Khoảng 4.000 trang tài liệu chủ yếu là tiếng Anh, liên quan nghi án công ty PCI của Nhật hối lộ quan chức Việt Nam tại TP HCM đã được phía Nhật Bản chuyển giao cho các cơ quan tố tụng Việt Nam.
Ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị bắt. Ảnh: Vũ Mai |
Chiều 9/7, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, những tài liệu này còn phải giám định tính chính xác, thẩm tra lại nên mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ điều tra vụ án. "Tài liệu do phía Nhật Bản cung cấp là căn cứ quan trọng để phục vụ điều tra. Chi phí dịch thuật bộ tài liệu này ước tính khoảng 1 tỷ đồng", ông Truyền cho hay.
Tháng 8/2008, nghi án PCI được mở ra khi phía Nhật đề nghị Việt Nam cùng hợp tác điều tra nghi vấn về việc Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI, Nhật Bản) hối lộ ông Huỳnh Ngọc Sĩ (giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP HCM) để được chọn là nhà thầu tư vấn giám sát dự án đại lộ Đông Tây.
Ngày 12/11/2008 báo chí Nhật Bản đưa tin, các cựu lãnh đạo PCI thừa nhận trước tòa án Tokyo đã lót tay 820.000 USD cho một cán bộ quản lý các dự án ODA ở TP HCM. Lần đưa thứ nhất vào năm 2003 (600.000 USD) và lần thứ hai năm 2006 (220.000 USD).
3 tháng sau, ông Huỳnh Ngọc Sĩ cùng cấp phó Lê Quả đã bị bắt, với tội danh lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ. Qua 4 tháng xác minh, đầu tháng 6, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã hoàn tất điều tra sai phạm xảy ra tại Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP HCM. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, hai ông này có sai phạm trong quản lý tài chính, gây thất thoát hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, vụ án có thể chưa dừng lại mức độ hành vi này, khi những nghi vấn xung quanh việc công ty PCI hối lộ cho phía Việt Nam chưa được làm sáng tỏ.
Cũng trong buổi họp báo chiều 9/7, Tổng thanh tra cho biết, trước thông tin báo chí nước ngoài về việc công ty Australia chi tiền hoa hồng để đổi lấy hợp đồng in tiền polymer tại Việt Nam, Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đã báo cáo Thủ tướng. Chính phủ cũng đã giao các cơ quan chức năng, Bộ Ngoại giao liên hệ với Australia đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu về nghi án trên.
"Họ mới chỉ đưa thông tin một công ty đưa hối lộ mà chưa chuyển tài liệu hay có động thái gì. Việt Nam cũng chưa có tài liệu về việc này nên chưa thể kết luận", ông Truyền nhấn mạnh.
Tổng thanh tra cũng xác nhận, việc in tiền polyme từng bị phát hiện một số sai phạm, nhưng chưa đến mức xử lý hình sự. Cơ quan chức năng cũng không thấy có dấu hiệu nhận hối lộ.
"Chúng ta không bỏ qua, nhưng nguyên tắc xử lý là phải bình tĩnh. Nếu có tài liệu do nước ngoài cung cấp, chúng ta sẽ phải chuyển hóa, có căn cứ mới xem xét. Họ nói rằng đã hối lộ, chúng ta cứ nghe mà truy xét không có cơ sở thì vừa trái pháp luật lại vừa uổng công", người đứng đầu ngành thanh tra nhận định.
Thanh tra Chính phủ vừa kết luận 8 cuộc thanh tra qua đó phát hiện sai phạm hơn 11.130 tỷ đồng, 150.000 USD..., kiến nghị thu hồi ngân sách hơn 1.116 tỷ đồng. 11 tập thể, 24 cá nhân đã bị kiến nghị xử lý hành chính.
Thanh tra Chính phủ cho biết, quá trình triển khai, sử dụng nguồn vốn từ các gói kích cầu của Chinh phủ đã nằm trong "tầm ngắm". Từ nay đến cuối năm, sẽ tiến hành tranh tra bất ngờ tại một số lĩnh vực có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ này.
Ông Truyền cho hay, tiền kích cầu hiện mới giải ngân được hơn 30%. Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đang xác minh việc cung cấp và sử dụng tiền nhằm phát hiện và ngăn ngừa sai phạm, đảm bảo việc kích cầu được thực hiện đúng mục tiêu.
"Chúng ta không đợi đến lúc xảy ra sai phạm thì mới vào cuộc", Tổng thanh tra nêu quan điểm.
Hoàng Khuê
No comments:
Post a Comment