TTCT - Nhân chuyện bãi rác Đa Phước ở TP.HCM vẫn nóng hổi, đầy bức xúc và còn nhiều tranh cãi, CTV tuổi trẻ cuối tuần đã có dịp đến tận nơi đổ rác độc đáo của Singapore và tìm hiểu kinh nghiệm.
Du khảo theo con nước - Ảnh: National Environment Agency |
Nơi đây, con đường đá xanh phủ nhựa với hàng dương gợi nhớ bãi biển Long Hải, các rặng cây đước nhìn không khác lắm bãi biển bồi Cần Giờ, sao biển và vài loại thân mềm khác trông giống ở biển Nha Trang, còn nước biển màu xanh tựa như biển Cà Ná.
Chôn rác giữa biển khơi
Nơi đây cách mấy bãi biển vừa nêu của Việt Nam ngót nghét hai giờ bay. Đó chính là hòn đảo chôn rác nhân tạo Semakau Landfill - bãi chôn rác duy nhất hiện nay của Singapore, 8km theo đường chim bay ngoài khơi bờ biển phía nam đảo quốc sư tử.
Giới chức Singapore tự hào đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới (khi bắt đầu hoạt động mười năm trước) một bãi chôn rác nằm hoàn toàn giữa biển khơi được tạo ra. Dĩ nhiên, chi phí chẳng hề rẻ chút nào: tổng kinh phí xây dựng Semakau Landfill lên đến 610 triệu đôla Singapore (khoảng 7.500 tỉ VND).
Bắt đầu hoạt động năm 1999, Semakau Landfill có tổng diện tích 350ha và có thể chứa 63 tỉ m3 rác. Tính trung bình với khoảng 12,5 triệu đôla Sing mỗi năm (khoảng 155 tỉ VND), người Singapore sẽ không còn phải đau đầu về chuyện tìm chỗ đổ rác ít nhất đến sau năm 2045 (theo Tuổi Trẻ, ngày 9-7-2009, chỉ riêng chi phí xử lý rác của bãi rác Đa Phước ở huyện Bình Chánh (xử lý chôn lấp) đã 1,5 triệu USD mỗi tháng, nghĩa là phải tốn 18 triệu USD một năm (khoảng 320 tỉ VND).
Đường đi của rác
Thật ra bãi rác Semakau Landfill không hoàn toàn là nhân tạo. Ban đầu đó chỉ là hai hòn đảo thiên nhiên nhỏ xíu gọi là Pulau Semakau và Pulau Sakeng nằm gần nhau. Người ta cho xây một bờ kè dài 7km như một bức tường thành để nối hai đảo và ngăn cách phần biển quanh hai hòn đảo này với biển khơi bên ngoài. Phần biển trong bờ kè được phân thành nhiều ô nhỏ (cũng bởi các bờ kè). Rác được đổ vào các ô này đến khi đầy, hết ô này đến ô khác, hết năm này sang năm khác.
Tất nhiên, câu chuyện đổ rác không hề đơn giản như vậy. Rác đổ tại bãi lộ thiên Semakau không phải là rác theo cách thường thấy ở TP.HCM. Gọi đó là tro rác mới chính xác. Để có thể đến được “nơi an nghỉ cuối cùng” tại đảo Semakau, tro rác phải trải qua một đoạn đường khá phức tạp như sau:
Mỗi ngày Singapore thải ra khoảng 16.000 tấn rác. Rác ở Singapore được phân loại tại nguồn (nghĩa là nhà dân, nhà máy, xí nghiệp...). Nhờ vậy 56% số rác thải ra mỗi ngày (khoảng 9.000 tấn) quay lại các nhà máy để tái chế. Khoảng 41% (7.000 tấn) được đưa vào bốn nhà máy thiêu rác để đốt thành tro. Cuối cùng, mỗi ngày chừng 1.500 tấn tro rác cùng với 500 tấn rác không thể đốt được sẽ lên sà lan trực chỉ Semakau Landfill.
Như vậy về khối lượng, từ 16.000 tấn rác mỗi ngày, sau khi đốt rác Singapore chỉ cần bãi đổ rác cho hơn 10% lượng rác đó, xấp xỉ 2.000 tấn. Trong khi đó, mỗi ngày TP.HCM thải ra khoảng 8.000 tấn rác (chỉ bằng 1/2 Singapore) nhưng lại phải tìm chỗ chôn lấp cho ngần ấy số rác (gấp bốn lần Singapore).
Chưa hết, nhiệt năng sinh ra trong khi đốt rác được dùng để chạy máy phát điện đủ cung cấp 3% tổng nhu cầu điện của Singapore.
Câu cá thể thao trên đảo rác - Ảnh: National Environment Agency |
Giữ môi trường quanh đảo rác
Về nguyên tắc, sau khi bị thiêu hủy ở nhiệt độ cao, tro rác không còn là một hiểm họa tiềm tàng. Tuy nhiên để bảo đảm tro rác không xâm hại môi trường đại dương xung quanh, bờ đê ngăn bãi rác với biển được thiết kế nhiều lớp gồm đá, đất sét ở biển (marine clay) và các lớp màng đặc biệt nhằm ngăn chặn nước rỉ rác còn sót lại trong tro rác (nếu có) thẩm thấu vào nước biển.
Hằng ngày, tro rác từ các nhà máy đốt rác được tập trung tại trạm trung chuyển Tuas ở bờ biển phía nam Singapore. Từ đây, các sà lan chở tro rác được tàu kéo di chuyển trên quãng đường dài 25km vượt biển để cập bến Semakau Landfill. Sà lan được thiết kế với nắp đậy kín để ngăn tro không bay ra biển trong quá trình vận chuyển.
Tại Semakau, các sà lan tro rác được đưa vào bên trong nhà trung chuyển có mái che. Trong đó, đội xe xúc bốc tro rác đổ đầy các xe tải chở được 35 tấn, mỗi chiếc có nhiệm vụ đổ tro rác đến các ô trống trên “đảo rác”.
Bốc tro rác từ sà lan - Ảnh: National Environment Agency |
Du lịch dã ngoại ở đảo rác
Ý tưởng về bãi rác giữa đại dương đã được Đài truyền hình CNN tường thuật dưới tiêu đề: Lời giải sinh thái - thử nghiệm những sáng tạo trong kỹ thuật xanh. Nhưng còn chuyện cắm trại giữa bãi rác này thì sao?
Đã quen với việc các khu vui chơi giải trí ở quê nhà làm chuồng cho muông thú để khách tiêu khiển, một nhà báo Việt Nam khi thăm Semakau thắc mắc các loài chim và thực vật trên đảo rác này lấy từ đâu? Câu trả lời: “Tất cả đều là sinh vật tại chỗ, một số loài thực vật được gió phát tán hoặc chim trời mang đến”.
Tại “Semakau mới”, hai khu rừng đước rộng 136.000m2 được trồng để bù lại số cây đước tự nhiên bị ảnh hưởng khi xây dựng hòn đảo nhân tạo. Ngoài việc đóng vai trò tái tạo quần thể cây đước tại đây, loài thực vật này còn là “cây chỉ thị” cho chất lượng nước xung quanh hòn đảo - nếu cây kém xanh tươi, tất nước “có vấn đề”.
Bốn năm trước, tháng 7-2005, khi dự buổi lễ khai trương Semakau, Bộ trưởng Môi trường và tài nguyên nước Singapore Yaacob Ibrahim muốn có một nơi dã ngoại ngoài khơi “bờ biển” Singapore. Sau đó, “bãi rác” này đã trở thành nơi cắm trại với nhiều loại hình tiêu khiển ngoài trời như: du khảo theo con nước (intertidal walks) để tìm hiểu sinh cảnh biển khi nước triều xuống, ngắm chim, ngắm sao đêm, câu cá thể thao. Đặc biệt, từ năm 2006 Semakau đã có thiết bị phát điện bằng năng lượng gió và mặt trời đủ cung cấp năng lượng chiếu sáng cho các buổi cắm trại đêm và máy tính xách tay.
Theo quy hoạch, khi bãi rác này đóng cửa vào khoảng năm 2050, Semakau Landfill sẽ hoàn toàn trở thành hòn đảo xanh với những ngọn đồi mấp mô và hồ nước trên đồi - một hòn đảo sinh thái dành cho du lịch.
Sơn Tùng
No comments:
Post a Comment