Saturday, September 5, 2009

04/09/2009

(TuanVietNam) - Phần tổng hợp "Phát ngôn & Hành động ấn tượng" tuần này là chuỗi những sự việc đã rõ ràng hoặc còn mông lung, gây lạc quan hoặc còn bi quan.



Một "đường lưỡi bò" vô căn cứ

Yêu sách 80% diện tích mặt biển Đông thể hiện qua bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đang khiến dư luận bất bình.

Cùng với việc đưa ra những căn cứ về địa lý, lịch sử và pháp lý quốc tế để khẳng định "đưỡng lưỡi bò" mà Trung Quốc đưa ra là đòi hỏi quá vô lý, Thạc sĩ Hoàng Việt - người chuyên nghiên cứu về "đường lưỡi bò" - phát biểu trên Tuổi Trẻ (3/9):

Thạc sĩ Vũ Hoàng Việt (Ảnh: Tuổi Trẻ)

"Vùng nước nằm trong "đường lưỡi bò" chiếm 80% diện tích biển Ðông mà Trung Quốc cho là "vùng nước lịch sử" là không thể chấp nhận được. Cộng đồng quốc tế chưa bao giờ ghi nhận một yêu sách như vậy và sẽ không chấp nhận một vùng biển lớn vào loại nhất, nhì thế giới lại nằm dưới quyền tài phán của duy nhất một nước.

Yêu sách về "đường lưỡi bò" này không chỉ vi phạm quyền lợi của VN mà còn đụng chạm tới quyền lợi của hầu hết các quốc gia trong khu vực ASEAN cũng như các quốc gia liên quan.

Nếu yêu sách chiếm gần 80% toàn bộ biển Ðông được chấp nhận, tất cả tàu thuyền qua lại vùng biển này đều phải được sự cho phép của chính quyền Trung Quốc mới được phép lưu thông. Chưa kể tất cả tài nguyên trong vùng biển này từ tài nguyên sinh vật đến tài nguyên không sinh vật đều thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc. Quyền tự do lưu thông trên biển cả sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, thương mại quốc tế qua vùng biển này sẽ bị Trung Quốc khống chế".

Mô hình kinh tế của VN vận động không giống ai?

Ông Vũ Đình Ánh

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả Bộ Tài chính Vũ Đình Ánh, trên VnExpress (01/9), đem tới hai nhận định có thể tạo nên những suy luận lạc quan hoặc bi quan.

Thứ nhất, ông cho rằng trong những tháng còn lại của năm khó xảy ra chuyện tăng giá đột biến. Tính đến tháng 8, CPI mới tăng 3,47%. Như vậy, 4 tháng còn lại của năm dù giá cả hàng hóa có tăng đột biến đi chăng nữa thì lạm phát chỉ dừng lại ở con số 7%.

"Diễn biến giá như hiện nay là điều đáng mừng cho phép chúng ta thở phào yên tâm", ông Ánh nhận định.

Người lạc quan thì sẽ nghĩ như ông Phó viện trưởng, còn người bi quan thì lo lắng bảo giá tiêu dùng không tăng vọt ngay bây giờ mà sẽ "đói góp no dồn", chờ đến đầu năm tới sẽ nhích lên cao, đặc biệt khi giá xăng chưa chịu ngồi yên và lộ trình giá điện được ấn định gia tăng vào tháng 3/2010 thì cũng nguy.

Ừ thì cứ lạc quan trước đi, ở thời điểm hiện nay, với mong đợi Chính phủ có chính sách kiểm soát được đường đi của các chỉ số giá tiêu dùng. Ví dụ, Chính phủ cần có quyết sách rõ ràng trước đề xuất về việc thực hiện gói kích cầu thứ hai khi mà gói kích cầu đầu tiên đang thực hiện được 2/3 - liệu có nên triển khai hay không?

Ông Lê Đức Thuý, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia khẳng định: "Tôi thuộc nhóm ủng hộ gói kích cầu thứ 2". Còn theo TS. Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia: Trên cơ sở phân tích, đánh giá những hiệu quả mà gói kích cầu này mang lại thì chúng ta mới quyết định có nên tiếp tục gói kích cầu thứ hai nữa hay không.

Nhưng nhận định thứ hai của Phó viện trưởng Vũ Đình Ánh khó nói được là lạc quan hay bi quan:

"Thời gian qua, các chính sách giãn, giảm thuế của chúng ta mới nhằm vào mục đích khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn hàng hóa để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự thật thì ngược lại một số mặt hàng nguồn cung vẫn thiếu, giá vẫn cao nhu cầu vẫn nhiều.

Chẳng hạn như ôtô, ở các nước người ta áp dụng các biện pháp như đổi xe cũ lấy xe mới, hỗ trợ tiền, lãi suất cho người dân mua ôtô. Ở VN thì ngược lại, dân xếp hàng mua xe, hợp đồng nợ đến tận năm 2010 mà 11 liên doanh sản xuất vẫn không đáp ứng được. Điều này cho thấy mô hình kinh tế của VN vận động không giống một nước nào trên thế giới, do vậy, cần phải có những liều thuốc hợp lý. Giải pháp như thế nào chưa thể nói cụ thể, song cần có sự nghiên cứu sâu từ các bộ ngành có liên quan...".

Xin mạn phép để luận bàn rằng: không phải chỉ riêng "mô hình kinh tế" của VN vận động không giống ai mà ở nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, thể thao... cũng khiến người ta có cảm giác như thế. Cần có "liều thuốc hợp lý như thế nào" thì trước hết phải có người trình bày được một cách rõ ràng rằng đang có sự "không hợp lý" ở đâu, cụ thể ra sao. Chỉ sợ muốn trình bày cũng thật là khó!

Còn ít tiếng nói độc lập được lắng nghe

TS Vũ Thành Tự Anh (Ảnh: SGTT)

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, ở Việt Nam, không có nhiều tiếng nói độc lập và "tiếng nói độc lập được lắng nghe thì còn ít hơn nữa".

Điều này chẳng thể coi là lạc quan về mặt xây dựng chính sách, nâng cao tiến hộ xã hội. Theo tiếng nói tương đối độc lập của ông Tự Anh thì "Hiện nay ở Việt Nam rất thiếu tiếng nói phản biện chính sách. Theo nguyên lý của điều khiển học, một hệ thống thiếu thông tin phản hồi có chất lượng sẽ không thể tự hoàn thiện.

Khi nền kinh tế của chúng ta ngày càng trở nên phức tạp thì những tiếng nói phản biện có tính xây dựng là rất quan trọng. Cần phải hình thành một lớp học giả có ý kiến độc lập và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình". (Sài Gòn Tiếp Thị, 29/8)

Bộ trưởng né tránh rõ nhất ở câu hỏi nào?

Buổi đối thoại diễn ra từ 14h đến 17h30 ngày 31/8 tại Văn phòng Chính phủ (Ảnh: VNN)

Dưới đây là "bình chọn" kèm theo "bình luận" của bạn đọc VietNamNet sau buổi đối thoại trực tuyến của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các ngành Giáo dục, Lao động Xã hội, Văn hoá - Thể thao và Du lịch với chủ đề "Giáo dục – Đào tạo Việt Nam trước thềm năm học mới".

Bạn đọc Nguyễn Lê ở Nghệ Anh, chọn câu hỏi của bạn Nguyễn Xuân Thiện, nam, 28 tuổi, giáo viên trung học là hay nhất và ở ý 2: "Từ khi ở cương vị Bộ trưởng, Bộ trưởng đã đi khảo sát, thực tế việc quản lý, dạy và học tại các trường chưa? Bộ trưởng có thấy tình hình thực tế tại các trường này có như trong báo cáo của cấp dưới gửi lên không?"

Người đứng đầu ngành Giáo dục đã trả lời như sau: "mỗi lần tới địa phương, chúng tôi thường tìm gặp các thầy cô hiệu trưởng các trưởng tại tỉnh đó, trao đổi khoảng 2 tiếng, nêu hoạt động trong nhà trường, đánh giá chủ trương của Bộ và các vấn đề đặt ra."

Điều đó khiến cho một số người không khỏi nghĩ rằng, Bộ này đang "dựa vào báo cáo của các cấp từ dưới" mà chưa có sự sâu sát với thực tiễn của Thầy - Trò.

Nó cũng tựa như các đại biểu Quốc hội khi về tiếp xúc cử tri (thực chất là các cán bộ cơ sở có chọn lọc). Vì thế, nước không đến được ruộng của dân mà thuế thủy lợi vẫn thu là bởi tại dân không chịu xây mương, không chịu đi tát, đi bơm chứ cơ quan thủy lợi vẫn có nhiều cố gắng. Các đại biểu QH ấy vẫn đồng tình như thế!

Và theo nhận xét của bạn đọc Nguyễn Lê, chính ở câu này, việc trả lời né tránh rõ nhất.

Bất trắc còn đó, tai nạn có thể xảy ra!

Em Cồ Quốc Duy

Hàng ngày, từ nhà ra phố, có bao nhiêu bất trắc vô hình và cả hữu hình bao quanh cuộc sống của người dân đô thị? Không ít! Hẳn là nhiều người, dẫu có lạc quan đến mấy thì vẫn phải lo gần lo xa mà thừa nhận điều đó.

Hãy xem, dây điện chằng chịt, trụ điện không được bao bọc cẩn thận, ổ gà, ổ trâu, ổ voi... đang bị đào xới, nắp cống hé mở, cây đổ, xe cộ búa xua, công trình xây dựng ngổn ngang... Sống lâu với sự thiếu an toàn đâm cũng thành quen.

Đến vừa rồi, với vụ rò điện làm một học sinh ở TPHCM bị thiệt mạng một cách đau lòng, hồi chuông báo động về một môi trường sống thiếu an toàn mới làm không ít người giật mình.

Em Cồ Quốc Duy,13 tuổi, ở P.5, Q.5, là con trai duy nhất đồng thời là cháu đích tôn của dòng họ, bị tử nạn vào tối 31/8 do trụ đèn chiếu sáng ở góc ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu bị rò điện. Trước đó, một tai nạn kinh hoàng khiến người dân hoảng loạn đã diễn ra khi một dây điện trung thế đứt làm đôi, rơi xuống mặt đường đang ngập nước gần 30cm. Và còn nhiều "cái bẫy chết người" khác trên đường phố...

"Một sự thật là thành phố nào cũng có rủi ro, rủi ro của đô thị bao giờ cũng cao hơn nông thôn nhiều lần, nhưng lại có một sự thật khác mà chúng ta phải nhìn nhận là thành phố của chúng ta hiện là một trong số những thành phố không chiến tranh nhưng lại có mức độ rủi ro khá cao và diễn ra khá thường xuyên, đến nỗi chúng ta tự trở nên trơ lì trước mỗi thông tin như thế. (...)

Một thành phố cho dù giàu có đến đâu, có nhiều phong cảnh đẹp, có nhiều nhà cao tầng, vô số ngân hàng và có lịch sử oai hùng đến mấy cũng sẽ giảm mất giá trị và trở nên vô nghĩa nếu con người sống trong đó không được an toàn, không được bảo vệ và phải chịu sức ép thường trực do luôn phải đối mặt với những rủi ro cao. Tiêu chuẩn đầu tiên và cao nhất để đánh giá về một thành phố sống tốt chính là mức độ an toàn con người sống trong đó..."
, giảng viên Nguyễn Minh Hòa (bộ môn Đô thị học, ĐH KHXH&VN TP.HCM) lên tiếng trên Tuổi Trẻ (3/9).

Qua vụ việc này, đòi hỏi các cơ quan chức năng với trách nhiệm của mình và cả người dân với lối sống của mình phải nhìn vào sự thật. Người có lạc quan mấy cũng không thể nói rằng những bất trắc, tai họa nơi công cộng là "lỗi tại ông trời"!

E dè và ngợi khen

Hình ảnh Công Vinh trên tờ Record của Bồ Đào Nha

Đó là trường hợp của tiền đạo Công Vinh của Việt Nam nay đang mang màu áo của CLB Leixoes (Bồ Đào Nha, từng đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng mùa giải trước).

Trước khi Công Vinh sang Bồ Đào Nha thì báo chí trong nước tỏ ra bình tĩnh, trì hoãn sự lạc quan lại, để chờ xem tình hình thế nào. Cũng đúng, vì không phải cứ có cầu thủ xuất ngoại là đã vội mừng. Cứ tự khen nhau trong khi nền bóng đá trong nước còn ì ạch, lắm chuyện trái ngang và trái bóng thì vẫn luôn tròn, mọi chuyện đều có thể xảy ra, có khi thành... lạc quan tếu.

Và rồi trong hai trận đấu đầu tiên, tuy chỉ được ra sân trong ít phút nhưng Công Vinh đều ghi mỗi trận một bàn thắng, góp phần đem lại chiến thắng cho Leixoes. Báo chí xứ Bồ bắt đầu thay vì xăm xoi quay sang ngợi khen cầu thủ đến từ đất nước còn ít nổi danh về bóng đá.

“Vào sân từ phút 46, Công Vinh đã trở thành tâm điểm chú ý của các CĐV Leixoes. Vinh là một tiền đạo có phẩm chất tốt, đặc biệt là tốc độ, kỹ thuật và khả năng dứt điểm bằng cả hai chân. Đây thực sự là màn ra mắt đáng nhớ của tân binh này trên đất Bồ Đào Nha”.

Thêm một thông tin bên lề về Công Vinh, coi như chút dư vị vui vẻ để ngày cuối tuần lạc quan hơn: Trước khi tiền đạo xứ Nghệ này lên đường sang Bồ thi đấu, anh đã tung cú sút... "giữ bồ" bằng cách công bố trước báo giới người yêu mình là ca sĩ Thủy Tiên. Đây là điều mà bấy lâu cả hai vẫn ấp úng và cũng là điều mà các "fan trẻ" của họ mong đợi, về một kết cục giống kiểu cặp đôi "Beck - Posh" ở nước Anh. Nếu thiếu "sự vụ" này thì các trang báo văn hóa - văn nghệ tuần qua của ta chắc còn "nhạt nhòa" lắm lắm!

Danh Anh

Related Articles

No comments:

Post a Comment