Tên truyện: SỮNG SỜ VÀ RUN RẨY
Tác giả: Amelie Nothomb
Dịch giả: Thi Hoa
Số trang: 172
Đề cập đến sự va chạm giữa phương Đông và phương Tây một cách hài hước và bình dị, Sững sờ và run rẩy là một khám phá mới của nữ tác giả Amelie Nothomb trong việc thể hiện một vấn đề lớn: sự xung đột các nền văn hóa trong một khuôn khổ nhỏ của một cuốn sách chưa đầy 200 trang này.
Amelie- nhân vật chính trong tác phẩm là một cô gái người Bỉ vừa được nhận vào làm việc trong một công ty của Nhật Bản. Ngay từ ngày đầu tiên cho tới ngày cuối cùng trong thời hạn hợp đồng 1 năm, cô vẫn chưa khi nào hết trầm trồ, hết ngạc nhiên về lối sống và hành xử của những người xung quanh.
Tác giả đóng khuôn những sự kiện của tác phẩm trong các mối quan hệ ở văn phòng công ty Yumimoto với trật tự nghiêm ngặt "Ông Haneda là cấp trên của ông Ômôchi. Ông Ômôchi là cấp trên của ông Saito. Ông Saito là cấp trên của cô Mori. Cô Mori là cấp trên của tôi. Còn tôi không là cấp trên của ai hết".
Chính Amelie thừa nhận rằng những mối quan hệ khác của cô trên đất nước Mặt Trời mọc kiểu như "với hàng xóm hay với một người Nhật tình cờ đi ngang qua đều rất tốt đẹp" thì cũng chính cô càng không thể hiểu được những điều kì cục mà mình gặp ở công ty.
Ngay từ khi bắt đầu công việc tại Yumimoto, Amelie đã không ý thức được vai trò hay nhiệm vụ của mình tại đây. Hành trình của cô bắt đầu từ một nhân viên phục vụ cà phê cho tất cả mọi người rồi trở thành người thu phát thư tự nguyện, người đi xé lịch,… cho công ty. Ngay khi cô nói: "Tôi đã trở thành kế toán cho công ty Yumimoto và tôi nghĩ mình không thể xuống thấp hơn được" thì thật bất ngờ lúc đó, cô mới ở điểm bắt đầu cho một hành trình tuột dốc không phanh của mình.
Điểm cuối cùng trên con đường sự nghiệp của Amelie tại Nhật là: bà "Nước Tiểu" chuyên dọn nhà vệ sinh. Và điều mà người đọc ngạc nhiên hơn là Amelie vẫn ở đó, đối đầu với tất cả một cách kiên cường, nhẫn nại và đôi chút nhún nhường, câm lặng để hoàn thành hết một năm hợp đồng tại Nhật.
Tôi rất mê nghi thức này. Nó hợp biết bao với trò chơi của các diễn viên trong những bộ phim về các Samourai, khi họ thưa gửi với thầy của mình, giọng lạc đi vì sự tôn kính tới mức siêu nhiên. Thế là tôi mang mặt nạ của kẻ sững sờ và tôi bắt đầu run rẩy” (Sững sờ và run rẩy)
Trong cuốn sách, nhà văn dành rất nhiều trang để nói về quan niệm của người Nhật về những điều căn bản: danh dự, tự trọng, và khái quát hơn, về cuộc sống và con người.
“Trong nghi lễ hoàng gia Nhật Bản ngày xưa, có một quy định là khi tâu lên Hoàng đế phải thể hiện vẻ “sững sờ và run rẩy”.
Trong chính hành động của cô gái Bỉ Amelie cũng có phần nào sự kiêu hãnh của một người ngoại quốc trên đất Nhật (và chịu ảnh hưởng một cách không chủ định từ đất nước, con người nơi đây): cô không bỏ việc vì điều đó là nhục nhã đối với một viên chức ở Nhật (đương nhiên, ở phương Tây, ở quê hương của cô thì người ta chẳng phải xấu hổ gì về điều này.)
Văn phòng công ty Yumimoto trở thành một xã hội Nhật Bản thu nhỏ với mọi điều phức tạp, rắc rối và những nghi thức riêng đủ cho khiến những người thuộc một nền văn hóa khác phải cảm thấy "sững sờ và run rẩy".
Thói tật hành hạ đồng nghiệp mới, những mệnh lệnh khó hiểu, những toan tính, trù dập, hay cả sự ghen tị, hiềm khích chốn văn phòng đều được Nothomb miêu tả tinh tế. Đối diện với tất cả những mối quan hệ phức tạp này, có lẽ chỉ những cảm tình với Fubuki mới đủ sức níu Amelie ở lại. Tuy nhiên đó không hẳn là tình bạn, không hẳn là tình cảm đồng nghiệp hay một điều gì tương tự thế. Nó chỉ có thể là mối tương giao của hai cô gái trong gần 10 nhân viên nữ làm việc trong toàn bộ hệ thống công ty cồng kềnh này.
Bằng giọng văn hài hước và hóm hỉnh, Nothomb tạo ra những tình huống va chạm giữa hai nền văn hóa: Nhật Bản và Bỉ hay chính là sự va chạm của truyền thống văn hóa phương Đông và phương Tây. Nothomb dùng những ẩn dụ hài hước về sự khác biệt giữa hai nửa thế giới: "Bộ não Nhật Bản có thể có khả năng cố quên đi một ngôn ngữ. Bộ não phương Tây thì không có cách gì làm được điều đó".
Cũng phải thừa nhận rằng trong cách nhìn nhận về văn hóa Nhật hay một số đặc điểm nổi bật của tư duy phương Đông, Nothomb đã tạo nên sự gần gũi và chân thực bằng nỗ lực chân thành trong việc tiếp nhận và thích nghi với những khác biệt về văn hóa.
Tư tưởng này khiến cho tác phẩm duy trì được mạch hài hước, tinh tế và nhẹ nhàng. Hình như vấn đề lớn lao về sự giao thoa và hòa hợp văn hóa bắt đầu từ những sự vị tha và khoan dung văn hóa này.
Tác phẩm mang màu sắc của một cuốn tự truyện mà trong đó, nhà văn như đang bộc bạch và chia sẻ không chỉ những kinh nghiệm làm việc mà là trải nghiệm, cảm nhận cuộc sống của mình trong thời gian ở Nhật.
Sững sờ và run rẩy đã đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp văn chương của Amelie Nothomb với hơn 500.000 bản được phát hành. Với tác phẩm này, Amelie Nothomb đã được nhận giải thưởng Hàn lâm của Pháp cho thể loại tiểu thuyết và tác phẩm này cũng đã được chuyển thể thành phim năm 2003.
No comments:
Post a Comment