Saturday, June 13, 2009

12/06/09

(TuanVietNam)- Một số phát ngôn và hành động ấn tượng của tuần này có liên quan đến việc khuyến cáo người dân “rút kinh nghiệm”, hoặc cho thấy bản thân người có phát ngôn hoặc hành động đó nên tự mình “rút kinh nghiệm”. Tóm lại, chúng ta vừa trải qua một tuần với nhiều kinh nghiệm được rút.

"Nào ta cùng rút kinh nghiệm!"


Hai dự án bô-xít không thuộc diện phải đưa ra QH

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định trước các ĐBQH, dự án khai thác bô-xít ở Tân Rai và Nhân Cơ có vốn đầu tư vào khoảng 12.000 tỷ đồng, do đó không thuộc diện công trình quan trọng phải đưa ra QH.

Nghe xong câu trả lời của Bộ trưởng, cả ba ĐB chất vấn về vấn đề bô-xít đều đứng dậy bày tỏ: “Tôi không đồng ý với Bộ trưởng”.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trước QH. (Ảnh: Thanh Sơn)

ĐB Nguyễn Đăng Trừng cho rằng tất cả các dự án bô-xít đều gắn bó chặt chẽ với nhau: “Nó chỉ độc lập khi Bộ Công thương tách nhỏ ra, để nó nhỏ xuống dưới 20.000 tỷ”. (Thời báo Kinh tế Việt Nam, 11/6)

Như vậy, vấn đề đặt ra là có hay không chuyện “lách luật”, chia nhỏ đại dự án bô-xít thành các “tiểu dự án” có giá trị dưới 20.000 tỷ đồng để khỏi phải đưa ra QH?

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã khéo léo “đá” quả bóng trách nhiệm khỏi chân Bộ: “Bộ Công thương không có thẩm quyền chia nhỏ các dự án, cái này là nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp bô-xít đã được Chính phủ phê duyệt”.

Ông cũng khéo léo viện dẫn “kinh nghiệm nước ngoài” để nói rằng, “trong các tài liệu của quốc tế không tài liệu nào nói rằng alumin là nguyên liệu thô”, từ đó khẳng định việc xuất khẩu alumin không đi ngược lại chính sách hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô.

Vậy là các ĐBQH… hết nói qua nói lại?

Mất điện - ai bảo người dân dùng điện tăng đột biến?

Đúng vào những ngày nóng bức nhất từ đầu hè tới giờ (8-9/6) thì Hà Nội bị mất điện trên diện rộng. Lý giải về nguyên nhân, ông Dương Quốc Tuân, Trưởng phòng Thi đua tuyên truyền Công ty Điện lực Hà Nội, cho biết đó là “do thời tiết nắng nóng bất thường, người dân dùng điện tăng đột biến dẫn đến nhảy automat, làm điện bị ngắt đột ngột”. (VnExpress, 9/6)

Hà Nội nắng nóng. (Ảnh: Hoàng Hà - VnExpress)

Như vậy, mất điện là do người tiêu dùng sử dụng điện tăng đột biến. Mà họ sử dụng điện tăng đột biến là do trời nắng nóng bất thường. Từ đó suy ra mất điện là do trời nắng nóng - một nguyên nhân hoàn toàn khách quan. Nếu có phần chủ quan thì đó là lỗi của người dân, tự nhiên thì dùng điện nhiều, làm hệ thống phải tự động ngắt. Dân cần rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, khi trả lời chất vấn về vấn đề rất thời sự này, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng lại nói, mất điện trên diện rộng không phải do thiếu điện mà do sự cố đường dây.

Còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì đã cam kết từ trước đó, rằng “điện thương phẩm từ đầu năm đến nay tăng hơn so với cùng kỳ năm trước và đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển KT - XH, kể cả trong các đợt nắng nóng gay gắt ở miền Bắc và bắc miền Trung”. (Tiền Phong, 10/6/2009)

Như vậy, chúng ta tạm thời có hai cách giải thích cho hiện tượng mất điện nhiều nơi: hoặc do trời nắng nóng bất thường, hoặc do sự cố đường dây. Chứ điện thì không thiếu, và ngành điện cũng hết sức vì dân. Câu trả lời chính xác tùy vào việc chúng ta tin ai hơn.

Cơ chế học phí mới chỉ nhằm vào những người tự nguyện

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: LN)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Đề án đổi mới cơ cấu tài chính cho giáo dục nhằm hai mục tiêu: Có nhiều người đi học và tăng chất lượng. Đây không phải đề án tăng học phí”. (VietNamNet, 9/6)

Quan trọng hơn, theo Phó Thủ tướng, “thực hiện cơ chế học phí mới nghĩa là phụ huynh không phải đóng thêm, chỉ trừ những người tự nguyện muốn đóng góp, và sẽ khuyến khích để có cách thu nhận phù hợp”.

Như vậy, Đề án đổi mới cơ cấu tài chính cho giáo dục thực sự hết sức nhân văn. Chỉ có điều hơi lạ, là hình như chúng ta… ít gặp những người tự nguyện muốn đóng góp kinh phí cho một điều gì đó (kể cả là cho sự nghiệp giáo dục con em chúng ta)?

Không hiểu sắp tới hệ thống giáo dục Việt Nam có gì đổi mới mà lại có nhiều người tự nguyện muốn đóng góp học phí, đủ để xây dựng hẳn một cơ chế dành cho họ?

Ngư dân có nên yên tâm đánh bắt cá?

Xung quanh việc TQ cấm ngư dân VN đánh bắt ở ngư trường phía bắc, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá VN, khẳng định: Ngư dân hãy yên tâm đánh bắt, “các lực lượng chức năng đang duy trì sự bảo vệ đối với tàu bè VN trong phạm vi chủ quyền nên bà con hoàn toàn yên tâm”. (Người Lao Động, 11/6)

Chủ tịch Hội Nghề cá VN Nguyễn Việt Thắng. (Nguồn ảnh: nld.com.vn)

Không rõ “các lực lượng chức năng” mà Chủ tịch Hội Nghề cá nêu là lực lượng nào, nhưng nếu họ vẫn “đang duy trì sự bảo vệ”, thì sao lại có chuyện ngư trường bị phong tỏa, tàu cá nằm bờ suốt gần một tháng qua như báo chí đã đưa tin?

Đặt trong tình hình hiện nay, lời kêu gọi “ngư dân hãy yên tâm đánh bắt” có vẻ là một đề nghị khá nguy hiểm cho người dân, vì dễ đẩy họ vào tình trạng mất cảnh giác, trong khi không có gì thực sự đảm bảo an toàn cho họ.

Ông Nguyễn Việt Thắng còn cho biết “có xuất hiện tâm lý e ngại của một bộ phận ngư dân VN dẫn đến sản xuất bị đình trệ”. Cách “đổ thừa” cho người dân thế này e… không ổn, bởi lẽ việc TQ cấm ngư dân VN đánh bắt cá trên vùng biển của VN là một vấn đề thuộc quan hệ ngoại giao giữa hai nhà nước, người dân có thể làm được gì ngoài chờ đợi và e ngại?

Tất nhiên, phải thừa nhận rằng ở địa vị chủ tịch một hội nghề nghiệp, ông Nguyễn Việt Thắng khó có thể đưa ra giải pháp nào. Bản thân Hội Nghề cá cũng chỉ có thể chờ đợi mà thôi. Nhưng nếu vậy, ít nhất Hội cũng nên tránh đưa ra những lời kêu gọi có thể gợi liên tưởng về hành động mà dân gian gọi là… “xui trẻ con…”!

Xịt nhầm hơi cay thì… rút kinh nghiệm chứ sao!

Chiều 10/6, tiết trời nóng nực, xảy vụ xô xát giữa CĐV Hải Phòng và cảnh sát cơ động thủ đô trên sân Hàng Đẫy. (Lưu ý đây là xô xát giữa CĐV đội khách với cảnh sát của bên “chủ nhà” chứ không phải với CĐV “chủ nhà” – may mà khán giả Hà Nội “vô can”, nếu không, có lẽ sự việc còn rắc rối nữa).

Thôi thì cả cảnh sát lẫn CĐV đều nên cùng... rút kinh nghiệm. (Nguồn ảnh: VnExpress)

Giám đốc Công an TP Hà Nội, tướng Nguyễn Đức Nhanh, bình luận: “Theo tôi biết có một trường hợp trẻ em bị ngất. Trong khung cảnh phức tạp như thế, bình xịt hơi cay có thể nhầm sang người khác, đó cũng là điều phải rút kinh nghiệm.

Trên sân cảnh sát ngăn chặn như thế là được. Cũng có người bị cấp cứu, cũng có người bị xịt hơi cay, tuy vậy không xảy ra thương tích lớn, nghiêm trọng hay chết người
. (VnExpress, 11/6)

Báo chí mới chỉ phản ánh quan điểm của một phía trong vụ xô xát này. Kể ra, một khi cảnh sát/ công an đã phải sử dụng vũ lực, thì câu hỏi đầu tiên bao giờ cũng là: Việc dùng vũ lực đó có đúng luật hay không, có tương ứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội không?

Ở địa vị giám đốc công an thành phố, có lẽ tướng Nhanh nên phân tích và trả lời xem cảnh sát cơ động dưới quyền ông hành xử đã đúng luật hay chưa, thay vì “xuề xòa” kiểu “không chết người là được rồi”.

Thêm nữa, luật pháp chỉ xét lý mà không chiếu cố tình: Đã đánh nhầm người là phải xin lỗi, nặng thì bồi thường, chứ không thể xịt nhầm hơi cay rồi… rút kinh nghiệm được!

Ngoài ra, cũng theo tường thuật của tướng Nhanh thì ban đầu “ít nhất có khoảng 3-4 CĐV đốt pháo sáng ở khán đài”. Nếu sự thể đúng như vậy thì có lẽ khởi đầu cũng không lấy gì làm trầm trọng, không rõ vì sao lại đi đến mức xô xát lớn giữa CĐV và cảnh sát.

Nên nếu đặt vấn đề rằng chính cách xử lý của lực lượng cảnh sát đã góp phần sinh ra ẩu đả, thì có... oan cho cảnh sát quá không?

Cách phân làn giao thông Hà Nội chỉ là tình thế

Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Thạch Như Sỹ nói về công tác tổ chức giao thông: “Bất cứ một giải pháp nào cũng có thời điểm và tính ứng dụng. Chưa có ai dám khẳng định cách tổ chức giao thông hay thiết kế tòa nhà mang tính chất vĩnh viễn.

Cầu Thăng Long ngày xưa ai cũng bảo sao thiết kế to thế, lãng phí, hay đường Đại Cồ Việt rộng thênh thang chẳng mấy người đi nhưng bây giờ cũng đang quá nhỏ bé với người tham gia giao thông”.

Chánh TT Sở GTVT Hà Nội, ông Thạch Như Sỹ. (Ảnh: Xuân Tùng - VnExpress)

Dân thường, “tầm nhìn ngắn”, phát biểu như vậy cũng không sao. Nhưng một quan chức của ngành giao thông vận tải nói vậy thì… nghe qua tưởng có lý, nghe kỹ thấy chết dở.

Quy hoạch đô thị, tổ chức giao thông v.v. đều là những việc đòi hỏi tầm nhìn rất xa, nếu không phải cho vài trăm năm (như ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực) thì cũng phải có giá trị lấy vài chục năm. Không thể có chuyện hôm nay ta làm đường, ngày mai dân kêu đường hẹp, thì ta nói đó là vì ta làm đường cho ngày hôm qua được!

Xưa ở bên Tây, đại văn hào Victor Hugo từng có những áng văn tuyệt vời miêu tả tỉ mỉ hệ thống cống ngầm Paris, mà cho đến giờ, cả hệ thống cống này lẫn văn của cụ đều còn nguyên giá trị.

Nay ở VN, với việc “mọi giải pháp đều mang tính thời điểm”, giả sử các nhà văn nhà thơ của ta mà có mơ ước bắt chước cụ Victor Hugo miêu tả hệ thống đường xá hay phân luồng giao thông đô thị, chắc cũng đến phải… bật khóc vì bất lực.

Nhiều giáo sư, tiến sĩ bị bắt quả tang đánh bạc

Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội vừa phá một chiếu bạc hy hữu, trong đó 6/8 con bạc là các giáo sư, phó giáo sư, giảng viên Học viện Tài chính. Chiếu bạc cũng đặt ngay tại khuôn viên Học viện. Khi công an ập vào, các “con bạc” trí thức vẫn đang say sưa hò hét, sát phạt nhau. (Dân Trí, 11/6)

Phải nói rằng chiếu bạc hy hữu, và hành động của các vị giáo sư cũng thật là ấn tượng. Sau khi họ bị đưa về cơ quan chức năng, Học viện Tài chính đã có công văn xin bảo lãnh cho các vị giáo sư, phó giáo sư này về để phục vụ cho đợt thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH sắp tới.

Có thể đến một lúc nào đó, các nhà làm chính sách ở VN cũng cần tính đến việc hợp pháp hóa một phần hoạt động cá độ, bài bạc, và lúc đó nhiều trí thức sẽ có dịp để vận dụng kiến thức về tài chính, xác suất thống kê, toán học, v.v... Tuy nhiên, từ giờ cho đến lúc đó thì đánh bạc vẫn bị coi là trái pháp luật, và nếu người tham gia chơi là các trí thức trên bục giảng ĐH, thì câu chuyện trở nên nực cười.

Đoan Trang

Related Articles

No comments:

Post a Comment