Saturday, June 6, 2009

05/06/2009

(TuanVietNam) - Những vấn đề, sự kiện thuộc về chính trị vĩ mô và cả chuyện quốc kế dân sinh, gắn với các nhân vật cụ thể, đều được đưa trong "Phát ngôn & Hành động ấn tượng" tuần này.

Không thể tiến ra biển bằng "tư duy đất liền"

Lần đầu tiên, Việt Nam - đất nước có hơn 3.260km bờ biển, với rất hòn đảo có ý nghĩa lớn kinh tế, an ninh quốc phòng - tổ chức Tuần lễ biển và hải đảo (từ ngày 01 - 8/6/2009). Điều đó cho thấy ý thức giữ gìn và phát triển biển đảo đang được gia cường. Song song với sự kiện này, dư luận cũng đang tiến hành vận động cho việc ra đời "Ngày biển Đông và hải đảo VN" .

Ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo VN nói trên Tuổi Trẻ (1/6).

Chu_Hoi_Viet_Dung

Ông Nguyễn Chu Hồi Ảnh Việt Dũng

"Tiến ra biển là xu thế tất yếu của dân tộc ta để tìm kiếm và đảm bảo các nhu cầu về nguyên liệu, năng lượng, thực phẩm... cho tương lai. Đó là một hướng đi đúng, một cách nhìn xa trông rộng, cần một quyết tâm chính trị và tính nhất quán của cả dân tộc mới biến chủ trương như vậy thành hiện thực. Dựa vào lợi thế biển, VN có thể thực thi chiến lược kinh tế mở và tạo đột phá thành công cho nền kinh tế đất nước"

Thế kỷ 21 đang chứng kiến một cuộc chạy đua giữa các nước tranh giành lợi ích kinh tế từ biển, trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng phải chịu tác động mạnh mẽ trong cuộc chơi lớn. Vấn đề cấp bách hiện nay là phải tập trung nguồn vốn vật chất lẫn trí tuệ để phát triển kinh tế biển, phải có chương trình và kế hoạch khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên biển một cách toàn diện.

Đã đến lúc phải tiến ra biển là xu thế tất yếu của dân tộc ta để tìm kiếm và đảm bảo các nhu cầu về nguyên liệu, năng lượng, thực phẩm... cho tương lai. Nhưng phải tính toán cho kỹ vì chúng ta không thể tiến ra biển bằng tư duy đất liền.

"ĐBQH có thể thông cảm nhưng cuộc sống và nhân dân không thể chờ"

Le__Nguoi_dai_bieu_nhan_dan_Online

Ông Vi Trọng Lễ.

(Ảnh: nguoidaibieu.com.vn)

Đây là trăn trở của đại biểu Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) khi trả lời báo giới về công tác xây dựng pháp luật của QH. Vị đại biểu này cũng thẳng thắn nêu nhiều vấn đề suy đi xét lại thì vẫn thấy là... khó có thể thông cảm được.

Đại biểu cho biết, trong quy trình xây dựng một văn bản luật, "sự phối hợp giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra dự án luật chưa nhịp nhàng, ăn khớp.... Hầu hết các dự án luật trình QH tại kỳ họp lần này đều chưa kèm theo báo cáo đánh giá tác động của dự án luật (RIA), hoặc nếu có cũng rất sơ sài".

"Xu hướng chung là các cơ quan trình thường muốn bảo vệ quyền, lợi ích của mình hay thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực được giao..."

Và ông cũng thừa nhận, "có tình trạng dễ làm trước, khó làm sau" và "có sự nể nang lẫn nhau giữa cơ quan trình với cơ quan thẩm tra".

Chả thế nên mới có chuyện, "một số dự án luật trình QH, mặc dù còn nhiều ý kiến phản bác, nhưng phần lớn vẫn thông qua".

"Có những dự án luật, khi bấm nút thông qua, tôi vẫn run tay"- ông Lễ thổ lộ. (Người Đại Biểu Nhân Dân, 3/6)

"Tiêu chí cao nhất để lựa chọn cán bộ là hiệu quả công việc"

Nghi_1vietbao.vn

Ông Phạm Quang Nghị

Tại Hội nghị cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn sáng 2/6, trước gần 2.500 đại biểu là cán bộ chủ chốt các cấp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, phải khắc phục tâm lý né tránh, ngại va chạm, không dám chịu trách nhiệm cá nhân.

"Chúng ta không giới thiệu và bầu những cán bộ né tránh, không dám chịu trách nhiệm cá nhân. Tiêu chí cao nhất để lựa chọn cán bộ là hiệu quả công việc trên thực tế, là đem lại lợi ích cho công việc chung", ông Nghị nói. (VietNamNet, 3/6)

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định quyết tâm: "Phải xóa bỏ tình trạng cán bộ thờ ơ, vô trách nhiệm, đùn đẩy trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân". - Chắc chắn rằng không chỉ cán bộ chủ chốt ở cấp xã, phường, thị trấn mới cần "xóa bỏ" những điều này.

"Còn dối trá trong giáo dục thì sẽ không có tương lai"

Nhan_tin247.com

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân.

Ảnh: tin247.com

Đó là câu nói mang tính đúc kết quan trọng nhất trong bài phỏng vấn, trò chuyện rất dài với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân trên An ninh thế giới cuối tháng (5/2009).

Bộ trưởng phân tích: "Nếu chúng ta muốn nâng cao chất lượng mà vẫn giữ sự giả dối trong thi cử thì không bao giờ có động lực gì cả. Bởi muốn nâng cao chất lượng thật, dạy thêm là rất vất vả, cải tiến rất vất vả, trong khi đó chỉ giả dối trong thi cử thì chúng ta sẽ triệt tiêu động lực học thật, dạy thật".

"Nếu trẻ không đủ kiến thức mà vẫn bị đẩy lên lớp trên thì rất nguy hiểm. Làm thế tức là chúng ta góp phần tạo một lớp người có bằng cấp nhưng không có nội dung, không có thực lực chỉ có thể qua mặt nhau trong phổ thông thôi, vào kinh tế thị trường nó sẽ đào thải ngay lập tức. Phải đột phá vào đây, vừa để tạo nền tảng chắc chắn cho giáo dục và chấm dứt những sự giả dối".

Sáng 1/6, tới kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp tại tỉnh Hà Nam, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã "đi sâu đi sát" khi xuống kiểm tra khu vực vệ sinh và yêu cầu phải đảm bảo sạch sẽ để các em không bị ức chế khi sử dụng.

Xây dựng bộ quy chuẩn đối với hàng hóa

Bien_Phan_Hung

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên Ảnh Phan Hùng

Trong một tuần này, trên nhiều mặt báo lại tiếp tục cảnh báo về hàng hoá chất lượng thấp gây nguy hại đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Trước những lo lắng về sự xâm nhập của hàng hóa Trung Quốc chất lượng kém có xuất xứ từ Quảng Châu, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên chấn an: Bộ Công thương đang tích cực xây dựng bộ quy chuẩn đối với hàng hóa, cùng với đó là
"tăng cường các biện pháp để ngăn chặn, xử phạt hàng hóa buôn lậu, nhập khẩu không chính thống".

Có lẽ ông Biên quên mất rằng, không phải đến bây giờ dư luận mới xôn xao về chất lượng hàng hoá chất lượng thấp có xuất xứ từ Trung Quốc.

Thực tế, có nhiều loại hàng hóa chất lượng thấp có xuất xứ từ Trung Quốc đã cắm rễ rất sâu vào thị trường VN từ nhiều năm nay. Sau khi báo chí đưa tin về quần áo trẻ em của Quảng Đông không an toàn cho sức khoẻ, một số cửa hàng đã thay đổi cách trưng bày, hàng Trung Quốc xếp vào bên trong, hàng Việt Nam chưng vài bộ ra ngoài.

Xem ra khi các cơ quan chức năng chưa thể ngăn được làn sóng hàng nhập lậu kém chất lượng, để sống chung (sống sót) với hàng Trung Quốc chất lượng thấp, mỗi người tiêu dùng, mỗi doanh nghiệp phải tự tìm cách bảo vệ mình là thượng sách.

CSGT mặc thường phục để tuần tra

Dung_1_VNN

Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng. Ảnh VNN

Từ 1/7, CSGT đường bộ được phép mặc thường phục để tuần tra, kiểm soát giao thông, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Đây là một nội dung đáng chú ý trong Thông tư 27 về quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, mà Bộ Công an vừa ban hành.

Lý giải cho việc này, Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) nói: "đã xảy ra khá nhiều vụ việc các đối tượng vi phạm khi bị kiểm tra đã tìm mọi cách để chống trả quyết liệt, hoặc bỏ chạy khi bị CSGT truy đuổi.

Điều này gây ra rất nhiều nguy hiểm cho những người tham gia giao thông. Đồng thời, cũng có những vụ việc sử dụng xe biển số giả, để hoạt động tội phạm. Vì vậy việc quy định tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang là hết sức cần thiết". (Pháp luật TPHCM, 29/5)

Thế nhưng, nếu xét tới nhiệm vụ chính của CSGT là ngăn chặn vi phạm, đảm bảo an toàn giao thông chứ không phải là để săn lùng, rình bắt người phạm lỗi thì quy định trên là "nghiêm trọng hóa" tình hình, dồn sự ái ngại, lo lắng cho người tham gia giao thông.

"Giáo viên phải chạy show như ca sĩ"

Dao_C.M

Ông Nguyễn Ngọc Đào. Ảnh C.M

Trong tuần qua, xung quanh câu chuyện của ngành giáo dục vẫn tiếp tục nóng từ ngoài xã hội vào tới nghị trường.

Bên cạnh những ý kiến băn khoăn về mức tăng học phí và liệu "chất lượng giáo dục có tăng tương xứng với đầu tư hay không", đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cho rằng, với mức học phí hiện nay, giáo viên, giảng viên nếu không có thu nhập ngoài, không thể tiếp tục đứng trên bục giảng.

Ông dẫn chứng bằng thực tiễn bản thân: "Tôi cũng phải "chạy show" các trường, tỉnh ngoài giống như... ca sĩ. Một buổi giảng 3 giờ tại trường tôi (Học viện hành chính) chỉ được 120.000 đồng. Chúng ta không thể yêu cầu chất lượng đại học Việt Nam ngang với Mỹ khi học phí ngành y một năm của họ là 50.000 USD trong khi ở ta chỉ vài trăm USD", ông Đào phát biểu trên nghị trường.

Lời tự bạch của ông Đào lập tức được một đại biểu "phản biện": "Anh Đào có nói là học phí đại học nước ngoài cao nhưng xin thưa toàn bộ chi phí như thư viện, sách... đã nằm trong học phí". Thực tế không phải thầy cô nào cũng phải "chạy show như ca sĩ".

Lời phản biện này là có cơ sở. Vì hiện nay không ít trường ĐH có yếu tố nước ngoài có mức học phí rất cao, sinh viên vẫn theo học đông và giảng viên được trả lương cao, và họ không cần/ không được phép chạy show.

Kể ra cách ví von của Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cũng dí dỏm. Ai cũng biết ca sĩ mà phải chạy show nhiều thì khó giữ giọng, và thường phải "hát nhép"! Vậy với một số thày cô phải chạy show như đại biểu Nguyễn Ngọc Đào thì sao nhỉ(?)

Danh Anh

Related Articles

No comments:

Post a Comment