Tuesday, October 20, 2009

“Trái tim tôi chẳng bao giờ già”

Bác sĩ Trần Thành Trai với tên gọi thân thuộc “Ông ngoại của đám bệnh nhí” giờ đã ngoài 70, vừa trải qua một cơn đột quỵ do xuất huyết não vì làm việc quá sức, nhưng dường như thời gian và bệnh tật chưa thể chạm được vào ý chí của ông. Giày thể thao, dáng đi mạnh mẽ, ông vẫn cầm vôlăng tự lái xe, và trái tim vẫn tràn ngập tình yêu, yêu đời, yêu nghề, yêu trẻ thơ… Vững chãi, thảnh thơi, ông ngồi nhớ lại những gì mình đã trải qua, đã nặng lòng…

Là con trai một chủ trại gỗ có tiếng ở Long An, vì sao ông không nối nghiệp kinh doanh mấy đời của gia đình, mà lại chọn nghề bác sĩ? Những biến cố của gia đình có ảnh hưởng gì đến quyết định của ông?

Tôi với bác sĩ Chấn Hùng là anh em họ. Ông nội tôi là ông Ba Bè. Ở làng tôi, hỏi ông Ba Bè ai cũng biết. Trại gỗ của nội nằm trên con sông Thủ Thừa, nối Vàm Cỏ Đông với Vàm Cỏ Tây. Hồi đó chưa có xe tải, nội mua gỗ rồi thả bè theo nước xuôi nên được người làng gọi là ông Ba Bè. Thời chống Pháp, với vốn tiếng Pháp thông thạo và kinh doanh phát đạt, ông đã từng chở che, bảo lãnh cho nhiều cán bộ cách mạng khi bị địch bắt. Ông còn rất giỏi chữ nho, nghiên cứu sách đông y, tìm ra những bài thuốc gia truyền để chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo cho bà con quanh vùng. Là người thông minh, giỏi võ, rất nhiều lần ông bắt được trộm cướp, khiến người làng ai cũng nể phục. Cả cuộc đời ông không hề thủ lợi cho mình, chỉ âm thầm cứu nhân độ thế. Hình ảnh ông đã ăn sâu vào ký ức của tôi, dẫn dắt tôi đi. Khi cha tôi bị địch bắt, trại cưa tiêu tan, gia đình khăn gói lên Sài Gòn sinh sống. Trải qua những tháng ngày khó khăn, cha tôi phải làm công cho chính người trước kia là bạn hàng của mình, nhưng vẫn cố gắng cho con ăn học nên người. Tốt nghiệp Petrus Ký, tôi chọn ngành triết song song với y khoa, thầm mong được nối gót nội tôi, trở thành bác sĩ để cứu nhân độ thế… Hẳn bây giờ ông rất hãnh diện vì có hai người cháu chọn nghề bác sĩ.

Tuổi thơ tắm mình trong dòng nước mát sông Tiền dường như đã hình thành tính cách Nam bộ bộc trực, xả thân nơi ông?

Tôi đã có một tuổi thơ thật đẹp. Những buổi trưa hè đi hớt cá lia thia, bắt dế, đá banh bằng chân trần trên những cánh đồng vừa gặt còn trơ gốc rạ. Ngày ngày đi học phải lội qua sông, rồi đi bộ rất xa mới tới được trường làng. Chính ký ức đẹp ấy luôn nhắc nhở mình đừng bao giờ ham phú quý giàu sang, chỉ mong giúp được gì cho đời, cho người. Suốt bao nhiêu năm trong điều kiện ngành y thiếu thốn đủ thứ, nhưng êkíp bác sĩ của bệnh viện Nhi Đồng 1 đã rong ruổi khắp mọi miền, từ Cà Mau đến Hải Phòng, phẫu thuật miễn phí cho hơn 5.000 bé dị tật sứt môi, mang lại nụ cười cho trẻ thơ, mà chưa xảy ra một tai biến nào… Tôi nghĩ đó thực sự là một điều kỳ diệu. Có lẽ Trời Phật cũng phù hộ khi mình có cái tâm cứu người.

Nổi tiếng trong giới y khoa về mổ… chim cho con nít, ông còn là chuyên gia tất cả những loại bệnh của trẻ thơ. Điều gì đã khiến ông gắn bó hết lòng với trẻ thơ đến vậy?

Điều trị cho trẻ thơ đòi hỏi trách nhiệm và sự cẩn trọng lớn hơn nhiều so với điều trị cho người lớn, bởi một vết mổ đẹp sẽ theo các em đi suốt cuộc đời, mang lại hạnh phúc cho một tổ ấm. Bác sĩ phẫu thuật cho trẻ con cần có “giá trị cộng thêm” rộng lớn, sự kiên nhẫn, lòng yêu thương, chất nghệ sĩ… để đưa những “trái ớt” ấy trở lại với vẻ đẹp tự nhiên, giống như vẽ một tác phẩm nghệ thuật vậy (cười hạnh phúc). Lòng yêu trẻ dường như là bẩm sinh trong tôi, và ngày càng mặn nồng sâu sắc thêm khi được tiếp xúc với những thiên thần nhỏ, nhất là từ khi tôi có cháu nội. Chính tình yêu này đã giúp tôi học hỏi nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn để hoàn thiện khoa ngoại, phòng điều trị phỏng, cứu những bệnh nhi bé bỏng quằn quại trong đau đớn.

Tôi không dùng chữ “phẫu thuật da quy đầu”, mà dùng chữ “mở rộng bao quy đầu”, vì tôi nghĩ thiên nhiên chính là người thầy vĩ đại nhất. Làm thế nào để giữ được vẻ đẹp tự nhiên cho các cháu mới là điều mà người bác sĩ theo đuổi. Muốn vậy, người bác sĩ phải có phẩm chất của một nghệ sĩ.

Người Sài Gòn đã dành cho ông sự trân trọng mỗi khi nhắc lại ca mổ Việt - Đức. Điều gì đã giúp ông giữ được phong độ và sự mẫn cảm, để vẫn cầm dao mổ khi tuổi đã ngoài bảy mươi?

Tôi không rượu chè, không thuốc lá, đi bơi thường xuyên, và mọi chuyện đều giữ được cân bằng. Nền tảng triết học cũng giúp tôi nhiều trong tư duy, để có những sáng tạo trong nghề nghiệp. Nhưng sâu xa hơn có lẽ là nhờ tôi đã học được từ người thầy chuyên về giải phẫu thần kinh của mình sự thiêng liêng trước khi bắt tay vào ca mổ. Khi đứng phụ thầy, tôi quan sát thấy ông rửa tay rất kỹ, và chắp tay niệm Phật. Ông nói với tôi tác phẩm này không phải do mình tạo ra, mà do Trời Phật mượn bàn tay mình để giúp những em nhỏ thôi. Câu nói đó thấm sâu vào tôi, tôi tin có những vị ở trên cao kia qua bàn tay mình giúp cho các bé mau lành. Chính vì thế mỗi lần mổ xong, các bà mẹ đều mong tôi đến rờ đầu cho các bé, truyền tâm của mình sang các em. Điều đó tôi cảm nhận rất rõ trong ca mổ tách đôi cặp song sinh Song – Pha. Khi dao mổ chạm đến hai lá gan dính chặt vào nhau như cục xúc xích không có chỗ nào tách ra, tôi dường như chết cứng, chỉ biết cầu Trời cầu Phật. Thế rồi từ từ có gì đó dẫn dắt tôi tách dần những mạch máu ra, cứu trọn vẹn hai sinh linh bé nhỏ. Sau đó hai em đã được một tỉ phú nước ngoài nhận làm con nuôi, và có một tương lai tốt đẹp. Sáu tháng sau, tôi cùng bác sĩ Trần Đông A thực hiện ca mổ Việt – Đức… Hồi tưởng lại, tôi càng vững tin rằng khi mình làm điều tốt sẽ được giúp đỡ, sẽ có sức mạnh tâm linh giúp mình vượt qua.

Việc tin vào một đời sống khác tồn tại song song với đời sống này có mở ra cho y khoa một khái niệm mới trong điều trị?

Tôi rất tâm đắc với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc khi ông đưa ra khái niệm y khoa thân thể + tâm lý. Một câu nói, một lời giải thích đúng chỗ của bác sĩ có thể làm người ta hết bệnh, chứ không phải viên thuốc đâu. Người bệnh không phải là một cỗ máy, 50% kết quả phụ thuộc vào tâm lý người bệnh.

Theo ông, chỗ yếu nhất trong chiến lược phát triển y tế của Việt Nam là gì? Sự ra đời ồ ạt của các bệnh viện tư có là một lối mở cho y tế hiện nay?

Từ chỗ phải leo lên vỉa hè, tranh giành nhau từng tấc cho xe mình, bon chen không chỉ thành nếp trong lưu thông, mà đã ám ảnh toàn xã hội. Bon chen là sự thật đáng ghê tởm nhất, tội nghiệp cho trẻ con biết bao nhiêu khi phải chấp nhận bon chen như một chân lý

Hiện nay, nói đến y tế là nói đến các bệnh viện quá tải. Điểm yếu của chúng ta là mạng lưới y tế cơ sở chưa tạo niềm tin cho bệnh nhân, nên tất cả đổ xô về bệnh viện đầu ngành. Hệ thống các trạm y tế đang thiếu đủ thứ, từ cơ sở vật chất, thầy thuốc, điều dưỡng. Xã hội hoá là biện pháp hữu hiệu nhất để tiếp tay cùng Nhà nước. Muốn thế, phải có chiến lược bền vững cho việc xã hội hoá. Chữ bền vững đòi hỏi người lãnh đạo ngành y phải có bản lĩnh, tầm nhìn xa. Tôi rất tâm đắc với chương trình “Cô đỡ hương thôn” của bác sĩ Ngọc Phượng. Chị đã đi đến tận những bản làng xa xôi để đào tạo những cô đỡ ngay tại bản của họ, vườn nhà của họ. Không nên phân biệt bệnh viện công, bệnh viện tư, công phải hỗ trợ cho tư, để tư trở thành cánh tay nối dài của công, chứ đừng tự chặt đứt tay mình, như quy chế cấm bác sĩ bệnh viện công ra làm thêm ở bệnh viện tư. Bảo hiểm y tế phải làm tròn bổn phận của mình thì y tế mới có thêm sức mạnh. Nói thế lại đụng đến chữ tâm và chữ tài.

Là bác sĩ quân y chế độ cũ, có đủ điều kiện để ra nước ngoài, vì sao ông chọn con đường ở lại đất nước, chấp nhận đi học tập cải tạo, để bắt đầu lại cuộc đời từ con số không?

Sự kiện 1975 giống như một bàn cờ bỗng chốc xoá sạch tất cả sự nghiệp tôi đã gầy dựng 16 năm ở bệnh viện Đà Nẵng. Ba ngày lênh đênh trên biển chen chúc trong rừng người chạy vào Sài Gòn, tôi tưởng chừng sụp đổ tất cả. Nhưng có một niềm tin khiến tôi tự nguyện vác balô đi học tập ba năm. Tôi tin vào chính sách hoà giải dân tộc, và tôi nghĩ là người thầy thuốc thì trên cương vị nào cũng giúp được bệnh nhân, miễn là mình có tài, có tình thương. Vả lại mình còn có một gia đình lớn ở đây, đi để sung sướng một mình làm sao tôi sống nổi. Khi tôi trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XI, cũng có người cho rằng tôi phải chạy chọt dữ lắm, vì tôi đã từng là bác sĩ thiếu tá quân y chế độ Sài Gòn. Một tờ báo Hong Kong lúc ấy phỏng vấn tôi: “Việc anh đắc cử có phải là đại diện cho những người chế độ cũ ở lại Việt Nam không?” Tôi trả lời: “Tôi không tự hào đại diện cho những người của chế độ cũ ở lại Việt Nam, mà tự hào vì sự đóng góp của mình cho đất nước sau giải phóng”. Những năm 80, các bác sĩ giỏi bỏ ra đi gần hết. Một buổi sáng vào bệnh viện thấy chỉ còn mỗi mình mình. Từ chỗ giữ cho bánh lái đang xoay tròn thoát khỏi vực thẳm, rồi đưa bệnh viện Nhi Đồng 1 phát triển, với một khoa ngoại đáng tự hào, nhìn lại cuộc đời, tôi thấy không có gì hối tiếc.

Làm thế nào để ông giữ được sự trầm tĩnh, yêu đời, khi đối diện với những mất mát, thất bại?

Cuộc đời không phải là con đường tráng nhựa, mà đầy những ổ gà, lôcốt. Chấp nhận tất cả những sự không suôn sẻ của cuộc đời, để biến nó thành suôn sẻ, đó là triết lý sống của tôi. Mỗi lần vấp ngã đừng để mình quỵ xuống, phải đứng dậy được, và đứng cao hơn nữa. Cái gì rồi cũng qua, đừng ngồi đó khóc cho kiệt sức, phải tìm cách leo qua tảng đá, sẽ thấy con đường đi tiếp. Tôi tin vào lẽ phải, tin ở điều thiện sẽ lấn át cái xấu. Tôi thường đọc sách Phật, đi sâu vô tôi thấy có những điều phù hợp với suy nghĩ của mình, dù tôi chưa phải là một Phật tử. Năm điều dạy của Phật tôi chưa làm được, mà chỉ dựa lưng vào cửa tam quan để đọc sách Phật thôi.

Nhiều người cho rằng hiện nay cái xấu đang lộng hành, có khi lấn át cái tốt, biến người tốt trở thành đơn độc, ông có thấy như thế không?

Con người mở mắt ra là bị stress: nào triều cường, mưa lũ, điện giật, kẹt xe… mà để sống còn, con người buộc phải bon chen. Từ chỗ phải leo lên vỉa hè, tranh giành nhau từng tấc cho xe mình, bon chen không chỉ thành nếp trong lưu thông, mà đã ám ảnh toàn xã hội. Bon chen là sự thật đáng ghê tởm nhất, tội nghiệp cho trẻ con biết bao nhiêu khi phải chấp nhận bon chen như một chân lý.

Ông nghĩ gì về khủng hoảng niềm tin, nhất là niềm tin vào y đức?

Tôi thấy người ta đổ xô đi chữa bệnh ở những thầy lang, phải chăng họ đã mất niềm tin vào ngành y? Người ta đổ xô đi chùa, đi nhà thờ, đặt niềm tin vào một đấng nào đó giúp họ vượt qua khó khăn, để tiếp tục đối mặt với cuộc đời… Việc một số bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy dính vô chuyện rút bảo hiểm y tế của bệnh nhân và đang phải ngồi tù, hay chuyện người ta bớt xén cả tiền từ thiện của người nghèo khiến tôi thấy đau xót lắm, vì họ cũng là em, là cháu mình, cùng một mái nhà với mình, điều gì đã đẩy họ đến nông nỗi đó? Sự thu hút về vật chất dễ uốn cong người bác sĩ khi chất thép chưa được rèn luyện cho cứng cáp. Thầy tôi, bác sĩ Ngô Gia Hy trước khi trút hơi thở cuối cùng vẫn chỉ nhắc lại chuyện y đức. Chữ y đức lớn lao lắm. Tôi nhớ một câu trong Kinh Thánh: “Khi muối không còn mặn nữa thì lấy gì làm cho muối mặn”. Tôi vẫn luôn nhắc nhở mình điều đó, để không bao giờ bị dồn đuổi bởi áp lực của đồng tiền. Hiểu về đời sống tâm linh cũng là một cái “thắng” để giữ mình lại, nâng mình lên, không chạy theo đời sống vật chất.

Vừa có phòng mạch tư lúc nào cũng đông bệnh nhân, vừa phụ trách khoa ngoại bệnh viện Triều An, ai cũng nghĩ thầy thuốc nổi tiếng như ông hẳn là giàu có. Ông vừa trải qua một lần giáp mặt với tử thần, khi bị xuất huyết não trong ca mổ cho bệnh nhân. Ông có thấy mình quá ngược đãi bản thân?

Khi tôi nằm xuống, cô em gái chăm sóc cho tôi mới phát hiện trong tài khoản của tôi không còn một đồng nào! Người thầy thuốc mà yêu nghề thì chỉ đủ sống thôi chứ không giàu được. Tôi là người sống quá lý tưởng, nên có lúc cũng khổ vì thiếu thốn, nhưng tôi không ân hận. Cũng có lúc tôi thấy mình không công bằng với bản thân, nhưng không thể bỏ thói quen ngày ngày đi khám bệnh cho mấy đứa nhỏ, đó là niềm vui mỗi ngày. Tôi là người vừa làm, vừa ca hát, nên trái tim tôi chẳng bao giờ già.

Hạnh phúc lớn nhất với ông là gì?

Là khi được bệnh nhân gọi là “ông thầy thuốc mát tay”.

thực hiện Kim Yến
chân dung hội hoạ Hoàng Tường

Related Articles

No comments:

Post a Comment