Tuesday, September 29, 2009

25/09/2009

(TuanVietNam) - Tinh thần duy lý, thượng tôn pháp luật, ý thức về trách nhiệm cá nhân... đó là những gì xã hội chúng ta đang hướng tới. Tiếc thay đó cũng lại là thứ mà nhiều người chưa có được, như một số phát ngôn và hành động ấn tượng tuần này cho thấy.




Điều chỉnh lại chỉ tiêu 100% cán bộ quản lý là TS

Được hỏi "bao nhiêu phần trăm cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ là khả thi?", ông Lê Quốc Cường, PGĐ Sở Nội vụ Hà Nội, nhận định: "Theo tôi, trên dưới 50% là khả thi nhất". (Hà Nội Mới, 24/9).


Ông Cường là một trong những người trực tiếp tham gia soạn thảo kế hoạch thực hiện Chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền TP từ nay đến năm 2020.


Ông cũng làm rõ thêm rằng chỉ tiêu 100% đã nêu trong bản kế hoạch mới là cái đích để Thành ủy "phấn đấu" chứ không phải là "quyết tâm" đạt được bằng mọi giá, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng: "Nếu phấn đấu hết sức, có bài bản, khoa học, tôi tin là có thể đạt được… Tôi dám chắc là không thể có chuyện chạy đua bằng cấp ở đây ".

Không rõ Hà Nội sẽ "phấn đấu" bằng cách nào. Nếu có cơ chế tuyển dụng những người có khả năng làm quản lý trong số các trí thức đã sở hữu bằng tiến sĩ thì xin không bàn ở đây. Nhưng trong trường hợp dùng tiền thuế của dân để đào tạo "có bài bản, khoa học" các công chức thành tiến sĩ, thì đó lại là một câu chuyện khác.


Vả chăng, thông thường, "phấn đấu hết sức" tất nhiên phải hàm nghĩa "quyết tâm". Tuy vậy, rất có thể Hà Nội sẽ phấn đấu hết sức mà lại không cần quyết tâm, và vẫn sẽ đạt tỷ lệ 50% tiến sĩ - điều này trong tương lai người dân sẽ được chứng kiến.


Ngoài ra, nếu kế hoạch được thực hiện, người dân thủ đô hoàn toàn có thể tự hào về Hà Nội: một trong 10 thành phố lớn nhất thế giới, và chắc chắn cũng là một trong những đô thị có số cán bộ chính quyền là tiến sĩ đông đảo nhất.


Đó hẳn nhiên là một thành tựu, và hơn thế, còn là một nét khác biệt so với thế giới: Ở nhiều nước, tiến sĩ thường làm công tác nghiên cứu khoa học và/hoặc giảng dạy. Ở ta, tiến sĩ có cơ hội làm lãnh đạo, nhờ cơ chế tiến sĩ hóa người làm việc trong bộ máy chính quyền.


Khi ĐBQH phải giám sát "cấp trên"...


... Thì điều này, cộng với chất lượng hoạt động của đời sống chính trị ở ta, sẽ đưa đến một thực trạng mà ai cũng đoán biết được như hiện nay: Hoạt động giám sát của QH đối với cơ quan hành pháp còn yếu kém, chỉ sôi nổi tại các kỳ họp QH, nơi có rất đông ĐB ngồi dự, hàng chục phóng viên báo, đài, và hàng triệu khán giả theo dõi qua truyền hình trực tiếp.


Ông Nguyễn Hữu Nhơn.
Ảnh: dongthap.gov.vn

Phó trưởng đoàn ĐBQH Đồng Tháp Nguyễn Hữu Nhơn lý giải, đối tượng chịu sự giám sát hầu như "toàn là cấp trên" của các ĐB, cho nên "dù luật cho phép thì cá nhân từng ĐBQH cũng không thể đơn phương tự đi giám sát". (VietNamNet, 23/9)


Nghe ông Nhân nói, cứ có cảm tưởng ĐBQH sợ "cấp trên" như sợ cọp, nên nỗi luật pháp cho quyền mà ĐB vẫn e ngại, làm gì cũng không dám "đơn phương", cứ phải chọn chốn công khai, đông người chứng kiến. Thật lạ.


Trên nguyên tắc, ĐBQH là những người được dân ủy nhiệm để kiểm tra hoạt động của bộ máy hành pháp, nên chính ra "cọp" ở đây phải là các ĐBQH mới phải. Cũng không thể nói "đối tượng chịu sự giám sát hầu như toàn là "cấp trên" của các đại biểu". Bởi lẽ, cấp trên của các ĐBQH chỉ có thể là cử tri.

Và, thôi thì trên dưới gì đi nữa, ĐBQH là đại diện của cơ quan lập pháp, rất nên đi tiên phong trong việc khích lệ tinh thần "thượng tôn pháp luật", xây dựng nhà nước pháp quyền, đặt pháp luật lên cao nhất, bất kể "trên", "dưới"! Tất nhiên, đấy là điều chúng ta mong muốn (và có lẽ nhiều ĐBQH cũng muốn). Nguyên tắc thì là thế...


Không nắm kinh tế, làm sao Nhà nước giữ vai trò chủ đạo?


Câu hỏi mang tính lý luận này là do Cựu ủy viên Bộ Chính trị, GS Nguyễn Đức Bình, nêu ra tại hội thảo "Mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam: Cơ sở lý luận và thực tiễn".


Ông Bình cho rằng đường lối kinh tế cơ bản trong thời kỳ quá độ phải là: Nền kinh tế nhiều thành phần cùng tồn tại và phát triển một thời gian dài, trong đó kinh tế nhà nước là chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng của kinh tế quốc dân...


"Có đồng chí chủ trương nhà nước chủ đạo chứ không phải kinh tế nhà nước chủ đạo. Vậy nhà nước lấy gì mà chủ đạo?" - ông Nguyễn Đức Bình đặt vấn đề. (Pháp luật TP HCM, 24/9)

Ảnh: PL TPHCM


Thực ra, nếu hiểu vai trò chủ đạo của Nhà nước là điều tiết nền kinh tế, hạn chế những khuyết tật của thị trường, kiện toàn hệ thống luật pháp và đảm bảo tính hiệu lực nghiêm minh của nó, thì không một quốc gia nào trên thế giới có thể phủ nhận vai trò của nhà nước. Tuy nhiên, không phải ở mọi quốc gia đó, kinh tế nhà nước đều là chủ đạo.

Đây cũng là điều trao đổi của nhiều ĐB trong hội thảo, chẳng hạn Cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nêu ý kiến: "Có cần đặt vấn đề nền tảng nữa hay không? Nếu có thì lý giải thế nào? Cá nhân tôi cũng cho rằng không cần thiết phải đặt ra vấn đề này".

Sự thực là, cuộc tranh luận về tầm quan trọng của kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân đã diễn ra từ rất lâu, thậm chí học giả Daniel Yergin và Joseph Stanislaw còn cho rằng lịch sử kinh tế thế kỷ 20 là lịch sử cuộc đấu tranh giữa "Nhà nước" và "thị trường tự do". Cả hai bên "đấu tranh" đều có những lý thuyết bảo vệ quan điểm của mình, lý thuyết nào cũng thành công trong những giai đoạn nhất định, và rồi giai đoạn nào cũng kết thúc bằng một cuộc khủng hoảng kinh tế trên quy mô lớn, đòi hỏi phải xem lại mô hình đang theo đuổi.

Từ thực tế đó, có cực đoan không khi ta nói rằng mọi chủ thuyết, lý thuyết kinh tế đều mang tính lịch sử, và có lẽ chẳng nên giữ quan điểm cực đoan với bất kỳ lý thuyết nào. Suy cho cùng thì, như Goethe đã nói, "mọi lý thuyết đều xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi".

Dân vận hay quan vận?

"Muốn tập hợp dân thì phải làm cho tới nơi, tới chốn" - Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Huỳnh Thị Nhân chia sẻ với người làm công tác dân vận tại buổi trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng, phát hiện, nhân rộng mô hình "dân vận khéo" do Thành ủy tổ chức ngày 22/9.

Các đại biểu thống nhất cho rằng, muốn tập hợp được quần chúng thông qua việc dân vận, trước hết, cán bộ dân vận phải có tâm để hiểu dân, từ đó có cách giúp đỡ, thuyết phục dân. Đại diện Ban Dân vận huyện ủy Nhà Bè hài hước: "Làm dân vận nếu không đẹp trai thì phải chai mặt". (VietNamNet, 23/9)

Ảnh: VNN


Tới đây, bà Huỳnh Thị Nhân kể: "Tôi nghe nói ở phường Phước Bình, quận 9, bà con phản ánh cả năm trời chuyện mấy cái cột đèn đứng giữa đường, gây cản trở giao thông và nguy hiểm cho người đi đường. Khi dân kêu quá, mấy ông ở phường bảo giờ mấy ông không biết làm sao, kêu cả năm rồi, hết cách rồi. Trả lời với dân vậy sao được?".


Theo bà Nhân, dân kêu đúng thì phải giải quyết: "Mấy cái cột đèn đó nếu kêu rồi mà đơn vị quản lý không làm thì phải báo cho quận. Quận giải quyết không được thì kêu tới thành phố chứ sao lại buông xuôi? Không nhẫn nại, bền chí thì làm dân vận không thành công được".


Nhưng nếu đúng như bà Huỳnh Thị Nhân nói (và nếu độc giả hiểu không nhầm), thì ở đây là sự nhẫn nại, bền chí của người làm dân vận với... chính quyền chứ đâu phải với người dân? Nói cách khác, dân vận không được buông xuôi thì "quan vận" cũng... hệt như vậy. Làm "quan vận" cũng cần làm cho tới nơi, tới chốn, cũng cần "nếu không đẹp trai thì phải chai mặt", v.v…


Chẳng biết đọc giả hiểu như vậy có đúng không?


Cho mượn ôtô vì hết chỗ chứa


"PMU 18 không có chỗ để hàng chục ôtô, khi có đề nghị của một số cơ quan nhà nước, chúng tôi đã cho họ mượn để sử dụng", cựu tổng giám đốc Bùi Tiến Dũng trình bày trong phiên xử vụ PMU 18, giải thích về việc đã "hào hiệp" cho mượn hàng chục ôtô trái quy định. (VnExpress, 24/9)


Bùi Tiến Dũng (trên) và Huỳnh Ngọc Sĩ. Ảnh: VNE

Vụ án này thật lớn, nổi tiếng trong và ngoài nước, việc xét xử kéo dài... Tuy vậy, lý do bị cáo đưa ra để phân trần về vụ cho mượn xe, gây thiệt hại mấy tỷ đồng, thì thật nhẹ nhàng, đơn giản.


Cùng ngày, cũng diễn ra phiên tòa xét xử một vụ án nổi tiếng khác, vụ Công ty PCI và sai phạm tại Ban Quản lý dự án PMU Đông Tây. Trình bày về số tiền 52.250.000 đồng nhận từ Công ty PCI (tiền cho thuê nhà công, đút túi riêng), bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên GĐ Ban Quản lý dự án) cũng giải thích thật nhẹ nhàng, đơn giản, rằng ông không biết rõ nguồn gốc số tiền trên, "cứ tưởng là tiền thưởng". (Tiền Phong, 24/9)


So sánh khập khiễng: Chuyện GĐ dự án nhận tiền mà "cứ tưởng là tiền thưởng" gợi nhớ tới truyện cười nọ, trong đó một người sắp bị sét đánh mà cứ tưởng là được chụp ảnh (!). Xét ra họ đều hồn nhiên như nhau cả.


Cô giáo sốt ruột


Theo "phản ánh" của học sinh, ở lớp 1/7, trường tiểu học Bàu Sen (TP HCM), có bé B. ngày nào cũng bị cô đánh vì tội viết chậm, viết xấu.


Khi phóng viên "chất vấn", cô L. - giáo viên chủ nhiệm - thừa nhận: "Có đánh em B. nhưng chỉ đánh bằng tay chứ không đánh bằng thước. Em B. học hơi chậm, viết cũng chậm, chưa đánh vần được, chỉ những âm nào học rồi bé mới biết mà thôi". (Tuổi Trẻ, 24/9)


Ý cô L. là, bé B. bị phạt là xứng đáng vì bé học chậm, chỉ những âm nào học rồi mới biết chứ lại không biết những âm chưa học.

Khổ thân bé B. Nếu bé vừa vào lớp 1 đã đọc mau viết lẹ cả những gì chưa học thì chắc chẳng cần thầy cô giáo nữa, mời bé lên luôn lớp 2 cho cô khỏi sốt ruột. Với kiểu giáo dục như vậy, thảo nào các bậc cha mẹ cứ phải lo cho con đi học chữ trước khi vào "vỡ lòng".


Nói thêm, cô giáo chủ nhiệm của bé B. có ý cho rằng đánh bằng tay chứ không bằng thước, là... ổn rồi. Dù sao thì, cô chân yếu tay mềm, đánh bằng tay không để lại tổn thương thể chất nặng như bằng thước. Có điều, mức độ tổn thương về tinh thần thì chắc ở cả hai hình thức là như nhau.


Quan niệm "thương cho roi cho vọt" này cho đến nay vẫn được nhiều thầy cô và cả bậc cha mẹ hết sức tán đồng. Thực trạng ấy cho thấy cái gọi là "quyền trẻ em" dường như chưa phải là một khái niệm nghiêm túc ở nước ta, trong khi Việt Nam đã ký các công ước của LHQ về quyền trẻ em từ rất lâu rồi. Từ văn bản luật đến thực tế, con đường thật là xa.


Thu hồi thẻ "giáo viên chưa đạt chuẩn"


Cũng là một câu chuyện khác của ngành giáo dục. Phòng GD-ĐT TP Phan Rang - Tháp Chàm đã vừa chỉ đạo thu hồi 38 thẻ công chức dành cho cán bộ, giáo viên của ba bậc học mầm non, tiểu học, THCS, vì các thẻ này gây sốc nặng trong dư luận.


Bà Nguyễn Thị Mẫu Đơn, Trưởng phòng, cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ thuộc cấp rút kinh nghiệm" (Tuổi Trẻ, 24/9). "Sự cố này là do sai sót của hai cán bộ phòng tổ chức chứ không nhằm hạ thấp danh dự của thầy cô. Ngay sau khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã cho thu hồi để cấp lại thẻ cho cán bộ giáo viên" (VnExpress, 23/9).


Nếu việc cấp thẻ "giáo viên chưa đạt chuẩn" này cho giáo chức diễn ra trong mấy ngày qua thì chúng ta đã được chứng kiến hành động quá ấn tượng của tuần. Dù sao, cách xử lý nhanh gọn của Phòng GD-ĐT Phan Rang - Tháp Chàm cũng xứng đáng được coi là hành động ấn tượng.


Tuy thế, vẫn còn cái gì đó gờn gợn khi Trưởng phòng Nguyễn Thị Mẫu Đơn quy hoàn toàn trách nhiệm cho "thuộc cấp", cho hai nhân viên không hiểu rõ nội dung chỉ đạo của cấp trên. Không biết ngoài việc thu hồi những tấm thẻ gây bức xúc cho CBCNV, lãnh đạo Phòng GD-ĐT địa phương đã có lời xin lỗi nào gửi tới các giáo viên bị tổn thương hay chưa?


Và vì vậy, ngoài hành động ấn tượng (nhanh chóng thu lại thẻ), Phòng GD-ĐT Phan Rang - Tháp Chàm ghi thêm một phát ngôn ấn tượng, rất điển hình cho phong cách lãnh đạo ở nhiều nơi, nhiều lúc: "Chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ thuộc cấp rút kinh nghiệm".


Người bị TNGT phải tự chứng minh


Diễn giải về Luật Bảo hiểm Y tế, Thạc sĩ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam, cho biết: "Nếu bị tai nạn giao thông mà không vi phạm luật thì được quỹ BHYT chi trả, nếu phạm luật thì không. Trường hợp chưa xác định được thì người bị tai nạn ứng trước, sau đó chứng minh được mình đúng thì BHXH sẽ chi trả lại".(Pháp luật TP HCM, 24/9)


Ông Nguyễn Minh Thảo. Ảnh: PL TPHCM

Quy định như vậy của luật BHYT xem ra không hợp lý, bởi lẽ nó sai nguyên tắc cả trên phương diện luật nói chung lẫn luật về bảo hiểm nói riêng.


Xét từ khía cạnh luật học, người dân không bao giờ có nghĩa vụ phải chứng minh mình không phạm luật, mà ngược lại, chính quyền, cơ quan nhà nước có trách nhiệm chứng minh một công dân nào đó đã vi phạm pháp luật.


Còn đứng trên phương diện BHXH, ở các nước tiên tiến, người dân trả đều đặn BHXH, trong đó có BHYT, để được chữa chạy miễn phí hoặc với chi phí thấp trong trường hợp họ bị bệnh hoặc gặp các rủi ro khác. Cho nên, nếu luật bảo hiểm chỉ đền bù cho những người bị tai nạn giao thông nhưng không có lỗi thì thật phi lý và sai nguyên tắc của bảo hiểm.


Nguyên tắc thì là thế, nhưng...


Với logic "người bị tai nạn giao thông phải tự chứng minh", thì người bị cảm lạnh cũng phải tự chứng tỏ là họ đã mặc rất ấm áp nhưng vẫn bị ốm, mới mong được BHXH thanh toán tiền chữa trị (lại còn phải ứng trước nữa chứ!).

Hoàng Thư

Related Articles

No comments:

Post a Comment