Lễ hội phố hoa Hà Nội: Sao có thể như thế?!
Những manơcanh mặc áo dài được kết bằng hoa bị vặt trụi, ban tổ chức phải thay bằng áo vải và gom về một chỗ - Ảnh: Cù Zap |
Nhưng cũng qua lễ hội lần đầu tiên thật sự xã hội hóa này, với hàng vạn con người Hà Nội đang thưởng thức lễ hội hoa đêm 31-12-2008, có thể thấy hết những mặt trái của văn hóa, của thói quen ứng xử, của tinh thần công dân...
Mạnh ai nấy phá
21g ngày 31-12-2008, phần lễ kết thúc. Ống kính truyền hình trực tiếp đóng lại. Các quan chức ra về. Bộ phận công an làm nhiệm vụ bảo vệ tháo dây giăng xung quanh khán đài, cho bà con vui hội có thể vào lễ đài thưởng thức những nét kiêu hãnh và tinh tế của đôi rồng chầu dưới chân tượng vua Lý Thái Tổ, do nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng kỳ công làm suốt hơn một tháng trời. Tấn thảm kịch bắt đầu. Mạnh ai nấy vặt. Những vảy rồng được kết bằng những cánh hồng môn tơi tả. Cạnh đó, những chậu hoa cảnh bày trên sân khấu bị những con người ăn mặc rất thanh lịch thản nhiên... bê đi.
“Làm sao chúng tôi dám làm...” Phố hoa Hà Nội không phải chỉ của nghệ nhân. Nó là tấm lòng của người yêu Hà Nội với thành phố của mình. Nhưng tình yêu không được đón nhận đúng mức mà còn bị hủy hoại thì tất yếu nó phải bị thui chột. Một thành viên ban tổ chức giọng khản đặc nói với chúng tôi qua điện thoại vào sáng 1-1-2009: “Thành phố ghi nhận thành công của phố hoa và yêu cầu chúng tôi giữ phố hoa thêm hai ngày, tức kéo dài đến 6-1 thay vì 4-1. Còn đề nghị chúng tôi làm phố hoa cả tết âm lịch. Nhưng như thế này thì làm sao chúng tôi dám làm, còn nhiệt huyết đâu nữa mà làm...”. |
Bên kia đường dãy phố Ðinh Tiên Hoàng sát bờ hồ Hoàn Kiếm, 300 nhân viên bảo vệ của Công ty bảo vệ Trường Sơn đang căng hết từng dây thần kinh để đối phó với những bàn tay vô tình cứ điềm nhiên thò ra vặt, ngắt, bẻ. Những bàn chân cứ hồn nhiên giẫm đạp để tìm một thế đứng đẹp, mong có một kiểu ảnh độc đáo đêm cuối năm. Cả một rừng lau trắng vừa mới phơ phất trước đó không đầy một giờ, chỉ sơ sểnh vài phút quay lại đã lưa thưa xơ xác. Cả một gánh hàng hoa bị nhấc gọn bởi một gia đình nào đó gồm đủ bố, mẹ, hai con nhỏ. Có cây trị giá đến 20 triệu đồng bị vặt không còn một cái lá. Những giá nến lung linh giữa phố bị thổi tắt và cướp sạch từng cây một. Thảm cỏ nhung mịn màng làm nền cho dãy phố gốm bị xéo nát...
Chưa hết, đến nửa đêm, cả ban tổ chức và toàn đội vệ sĩ hú hồn vì người dân quanh hồ đốt... thiên đăng, đèn bay lên rồi rơi xuống đúng vào mái lá của một shop hoa. Vệ sĩ ra sức dập lửa rồi báo công an quận ngay gần đó. Công an trả lời: không có luật nào cấm dân đốt đèn. Chiếc đèn được trả lại cho các chủ nhân vô tư của nó ngay sau đó.
Trắng đêm thức cùng hoa
Cửa hàng hoa lụa này phải phủ bạt và cử người trông vì sợ “hoa tặc” tấn công - Ảnh: Cù Zap |
Ðêm 27-12-2008, hơn 40 thợ của làng nghề Pháp Vân đã phải đi bộ hơn 15km để khiêng hai con rồng từ làng mình đến chân tượng đài Lý Thái Tổ, họ lặng lẽ đi từ 12 giờ đêm đến tận 4 giờ sáng mới đến nơi.
Ðêm 28-12-2008, không ai trong số các nghệ nhân được chợp mắt vì tất cả phải cùng bà con họ hàng, bạn bè trân mình ra ôm lấy những chậu hoa, cành hoa cùng với cốt của những con rồng, con phượng mà mình vừa dựng xong trước cơn cuồng phong của hàng chục vạn người hâm mộ bóng đá đổ ra đường mừng đội tuyển VN chiến thắng. Hoa và cây đã bị hỏng đáng kể nhưng họ âm thầm làm lại, tự bỏ tiền ra mua thêm hoa, thêm cây, cái nào hỏng đến mức không sửa được thì làm mới. Tất cả cho một ngày hội đẹp đẽ của Hà Nội.
Và đến đêm 31-12... Chủ shop hoa Sáo - một trong những shop hoa nổi tiếng nhất Hà Nội về hoa cưới - cho biết chị đã từ chối hàng chục hợp đồng làm hoa cưới, trong đó có cả hợp đồng 150 triệu đồng ở khách sạn Melia, chỉ để toàn tâm toàn lực cho phố hoa, nhưng nhìn sự tàn phá này chị chịu không nổi. Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng mặt mày hốc hác vì năm đêm không ngủ, nhìn đôi rồng bị bóc vảy tả tơi, ứa nước mắt: "Sao người ta có thể đối xử với hoa như thế!".
Dù có bảo vệ nhưng nhiều bạn trẻ vẫn giẫm đạp lên hoa để tìm lối đi cho riêng mình - Ảnh: Cù Zap |
Ðêm rất khuya, chúng tôi ra về trong khi dòng người vẫn nườm nượp chảy qua phố hoa. Ða số đi thưởng lãm hoa, nhiều lời trầm trồ khen ngợi. Nhưng cũng không ít bàn chân vô tình và những bàn tay tham lam chỉ chực thò ra bẻ, ngắt, phá...
Sáng năm mới hàng vạn người lại đổ về bờ hồ chiêm ngưỡng phố hoa. Có ai biết những người yêu hoa vừa trải qua một đêm bão táp. Hoa Hà Nội vì thế vẫn cần lắm tấm lòng của những công dân có ý thức.
THU HÀ
No comments:
Post a Comment