Thursday, June 25, 2009

19/06/2009

(TuanVietNam) - Thật trùng hợp khi đa số câu chuyện mà "Phát ngôn & Hành động ấn tượng" chọn ra trong tuần này "quy về một mối"- đó là một số quy định mới ban hành.


Lổ hổng pháp lý

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc (Ảnh: VNE)

Trong phiên chất vấn hôm 13/6 tại Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc kiến nghị thu hồi 50/145 dự án sân golf.

Câu chuyện về bội thực sân golf đang nóng hổi ở nhiều địa phương. Nhất là vừa qua, vỡ lở việc hàng loạt dự án sân golf được cấp phép cấp tập trong thời điểm chuẩn bị sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội.

Theo Nghị định 108 của Chính phủ ban hành 9/2006 đã phân cấp quyền cấp phép tối đa cho các địa phương thay vì giao cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư như những năm trước đó.

Kết quả là các địa phương cạnh tranh quyết liệt thu hút dự án, không chỉ golf mà còn dự án thép, lọc dầu, resort, cảng biển... đều đã mọc lên tràn lan, gây nhiều bức xúc, "bỏ thì thương mà vương thì tội". Trong khi đó, năng lực thẩm định của đơn vị cấp phép còn hạn chế.

"Việc phân cấp đầu tư là đúng đắn, nhưng cần phải có quy chuẩn cụ thể làm cơ sở để cấp phép và giám sát. Rõ ràng, đây là một lỗ hổng pháp lý... và nó cần được trám lại trước khi quá muộn", tờ Sài Gòn Tiếp Thị hôm 17/6 bình luận.

Chưa sửa Luật Báo chí mới

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn (Ảnh: VNN)

Diễn tiến phiên họp Quốc hội chiều 17/6 cho hay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010.

Theo đó, Quốc hội nhất trí là dự án Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ tiếp tục cho lùi lại chuẩn bị kỹ hơn để trình ra vào thời gian thích hợp. Lý do vì báo chí là lĩnh vực phức tạp, đang còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết.

Trước đó, dự án luật này đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 nhưng đã phải lùi lại.

Trên VietNamNet, Thứ tưởng Đỗ Quý Doãn băn khoăn việc hoãn trình QH Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung hoặc chưa có Luật Báo chí mới sẽ là một sự chậm trễ, khiến quản lý chưa theo kịp sự phát triển của ngành.

Quy trình làm luật ngược

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Soạn thảo văn bản pháp luật trước khi quyết định chính sách thì cũng giống như xây nhà trước khi thiết kế ngôi nhà. Mặc dù, chuyện vừa thiết kế vừa thi công trong xây dựng cơ bản rất ít khi được chấp nhận, thế nhưng chuyện vừa soạn luật, và xử lý chính sách lại đang là thực tế phổ biến ở nước ta.

Điều này làm cho việc soạn thảo các văn bản pháp luật nhiều khi thật giống với việc "đẽo cày giữa đường". Qua mỗi lần trình bẩm, mỗi lần xin ý kiến, các chính sách lại được sửa đổi, được rút ra, rồi lại được đưa vào liên tục và không có điểm dừng.

Và, có lẽ, đây là lý do giải thích tại sao việc soạn thảo văn bản pháp luật ở nước ta thường kéo dài lê thê, mà các văn bản pháp luật lại có chất lượng không cao", TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nếu ý kiến trên Tia Sáng (20/6).

Tại sao chưa ai kiện ngành điện?

LS. Nguyễn Hữu Huỳnh

"Hầu hết các doanh nghiệp rất bức xúc về chất lượng cung cấp và tình trạng cắt điện. Nhưng tại sao không ai kiện? Đây là câu hỏi tôi thường đặt ra khi làm việc với các DN và họ đều hỏi ngược lại kiện xong rồi mua điện của ai?", luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) hỏi.

Ông Huỳnh phân tích, khi mất điện đột ngột mà không được báo trước thì "bên mua điện hoàn toàn có thể kiện ngành điện ra tòa nếu bị vi phạm hợp đồng""bên bán điện phải chịu mức phạt bằng 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, ngoài ra phải bồi thường thiệt hại phát sinh do vi phạm hợp đồng". (Người lao động, 16/6)

Trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng VN lâu nay ở hiền mà chẳng gặp lành, chưa được đối xử tử tế. Bây giờ, nếu người tiêu dùng tỏ ra "ghê gớm" hơn bằng cách vác đơn đi kiện theo trình tự như luật sư Huỳnh đưa ra thì cũng dễ lâm vào cảnh... kiện tôi thì ông ở với ai (!?). Và thế là năm này qua năm khác, điện cứ tắt bụp liên miên mà người dân vẫn phải "ngậm bồ hòn". Nhưng nếu không ai kiện thì sẽ phải ấm ức với tình trạng này đến bao giờ?

Hầm vừa thông xe đã bị bôi bẩn

Hầm vừa thông xe đã ngập

Quả là không may mắn, hầm đường bộ nút giao thông Kim Liên (Hà Nội) mới vừa thông xe sáng 16/6, thì chiều cùng ngày đã bị một nhóm thanh niên vẽ bậy nhoe nhoét lên bức tường trắng toát. Đáng buồn không kém là dù hầm đường bộ đã thông nhưng nút giao thông ở khu vực này vẫn... tắc.

Có hai nguyên nhân được đưa ra là do nhiều người dân vẫn chưa biết đường hầm đã thông, còn người biết thì lại đoán... vì trời mưa, sợ đường đang bị ngập nên vẫn đi đường đường khác cho lành!

Chẳng là trước đó, chỉ sau 2 tiếng đồng hồ thông xe, qua một cơn mưa lớn, hầm đã phải đóng cửa vì ngập nước tới nửa bánh xe.

Theo ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm Hà Nội, chủ đầu tư dự án nút giao thông này - "hầm ngập không có gì bất ngờ" vì hệ thống bơm chính chưa được đưa vào hoạt động. Nghe nói, đến tháng 10 hầm đường bộ này mới chính thức hoàn thiện. (VietNamNet, 16/6)

Bạo lực át thể thao

Ông Nguyễn Hải Hường

"Theo tôi, ở mỗi trận đấu bóng đá, vấn đề an ninh luôn cần phải được đặt lên hàng đầu còn chuyên môn chỉ xếp hàng thứ hai thôi", ông Nguyễn Hải Hường, Trưởng Ban Kỷ luật của Liên đoàn bóng đá VN (VFF) trả lời sau cuộc loạn đả giữa CĐV Hải Phòng và cảnh sát cơ động.

Theo lẽ đó thì đi xem bóng đá VN phải đổi lại là xem... đấu bóng, thật buồn với người muốn thưởng thức vẻ đẹp của thể thao. Theo đó, có lẽ Liên đoàn phải thiết lập và tăng cường chức năng của "ban an ninh" lên hàng đầu để những vụ loạn đả đau thương, bạo lực trong và ngoài sân có mới giảm bớt, đỡ làm khó thường xuyên cho... Ban Kỷ luật!

Riêng trong vụ xô xát sau trận đấu giữa Thể Công và Xi măng Hải Phòng trên sân Hà Nội - có thể coi là một vét nhơ của mùa bóng năm nay - thì rõ ràng hành vi của các CĐV quá khích cần phải lên án trước tiên. Hình thức phạt đã được Ban Kỷ luật đưa ra là cấm các CĐV Hải Phòng đến sân khách, nhưng được có mặt sân nhà.

Nếu vẫn chỉ đưa ra được những giải pháp, cách thức xử lý nửa vời mà thiếu biện pháp, chế tài hữu hiệu, cụ thể sẽ chỉ làm khó cho công tác bảo an ninh trong nền bóng đá mà vấn đề bạo lực sân cỏ luôn ở mức "báo động" và hết vụ này đến vụ khác xảy ra trong nhiều năm nay.

Cơ quan quản lý có ... lách luật?

Thứ trưởng Lê Tiến Thọ

Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng vừa ký công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Khánh Hòa về việc tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Thế giới người Việt 2009” tại tỉnh Khánh Hòa.

Điều này khá bất ngờ đối với công chúng, vì theo Quy chế mới về tổ chức hoa hậu đã ban hành cách đây không lâu, có một điểm mấu chốt bị cho rằng bất hợp lý là quy định mỗi năm chỉ có một cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia được cấp phép tổ chức. Các cuộc thi khác chỉ được lấy tên là "hoa khôi" chứ không phải "hoa hậu".

Suất "hoa hậu" duy nhất đã thuộc về cuộc thi Hoa hậu Quý bà. Vậy thì cuộc thi "Hoa hậu Thế giới người Việt" không phải cấp quốc gia và mang danh "hoa hậu" rất rõ ràng hay sao?

Ông Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, nói: Quy chế không phải là bất biến, có thể có điều chỉnh nhưng không phải phá bỏ những cái đã ban hành.

Còn Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Lê Tiến Thọ cho biết: việc cho phép tổ chức Hoa hậu Thế giới người Việt 2009 không trái quy chế mới, bởi đây là cuộc thi có yếu tố nước ngoài chứ không chỉ gói gọn ở quy mô trong nước. (Đất Việt, 17/6)

Hoa hậu Thế giới người Việt vẫn là cuộc thi dành cho thí sinh người VN ở trong và ngoài nước. Vậy các cuộc thi hoa hậu khác muốn được cấp phép, họ "lách luật" bằng cách mở rộng đối tượng cho cả thí sinh ở nước ngoài tham gia - một việc rất đơn giản - thì có được cấp phép không?

"Đã cấm là cấm"

Dù thêm phụ kiện hay không thêm phụ kiện, nghệ thuật hay không nghệ thuật, đã cấm là cấm! (Ảnh: Pháp luật TPHCM)

Theo “Quy định về hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP.HCM” (gọi tắt là Quyết định 39) do UBND TP.HCM vừa ký quyết định ban hành có hiệu lực từ 15/6, một trong 16 hành vi bị nghiêm cấm trong quảng cáo là “dùng hình ảnh sản phẩm minh họa quảng cáo, ma-nơ-canh trưng bày quần, áo lót, băng vệ sinh, tã lót ở nơi công cộng hoặc mặt tiền nơi sản xuất, kinh doanh”.

Theo ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Văn hóa gia đình, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP.HCM: "Mặt tiền là phía trước nơi sản xuất kinh doanh. Nếu người đi đường không thấy ma-nơ-canh mặc quần, áo lót ngay trước nơi kinh doanh tức không vi phạm. Đặt ma-nơ-canh miễn sao người đi đường không thấy là được".

Thế nhưng, oái oăm là theo Quy định đó thì "bikini vẫn được cho phép trưng bày với ma-nơ-canh" vì vẫn theo ông Vinh " bikini là sản phẩm thời trang có thể mặc nơi công cộng là hồ bơi, bãi biển. Quần, áo lót không ai mặc nơi công cộng, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam". (Pháp luật TPHCM, 18/6)

Như vậy, quảng cáo ở nơi không thể gọi là quảng cáo; hay nói cách khác quảng cáo ở... góc khuất chính là "điểm nhẩm" của Quy định mới kể trên.

Thật trùng hợp khi trong thời điểm này, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) cũng vừa công bố Dự thảo Thông tư trình diễn thời trang, trong đó có quy định sẽ không được trình diễn thời trang nội y ở những sân khấu lớn. (VTC News, 16/6)

Danh Anh

Related Articles

No comments:

Post a Comment