Monday, June 1, 2009

Cha - con và... nước

(TuanVietNam) - Câu nói "đời cha ăn mặn, đời con khát nước" không chỉ ứng với luật nhân quả mà còn là sự nhắn nhủ cho một sự nối tiếp, sự tiến hóa theo chiều đi lên; cho dù cuộc sống không phải bao giờ "sóng yên biển lặng".


Biệt nghiệp, cộng nghiệp

Theo báo cáo của Chính phủ, trong số 25 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2008, có ba chỉ tiêu đạt thấp hơn mức đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước là mức tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất khẩu và tỉ lệ che phủ rừng. Trong đó, tỉ lệ che phủ rừng chỉ đạt 39%, thấp hơn 1% so với báo cáo.

Trước nhiều tác động tiêu cực của thiên nhiên, môi trường trong nhiều năm trở lại đây thì con số 1% có lẽ nghe qua sẽ thấy nhỏ nhoi. Nhưng kể cả thực tế có vậy thì cứ năm này qua năm khác, trong chúng ta có những người cứ ăn lẹm vào rừng, vào tài nguyên đất nước chỉ 1% thôi thì với tốc độ giảm dần đều độ xanh tươi mỗi năm ngần đó, có thể không nhìn ngay thấy được, thì theo quy luật "tích gió sẽ thành bão", đứt dây ắt sẽ khó tránh khỏi động rừng.

Ai cũng hiểu có rừng xanh, biển lặng thì mới có những nguồn nước mát lành và như một bài hát rất hay thì một rừng cây cũng như một đời người...

Môi trường thiên nhiên đang kêu cứu và con người có thể phải trả giá đắt - nếu nói mãi điều đó thì sẽ thành rao giảng, thành "biết rồi khổ lắm" nhưng... cứ để thế mãi. Nhưng nếu không tiếp tục nói để rung lên những hồi chuông cho trách nhiệm và hành động cụ thể thì đến đời sau, những khoảng trống ô nhiễm, xâm hại và mất mát lộ rõ, thì "đời con" liệu có mãi phải khát vì cạn kiệt nước nguồn.

Hoặc là, Hà Nội đã rộng lớn hơn và cũng ngập lụt nhiều hơn, nặng nề hơn. Còn TP Hồ Chí Minh mùa nắng thì quá chói chang còn mùa mưa thì phố phường thành dòng sông uốn quanh. Nước đấy mà vẫn "khát", thế mới trớ trêu, buồn tủi.

Trong Phật pháp, một trong những quy luật được thuyết giảng nhiều nhất là luật nhân quả, trong đó có câu nó quen thuộc trong cuộc sống: Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.

Câu nói ấy mới nghe qua thì có vẻ nó trái với luật nhân quả, vì theo luật nhân quả thì gieo nhân nào gặt quả nấy, ai làm nấy chịu, ai có "nghiệp" (karma) của người nấy, không ai thay thế cho ai, cha ăn mặn thì sẽ thấy khát nước.

Thế nhưng, nếu hiểu rằng bên cạnh "biệt nghiệp" còn có "cộng nghiệp", ngoài sự tồn tại cá nhân thì còn có gia đình, cộng đồng, gắn bó, có mối dây duyên nợ, máu mủ, thân tình tác động đến nhau. Vậy nên đời cha "ăn mặn" sẽ khiến thế hệ tiếp nối sau này gánh chịu hậu quả.

Điều ấy cũng hợp với lẽ nhân sinh, đạo lý: Nếu con cháu được ăn trái ngon thì không quên ơn đức mẹ cha, ông bà cấy trồng, vun sới. Đời cha vất vả, đời con an lành. Và ngược lại, từ trong văn hóa truyền thống dân tộc đã dăn dạy rằng: Một người làm xấu, cả họ mang nhơ. Mỗi hành động tốt hay xấu của mỗi thành viên trong gia đình hay trong một đoàn thể, rộng ra là cả quốc gia dân tộc, có tác động đến cộng đồng, đâu có thể "xin em giấu cho em riêng em biết", nhất là trong thời thông tin bùng nổ hôm nay.

"Đất bán hết rồi đàn trâu về đâu"

Chẳng thể bao biện rằng khai thác tài nguyên hôm nay là để tận thu kịp thời, quay vòng nguồn vốn cho hôm nay khi nó chưa được sự đồng thuận, khi còn nhiều điều chưa được thể hiện rõ như ban ngày.

Từ những chuyện nhỏ như như câu hát trong bài "À í a" của Lê Minh Sơn "đất bán hết rồi đàn trâu về đâu" mang mác tiếng quê hương đến những chuyện lớn hơn như nhiều hộ gia đình có tiền giải tỏa bán đất, nguồn vốn quý từ đất chuyển thành tiền, nhưng không biết hoạch định chi tiêu rồi sau tiền cạn, có "tay gậy tay bị khắp nơi tung hoành" thì đã muộn...

Nếu có vốn quý ông bà để lại cho cháu con thì cháu có có điều kiện đi xa trông Tây ngó Đông, thông làu kinh sử hơn ông bà thì càng phải biết giữ gìn, nhân rộng vốn quý ấy, thế mới là "đắc đạo". Có ai khi về quê cha đất tổ mà không rưng rưng cảm động trước những vườn cây xum xuê, hoa trái trải dài, như "của để dành" mà ông bà, ba mẹ làm của "hồi môn" cho con cháu, để khi con cháu được trang bị điều kiện tốt hơn, sẽ tự biết phải làm sao đem hoa trái đi xa hơn lũy tre làng...

Thế nên câu nói "đời cha ăn mặn, đời con khát nước" còn là sự nhắn nhủ cho một sự nối tiếp, sự tiến hóa theo chiều đi lên cho dù cuộc sống không phải bao giờ "sóng yên biển lặng". Thế hệ đi trước biết nghĩ đến thế hệ đi sau, dành đến tương lai những gì tốt đẹp nhất, đó cũng là một lối ứng xử văn minh.

Nói như đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc hôm 26/5/2009 tại nghị trường: "Trong tư duy của Chính phủ có dự trữ cho tương lai, có để dành cho con cháu không hay cứ có chút của nả nào của tổ tiên để lại là làm cho bằng hết? Đất đai, than đá, dầu khí hiện chiếm một tỉ trọng rất cao trong thu ngân sách là một biểu hiện.

Người phương Bắc họ có Thập Tam Lăng là 13 ngôi mộ của các hoàng đế, họ chỉ khai thác một vài còn để lại cho con cháu khi đủ tiền, đủ tài. Còn khoáng sản họ mua thô để dành cho con cháu tương lai. Tổ tiên ta đã dạy "lọt sàng xuống nia" hay nhiều câu hay hơn là "đời cha phải tập ăn nhạt để đời con mới có nước uống".

Nghĩ đến những điều về "cuộc sống nối tiếp" ấy có lẽ cũng giúp cho cả "cha" cùng "con" ứng xử tốt hơn, hướng đến những điều tốt đẹp hơn với mỗi "mầm sống" được ươm trồng.

Bùi Dũng

Related Articles

No comments:

Post a Comment