Sunday, October 18, 2009

16/10/2009

"Phát ngôn & Hành động ấn tượng" tuần này không dẫn ra nhiều con người, sự kiện mà tập trung đi sâu vào những lời nói, việc làm đáng nhớ nhất.

Không năng lực phải nghỉ, Hà Nội nên bầu trực tiếp Bí thư

Bên lề Hội nghị lần thứ 17 Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (12/10), Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thừa nhận Hà Nội đang có số cán bộ đông sau khi hợp nhất. Tuy nhiên, ông Nghị cho rằng điều này là do nguyên trạng chứ không phải Hà Nội bổ sung thêm.

Để giảm bớt số lượng cán bộ, theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội sẽ làm từng bước và tuân thủ quy định chung của Đảng và Nhà nước: "Phải có thời gian, đại hội sẽ có sự lọc lựa, đánh giá lại, ai xứng đáng hơn cả thì mình tiếp tục giao việc. Ai không chứng minh được năng lực của mình thì phải nghỉ".

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị
Trong bài phát biểu Bế mạc Hội nghị (13/10), Bí thư Thành ủy gợi ý: "Tôi không dám nói thay cho Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ nhưng tôi nghĩ là ở cấp thành phố chúng ta cũng nên tham gia thí điểm bầu trực tiếp Bí thư". (Dân Trí, 13/10).

Ở cương vị của người đương nhiệm như ông Nghị, những phát ngôn của ông được gọi là ấn tượng khi nó thể hiện (ít nhất về mặt hình thức) sự không tham quyền cố vị.

Người lãnh đạo minh triết hiểu rằng họ sẽ không có một chính quyền vững mạnh nếu mãi duy trì một bộ máy đông đảo nhưng không "cùng nhau làm việc", chỉ "ngồi nhìn nhau rồi quay lưng lại với nhau". Họ cũng không công bằng nếu chỉ cho phép "lọc lựa, đánh giá lại" viên chức dưới quyền mình, mà chừa tước vị của mình ra.

Sự công bằng, để dân trực tiếp chọn người có năng lực là điều kiện căn bản của nguyên tắc tuyển lựa cán bộ: không thể có một bộ máy làm việc hiệu quả nếu từng người trong đó không biểu hiện có năng lực thực hiện tốt công việc. Và hơn nữa, sự công bằng, minh bạch còn là một phạm trù đạo đức, một sự cam kết chân thành về mặt chính trị.

Ngược đãi ngư dân trú bão là hành động dã man


Tài công Nguyễn Văn Bay kiểm tra lại tàu bị cướp sau khi trở về đất liền
Đây là một tuần của nước mắt, mất mát, một tuần mà thiên tai hoành hành liên tiếp hết dọc biển từ Trung tới Bắc đất nước. Trận bão số 9 hoành hành 14 tỉnh miền Trung kéo dài nhất năm nay trên biển Đông với diễn biến phức tạp, vượt quá dự báo đã nuốt chửng gần 200 sinh mạng, biết bao mái nhà, tàu thuyền, cuốn trôi vô vàn gỗ, rừng cao su, ruộng mía....

Trong hơn 14 nghìn tỷ đồng tổng thiệt hại, riêng Quảng Ngãi chiếm hơn 1/3, dẫn đầu danh sách các tỉnh thiệt hại nặng nề nhất.

Nỗi đau đớn còn được chất chồng thêm bởi sự đối xử lạnh lùng, vô nhân tính giữa người với người khi trú bão.

Hơn 2 ngày đêm bị bão dữ đuổi chạy giữa biển khơi xa, đến khi cùng đường, 17 chiếc tàu đánh cá của hơn 200 ngư dân đảo Lý Sơn và xã Bình Châu, huyện Bình Sơn Quảng Ngãi đành chạy vào trú bão tại quần đảo Hoàng Sa lúc chiều tối ngày 28-9.

Lão ngư Nguyễn Văn Bay, vừa thoát chết trở về cùng 10 thuyền viên trên tàu QNg-5012 vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại những gì ông tận mắt chứng kiến: Những người mặc sắc phục hải quân Trung Quốc với súng ống, búa tạ, rìu, xà beng... nhảy sang các tàu của bà con ngư dân kiểm tra giấy tờ và lục soát, đánh đập, hành hạ những bạn nghề của ông để cướp mọi thứ có giá trị.

Một nhân chứng khác, ông Nguyễn Lưu - người cùng con trai bị đánh dã man vì giấu tài sản thuật lại: "Hơn 30 phút đánh đấm trên tàu, khi 13 thuyền viên trên tàu mặt đầm đìa máu và ngã gục vì ngất, cuối cùng đám lính cũng bỏ đi, nhưng không quên đập phá những gì có thể và cướp tất cả đồ đạc, trừ chiếc la bàn gắn trên cabin, vì nó không có giá trị...".

Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng nếu đúng như những gì báo chí đưa tin thì đây là sự việc nghiêm trọng và lãnh đạo Hội đã thống nhất: Khi nhận được báo cáo chính thức của Quảng Ngãi, Hội Nghề cá Việt Nam sẽ có văn bản chính thức gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để phản đối hành động ngược đãi ngư dân.

Ông Mưu nói: Hành động ngăn cản, không tiếp nhận và cứu hộ người bị nạn khi gặp bão trên biển của bất kỳ ai đều là hành động không nhân đạo, không tuân thủ quy định quốc tế về cứu hộ người gặp nạn trên biển. Đặc biệt, ngược đãi, đánh đập ngư dân, trong đó có trẻ em và cướp bóc, phá hoại tài sản, ngư cụ của ngư dân sau khi đã cho trú tránh bão là một hành động dã man. (Tuổi Trẻ, 13/10/2009).

Chống chọi với cơn cơn cuồng nộ của thiên nhiên, rồi mất hết cơ nghiệp làm ăn, những ngư dân này cảm thấy biển lấy của mình còn có lý và bớt đau xót hơn bị chính những người lợi dụng thiên tai để hành hạ, cướp bóc người gặp nạn. Có lẽ, đó là ý nghĩa của giọt nước mắt nức nở của ông Lưu: "Mình trú bão chứ có làm gì đâu mà họ đánh đập, cướp bóc tàn tệ". (Sài Gòn Tiếp Thị, 10/10/2009)

'Tôi chưa dám tin doanh nghiệp tự sống được sau kích cầu'


Ông Lê Đức Thúy (Ảnh: VNE)
Đó là phát ngôn của Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy khi bày tỏ quan điểm về chính sách kích cầu tại tọa đàm của Phòng thương mại châu Âu (Eurocham) sáng 14 tại Hà Nội. Theo đó, ông Thúy cho rằng: Chưa bàn đến gói kích cầu thứ 2, nhưng chắc chắn Chính phủ không thể ngừng hỗ trợ các doanh nghiệp sau gói kích cầu thứ nhất.

"Cá nhân tôi và những người mà tôi đã trao đổi chưa dám tin rằng tự thân nền kinh tế đủ sức tự phục hồi mà không cần thêm sự hỗ trợ của Chính phủ, tức là trở lại với chính sách bình thường".

"Tôi cho rằng những biện pháp hiện nay chưa đủ, có thể phải nghiên cứu các chính sách mới, như về tài khóa, tiền tệ... Không có chính sách mới thì khó duy trì sự phục hồi bền vững của kinh tế Việt Nam". (VnExpress, 14/10/2009).

Theo đánh giá của các chuyên gia, gói kích thích kinh tế thứ nhất được ban hành rất đúng đắn, kịp thời, góp phần đưa nền kinh tế thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính thế giới, giữ nền kinh tế chỉ dừng lại ở mức suy giảm và cùng với đó, hệ thống ngân hàng, tài chính và doanh nghiệp không bị đổ vỡ... Trong khi quan điểm dừng kích cầu trước thời hạn, hoặc đúng hạn nhưng không bổ sung thêm biện pháp hỗ trợ vẫn "mơ hồ" khi chứng minh rủi ro vĩ mô, thì phía ủng hộ "kích tiếp" có lý do thuyết phục hơn trên cả phương diện con số và... tâm lý.

Điều này nhất quán với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau khi phân tích về tình hình sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm rằng cần thiết phải có các biện pháp kích cầu mạnh hơn vì về thực chất, mức tăng trưởng của ngành công nghiệp hiện nay chưa thật bền vững.

Có thể hiểu quan điểm này qua cách ví von như sau: Nền kinh tế đang đà lên cùng với sự hỗ trợ của góp kích cầu giống như chiếc xe đang trên đà đẩy tới gần đỉnh dốc. Nếu gói kích cầu ngừng, tương ứng với việc buông tay khỏi chiếc xe ra, thì chắc chắn chiếc xe ấy sẽ tụt xuống với tốc độ không thể kìm lại được. Do đó, gói kích cầu thứ 2 cần phải mạnh hơn, quyết tâm hơn nhưng ngắn hơn để cho chiếc xe lên hẳn phía trên dốc.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến lo ngại nếu tiếp tục những chính sách tương tự như hiện nay, dù giảm về mức độ và quy mô, thì kèm với nó là nguy cơ lạm phát trở lại, bất ổn tài khoá và bất công trong môi trường kinh doanh.

Trong khi đó, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng: "Chỉ với một số tiền vừa phải tung ra, mà về cơ bản chưa phải là tiền kích cầu, nền kinh tế hầu như tự động khôi phục tăng trưởng sau khi thoát khỏi điểm tắc nghẽn. Với hơn 95% doanh nghiệp nhỏ và vừa, 70% lao động ở nông thôn, và các doanh nghiệp lớn vẫn bình yên vô sự cho đến nay, nền kinh tế này tự nói lên rằng, nó có đủ năng lực để vươn lên ngay cả khi Chính phủ không tiếp tục gói kích cầu" (Sài Gòn Tiếp thị, 13/10).

Người khôn ăn rau dại

GS Nguyễn Lân Dũng
Bài giới thiệu ẩm thực rất khiêm nhường trong mục Giải trí trên Thanh niên online (13/10/2009) có một mở đầu rất thú vị: "Ngẫm lại, người khôn nên biết ăn rau dại. Bởi rau dại chứa nhiều vị thuốc, lạ miệng và nếu bạn biết rõ nguồn gốc, rau dại có thể an toàn hơn rau trồng hiện nay", lương y Đinh Công Bảy tâm đắc nói.

Đó là bài báo lọt thỏm trong mớ tin bài nóng bỏng khắp các mặt báo tuần qua về vệ sinh thực phẩm: Tẩy trứng gà Trung Quốc thành gà ta bằng axit, dưa vàng, nho xanh không hạt, hồng ngâm ngấm thuốc... Thành ra, tâm lý hiện nay của người tiêu dùng là: cái gì ngon, xanh, tươi ắt "có thuốc".

Thế nhưng chắc chưa ai quên khuyến cáo cả năm nay của "Gặp nhau cuối tuần", mới đây được GS.TS Nguyễn Lân Dũng nhắc lại: "Ra chợ mua loại rau có một ít vết sâu ăn chưa chắc đã là rau sạch. Các bà buôn rau đã xui nông dân để sâu ăn một ít rồi hãy phun thuốc trừ sâu đấy (!). Thậm chí có những bà bán rau còn ma mãnh thỉnh thoảng tung một ít sâu sống lên trên mặt rau để đánh lừa người mua". (Thể thao & Văn hóa, 13/10/2009).

Trong hoàn cảnh như thế, bài báo giới thiệu những món "rau dại" bỗng mang một ý nghĩa to lớn. Nó vừa trở thành một sưu tầm hữu ích với người đọc, khiến vị giác của họ hào hứng với một món lạ, ngon, sạch, đồng thời cũng đắng đót, uất nghẹn. Tại sao khi đời sống nâng lên, năng suất nông phẩm, kĩ thuật nông nghiệp đều phát triển, thì chúng ta lại "đói" chính thứ thức ăn sẵn có, rẻ tiền, vốn thường từng chẳng bao giờ lo thiếu trên mâm cơm người nghèo trước kia?

Người dân thì ám ảnh với những chất độc ở mọi thực phẩm như vậy, nhưng không có cách nào vẫn phải hàng ngày, hàng giờ quên bệnh mà nuốt chúng vào ruột. Thử hỏi nếu không "tặc lưỡi", thì chả lẽ chịu chết đói?

Nếu, những nhà quản lý cứ không có biện pháp nào cải thiện chất lượng thực phẩm, một vài người dân bức xúc quá đã đồ rằng: Ít thế hệ nữa, chỉ còn mỗi những lãnh đạo này còn khỏe, vì có cơ hội ăn đồ nhập khẩu có bảo đảm rõ rệt, có đủ các máy móc thử vệ sinh, tiệt trùng mọi thứ trước khi ăn.

Hi vọng, loại rau có bảo đảm với bao bì ghi rõ: "Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu còn có dư lượng thuốc trừ sâu hóa học" như dự án của nhà khoa học Nguyễn Lân Dũng giới thiệu sắp thành hiện thực và sớm phổ biến cả nước.

Nếu thí sinh Hoa hậu Quý bà cũng dùng lý lẽ như… ông Kỳ

Ông Võ Thành Kỳ
Sau khi ký công văn gửi lên Bộ VH-TT-DL và Bộ Công an đề nghị xử lý hai thí sinh dự thi “Hoa hậu Quý bà”, trước phản ứng của dư luận, dường như ông Võ Thành Kỳ, phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đã biết mình… bị hớ.

Sau một hồi tránh sự “làm phiền” của báo chí, cuối cùng ông đã trả lời phỏng vấn trên Tuổi Trẻ (16/10) với lý lẽ… hơi bị đuối.

Ông nói mình gửi công văn là “gửi cho cá nhân các anh: Lê Tiến Thọ - thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, trung tướng Vũ Hải Triều – phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh và đại tá Trần Việt Dũng – phó cục trưởng Cục Bảo vệ nội bộ và tư tưởng văn hóa (A25)” - tức trưởng ban chỉ đạo và các thành viên ban chỉ đạo. Thế nhưng, phóng viên hỏi ngay: Sao ban chỉ đạo có 8 thành viên mà lại chỉ gửi cho 3 người? Sao nội dung lại nêu hành vi sai phạm của hai thí sinh rồi đề nghị điều tra, xử lý?

Ông Kỳ khẳng định lặp đi lặp lại mình “gửi để báo cáo, chứ không phải gửi để điều tra xử lý chị Phương và chị Ngọc” nhưng trong câu trả lời thể hiện sự lúng túng thấy rõ.

“Điều tra ở đây là nhằm làm rõ trắng đen chứ không phải xử lý để bắt tù, kêu án ai. Điều tra ở đây là làm rõ những gì họ tố cáo là có hay không và cũng làm rõ BTC cuộc thi là đúng hay sai. Nếu BTC chúng tôi có sai cũng xử lý luôn. Trong niềm tin nội tâm, khi gửi công văn tôi nghĩ là ban chỉ đạo xử lý được và muốn làm rõ vấn đề thôi. Chứ tôi không nghĩ phải xử lý hình sự gì đâu”, ông Kỳ nói.

Nếu vấn đề chỉ đơn giản như ông cách ông Võ Thành Kỳ chú giải thì xét lại, cũng khó có thể làm trầm trọng hóa hành động lên tiếng, đòi giải thích rõ của các “Quý bà” Doãn Phương hay Bảo Ngọc. Đó là chuyện bình thường trong xã hội tôn trọng tự do ngôn luận mà.

Đành rằng họ đã thể hiện sự bức xúc, dễ trở nên hơi quá khi lên tiếng; nhưng nếu bây giờ, khi người ta đòi “xử lý” họ và họ đưa ra lý lẽ như của ông Kỳ: “Chúng tôi có quyền lên tiếng với BTC của cuộc thi mà chúng tôi tham gia, cũng muốn làm rõ vấn đề, chứ không nhằm kiện cáo gì ai!”(mà kỳ thực là vậy) thì sao lại phải dùng uy quyền “đe nẹt” họ như vậy?! Quyền lực phải được đặt đúng chỗ.

Nguyên Nhung (tổng hợp)

Related Articles

No comments:

Post a Comment