Monday, March 9, 2009

06/03/09

(TuanVietNam) - Không chỉ có những gương mặt thú vị mà còn có những điều đáng suy ngẫm qua "Phát ngôn & Hành động ấn tượng" tuần này, vốn đã được định hình theo hướng: Ai, ở đâu, nói gì và làm gì?



“Đề phòng gói kích cầu bị lợi dụng"

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nền kinh tế trong tháng 2 vừa qua có nhiều dấu hiệu bước đầu tích cực. Kinh tế vĩ mô được giữ vững, lãi suất ổn định. Gói kích cầu đầu tư tiêu dùng được triển khai và thực hiện tích cực đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Tuy nhiên, việc triển khai gói kích cầu phải được thực hiện công khai, minh bạch. Chính phủ sẽ phải có biện pháp chủ động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để ngăn ngừa hành vi trục lợi.

Cũng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay: "Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và chống tham nhũng. Đề phòng gói kích cầu bị lợi dụng". (VietNamNet, 3/3)

"Hủy diệt mang tính sáng tạo"

TS Nguyễn Đức Thành

Nhà kinh tế học Joseph Schumpeter cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay là một "sự hủy diệt mang tính sáng tạo" (Creative destruction). TS Nguyễn Đức Thành giải thích về điều đó gắn với VN:

"Chu kỳ của kinh tế thế giới như thủy triều lúc lên, lúc xuống. VN chưa có nhiều kinh nghiệm về thăng trầm kinh tế, nhưng không nên quá bi quan mà phải lạc quan và sáng suốt trong lựa chọn chính sách cho mình.

Cũng giống như DN trong thời kỳ này phải sáng suốt lựa chọn bước đi phù hợp, để khi nền kinh tế hồi phục thì đã sắp xếp lại mọi thứ một cách hoàn hảo nhất để nắm bắt cơ hội, đối diện với cuộc cạnh tranh mới... Điều này tối cần thiết cho từng cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng và cả một đất nước... Nền kinh tế thế giới cũng vậy, sau mỗi cuộc khủng hoảng lại là sự trỗi dậy mãnh liệt". (Sinh viên Việt Nam, 4/3)

"Tiệc chiêu đãi sẽ không có quá một món súp và ba món chính"

Ông Lý Triệu Tinh (Ảnh: AFP)

"Khi Chủ tịch, Thủ tướng của chúng ta mời các nguyên thủ nước ngoài, bữa tiệc chiêu đãi sẽ không có quá một món súp và ba món chính. Rượu Trung Quốc cũng sẽ không có".

Ông Lý Triệu Tinh, cựu Ngoại trưởng Trung Quốc, phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, nơi các vị khách nước ngoài quan trọng thường được mời dự tiệc có loại rượu nặng của Trung Quốc với số lượng khá hào phóng. (VietNamNet, 4/3)

"Cụ Lý Thái Tổ ngồi nhìn lưng cụ Lý Thái Tổ đứng?"

Tượng đài Lý Thái Tổ (Ảnh: VNN)

Có 3 cách tư duy, giải pháp về chuyện xây đền thờ Thái tổ Lý Công Uẩn - người chọn mảnh đất Hà Nội ngày nay làm kinh đô Thăng Long - vào thời điểm kỷ niệm ngàn năm.

1 - TP Hà Nội: Quyết định xây đền thờ Lý Thái Tổ tại vườn hoa Chí Linh sau tượng đài Lý Thái Tổ, ở vị trí của nhà bát giác (nhà Kèn).

2 - Nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra giải pháp "tình huống": "Xây ở phía sau tượng một kiến trúc gì đó có quy mô thích hợp với không gian, tinh tế và trang trọng để người dân thoả mãn nhu cầu thắp hương, lễ bái. Công trình ấy như một sự bổ sung hợp lý cho tượng đài để đáp ứng một tập quán tâm linh.

Tóm lại, theo tôi không nên đặt vấn đề xây đền thờ Lý Công Uẩn tại khu vực trung tâm Hà Nội mà nên tìm giải pháp kết nối với đền thờ Ngài ở quê hương Kinh Bắc cho những ai muốn viếng đền thờ. Còn với Hà Nội thì bức tượng Lý Công Uẩn đã khá hoành tráng bên Hồ Gươm rồi, có thể thêm một điểm để thắp hương ở phía sau là vẹn đủ đôi đường"

- GS.TS - KTS Hoàng Đạo Kính: "Đã là đền thờ thì phải có tượng thờ, ngồi trên ngai, người thờ phải là thánh, mắt phải quắc, hai tay phải để trên ngai. Nếu làm đền ở đó, sẽ phải có tượng cụ Lý Thái Tổ ngồi trong đền. Chả nhẽ ta lại có cụ Lý Thái Tổ ngồi nhìn lưng cụ Lý Thái Tổ đứng?

Đừng để khi người dân thắp hương vái cụ ngồi trong đền thì phải chổng lưng vào cụ đứng. Nếu không có tượng cụ ngồi trong ngai thì không phải đền thờ. Chỉ có bài vị thì là đình, còn không nữa thì phải là miếu. Không thể làm đình, miếu thờ cụ Lý Thái Tổ được". (VietNamNet, 4/3)

Hẳn đa số bạn đọc sẽ không trùng quan điểm xây đền với TP Hà Nội. Vậy bạn chọn cách nào và có kiến giải ra sao?

“Bài chúng em đưa chỉ thông tin một chiều thôi”

Quán Tuấn trong buổi gặp mặt với đại diện La Vie tại quán cà phê (Ảnh: PL TPHCM)

Câu trả lời thật ngắn ngọn nhưng cũng đầy “thách thức” đối với một sản phẩm nước khoáng bị anh phóng viên báo Kinh tế Nông thôn tên Quán Tuấn “hù” nếu doanh nghiệp không ký hợp đồng quảng cáo sẽ đăng bài bêu xấu.

Sau đây là đoạn ghi âm phóng viên “hù” doanh nghiệp:

- Đại diện LaVie: Anh rất mong báo chí phản ánh một cách khách quan vì em biết đấy, để tạo dựng một thương hiệu thì mất rất nhiều công sức và thời gian rất lâu.

- Quán Tuấn: Em đã có bài rồi. Đây.

- Đại diện LaVie: Bài này em định đăng khi nào? Ở đâu?

- Tuấn: Em định đăng trên Báo Tiền Phong, Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng. Bài chúng em đưa chỉ thông tin một chiều thôi. (Pháp luật TPHCM, 4/3)

Ngài hiệu trưởng năng động

GS.TS Trần Hữu Nghị

Đó là GS.TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng, người đã: Bỏ ra 26 triệu đồng mua thùng rác, để không đầu tư thuê người dọn trường mà sinh viên phải tạo được thói quen bỏ rác vào thùng.

Nghe mỗi năm 4.400 lời hứa của sinh viên vào trường và sinh viên ra trường. Ký rất nhiều quyết định bổ nhiệm chức danh Trưởng phòng Khách sạn sinh viên (chứ không gọi là Ký túc xá sinh viên) với tâm niệm "phải tôn trọng sinh viên như một trí thức trưởng thành".

Đó chỉ là một vài trong số những việc "khác biệt mà thiết thực, hiệu quả" đã được thầy Hữu Nghị đề xuất để ĐH Dân lập Hải Phòng là một trong 21 trường ĐH trên cả nước có tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất: 93,46% (theo thống kê của Bộ GD&ĐT). (Sinh viên VN, 4/3)

Giỏi 32 ngôn ngữ từ ham mê tìm hiểu văn hóa

Ông Ioannis Ikonomou

Ioannis Ikonomou, người Hy Lạp, đang làm việc tại trụ sở Liên minh châu Âu (EU) biết 42 ngôn ngữ và đọc thông viết thạo 32 trong số đó. Chưa hết, ông còn đang muốn thử thách khả năng bản thân khi quyết định học thêm 3 ngôn ngữ nữa.

Ông nói: "Tôi rất quan tâm tới thông tin liên quan tới nền văn minh, văn hóa, âm nhạc và ẩm thực của một ngôn ngữ. Vì thế tôi luôn nghiên cứu rất sâu một ngôn ngữ, từ đó tình yêu nảy sinh".

Ông học tiếng Ba Lan để biết về một món ăn độc đáo có tên pierogi, học tiếng Nga để biết tới Dostoevsky, học tiếng Ba Tư để biết về các bài thơ cổ, để hiểu đạo Hồi, tiếng Hungary để biết tới nhạc cổ truyền, tiếng Hindi và Urdu để biết về các giá trị của đạo Hindu...

Thế nhưng... Ikonomou hoàn toàn tự tin vào sức mình cho tới khi chính ông vấp ngã bởi một đối thủ: tiếng Việt. Ngữ pháp của tiếng Việt hoàn toàn không là vấn đề của Ikonomou, thậm chí còn khá dễ đối với ông. Nhưng Ikonomou không thể nào phát âm chuẩn được thứ ngôn ngữ đặc biệt này. (Thể thao & Văn hóa, 4/3)

Thí sinh khiếm thị thắp sáng American Idol

Scott MacIntyre (Ảnh: idol-mania.com)

Đó là Scott MacIntyre, chàng trai 23 tuổi, đã tập chơi đàn piano lúc mới lên 3, cho dù bị khiếm thị từ lúc sinh ra. Lớn lên, Scott được theo học âm nhạc và với tài năng của mình, anh đã nhận được rất nhiều giải thưởng, học bổng uy tín, đứng đầu tại các cuộc thi âm nhạc lớn.

Scott có thể chơi được nhiều nhạc cụ khác nhau, có thể sáng tác và nổi bật nhất vẫn là vừa đánh đàn piano vừa hát. Anh đã tham gia lưu diễn tại nhiều nơi ở Bắc Mỹ và châu Âu.

Anh hiện đang sống và học tập tại Luân Đôn, nước Anh, nơi anh đã tốt nghiệp khoa Nghệ thuật Biểu diễn của Royal College of Music và Royal Holloway University of London. Scott cũng được nhận vào học như một nghiên cứu sinh tại hai trường đại học danh giá là Oxford và Cambridge.

Với hai ca khúc “As so it goes” và “Home”, Scott đã hoàn toàn thuyết phục ban giám khảo và thẳng tiến vào bán kết American Idol. Những hình ảnh về anh truyền đi đã thực sự là động lực để những người kém may mắn tin tưởng vào ước mơ vươn lên của mình. (Mực Tím, 3/3)

Có một cái xấu là… “ăn cắp”?

Đạo diễn Nhuệ Giang (phải)

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang phát biểu khá thẳng và “sốc” về hai trong số những bộ phim tham gia Cánh diều vàng 2008 vừa qua:

“Làm phim giải trí, phim thương mại không xấu nhưng nghệ thuật phải cực đoan. Lớp trẻ bây giờ thực tế và cũng thực dụng hơn. Tôi ví dụ Vũ Ngọc Đãng, anh ta cũng có khả năng, nhưng dễ bằng lòng, làm phim để thoả mãn công chúng dễ tính.

Một điều tôi thấy là Vũ Ngọc Đãng và Nguyễn Quang Dũng, 2 người làm phim trẻ đắt sô hiện nay có một cái xấu là “ăn cắp”. Phim Tết vừa qua của cả 2 đều có các tình huống giống cơ bản một số phim nước ngoài.

Phim của Đãng thì ý tưởng, câu chuyện y như một phim của Hàn Quốc, có khác là đặc điểm thoại bất tận tự nhiên chủ nghĩa kiểu phim truyền hình là đặc sản của Đãng. Phim của Dũng thì nhiều tình huống nhái lại một số phim teen của Mỹ.

Đây là vấn đề nghiêm túc, vậy mà không thấy báo nào lên tiếng. Các đạo diễn vẫn ngang nhiên lấy và hưởng. Các nhà sản xuất vẫn tự hào là thu hút khán giả.


Ngoài ra, xu hướng làm phim thương mại còn kéo theo nhiều sự lẫn lộn giá trị. Nền phê bình của chúng ta còn kém. Báo chí chưa có độ tin cậy. Công chúng cũng ít hiểu biết về điện ảnh. Thị hiếu của lớp trẻ đôi khi đáng báo động. Giai đoạn này, tôi thấy lộn xộn”. (VnMedia, 28/2)

"Tôi cá mùa này, Thanh Bình hơn Công Vinh!"

Ông Đoàn Nguyên Đức

Trong khi Công Vinh đang được coi là tiền đạo số 1 VN, đã ghi một bàn thắng tại V-Leage, còn Thanh Bình của Hoàng Anh Gia Lai đang phải tập thêm để lấy lại phong độ sau khi... lấy vợ, ông Đoàn Nguyên Đức, "bầu sô" của đội bóng phố núi khẳng định chắc như chặt "gỗ":

"Tôi dám cá với mọi người 10 ăn 8 là mùa này Thanh Bình sẽ ghi bàn nhiều hơn Công Vinh! Nếu không có Thonglao, Lee Nguyễn, tôi cũng không dám cá 10 ăn 8 cho Thanh Bình".

Bầu Đức còn nói: "Tôi chẳng biết người ta dựa trên tiêu chí nào để đánh giá số 1, số 2. Với tôi, mọi chuyện đơn giản lắm. Tiền đạo là phải ghi bàn, chứ tiền đạo mà cứ kiến thiết với hỗ trợ phòng ngự thì vứt. Vậy xuống đá hậu vệ, tiền vệ luôn cho rồi.

Mùa giải năm ngoái, nếu chọn số 1 thì phải là Ngọc Thanh chứ, cậu ấy là tiền đạo nội ghi nhiều bàn thắng nhất ở V-Leage kia mà" (Thể thao & Văn hóa cuối tuần, 27/2)

Nói thêm là 24/3 tới, danh hiệu Quả bóng vàng VN lần thứ 14 sẽ được công bố và sẽ thuộc về một trong 4 gương mặt: tiền đạo Lê Công Vinh (T&T Hà Nội), tiền vệ Nguyễn Vũ Phong (Becamex Bình Dương), hậu vệ Vũ Như Thành (Becamex Bình Dương) và thủ môn Dương Hồng Sơn (T&T Hà Nội).

“Nếu tôi muốn nhận lỗi thì tôi phải học cách chấp nhận mọi thứ”

Trương Bá Chi xuất hiện trong buổi phỏng vấn

Lần đầu tiên diễn viên Hong Kong Trương Bá Chi (vợ của ngôi sao Tạ Đình Phong) đã thực sự dũng cảm lên tiếng về scandal ảnh “nóng” với diễn viên Trần Quán Hy (đang ra tòa) bị tung lên mạng sau một năm im lặng.

Cô nói với kênh truyền hình Entertainment News Channel: “Trần Quán Hy là kẻ đạo đức giả”. Đồng thời, cô không phủ nhận lỗi lầm, nói “tôi vừa là bị cáo, vừa là thẩm phán tại chính phiên tòa của mình. Bản thân tôi đã tự tống tôi vào ngục tối”.

“Tôi nói với mọi người rằng, tôi không phải là nạn nhân. Đúng là có rất nhiều người làm việc đó nhưng sự việc này là do tôi kiểm soát. Sao tôi có thể phủ nhận mọi chuyện được. Tôi là người của công chúng và thậm chí là thần tượng của những người khác, những gì tôi làm sẽ gây ảnh hưởng tới những người tôn sùng tôi. Đừng nói tôi là nạn nhân, nhưng tôi không oán trách mọi người. Lúc đó, bất kỳ ai nhắc tới Trần Quán Hy, tôi bỗng trở nên cấm khẩu”. (Dân Trí, 28/2)
-------------------
* Phát ngôn & Hành động ấn tượng nhất (tuần từ 27/2 đến 6/3/2009): Là những hoạt động rất tích cực thể hiện sự "tôn trọng sinh viên như một công dân trí thức trưởng thành" mà Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng Trần Hữu Nghị đã làm cho ngôi trường nơi mình công tác.

Đó chỉ là một ngôi trường, ở một thành phố. Đúng. Nhưng nếu có nhiều ông hiệu trưởng như thế, làm được nhiều việc cho những ngôi trường khác như thế trên đất nước ta thì những lo lắng "chấn hưng giáo dục" sẽ giảm bớt, đời sống xã hội vơi đi những lo toan, đến gần hơn với sự tiến bộ. Từng tế bào thay đổi thì cả cơ thể và hệ thống sẽ thay đổi.

GS. TS Trần Hữu Nghị nói: "Một trong những điều đầu tiên mà chúng tôi hướng sinh viên đến là tính trung thực" và "Việc sinh viên ra trường như thế nào chính là thể hiện thương hiệu của trường ấy".

Sinh viên có thể gọi điện thoại cho Hiệu trưởng đề bày tỏ bức xúc liên quan tới trường. Đó là vì thầy Nghị cho rằng "nếu Hiệu trưởng càng cách xa sinh viên thì càng có ít thông tin để quản lý. Và đã là bức xúc thì phải giải quyết ngay không thể chờ 6 tháng hay một năm để có được một cuộc đối thoại sinh viên và Hiệu trưởng như các trường khác đang làm".

Cũng trên Sinh Viên VN (4/3) còn đưa ra câu chuyện từ lời kể của thầy Nghị về việc làm lại cây cầu là lối đi của sinh viên vào trường cho không còn rác rưởi như đã từng, chi tiền để mua thùng rác, tạo dựng "khách sạn sinh viên" văn minh; vì "nếu cứ để sinh viên đi lâu trong rác họ sẽ thấy bình thường sẽ quen với việc có rác dưới chân".

Nếu tuần trước xuất hiện một thầy giáo dạy văn khuyến khích học sinh bày tỏ ý kiến xuôi - ngược qua website của mình thì tuần này có thêm một nỗ lực cá nhân rất đáng nhân rộng của một thầy hiệu trưởng.

Chỉ tiếc rằng bài phỏng vấn nói trên không đưa thêm những ý kiến, phản hồi thực tế của một số sinh viên trong trường, các bậc phụ huynh về thầy hiệu trưởng ở ngôi trường dân lập (vốn có đầu vào thấp hơn các trường khác 4,5 điểm) mà mình gắn bó, để chân dung thầy hiệu trưởng thêm sinh động, gần gũi.

Bùi Dũng

Related Articles

No comments:

Post a Comment