Friday, August 29, 2008

Nếu chỉ một mình, tôi không thể trở thành anh hùng

Hôm qua 28.8, GS-TS. Phạm Gia Khải, cánh chim đầu đàn của chuyên ngành tim mạch Việt Nam hiện nay, vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lao động. Phóng viên báo SGTT đã có cuộc trò chuyện với ông về cuộc hành trình suốt mấy chục năm qua vì nhịp đập của trái tim người bệnh

GS-TS. Phạm Gia Khải

Danh hiệu Anh hùng lao động mang vinh quang cho cá nhân tôi nhưng một mình tôi không thể làm nên điều đó. Công lao rất lớn thuộc về những người thầy, đồng nghiệp, học trò của tôi và cả những người bệnh, họ là những người giúp tôi có được niềm vinh dự lớn lao này.

Ông tin tưởng học trò đến mức từng trao cả tính mạng của mình cho họ?

Năm 2006 tôi bị đau thắt ngực, phải chỉ định đặt stent để nong mạch vành. Khi đó có nhiều bạn bè ở nước ngoài đề nghị tôi sang đó để họ điều trị nhưng tôi từ chối. Hàng nghìn ca đặt stent nong mạch vành đã thực hiện thành công ở viện Tim mạch bởi những người học trò của tôi thì cớ sao tôi phải sang nước ngoài điều trị. Nói tin tưởng thôi thì chưa đủ mà thật sự tôi rất tự hào về họ.

Bởi vì ông là người khởi đầu “cuộc cách mạng bệnh tim mạch ở Việt Nam” với kỹ thuật siêu âm tim và tim mạch can thiệp, còn những người học trò đang phát triển nhanh chóng những kỹ thuật này?

Tháng giêng năm 1973, lần đầu tiên tôi ra nước ngoài với vai trò của một bác sĩ, nơi tôi đến là Hungary. Đề tài tôi theo học ở họ là chuyên về mạch máu nhưng kỹ thuật siêu âm tim của họ đã cuốn hút tôi một cách kỳ lạ. Tôi đã cố gắng học hỏi kỹ thuật này bằng tất cả say mê và khát vọng, sẽ mang về bằng được kỹ thuật này phục vụ người bệnh. Bởi đây sẽ là khởi nguồn cho sự thay đổi có tính cách mạng của chuyên ngành tim mạch Việt Nam, có chẩn đoán đúng mới điều trị đúng. Đầu những năm 1990, tim mạch can thiệp trên thế giới đã bắt đầu phát triển và chiếm một vị trí quan trọng trong điều trị các bệnh lý tim mạch như hẹp, hở van tim, tắc nghẽn động mạch vành, v.v. Nhưng đây là một lĩnh vực khó, không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn cả sự khéo léo, nhạy cảm trong thao tác. Tôi rất mừng vì đã chọn đúng người để gửi gắm mong mỏi của mình, họ như những cây để phát triển thành rừng. Chỉ trong vòng hơn 10 năm, từ năm 1997, tim mạch can thiệp Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, cứu sống hàng nghìn người bệnh tim mạch hiểm nghèo và đang là một trong những kỹ thuật cao y tế thành công nhất ở Việt Nam.

Điều gì khiến ông đang thật sự trăn trở ở các bác sĩ hiện nay?

Điều tôi vẫn thấy tiếc là trình độ ngoại ngữ của bác sĩ Việt Nam còn rất kém. Trình độ ngoại ngữ phải thông thạo ở tất cả mọi người, nếu cả khoa, cả bệnh viện chỉ có một mình mình biết thì không phải tự hào mà nên khóc. Không có ngoại ngữ ta không thể giao lưu học hỏi các đồng nghiệp nước ngoài trực tiếp và gián tiếp và như thế cố gắng đến mấy cũng vẫn chậm chạp, lạc hậu. Muốn trở thành một bác sĩ giỏi phải có lâm sàng vững vàng, ngoại ngữ giỏi và khai thác tốt công nghệ tin học.

Xét trong vị trí của người học trò thì những người thầy đã ảnh hưởng đến ông như thế nào?

Tôi may mắn được GS Đặng Văn Chung dành nhiều tình cảm và tâm huyết truyền nghề, tôi học được ở thầy không chỉ kiến thức mà còn nhân cách của một người thầy thuốc, thầy giáo, người làm khoa học. Nhưng người cho tôi phương pháp tư duy khoa học biện chứng trong công việc và cuộc sống lại chính là thầy giáo dạy triết Thẩm Trọng Tào. Thầy nói muốn đi đến được mục tiêu của mình phải xác định trong mọi vấn đề đâu là mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn chủ yếu, xác định đúng mới giải quyết đúng và đi đến đích. Siêu âm tim đối với tôi chính là tìm ra mâu thuẫn chủ yếu để thay đổi cơ bản điều trị các bệnh lý tim mạch.

Vậy còn trong gia đình thì sao, cha mẹ đã cho ông triết lý gì trong cuộc sống?

Bố tôi là người trí thức đi theo cách mạng, sắt son với lý tưởng, ông là người truyền cho tôi ý chí với cuộc sống, không khuất phục trước khó khăn và luôn phải có tấm lòng trung thực. Nhà tôi có tám anh chị em, bố đi kháng chiến một mình mẹ phải bươn chải nuôi anh chị em tôi ăn học, tôi được học hành đến nơi đến chốn là nhờ mẹ, một phụ nữ Hà Nội cổ điển, gia giáo. Đối với bà điều quan trọng nhất gửi gắm ở các con là làm việc gì cũng để lại chữ “Đức”, tôi bước vào đời với những tình yêu thương vô bờ bến ấy.

Có khiêm tốn quá không khi ông nói rằng luôn học hỏi ở tất cả mọi người, kể cả người bệnh?

Bởi vì “không có ai tẻ nhạt ở trên đời, mỗi số phận chứa một điều cao cả”. Tôi là thầy của nhiều bác sĩ nhưng tôi có dạy họ được tất cả đâu, bản thân họ có rất nhiều điều mà tôi phải học tập. Người bệnh làm tôi ấn tượng và học được từ ông ấy rất nhiều là một người dân lao động bình thường ở Bát Đàn (Hà Nội). Lúc đó tôi mới ra trường, 24 tuổi, GS Đặng Văn Chung bảo tôi chẩn đoán một người bệnh động kinh nhưng béo kinh khủng, hỏi ra mới biết là mỗi khi sắp lên cơn thì ông ấy ăn rất nhiều bánh ngọt. Thầy Chung gợi ý ông này có “vấn đề” về tuỵ. Không có phương tiện siêu âm, xét nghiệm gì hết, chỉ với khả năng lâm sàng tôi chẩn đoán đây là một bệnh nhân u tuỵ tạng, kết luận của tôi được GS Chung và mọi người ủng hộ. Từ kết quả này, bệnh nhân được GS Tôn Thất Tùng phẫu thuật và khỏi bệnh. Tiếp xúc với người bệnh ít học và rất nghèo này tôi thấy ông ấy thú vị vô cùng, không phải là kiến thức bác học uyên thâm cao siêu mà là thái độ rất đúng mực trong cư xử với mọi người và kiến thức cuộc sống sâu rộng, cái gì ông ấy làm cũng rất khéo. Tôi “ngộ” ra rằng bằng cấp không phải thứ quyết định để trở thành một con người đàng hoàng trong đời, nó chỉ là một kênh tham khảo.

Điều gì khiến ông ở tuổi bảy mươi mà vẫn như “thời thanh niên sôi nổi”?

Thời gian làm tóc tôi bạc trắng nhưng không thể “lão hoá” khát vọng và cảm xúc trong tôi. Tuổi tác chỉ là những con số, còn tình yêu cuộc sống mới là mãi mãi.

Có bao giờ công việc làm ông buồn?

Không, những khó khăn càng làm cho tôi có ý chí và cũng là cơ hội cho mình phát triển. Tôi chỉ buồn khi những người thân yêu ruột thịt gặp điều không hay mà tôi bất lực, lúc đó tôi thực sự buồn.

Trên bảy mươi tuổi ông mới về hưu có đặc biệt quá không? Có điều gì làm ông cảm thấy tiếc nuối khi những chuyên gia như ông về hưu?

Trường hợp của tôi đúng là một ngoại lệ ở Việt Nam nhưng đối với nước ngoài thì điều đó rất bình thường. Thời gian làm việc hằng ngày của tôi sau nghỉ hưu không có gì thay đổi, khi nào tim tôi còn đập thì tôi vẫn còn muốn cống hiến. Tôi có một ông bạn ở Mỹ đã 86 tuổi nhưng vẫn làm bình thường, đó là một chuyên gia phẫu thuật lồng ngực. Tôi đồng ý những người có tuổi cần nghỉ công việc quản lý nhưng nên để cho họ phát huy tiếp khả năng chuyên môn của mình. Những chuyên gia ở nước ta không nhiều nhưng khi nghỉ hưu họ không được trọng dụng khả năng nữa, đó là sự lãng phí chất xám. Nhiều người đi làm phòng khám tư nhân nhưng đó chỉ là cách giải khuây tuổi già. Họ không thể phát huy khả năng khoa học ở phòng khám tư nhân được, vì tư nhân đặt lợi nhuận là mục tiêu cao nhất, chỉ có bệnh viện nhà nước mới có được tiêu chí “người bệnh là trung tâm”.

Hà Anh (thực hiện)

Related Articles

No comments:

Post a Comment