Wednesday, July 15, 2009

Nhạc trưởng nổi tiếng người Anh đi "du lịch tự sát" cùng vợ

Edward Downes từng chỉ đạo các dàn nhạc nổi tiếng thế giới nhưng ông đã gần như bị mù và điếc. Còn người vợ kề vai áp má suốt 54 năm bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Vì thế, hai vợ chồng ông đã quyết định cùng nhau lên thiên đường.


Ông Edward Downes và bà vợ Joan.

Nhạc trưởng Downes, được biết tới với tên gọi Sir Edward kể từ khi ông được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệp sĩ vào năm 1991, và người vợ Joan Downes đã kết liễu cuộc đời họ hồi tuần trước tại một trung tâm ở Zurich, Thụy Sĩ với sự trợ giúp của Công ty trợ giúp tự sát Dignitas. Họ đã uống một liều thuốc màu trắng và qua đời tay trong tay trước sự chứng kiến của hai người con. Ông Downes hưởng thọ 85 tuổi còn người vợ Joan thọ 74 tuổi.

Sự ra đi của họ là nốt nhạc cuối đối với sự nghiệp âm nhạc danh tiếng của ông Edward Downes và đã làm nảy sinh một cuộc tranh luận sôi nổi tại Anh về việc liệu có nên giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh nan y được chết một cách nhẹ nhàng hay không.

Các con của Downes và Joan cho hay, cha mẹ họ đã ra đi “nhẹ nhàng và theo đúng ước nguyện” hôm thứ 6 tuần trước. “Sau 54 năm sống hạnh phúc bên nhau, họ đã quyết định kết thúc cuộc sống hơn là tiếp tục vật lộn với bệnh tật”, một tuyên bố từ người con trai và con gái của cặp đôi, Caractacus và Boudicca, nói.

“Họ muốn ở bên cạnh nhau khi qua đời. Cha mẹ đã cùng nắm tay nhau trên giường để vào cõi vĩnh hằng”, Caractacus Downes cho biết. “Đó là cách kết thúc cuộc sống rất văn minh”.

Jonathan Groves, nhà quản lý của ông Downes, cho hay vợ chồng Downes không thể sống thiếu nhau và đã thống nhất cùng sang bên kia thế giới. “Sir Edward vẫn có thể sống sau khi người vợ qua đời, nhưng ông ấy không muốn làm thế. Ông ấy không muốn tiếp tục sống mà không có vợ”.

Là một trong những nhạc trưởng nổi tiếng nhất của Anh, ông Downes đã gây dựng được sự nghiệp âm nhạc xuất chúng. Ông từng chỉ đạo dàn nhạc giao hưởng BBC Philharmonic trong nhiều năm và đã hợp tác với Nhà hát Opera Hoàng gia suốt 5 thập kỷ.

Nhưng trong những năm cuối đời, ông Downes đã gần như bị mù, điếc và ngày càng phục thuộc vào các thiết bị trợ giúp.

Bà Joan, một cựu vũ công ba-lê, biên đạo múa kiêm nhà sản xuất truyền hình, đã làm việc nhiều năm với tư cách trợ lý cho chồng. Gần đây, bà Joan bị chuẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Các bác sĩ dự đoán, bà chỉ sống được vài tuần nữa.

Tranh cãi về quyền tự sát hợp pháp

Một ngôi nhà ở Pfaeffikon gần Zurich, nơi Dignitas trợ giúp các bệnh nhân đi du lịch về cõi vĩnh hằng.

Edward Downes là một trong những người nổi tiếng ở Anh tới Thụy Sĩ để được kết thúc cuộc sống của mình theo cách không đau đớn. Jonathan Groves cho hay ông đã bị sốc khi nghe tin về cái chết của vợ chồng Downes nhưng gọi quyết định của họ là “dũng cảm”.

Câu chuyện của vợ chồng ông Downes cũng là trường hợp mới nhất trong hàng loạt các vụ việc làm nảy sinh lời kêu gọi thay đổi luật pháp tại Anh, nơi quyền được chết và trợ giúp người mắc bệnh nan y tự sát đang bị cấm.

Theo luật pháp Anh, hình phạt tối đa cho ai đó giúp đỡ một người mắc bệnh nan y tự sát là 14 năm tù. Nhưng trong những năm gần đây, các tòa án đã không kết án tù những người trợ giúp các bệnh nhân thực hiện ước nguyện của họ. Không người thân, bạn bè của bất kỳ một người Anh nào đã qua đời tại các trung tâm của Dignitas tại Thụy Sĩ bị truy tố.

Sở cảnh sát London cho biết họ đã được thông báo về vụ tự sát của vợ chồng ông Downes và đang điều tra vụ việc. Nhiều khả năng cũng không ai bị ra tòa trong vụ việc này.

Mặc dù quan điểm của người Anh giờ đây đã thay đổi nhưng các nỗ lực nhằm sửa đổi luật pháp cho tới nay vẫn thất bại. Tuần trước, Thượng viện Anh đã không thông qua một luật sửa đổi nhằm nới lỏng những quy định cấm về quyền được chết.

Hơn 100 người Anh đã qua đời tại các trung tâm của Dignitas ở Thụy Sĩ kể từ khi công ty này được thành lập năm 1998.

Khoảng 100 người nước ngoài - hầu hết là đang bị bệnh rất nặng - đã tới Thụy Sĩ mỗi năm theo một loại hình du lịch có tên gọi là “du lịch tự sát”. Họ sẽ ra đi không đau đớn bằng cách vào phòng của Dignitas, uống một liều thuốc an thần. Năm phút sau, họ ngủ thiếp đi và sẽ không bao giờ tỉnh lại.

Từ năm 1942, luật pháp Thụy Sĩ đã cho phép giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh nan y được tự tử. Vài nước khác, trong đó có Hà Lan, Bỉ, các bang Oregon và Washington của Mỹ, cũng công nhận tự tử hợp pháp.

Tại Thụy Điển, có nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ trợ giúp bệnh nhân tự sát, nhưng Dignitas là công ty chuyên phục vụ người nước ngoài. Phí dịch vụ tại Dignitas là 10.000 franc Thụy Sĩ, tương đương 9.200USD.

An Bình
Theo AP

Related Articles

No comments:

Post a Comment