Wednesday, July 1, 2009

26/06/09

(TuanVietNam)- Ngày Báo chí Cách mạng đã qua nhưng không khí của nó vẫn còn với một số phát ngôn của tuần từ 19 tới 26/6 có liên quan tới báo chí. Phát ngôn & Hành động ấn tượng tuần này, do vậy, sẽ bao gồm cả ý kiến của một số phóng viên.

Phát ngôn và hành động ấn tượng xuất hiện thứ 6 hàng tuần trên Tuần Việt Nam


“Đại biểu bấm nút theo phong trào, Bộ trưởng cứ ghi nhận vậy thôi”

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) có vẻ không hài lòng khi “chấm điểm” kỳ họp QH vừa kết thúc, với ý kiến cho rằng chất lượng sinh hoạt của QH chưa có gì tiến bộ: “Kỳ họp trước cũng ra một nghị quyết sau chất vấn. Nhưng nội dung chỉ đưa ra mấy yêu cầu chung chung, không giao cho ai làm gì cụ thể...

Trong khi lẽ ra phải giao trách nhiệm rõ ràng, phân công ai giám sát, kèm theo cơ chế báo cáo, xử lý và đưa ra QH xem xét. Cứ hô hào chung chung, ai tự giác thì làm không thì thôi”. (VietNamNet, 23/6)

ĐBQH Lê Văn Cuông. Ảnh: vneconomy

Vì không có cơ chế nào hiệu quả hơn việc hô hào suông, nên cho tới nay, QH chưa gây được sức ép nào tới cơ quan hành pháp. Nhiều vấn đề nổi cộm, qua mấy kỳ họp vẫn chưa được giải quyết. Các bộ trưởng ai nấy đều rất sẵn sàng nói câu “ghi nhận”, “quan tâm”, “sắp tới sẽ”, “tôi hứa”…

Cứ như thế thì các đại biểu QH sức mấy mà nhiệt tình chất vấn mãi được. Nên ông Cuông mới đưa ra một nhận xét có tính tổng kết: “Một số dự án luật lúc thảo luận rất căng thẳng, lý lẽ rành mạch nhưng cuối cùng UB Thường vụ QH giải trình thì mọi người cứ nghe theo mà bấm nút. Lúc nào bỏ phiếu, thấp nhất cũng 60 - 70% chứ chưa có mấy khi là không thông qua”.

Thế thì đại biểu QH phải làm gì?

“Lo nhất là việc tặng quà, biếu quà bị biến dạng”

Đó là nỗi lo của Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khi bàn về vấn đề liệu nhà báo có nên nhận phong bì. Ông Truyền cho rằng cái khó ở đây là chưa có quy định rõ để phân biệt giữa phong bì hối lộ và quà biếu thể hiện tình cảm, nên với từng trường hợp được biết đến (vì đa số các trường hợp là tế nhị và được giữ kín), “phải xem xét cụ thể thì mới có thể bình luận chính xác được”. (Đất Việt, 20/6)

Nhớ lại, khi phát biểu tại kỳ họp QH khóa XII vừa rồi, ông Truyền cũng từng cảm thấy khó khăn trong việc phân biệt giữa tham nhũng, hối lộ, tiền hoa hồng, tiền “bo”.

Cũng chẳng phải lỗi tại ông, mà tại luật pháp quả thật chưa có quy định, định nghĩa rõ ràng về sự cho, nhận những khoản tiền nói trên. Tuy nhiên, chỉ hơi tiếc là ông Truyền lại nói những điều đó trên tư cách người đứng đầu ngành thanh tra của Việt Nam.

Lập sổ đen những kẻ gây rối để “phân công làm công việc phù hợp”

Ảnh: Lan Ca

Trước ngày thực tập, cán bộ khoa Xã hội học (Đại học Bình Dương) thu trước của sinh viên 700.000 đồng/người và bị sinh viên phản ứng mạnh.

Trong buổi đối thoại lần đầu ngày 18/6, trợ lý khoa, ông Trương Công Phúc, bèn yêu cầu lớp trưởng ghi lại danh sách những sinh viên “kích động”, trong đó liệt kê cả những sinh viên đã lên tiếng sau khi khoa hỏi “ai có ý kiến thì phát biểu”.

Hành động lên danh sách này thật ấn tượng, nhất là khi ta được biết rằng với một nền luật pháp tiên tiến thì ngay cả chính quyền cũng không được phép tự tiện thu thập dữ liệu về công dân với những mục đích không rõ ràng, vì như vậy là xâm phạm thông tin cá nhân, nói gì đến Ban Giám hiệu đối với sinh viên. Nhất là khi mục đích của việc “lập sổ” thật… đáng ngờ.

Lời giải thích của bà Trần Thị Kim Xuyến, Trưởng khoa Xã hội học, lại còn ấn tượng hơn nữa. Bà Xuyến bảo, việc lên danh sách này là để có thể phân công cho các bạn những công việc phù hợp. Lý do là những người “hay gây rối” như thế là những người “sáng tạo nhất, họ thường có nhiều ý tưởng hay nhất nên sẽ được sắp xếp để làm những công việc phù hợp với năng lực nhất”.

Không biết sẽ là công việc gì mà nhà trường phải bí mật vậy? Thế là nhiều sinh viên đâm ra hoài nghi ý định tốt đẹp của khoa: “Chúng em có làm gì đâu mà bị cho là kích động?”.

“Tôi viết thêm lời Việt để tạo sự gần gũi, dễ nhớ”

Ảnh: phattuvietnam.net

Mới đây, nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản vừa được chứng nhận lập kỷ lục Người sáng tác nhạc Phật giáo nhiều nhất.

Điều đang gây phản ứng từ giới nhạc sĩ là hàng chục bài hát “nhạc Phật giáo” này đều chỉ là phiên bản chế lời mới của những bài dân ca, nhạc quốc tế, nhạc Hoa và nhiều ca khúc Việt Nam đương đại quen thuộc khác. (Thanh Niên, 21/6)

Ông Toản giải thích: “Tôi vận dụng nó như một phương tiện để đưa Phật pháp vào cuộc sống. Hơn nữa, những bản nhạc này rất phổ biến nên tôi đã viết thêm lời Việt để tạo sự gần gũi, dễ thuộc, dễ nhớ”.

Đại đức Thích Nhật Từ cũng góp lời: “Ở trên đầu trang của mỗi bản nhạc đều có ghi xuất xứ là “nhạc nước ngoài” hoặc “dân ca”, lời Vũ Ngọc Toản. Vì thế tôi nghĩ nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản không thể bị cáo buộc là người “nhái nhạc” hay “đạo nhạc” được!”.

Qua phát biểu của hai ông, có thể thấy ý thức và kiến thức về tác quyền ở Việt Nam còn rất hạn chế, ngay cả ở những người thuộc tầng lớp trí thức, “tinh hoa”. Trong trường hợp này, rõ ràng ông Vũ Ngọc Toản đã vi phạm quyền tác giả (kể cả Việt Nam lẫn nước ngoài) khi đặt lời mới cho giai điệu cũ mà không xin phép “khổ chủ”.

Việc ghi xuất xứ theo kiểu “nhạc nước ngoài”, “dân ca” là không đủ, đó là chưa kể nhiều bài hát mà ông Toản mượn nguyên giai điệu không phải nhạc nước ngoài hay dân ca, mà là sáng tác của các nhạc sĩ Việt Nam đương đại.

“Nhiều dự án chống ngập chưa hoàn thành đã lạc hậu”

Ảnh: dantri

Tại hội thảo quốc tế về tác động của biến đổi khí hậu đối với ngập lụt đô thị (TP HCM, 24/6), Th.S. Hồ Long Phi, ĐH Bách khoa TP HCM, chỉ ra rằng dù đã có những cống ngăn triều nhưng khi có những trận mưa 100mm thì Thành phố vẫn ngập trên 400ha, khi mưa 200mm thì sẽ ngập 900 ha. (Dân Trí, 25/6)

Có những dự án chống ngập chưa hoàn thành nhưng xét về mặt số liệu thì đã lạc hậu. “Như vậy 20-30 năm nữa thì sử dụng như thế nào? Nhất là khi TP HCM phải đối diện với chuỗi mưa gia tăng không ngừng” – Th.S. Hồ Long Phi đặt câu hỏi.

Ông cũng cảnh báo, nếu không kiểm soát kịp thời, chỉ cần nước biển tăng thêm 0,5m so với các kịch bản biến đổi khí hậu hiện nay thì TP HCM sẽ chỉ còn là hai ốc đảo.

Ý kiến của một nhà khoa học, sau khi các dự án đã được triển khai, một lần nữa đặt ra vấn đề: Chính quyền cần có cái nhìn dài hạn trong quy hoạch, để sao cho không còn những dự án manh mún vì chỉ tính đến hiệu quả nhất thời.

Nỗi lòng phóng viên nhân ngày Báo chí Cách mạng

Ảnh: phapluattp

Phóng viên Quỳnh Như kể: “Trong “đời phóng viên”, tôi thường bị nghe những câu từ chối với lý do “chờ thông qua” dù những đề án, quyết sách ấy người dân đang rất cần biết… Thậm chí, người có thẩm quyền còn nói: “Chuyện này còn đang bàn, chưa thông qua mà đưa lên báo làm chi cho ý kiến, ý cò!” (Pháp luật TP HCM, 26/6)

Phóng viên Thu Hương thì nghe mãi “bài ca đi vắng”: “Tôi xin gặp trưởng phòng quản lý đô thị, được trả lời là anh trưởng phòng đi họp, phó phòng cũng đã đi họp. Tiếp sau đó, tôi gọi điện thoại đều đặn để mong được xếp lịch “tiếp kiến” hai anh. Lại điệp khúc đi họp hoặc ra ngoài... Tôi gọi cho anh trưởng phòng suốt ba ngày với đủ số máy khác nhau nhưng không bao giờ thấy anh nghe máy”.

Đấy là những trường hợp rất điển hình mà các nhà báo của chúng ta hay gặp. Tác giả bài báo gọi đó một bức tường vô hình về thông tin. Chính bức tường này là thứ rào cản mềm mại và… khó chịu, ngăn trở báo chí thực hiện chức năng của họ là đưa thông tin kịp thời và chuẩn xác tới xã hội.

Hành động ấn tượng của “đội đặc nhiệm tóc dài”

Ảnh: tuoitre

Ở ấp Tân Hòa B (xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang), tối nào cũng vậy, một “đội đặc nhiệm” gồm toàn phụ nữ lại tình nguyện khoác lên mình bộ đồng phục của đội dân quân tự vệ, giữ gìn trật tự an ninh trong ấp. (Tuổi Trẻ, 25/6)

Các “nữ đặc nhiệm”, trong đó người trẻ nhất 33, người già nhất 57 tuổi, đã thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ an ninh như bắt trộm, dẹp bỏ tệ nạn bài bạc, tuần tra canh gác đêm… Thậm chí là cả chuyện hòa giải các vụ ẩu đả của những cặp vợ chồng trong thôn xóm, đôi khi họ cũng đảm nhiệm.

Công việc của các chị hoàn toàn không được thù lao. Tất cả chỉ xuất phát từ mong muốn giữ yên cuộc sống thanh bình cho dân cư.

Thật đáng khen nỗ lực của đội “đặc nhiệm tóc dài” và những đóng góp của các chị cho nhân dân và chính quyền. Tuy nhiên, thực lòng mà nói thì công việc giữ gìn trật tự này chính xác là của lực lượng an ninh. Không rõ các cơ quan công lực đi đâu hay lại “lực lượng mỏng” (vấn đề muôn thuở) mà để “đội quân tóc dài” phải xung trận?

Trên nguyên tắc, người dân không có nghĩa vụ, và thực sự là không nên tham gia các hoạt động tuần tiễu, săn bắt trộm cướp, truy tìm tội phạm, nhất là khi họ không hề được đào tạo, huấn luyện bài bản. Trong trường hợp… có sơ sảy, thì trách nhiệm thuộc về ai, hay những con người nhiệt tình sẽ hoàn toàn phải hứng chịu mọi hậu quả?

Hoàng Thư

Related Articles

No comments:

Post a Comment