Saturday, January 31, 2009

30/01/2009

Tiết tháng Giêng, tuần đầu tiên của mùa xuân mới, còn đó dư âm của những ngày lễ tết, chuyên mục "Phát ngôn & Hành động ấn tượng" mở hàng bằng 9 câu chuyện - vấn đề hoặc nhân vật của riêng lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật...

Tháng Giêng (Ảnh: Na Sơn)


Nghệ thuật = chất lượng sống đô thị

"Thế kỷ 21 là thế kỷ của thành phố và nghệ thuật sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình chất lượng sống đô thị", ông Mark Kent, đại sứ Vương quốc Anh tại VN, nói về lý do ra đời dự án "Thành phố sáng tạo" đang được triển khai.

Đại sứ Mark Kent

Đây được biết tới là nơi trí trưởng tượng, cảm xúc sáng tạo được đề cao, là cơ hội học tập và chia sẻ, mở rộng cánh cửa cho sự khác biệt về văn hóa, sự đa dạng của dân cư, cũng là một diễn đàn để thể hiện những góc nhìn khác nhau về chất lượng sống. Trong dự án này có những cuộc thảo luận hàng tháng về chủ đề đô thị tại Hà Nội và TPHCM.

Ông Mark Kent cũng nhấn mạnh đến vai trò của văn hóa - nghệ thuật trong nhịp sống đô thị của thế kỷ mới khi "năm 2007, thế giới đã vượt qua con số thống kê đáng nhớ, lần đầu tiên trong lịch sử, hơn nửa dân số toàn cầu sinh sống tại các đô thị. Châu Âu, 80% dân số là cư dân thành phố. Tại khu vực Đông Á, trung bình hàng tháng có tới hơn 2 triệu người đổ về thành phố.

Tại VN, các thành phố đang trải qua quá trình chuyển đổi mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử. Đô thị hóa và hiện đại hóa đang nhanh chóng thay đổi mọi mặt cuộc sống..."
(Văn nghệ Tết Kỷ Sửu)

"Có thể tồn tại cùng nhau với những nền văn hóa khác biệt"

Nhà văn Lý Lan

"Những con người của những nền văn hóa khác biệt hoàn toàn có thể tồn tại cùng nhau, một cách độc lập, học cách thích nghi lẫn nhau chứ không nhất thiết phải đồng hóa người khác, đòi người ta phải giống mình", nhà văn Lý Lan khẳng định.

Theo chị, "nếu cả nhân loại dùng chung một thứ văn hóa Pepsi hay MTV, thế giới này sẽ nghèo nàn vô cùng. Văn hóa bị đồng hóa khác nào khu rừng nhiệt đới đa sinh thái bị đốn trụi để trồng thuần sao su hay cà phê. Dù rừng cao su đó mang lại lợi nhuận kinh tế, nhưng thực chất nó chính là hoang mạc, dưới một cách thức khác mà thôi".

"Nhiều người trẻ làm nghệ thuật của chúng ta thường băn khoăn với câu hỏi làm thế nào để thích nghi với thế giới và khiến thế giới chú ý đến mình? Tôi nghĩ, hãy viết về đất nước mình cùng những vấn đề mà bạn thật lòng quan tâm. Chẳng hạn như sự thay đổi khí hậu toàn cầu tác động đến môi trường sống, sự phân hóa giàu nghèo, quá trình thay đổi của cá nhân trong ảnh hưởng của giao thoa văn hóa...". (Sinh Viên Việt Nam Xuân Kỷ Sửu 2009)

"Tất cả những gì đến từ VN đều gây cho tôi niềm xúc động"

Nhà văn Linda Lê (Ảnh: montpellier-agglo.com)

Đó là tâm sự chân thành của Linda Lê, sinh năm 1963 tại Đà Lạt, sang Pháp từ 1977, là một trong những nhà văn gốc Việt xuất sắc nhất tại Pháp, tác giả của "Vu khống" (sắp in ở VN), "Ba nữ thần số mệnh", "Tiếng nói", "Thư chết"...

Cô nói: "Tôi không coi lựa chọn viết bằng tiếng Pháp là một sự lưu đày. Tôi đã học thứ tiếng này ngay khi còn rất nhỏ, nên với tôi nó hết sức thân thuộc. Tôi sống trong cảnh lưu đày, nếu nói đến khía cạnh địa lý, nhưng theo năm tháng, nỗi đau đã mờ dần đi.

Tôi thích cái ý nghĩ mình không ở đâu cả, không bị mất gốc rễ nhưng cũng không có ràng buộc, tôi không hề cảm thấy mình là một người Pháp, dù cho tôi đã ở Paris từ hơn hai mươi năm nay và đã rất quen với cách sống phương Tây.

Tôi cảm thấy mình lúc nào cũng ở vị thế chênh vênh, chứa đựng tất cả các khả năng có thể. Tôi cũng hy vọng viết được bằng một ngôn ngữ không mang tính quy phạm, mà phải đủ tính sáng tạo để phá đi mọi xiềng xích gò bó". (Sài Gòn Tiếp Thị Xuân Kỷ Sửu 2009)

"Cái cần nhất là sự "nổi loạn" của tư duy"

GS Hồ Ngọc Đại

"Những đứa trẻ của thế kỷ 21 không phải là những đứa trẻ của thế kỷ 20. Chúng đi xe hiện đại, sử dụng điện thoại di động hiện đại, sử dụng internet siêu tốc và máy vi tính hiện đại. Ngay cả đồ chơi và trò chơi chúng cũng không còn chơi những đồ chơi và trò chơi của các thế kỷ trước. Do đó, chúng rất cần được hưởng nền giáo dục hiện đại, nội dung hiện đại, phương pháp hiện đại thì ngược lại, chúng đang bị "nhốt" trong cái lồng quá cũ và được "nhồi nhét" kiến thức theo phương cách cũ. Tóm lại, trẻ em hôm nay cần một nền giáo dục khác.

Loạn trường đại học, loạn giáo sư, loạn tiến sỹ... Cái cần "nổi loạn" nhất là sự nổi loạn của tư duy thì lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu".

GS Tương Lai dẫn lại suy tư về sự "nổi loạn" của GS Hồ Ngọc Đại - người đang đeo đuổi công cuộc nghiên cứu thực nghiệm công nghệ giáo dục theo triết lý "vì hạnh phúc ngày hôm nay của con em chúng ta, mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui". (Văn Nghệ, số 3-5/2009)

"Một khó khăn không nhỏ là khâu kiểm duyệt"

Đạo diễn Lưu Huỳnh

"Với những gì đã trải nghiệm, tôi thấy ngoài những điều kiện vật chất, người làm phim VN còn gặp một khó khăn không nhỏ là khâu kiểm duyệt. Phim ảnh là thế giới ảo, cần mở rộng tầm nhìn mới thúc đẩy hơn nữa sức sáng tạo của nghệ sĩ. Như hiện nay, việc nhận định sự đúng sai không theo một nguyên tắc nhất quán, rõ ràng nào cả khiến tôi bao giờ cũng tự hỏi không biết làm cái này, cái kia có được phép hay không!

Tôi đã không ít lần thấy lòng đau nhói khi phim thiếu hẳn sự mạch lạc, mất sức thuyết phục, thậm chí còn gây ra sự hiểu lầm khi phải cắt bỏ đi những cảnh mình tâm đắc. Làm phim nghệ thuật ở VN để mưu cầu cuộc sống là điều rất khó"
, đạo diễn Lưu Huỳnh, người đã thực hiện bốn phim nhựa là "Em và Micheal Jackson", "Đường trần", "Áo lụa Hà Đông" và "Huyền thoại bất tử" tâm sự. (Tuổi Trẻ Cuối tuần số Tất niên - 25/1)

VN trở thành trung tâm thời trang của châu Á?

Ông Lê Quốc Ân

"Mong muốn của ngành dệt may VN là đưa VN trở thành một trung tâm thời trang của châu Á", ông Lê Quốc Ân, chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN bày tỏ.

"Nhưng để được như vậy phải có thời gian và phải có sự liên kết đa ngành đa lĩnh vực, đa mục tiêu. Thời trang không chỉ có dệt may mà còn liên quan đến giày dép, túi xách, mũ nón; liên quan đến phát triển du lịch, dịch vụ, hạ tầng... Và như vậy, lại đòi hỏi có một "nhạc trưởng" làm vai trò tổng chỉ huy sự liên kết này, một mình ngành dệt may không làm được", ông Ân nói. (Tiền Phong, số 23-19/2009)

Người làm món "Bánh cho cuộc sống"

Bà Kathleen đang dạy em nhỏ khiếm thính giao tiếp (Ảnh: Lao Động)

Đó là món bánh đặc biệt mà đôi vợ chồng người Mỹ yêu VN là Kathleen Bob tạo ra ở phố Lê Hồng Phong, Đà Nẵng. Quán bánh có tên "Bread of life" (tức Bánh mì cho cuộc sống) đặc biệt không chỉ ở tên gọi mà còn là toàn bộ nhân viên của quán chỉ trao đổi với nhau và với khách bằng... ký hiệu.

Rời nước Mỹ, bà Kathleen - thạc sĩ tâm lý học - cùng cả gia đình tới Đà Nẵng để giúp đỡ trẻ em tật nguyền, làm từ thiện thông qua tổ chức World Care. Trong quá trình đó, quán bánh kiểu Mỹ tập hợp nhân viên 100% là người khiếm thính (hiện có 15 người) đã ra đời sau 7 năm bà Kathleen ấp ủ ý tưởng và tập hợp vốn liếng. Bà dạy nhân viên mọi ký hiệu giao tiếp và cũng dạy từng khâu trong quá trình làm pizza hay hamburger...

Bà nói: "Các em vào đây tức là đã có một gia đình mới, đầm ấm, chan hòa và quan trọng nhất, các em cảm thấy còn có ích trên cuộc đời này". Với nhân viên ở đây thì họ đều tâm sự rằng: Những gì mà gia đình bà Kathleen đem tới đúng là vị ngọt ngào của chiếc bánh cuộc đời mà họ được nếm trải... (Tiền Phong Xuân Kỷ Sửu)

Điều không muốn thấy nhất năm 2008: Nghệ thuật xuống cấp!

NSƯT Kim Xuân

Đó là bộc bạch của NSUT Kim Xuân về tình trạng của nghệ thuật VN năm 2008. Chị nói: "Về số lượng thì năm qua rất nhiều album nhạc, nhiều vở kịch, nhiều phim ra đời nhưng chất lượng về đâu?

Mọi người đang xô nhau làm nghệ thuật theo kiểu bản năng nhiều quá, theo kiểu hưởng thụ nhiều quá, rất ăn xổi ở thì. Mất sức mình, mất thời gian, tốn tiền bạc của mình và của cả khán giả".
(Tuổi Trẻ Cuối tuần số Tất niên - 25/1)

Nhận xét đó tưởng khắt khe nhưng thực ra lại rất chính xác với tình trạng hỗn loạn sách vở, băng đĩa, nhạc, kịch, phim ảnh hôm nay, lượng quá nhiều mà chất lại hiếm hoi.

Lại giống như câu "mỗi cuốn sách là giết một cái cây" với ý hiểu hãy thận trọng khi viết sách, làm sách để đem đến cho đời những cuốn sách chất lượng, vì khi mỗi cuốn sách ra đời, có giấy để in nó đồng nghĩa với việc phải hạ bớt cây rừng lấy gỗ...

"Kinh tế khó khăn ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc và khả năng sáng tạo"

Ca sĩ Duy Mạnh

Tết Kỷ Sửu 2009 này, khi những trò đỏ - đen vẫn tồn tại muôn hình vạn trạng, cả ẩn giấu lẫn công khai ngay trên đường phố thì một bài hát phê phán tệ nạn này là "Kiếp đỏ đen" của nhạc sĩ - ca sĩ Duy Mạnh đã im tiếng ở khắp nơi. Có thể nói "Kiếp đỏ đen" là một trong số rất nhiều ca khúc thể hiện cho xu hướng nhạc "sớm nở tối tàn" rở rộ trong vài năm trở lại đây.

Cha đẻ của "Kiếp đỏ đen" tự sự thật lòng: "Trong thời gian vừa rồi, tôi không những dậm chân tại chỗ mà dường như là đang đi xuống. Nhưng tôi là một người viết nhạc và hát những ca khúc của mình cho nên sự lên xuống hay dẫm chân tại chỗ nó tùy thuộc vào khả năng sáng tạo và cảm xúc của tôi.

Cũng thú thật là hiện nay tôi cũng không có nhiều cảm xúc để viết bởi tình hình kinh tế khó khăn nó làm ảnh hưởng rất nhiều đến cảm xúc và khả năng sáng tạo. Tôi còn phải lo lắng cho cuộc sống của gia đình mình".

Như vậy, ai còn nghĩ trong lúc khó khăn thì người nghệ sĩ sáng tác được hay hơn thì chắc... đã nhầm. Sáng năm 2009, tình hình khủng hoảng kinh tế có lẽ sẽ tác động đáng kể đến vận "đỏ - đen" của các hoạt động văn hóa - nghệ thuật - giải trí của chúng ta... và, như cách nói của một nghệ sĩ thì đó cũng là dịp để khán giả nhìn nhận lại, có sự sàng lọc và chọn lựa kỹ hơn những giá trị văn hóa - nghệ thuật thực sự có ý nghĩa đối với mình.

Related Articles

No comments:

Post a Comment