Hà Nội đã bấm đồng hồ để đếm ngược từng khắc tới tuổi nghìn năm. Tiếng vọng sang sảng của “Chiếu dời đô tưởng như còn đó thế mà ngàn mùa xuân đã trôi”. Thành phố bên sông Hồng gánh vác biết bao phận người đi qua, để lại nhiều nợ nần của vạn kiếp. Không như những thành Phố non tuổi đời. Hà Nội có sự thâm trầm của tuổi tác. Có sự lắng sâu của lịch sử, có sự trầm tích của văn hóa. Người Hà Nội tự hào hưởng một cái Tết bản lề để chuẩn bị cho ngày mừng Thủ đô nghìn năm, nhưng người ta cũng thảng thốt khi nhận ra thời gian qua con số được lượng hóa. Từ khi Lý Thái Tổ dời đô đến nay, biết bao can qua rồi chìm lắng, biết bao nhan sắc im lìm dưới đáy hồ sâu, biết bao quyền lực vùi trong đống tro tàn. Chỉ có con người ngồi đếm thời gian bằng đời mình, bằng những ký ức tuổi thơ và bằng nỗi cô đơn của tuổi già. Có ai đó nói thời gian trôi nhanh. Nhanh đến nỗi người ta chưa kịp hiểu mình là ai thì quỹ thời gian của đời mình đã hết. Người ta sợ thời gian nhưng thật lạ, vẫn mừng năm mới với cả tấm lòng thành.
Nhiều người nhớ về Hà Nội bằng tâm tưởng của mùa thu. Nhưng với tôi mùa xuân có cái tình riêng phân vân trong từng cảnh sắc cây lá. Chỉ trước đó thôi, những cây bàng mô côi trong nhạc Phú Quang còn héo hon, nay tự dưng nảy chồi xinh tươi, để lại phía sau những cánh lá bàng rụng rơi bởi một mùa thu tưởng chừng như đã xa lơ xa lắc. Giờ đây chỉ có những chiếc lá non mọc lên trên những cành cây khô đáng yêu như bàn tay con gái tuổi xuân thì. Rồi quanh vườn nhà ai, cây lộc vừng tạo bất ngờ bằng những cánh hoa đỏ rực. Người Hà Nội có kỹ thuật nuôi cho lộc vừng nở hoa đúng dịp Tết, màu của hoa tươi như mơ ước con người. Còn ngoài phố kia. hàng lộc vừng quanh Hồ Gươm ngã mình xuống bờ nước đung đưa điệu múa. Đẹp mơ mộng như một áng thơ dân gian.
Thiên nhiên cho con người tuyệt phẩm nhưng đôi khi con người lại dại dột khước từ. Đi qua làng Nhật Tân, những vườn đào rực rỡ ngà đã biến mất, thay vào đó là một khu nhà bê tông mái bằng nặng nhọc mệt mỏi. Tinh yêu Hà Nội của thơ tôi được dưỡng nuôi bằng nhiều kỷ niệm, trong đó có những cánh đào mùa xuân, nên trong tôi có nỗi niềm riêng về sự thiếu vắng những cành đào. Còn nhớ có một nhà thơ nói về sự thay đổi đó rất dí dỏm nhưng chứa đựng niềm đau.
Mái bằng, mái bằng lại mái bằng
Tôi đi như cá lạc trong đăng
Năm mươi năm con trở về quê mẹ
Cả làng là một cục xi măng
Cục xi măng trước mắt tôi là làng hoa năm nào. Mãi mãi không còn những vườn hoa khoe sắc hiền hòa. Nó cũng như sự thiếu vắng bóng ông thầy đồ bày mực tàu giấy dó trên phố đông người qua, nó cũng như Hồ Gươm không ai bàn chuyện “vua Lê” mà râm ran chuyện nhà cao tầng và giá đất xuống lên ấm lạnh. Cuộc sống càng đầy đủ hơn thì con người lại lắm nỗi lo toan hơn, không biết tại sao lại như vậy. Cái giá của sự phát triển được đánh đổi bằng sự đổi thay cảnh vật, nhưng dáng lo hơn là làm cho tâm hồn con người thoắt đã khác xa xưa.
Trên đường phố Hà Nội, những trai thanh gái lịch “ với lối xưa xe ngựa hồn thu thảo" nay không chỉ thấy những cô cậu thanh niên tóc nhuộm nhiều màu phóng xe rất vội. Nhìn sự hối hả chung quanh,chợt giật mình thấy con người sống rất vội, yêu rất vội, làm giàu rất vội và mất mình cũng rất vội. Người Tràng An thanh lịch chắc phải suy tư nhiều hơn về những đổi thay, dẫu biết rằng hiểu ra rồi cũng chẳng để làm gì.
Năm xưa vua Lý Thái Tổ dời đô về có thể đất rồng chầu hổ phục để con cháu muôn đời sau được cơ nghiệp vững bền. Nay vùng đất xưa đã đổi thay, nhiều phế tích Thăng Long chôn chặt dưới lòng đất, người ta khai quật những mảnh gạch in để lưu giữ hồn vía của lịch sử. Con cháu bây giờ không còn có tường thành rêu phong để có nơi trầm lắng lại lòng mình sau những lúc đi hoang. Những phố cổ chỉ còn đẹp như trong tranh của người nghệ sĩ đắm đuối về quá khứ. Trên phố kia nhà cũ đã đi đâu mất rồi, chỉ còn lại ngôi nhà xây cất lồi lõm với đủ loại gạch ngói sáng loáng nhưng vô hồn và lạc điệu. Hà Nội được mở rộng, to tát và bề bộn. Cái thanh lịch của người Tràng An được lan tới vùng mở rộng, văn minh của đất nghìn năm san sẻ cho trăm họ. Người Hà Nội bỗng dưng đông hơn. Tuy người một nhà mà giọng nói khác nhau. Có những nơi là đất của Thủ đô rồi nhưng chất thôn làng còn đậm đặc. Nét nhà quê trộn lẫn với phố thị kể cũng vui mắt, người có học gọi là giao thoa văn hóa. Người thích danh tiếng nghĩ về Thủ đô nước mình diện tích to hơn Bắc Kinh, Tokyo mà lòng sung sướng. Còn ai đó tự dưng trở thành người Hà Nội cũng rất đỗi tự hào và không khỏi bất ngờ. Đúng như một nhạc sĩ từng viết một đêm thức dậy tôi ngơ ngẩn tôi".
Theo những vùng đất "mới" của Hà Nội để ngắm nhìn và suy tư. Những chiếc xe hơi dắt tiền lăn bánh trên những con đường sình lây nhơm nhếch. Một vài chiếc xe sang trọng không đủ tô điểm cho gương mặt đô thị còn quê mùa. Nhưng quan sát kỹ lưỡng hơn sẽ thấy còn nhiều nỗi lo toan trên gương mặt con người. Nhiều nhà đầu tư chen chúc dành mua đất với cơ mưu tìm kiếm vận may trong canh bạc mở rộng Thủ đô, rồi giấc mộng làm giàu tan tành. Còn những người dân nông thôn quanh năm côi cút với ruộng vườn, sự đổi thay được mang mỹ từ đô thị hóa không "hóa" được thân phận mình, cái nghèo cứ đèo bồng bên thân côi cút. Cũng khó có ai sẻ chia với họ ngoài những bản báo cáo về phát triển không bền vững đâu đó trong các phòng hội nghị mà người nghèo chỉ thấy trên ti vi.
Dạo quanh những con phố trung tâm, tôi thấy nhiều tiệm bán thiệp chúc Tết khá đắt hàng. Có quá nhiều đổi thay nhưng chỉ có lời chúc của con người là muôn đời vẫn thế, đó là chúc nhau sức khỏe và hạnh phúc. Con người quả thật có lý, sức khỏe và hạnh phúc là hai thứ khó tìm kiếm nhất, khó giữ gìn nhất của đời người. Nó quý giá nhưng mong manh dễ vỡ, nó dễ cho nhau bằng lời nhưng không ai dám tự tin đón nhận. Con người ta loay hoay tìm kiếm hạnh phúc và sự bình an trong nỗi bất an và vô vọng, cho nên lời chúc đầu năm về hạnh phúc và sức khỏe như một sự tự ủi an. Tôi cũng như mọi người, mua những tấm thiệp xuân gọi bạn bè bằng một lời chúc như tự gửi cho riêng mình.
Tùy bút của Văn Hà
Nhà và Đất
No comments:
Post a Comment