Sunday, October 18, 2009

09/10/2009

Giáo dục, an sinh đời sống, kinh tế, văn hóa..., có nhiều lĩnh vực, ngành nghề nảy sinh những vấn đề riêng gây băn khoăn, lo lắng. "Phát ngôn & Hành động ấn tượng" tuần này thấy rằng rất cần định ra "tâm bão" để "khoanh vùng" một cách triệt để, tránh những ảnh hưởng gây hại.

Rút cuộc có cần xác định tâm bão?

Sau khi cơn bão số 9 đi qua thì lũ lớn tiếp tục tới, gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Nhưng khi lũ đã quét xong rồi, chứng minh sức gây thiệt hại nặng nề của nó thì tiếp tục là những “cơn mưa” lời qua qua tiếng lại về trách nhiệm, mức độ đúng sai của công tác dự báo, tính chuyên môn của đội ngũ làm khí tượng thủy văn, tinh thần và khả năng chống báo của các cấp. Có nơi như Đà Nẵng, khi bão lũ về đã đánh “vỡ” ra nhiều công trình gian dối.

Ông Đào Xuân Học

“Bão ảnh hưởng rộng như thế, quét mạnh như thế, chỉ tính riêng bán kính bão đã lên đến mấy trăm km. Vậy cãi nhau về tâm bão thì có ý nghĩa gì, để làm gì?Đến lúc này công tác khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định đời sống người dân vùng lũ là ưu tiên hàng đầu nhưng với cách nhìn nhận “đa chiều” như trên thì vẫn phải thắc mắc: Vậy rút cuộc có cần xác định tâm bão để người dân vùng bão phòng tránh, di dời và để xác định… tâm trách nhiệm?"

Thế nhưng một mặt cho rằng việc xác định tâm bão ở đâu không có ý nghĩa gì như thế nhưng khi nói về tính chuyên môn kém và thiếu sát thực trong dự báo thời tiết của ta, Thứ trưởng Đào Xuân Học vẫn nhắc đến… tâm bão: “Ở các tỉnh đều có một ông “phó” có chuyên môn về thủy lợi. Người ta nói gió cấp 6 có bán kính bao nhiêu km thì phải biết được tâm bão ở đâu. Lãnh đạo các tỉnh phải nghe người có chuyên môn này để đưa ra quyết định”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học khẳng định với VietNamNet trong buổi phỏng vấn xoay quanh hậu quả cơn bão số 9 và những bất đồng nảy sinh về chuyện dự báo bão.

Không rõ Thứ trưởng có thấy khâu dự báo có vấn đề nào không hoặc có trách nhiệm đến đâu trong thiệt hại do bão gây ra, nhưng theo nhận định của ông, hậu quả bão số 9 nặng nề như vậy “là do tổ hợp 2 yếu tố vượt lịch sử: quy mô bão vượt nhiều so với quy mô bão lịch sử năm 2006, lũ vượt lũ lịch sử năm 1999. Đặc biệt lũ xuất hiện trước và trong bão” (VietNamNet, 7/10). Như thế nghĩa là hoàn toàn do yếu tố khách quan, không thể kiểm soát, đề phòng được. Thế thì cãi nhau để làm gì, cãi nhau với… thiên nhiên à?!

“Tính toán cụ thể”


Ông Phùng Đình Thực

Do sự cố về một đường ống dẫn khí, nhà máy lọc dầu Dung Quất (đang trong giai đoạn chạy thử) đã phải dừng vận hành từ ngày 16/8. Theo ông Phùng Đình Thực, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), “đây là một sự cố nằm ngoài mong muốn của phía nhà thầu lẫn chủ đầu tư” chứ không phải do chất lượng thiết bị của nhà máy “có vấn đề”.

“Sau khi phát hiện ra lỗi, nhà thầu Technip đã khẩn trương khắc phục và đưa nhà máy vận hành trở lại vào ngày 1/10 vừa qua”, ông Thực nói. Và “do sự cố hỏng van vừa qua nên nhà thầu đã báo cáo lùi thời hạn bàn giao nhà máy vào cuối tháng 12 này” thay vì 25/10 như tiến độ đặt ra ban đầu.

Một sự kiện đáng chú ý nữa là Thủ tướng vừa có quyết định về việc bổ sung hơn 550 triệu USD cho nhà máy nâng tổng mức đầu tư của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ 2,501 tỷ USD lên 3,054 tỷ USD.

“Nếu chi phí đầu tư tăng lên thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm của nhà máy đó. Tuy nhiên, ảnh hưởng như thế nào thì phải có tính toán cụ thể”, ông Thực nói trên VnEconomy hôm 8/10.

Với yếu tố này dư luận thắc mắc: Khi có quyết định được bổ sung trên 550 triệu USD thì phải có “tính toán cụ thể” lắm rồi chứ?!

Nói thẳng, nhìn thẳng vào giáo dục

Việc ông Sầm Đức Xương (nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt Vinh, Bắc Quang, Hà Giang) "bán trinh" học trò còn chưa nguôi ngoai dư luận thì mới đây, lại tiếp tục xảy ra vụ ông Phạm Văn Vân (nguyên là giáo viên Trường tiểu học Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cưỡng bức chính học trò 9 tuổi. Trước đó, vụ “thầy giáo” Đỗ Tư Đông “đổi tình lấy điểm” từng khiến dư luận bất bình.

Nhìn vào những vụ việc có cùng tính chất có thể thấy mức độ nghiêm trọng và tệ hạI theo chiều hướng đi lên. Thế nhưng, như nhiều lĩnh vực khác, ngành giáo dục khuyên xã hội nên nhìn vào nửa ly nước đầy chứ đừng có săm soi quá nhiều đến nửa ly nước vơi.

Khi nhìn vào các sự việc tệ hại trên , bên cạnh việc khẳng định “vẫn còn nhiều nhà giáo không vượt được cám dỗ đời thường” (một điều e rằng có thể dùng để nhận định cho… nhiều lĩnh vực khác) thì Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: “Đội ngũ hơn một triệu nhà giáo hiện nay, tuyệt đại đa số có phẩm chất đạo đức tốt, tận tuỵ, tâm huyết hết lòng vì học sinh thân yêu. Đáng tiếc, cá biệt vẫn còn một số ít thầy giáo vi phạm đạo đức nhà giáo, làm cho đội ngũ các nhà giáo chân chính hết sức đau lòng và phẫn nộ như ông Sầm Đức Xương hay Phạm Văn Vân”. (VietNamNet, 7/10)

GS Hoàng Tụy

Trong bài viết dài và tâm huyết (2 kỳ) có tên “Giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng” trên tạp chí Tia Sáng, tuy đề cập chủ yếu đến sự yếu kém trong giáo dục đại học và đòi hỏi chấn hưng, cải cách triệt để, theo hệ thống; nhưng GS Hoàng Tụy vẫn có nói đến các hiện tượng riêng lẻ với cái nhìn khách quan, thẳng thắn: “Các quan chức giáo dục bảo những hiện tượng không hay chỉ là riêng lẻ, và để cho công bằng phải nhắc đến biết bao gương tốt hằng ngày vẫn âm thầm diễn ra. Đúng thế thật, song tiếc thay điều đó chỉ càng nói lên khoảng cách lớn giữa tiềm năng với thực tế - một khoảng cách không thể chấp nhận được mà nguyên nhân, như Chính phủ đã chỉ rõ gần đây, là do quản lý bất cập”.

Quả đúng như vậy, chúng ta đã nhùng nhằng với mọi chuyện lâu quá rồi. Những phép toán của ngành giáo dục mãi không được giải dù tiếng trống báo hiệu hết giờ đã gióng lên từ lâu. Cũng như khi thi tuyển, phải có người chịu điểm kém và có người bị đánh rớt.

Có khẩu hiệu “trường học thân thiện, học sinh tích cực” và người ta nên hướng đến cái nhìn tích cực, nhìn vào nửa ly nước đầy như được “dạy bảo” nhưng cách tốt nhất là nhìn trực diện vào thực tế, như GS Hoàng Tụy đã bảo: Xin cho tôi nói thẳng!

Thu là một chuyện, quản nguồn thu là chuyện khác!

Bộ Giao thông Vận tải vừa có đề xuất thu phí lưu hành 300.000 - 1.500.000 đồng với xe máy đăng ký mới. Mức thu đối với ôtô sẽ áp dụng khi kiểm định với mức tối thiểu 1,2 triệu đồng một năm.

Việc thu phí là cần thiết để nhằm mục tiêu “bảo trì đường bộ” như Đề án đặt ra, nhất là khi ai cũng rõ hệ thống đường bộ của VN hiện nay rất tệ. Tuy nhiên, việc thu các mức phí khác nhau theo chênh lệch của phân khối xe không có nghĩa là đảm bảo sự chênh lệch giữa… xe đi ít và xe đi nhiều. Quan trọng hơn là chỉ có xe máy đăng ký mới phải nộp phí còn hàng chục triệu xe đã đăng ký, đang lưu thông sẽ không phải nộp phí. Một điểm nữa là liệu phí lưu thông có chồng lên phí cầu đường?

Bộ Giao thông Vận tải còn đưa ra phương án thu phí lưu hành qua giá xăng dầu. Tuy nhiên, các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp phục vụ sản xuất cũng có nhu cầu xăng dầu cao chứ không phải chỉ có phương tiện giao thông, vì thế nếu thực hiện cách thu phí này (như nhiều nước đang áp dụng) thì sẽ phải có cách điều phối hợp lý. Một điều nữa mà người tiêu dùng còn chưa thôi ấm ức đó là sự “phập phù” của giá xăng dầu suốt bấy lâu và nay có thể phải gánh thêm vào phí lưu thông!

Nói về “dịch vụ đường xá” kiểu này, TS Ronald Allan, Chuyên gia tư vấn của World Bank, đã có bình luận: Nếu thu phí từ người sử dụng đường thì sẽ phải cung cấp hệ thống đường chất lượng cao và công khai minh bạch số tiền chi tiêu do người sử dụng đóng góp. Ủy ban giám sát Quỹ bảo trì đường bộ phải có đại diện của người sử dụng đường và đại diện của Chính phủ.

Đâu là lối hành xử đẳng cấp “quý bà”?

Chung kết Hoa hậu Quý bà đẹp và thành đạt

Có lẽ sẽ chẳng có dấu hỏi nghi nghi ngại nào về hai yếu tố “đẹp và thành đạt” đối với các thí sinh được Ban gián khảo, Ban tổ chức chọn vào vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà đẹp và thành đạt VN 2009. Đẹp và thành đạt – đó là những điều tuyệt vời quá!

Rất nhiều vị giám khảo có tiếng tăm, uy tín lâu nay đã đích thân chấm điểm, lựa chọn các thí sinh vào vòng chung kết từ hàng ngàn thí sinh đăng ký tham dự, qua nhiều vòng thì cam go. Thế thì làm sao mà để lọt người không xứng đáng được! Đến tận khai cuộc thi đã kết thúc rồi BTC, BGK luôn khẳng định đã luôn làm việc “sáng suốt, khách quan, công bằng và thống nhất cao” đó thôi.

Thế mà chỉ cần đọc công văn của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đệ trình lên Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Tổng cục An ninh Bộ Công an do ông Phó Chủ tịch Tỉnh Võ Thành Kỳ cũng là Trưởng BTC cuộc thi đệ trình thì thấy ngay: Chưa chắc người xét duyệt, chọn lựa đã giỏi chọn và thí sinh lọt vào vòng chung kết đã là “đẹp và thành đạt”. Nếu được vậy thì chẳng có chuyện “Đề nghị xem xét xử lý hành vi của thí sinh tham gia cuộc thi…” như tiêu đề Công văn nêu ra.

Cụ thể hai thí sinh Trần Bảo Ngọc và Doãn Thị Phương của cuộc thi này "vì động cơ cá nhân mà cố tình bôi nhọ danh dự người khác". Phải mở thêm ngoặc ngay rằng: Hai thí sinh này đều nằm trong 6 người được gọi tới phỏng vấn thêm trước giờ đăng quang, thậm chí Trần Bảo Ngọc là thí sinh được đặc cách vào vòng chung kết. Thế rồi họ bất ngờ trở thành “người thất bại”, nên sinh ra hụt hẫng, bàng hoàng, uất ức và có thể cả “háo danh”,“cay cú” nên đã công khai đòi BTC phải giải đáp ứng kiến nghị, khúc mắc của họ một cách minh bạch. Để đáp trả, tỉnh Vũng Tàu làm công văn gửi cả đến Bộ Công an (chứ không chỉ đơn vị tổ chức) đề nghị “xử lý thí sinh” ngay lập tức.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Trưởng Ban tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM, nói "Hành vi nhắn tin hăm dọa người khác là hành vi vi phạm pháp luật”. Còn luật sư Phạm Hồng HảI (thuộc đoàn Luật sư Hà Nội) nói: “Trong trường hợp của cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam 2009, nếu thí sinh gửi đơn kiện về kết quả cuộc thi, các cơ quan chức năng phải có nhiệm vụ xác minh lại sự việc. Còn khi Ban tổ chức có công văn đề nghị xử lý hai thí sinh đã có những lời lẽ không đúng về cuộc thi trên báo chí, xúc phạm đến danh dự của nhiều người, họ phải đưa ra các bằng chứng cụ thể và thuyết phục. Nếu không, hai thí sinh có quyền kiện lại Ban tổ chức để bảo vệ quyền công dân của mình”. (Đất Việt, Ngôi Sao, 8/10).

Rõ ràng ở một cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia duy nhất trong năm, để chuẩn bị cho cuộc thi thế giới, mà đến khi vãn cuộc rồi hai bên vẫn phải nói qua nói lại như thế thì khó có thể nói là nó đã “thành công” như ý muốn khi tổng kết. Nếu theo dõi báo chí và dư luận về cuộc thi này thì sẽ phải thắc mắc về kết luận “đến lúc này, dư luận xã hội và báo chí nói chung đều thừa nhận những thí sinh đoạt giải là xứng đáng” mà ông Võ Thành Kỳ đưa ra có phải là "tương đối" chủ quan?!.

Danh Anh (tổng hợp)

Related Articles

No comments:

Post a Comment