/11/08

Gia tăng niềm tin cho... "cậu bé chăn cừu"?
Chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục... đều có "chuyện" để kể, để nói trong "Phát ngôn & Hành động ấn tượng" tuần này.



“Sao mình làm chậm thế!”

Liên quan đến vụ các quan chức của Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) khai báo hối lộ Giám đốc Ban Quản lý Dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP Huỳnh Ngọc Sĩ, cuối cùng, phía VN đã có diễn biến đáng chú ý: Tạm đình chỉ công tác với ông Sĩ, là Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM.

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã ký quyết định này sau khi Ban Thường vụ Thành ủy có ý kiến để tạo điều kiện cho cơ quan điều tra tiến hành thụ lý vụ việc. (Sài Gòn Giải Phóng, VietNamNet – 19/11)

Đây là quyết định đưa ra chỉ 6 ngày sau khi đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đứng lên phát biểu về vụ hối lộ của PCI trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 13/11 tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII và Thủ tướng đã có hồi đáp.

Khi nhận được tin báo kể trên, đại biểu Thuyết chỉ cười nhẹ: “Sao mình làm chậm thế!”. (Pháp luật TPHCM, 20/11)

“Không có lý do gì để giáo dục Việt Nam bế tắc”

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân trong bức thư khá dài gửi thầy cô giáo và HS-SV nhân ngày 20/11.

Thư viết: “Lịch sử hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của bao thế hệ đi trước. Nhưng dân tộc VN, dù phải đương đầu với những giặc ngoại xâm to lớn, không bao giờ bế tắc.

Không có lý do gì để giáo dục VN bế tắc, nếu mỗi người dân VN đều dành trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp thiêng liêng này.

Bộ GD&ĐT đã triển khai xây dựng “Chiến lược giáo dục VN 2008-2020”, sẽ công bố trong tháng 11 năm 2008 để cả xã hội tham gia ý kiến, hoạch định con đường đi của nền giáo dục VN”.

Bộ trưởng cũng viết: “Chúng ta rất lo lắng khi tiêu cực, bệnh thành tích, hay rộng hơn là sự giả dối vẫn đang tồn tại trong ngành và xã hội…” (VietNamNet, 19/11)

Với những nhận định ấy, rõ ràng là có nhiều điều để quan tâm, chờ đợi về những cải cách của ngành giáo dục VN trong thời gian tới. Không thể nấn ná, chần chừ được nữa.

Một tháng, ít nhất 4 lần dự báo thời tiết sai

Ông Nguyễn Đình Xuân

Dự báo sai quá nhiều sẽ làm cho người dân bị mất lòng tin, giống chuyện thằng bé trêu mọi người có chó sói đến bắt cừu để mọi người ùa ra đuổi, sau nhiều lần đùa người ta đã không tin nữa thì lúc chó sói đến thật, lại chả ai cứu cả.

Uỷ viên Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội Nguyễn Đình Xuân ví von như vậy khi nói đến những yếu kém của công tác dự báo thời tiết thời gian qua, nhất là sau sự cố Hà Nội thiệt hại nặng nề do bất ngờ trước trận mưa gây ngập lụt.

“Trong vòng một tháng có ít nhất 4 lần dự báo sai. Lần đầu tiên là cơn bão số 7 đổ bộ sớm mất mười mấy tiếng so với dự báo; vụ ngập lụt ở Hà Nội không dự báo được; sau đó dự báo sai là ngày 08/11 Hà Nội sẽ có mưa lớn và lụt lớn trở lại; cuối cùng là dự báo sai cơn bão số 9”.

Chuyện không thể chấp nhận được ấy được ông Xuân nêu ra, cũng là điều mà mọi người dân thường đều có thể dễ dàng nhận thấy bằng… “mắt thường”. Bao công sức, tiền của đã bị uổng phí từ những dự báo sai "hơi bị bất thường" so với mức chấp nhận được ấy cũng là điều bằng "mắt thường" đã thấy... (VTC News, 17/11)

Cược 100 tỉ đồng cho tiến độ xây dựng tòa tháp cao nhất VN

Nhà báo Đỗ Quảng đại diện nhóm cựu chiến binh nói nếu Keangnam - Vina không muốn "thi đấu" nữa, chúng tôi vẫn sẵn sàng bỏ ra 10 tỷ chỉ để mua sâm-panh rửa nhà trong lễ khánh thành của nó vào đúng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... (Ảnh: VTV News)

Báo Cựu chiến binh VN đăng bức thư ngỏ của nhóm cựu chiến binh, chuyên gia, kỹ sư xây dựng gửi Chủ tịch Tập đoàn Keangnam-Vina đề nghị công ty này ký cam kết: nếu không hoàn thành các tòa tháp Keangnam Landmark Tower cao nhất VN đúng dịp ngàn năm Thăng Long (tháng 10/2010), phía Keangnam phải chịu phạt 100 tỉ đồng.

Nếu công ty này hoàn thành công trình đúng kỳ hạn, các tác giả bức thư sẽ “tặng Keangnam 100 tỉ đồng về thành tích xây tòa cao nhất VN với tốc độ kỷ lục”.

Thật bất ngờ, công ty TNHH một thành viên Keangnam - Vina đã gửi công văn tới Báo Cựu chiến binh VN, một số cơ quan báo chí và UBND TP Hà Nội chấp thuận đề xuất ký cam kết về tiến độ xây dựng công trình tòa tháp 48 tầng sẽ mọc trên đường Phạm Hùng, Hà Nội. Nếu Keangnam không giữ đúng lời hứa, Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội có toàn quyền bán các căn hộ ở đó và thu tiền để thực hiện cam kết.

Chiều 18/11, hai bên đã gặp nhau để bàn việc ký kết, tuy nhiên, cuộc gặp này đã không đem lại kết quả gì. Khoảng một chục cựu chiến bình đại diện cho nhóm tác giả ký tên trong thư ngỏ muốn thấy 100 tỷ đồng tiền tươi từ phía Keangnam để “đặt cọc” cho hợp đồng cam kết, còn phía Keangnam – Vina muốn đảm bảo tính pháp lý, nếu được công nhận đây không phải là trò đánh bạc và hợp pháp thì họ mới ký. (Thanh Niên15/11, Gia đình & Xã hội, 19/11)

Ai cũng có mục đích khác nhau trong sự việc hi hữu này. Riêng 100 tỷ đồng “thách đố” được khẳng định rằng sẽ được dùng làm từ thiện thì vẫn nằm “treo” đâu đó khi "nói" và "làm" còn là khoảng cách lớn.

“Đó là sự tri ân với bà con mình!”

Ông Phạm Ngọc Minh

Ông Phạm Ngọc Minh, TGĐ Vietnam Airlines, nói: “Chúng tôi hoàn toàn có thể sử dụng cơ hội này để đem lại nhiều chục tỉ đồng lãi chỉ trong vòng vài chục ngày dịp Tết. Nhưng làm thế dường như không phải với bà con. Đây là sự tri ân của Hãng hàng không quốc gia VN với bà con mình. Tết Kỷ Sửu và các Tết năm sau cũng vậy, Hãng sẽ cố gắng tăng tải hết khả năng và không tăng giá vé trong dịp Tết”.

Ông Minh cũng nói thêm: “Chỉ mong bà con thông cảm và lượng thứ nếu máy bay trễ giờ, nhân viên phục vụ sơ suất”. (Lao Động, 20/11)

Còn "bà con" cũng rất mong rằng chuyện trễ giờ, hoãn chuyến của VNA cũng như các hãng hàng không đang hoạt động sớm không còn là “chuyện thường ngày ở huyện” để rồi khiến hành khách phải bất bình như hiện nay nữa.

Qua phát biểu trên cũng có thêm cơ sở cho hy vọng ấy, nhất là khi áp lực cạnh tranh đang lớn dần lên với các hãng hàng không hiện có vì từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2009 tới, VN sẽ có thêm nhiều hãng hàng không tư nhân mới đi vào hoạt động. Thay đổi hay là đối mặt với tương lai u ám có lẽ là bài toán chiến lược không chỉ ứng với Vietnam Airlines hay Jetstar…

Giám đốc ngân hàng không đồng tình với thu phí ATM

Ông Trần Phương Bình

Đó là ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á.

Trước quyết định của các ngân hàng về việc thu phí 1000 đồng cho mỗi lần giao dịch rút tiền, chuyển khoản trên máy ATM, tiến hành từ ngày 01/01/2009, ông Bình nói:

“Đông Á thì không muốn như thế… Thu như thế thì những người có thu nhập thấp không duy trì tiền trên tài khoản, họ rút hết một lần để bớt tốn chi phí. Còn hiện nay rút tiền không mất chi phí, họ rút vừa đủ xài, cần thì rút tiếp”. (Tuổi Trẻ, 19/11)

Ông Hồ Cẩm Đào góp tay đưa Trung Quốc làm “ngôi sao”

Ông Hồ Cẩm Đào (Ảnh: smh)

Ngày 9/11, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố thông qua kế hoạch kích thích kinh tế trọn gói trị giá 4.000 tỉ nhân dân tệ, tức 586 tỉ USD, để cải thiện nền kinh tế trong nước.

“Quyết định này rõ ràng đã biến ông Hồ Cẩm Đào trở thành một nhân vật cực kỳ quan trọng tại cuộc họp thượng đỉnh G20”, ông Nicolas Lardy, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, nhận định.

Hành động của ông Hồ Cẩm Đào tạo hiệu ứng ngay sau đó, tại Hội nghị thượng đỉnh G20. Và Trung Quốc đã nổi lên như một ngôi sao sáng, làm lu mờ vai trò nổi bật thường có của nước Mỹ đang trong quá trình chuyển giao quyền lực, cũng như của nhiều cường quốc châu Âu khác.

Với gần 2.000 tỉ USD dự trữ ngoại hối, Trung Quốc được xem là một trong vài quốc gia thuộc G20 có đủ khả năng tài chính để giúp đỡ các nước khác một cách trực tiếp hoặc thông qua sự đóng góp vào Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). (Sài Gòn Tiếp Thị, 19/11)

Vợ chồng Thaksin ly dị

Vợ chồng Thaksin (Ảnh: Reuters)

Thông tin đậm nét trên các tờ báo Thái Lan như The Nation, Bangkok Post… tuần qua là cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra bất ngờ làm thủ tục ly dị với bà Khunying Potjaman tại Lãnh sự quán Thái Lan ở HongKong sau 32 năm chung sống.

Có nhiều thông tin trái ngược về lý do của vụ ly hôn hết sức bất ngờ này, nhất là khi lâu nay, công chúng luôn chứng kiến mối quan hệ khăng khít tay trong tay của họ.

Có nhà phân tích cho rằng đây là một thủ tục hợp pháp để bảo vệ khối tài sản khổng lồ của gia đình ngài cựu thủ tướng, chỉ yếu do bà Khunying đứng tên (hơn 242 triệu USD). Ý kiến khác cho rằng đây là kết quả của mâu thuẫn giữa hai người khi ông Thaksin không nhận được sự ủng hộ của vợ khi bày tỏ ý định tiếp tục tham gia chính trường.

Hiện ngài cựu thủ tướng phải sống lưu vong đang ở các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất – UAE, nơi không ký kết hiệp định dẫn độ với Thái Lan. (VietNamNet - 17/11, Tuổi Trẻ - 16/11)

“Giá trị của một người..."

PGS Nguyễn Thiện Tống

“Giá trị của một người phải được xem ở những gì người đó cống hiến chứ không phải ở những gì người đó thu nhận để sở hữu và hưởng thụ.

Trong quá trình cải tổ đổi mới, khi vai trò của mối quan hệ giữa chính quyền và cơ chế thị trường chưa ổn định, nhiều người thành công trong việc trở nên giàu có và thế lực hiện nay có thể tạo nên sự nhầm lẫn về giá trị biểu kiến dựa trên những gì họ sở hữu – trong khi có thể họ không cống hiến gì có giá trị cho cộng đồng mà thực chất chỉ vơ vét hưởng thị và ăn bám vào sự cống hiến của người khác".


PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói với sinh viên về khơi nguồn sức sáng tạo và nuôi dưỡng lý tưởng để làm cho giá trị của đại học trở thành giá trị của xã hội. (Sinh Viên VN, 19/11)

“Tôi chỉ là đạo diễn làm việc hăng say nhất”

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu

“Giờ đây sinh viên phải chịu rất nhiều áp lực, trong hoàn cảnh hoàn toàn khác so với thế hệ làm phim thứ 5. Thế nên quan trọng là các em phải nhạy cảm với thực tế của cuộc sống, phải vững vàng và phải làm việc siêng năng”, đạo diễn Trương Nghệ Mưu nói với sinh viên trong một hội thảo được tổ chức tại Viện Hàn lâm Điện ảnh Bắc Kinh.

Đạo diễn của những bộ phim lớn của điện ảnh Trung Quốc, tổng đạo diễn của lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh – thế vận hội giúp Trung Quốc thăng hạng trong bảng xếp hạng “Ngôi sao đang lên” (rising stars) của hãng FutureBrand (Mỹ) công bố (VN đứng hạng 4, sau Trung Quốc, UAE và Croatia) - cũng nói ông không phải thiên tài mà chỉ là một người bình thường, có chăng là “đạo diễn làm việc hăng say nhất Trung Quốc”. (Thể thao & Văn hóa, 17/11)

“Đã nói chuyện Trà thì đứng nói chuyện Tiền”

Đó là câu nói ưa dùng nhất của “đệ nhất “say” trà” Đoàn Hùng Sơn, nhưng luôn được mọi người gắn cho cái tên khác là Trà Hùng Sơn và tên thân mật hơn là “Sơn ti” (Sơn tea) hoặc “Sơn trà”!

Đây là con người mê trà đến nỗi luôn lấy “ly trà làm đầu câu chuyện”, đi đâu anh cũng đem theo một hộp nhỏ đựng bộ đồ pha trà nhỏ xíu với đủ các loại trà. Gặp ta, Tàu hay Tây đều mời trà Việt kèm theo những tâm tư, triết lý về trà.

Anh sinh tại bệnh viện Chè Thanh Ba của đất chè Phú Thọ. Tốt nghiệp trường ĐH Kiến trúc với kết quả xuất sắc và công trình kiến trúc đầu tiên là thiết kế nhà máy chè. Từ năm 2000, chuyển hẳn sang công tác tại Tổng Công ty Chè VN, hiện là Trưởng phòng kinh doanh 3.

Anh “Sơn trà” nói: “Rất nhiều nước trên thế giới đang tìm đến trà VN như một sản phẩm thân thiện của môi trường và có lợi cho sức khỏe. Tôi muốn thật nhiều người VN thay đổi thói quen biến cơ thể mình thành thùng chứa bia, rượu hay các loại nước uống độc hại khác. Hơn nữa, tôi không hiểu tại sao họ cứ phải uống những loại trà nhập khẩu, trong khi chính những nước này đang nhập khẩu nguyên liệu chè từ VN”. (Khoa học & Đời sống, 20/11)

Related Articles

No comments:

Post a Comment