Saturday, June 13, 2009

Bà bệnh

Bà bệnh, nằm bệnh viện đã gần một tháng nay, mấy bố con mình vào ra thăm nom chăm sóc bà, hai con đã nhìn thấy gì và học được gì?

Bệnh viện, như một ngôi trường xã hội, tổng hợp tất cả trạng thái cảm xúc của con người, nơi hy hữu tập trung nhiều kiểu nghèo ở mọi vùng quê nước Việt và là một chỗ để mình có thể cảm nhận với trải nghiệm của nhiều thái cực tâm hồn.

Ngoài giờ thăm bà, bố thường đưa con đi lang thang qua những hành lang tăm tối, để nhìn thấy nhiều cảnh đời đáng buồn đáng thương, để biết rằng ta vẫn còn rất nhiều may mắn được sống trong sự trọn vẹn và đủ đầy.

Con đã thấy những hình hài không trọn vẹn, băng bông bịt kín, nằm la liệt vất vưởng không ai để tựa vào. Những cái trán đóng đinh kéo căng ngược trên giường sắt để cố định và gắn kết xương cổ. Con đã biết sợ, một thoáng rùng mình để biết cẩn thận với từng bước chân.

Con đã nhìn thấy những gia đình nghèo khó, có người mẹ còm cõi nhịn ăn để dành số tiền ít ỏi mua thuốc cho con mình. Cũng người mẹ ấy, đã băng qua đường mua cháo cho con mình, bị tai nạn xe, qua đời, đứa con không nhấc được cơ thể lên để khóc thương người mẹ.

Con đã thấy người cha cõng con mình vượt qua hàng nghìn cây số chỉ để mong chờ một niềm hy vọng vào phép lạ. Đứa bé nằm im dán mình vào tấp drap mỏng, mở đôi mắt thật to như sợ ai đó tước mất quyền-được-nằm-trên-giường bệnh của mình.

Con đã nhìn thấy những chai nước biển nhỏ từng giọt từng giọt, người nhà phải ngồi canh chừng, và khi hết nước biển, gọi cô ý tá trong tâm trạng hồi hộp lo sợ, vì biết thể nào cũng nghe lời trách móc đay nghiến, đặc biệt là nếu nước biển hết vào giờ khuya. Đã có người nhà khóa van vì không dám làm phiền y sĩ trực đêm đang ngủ.

Con đã thấy có những thân thể bẹp dí trên giường bệnh, đau nhức không dám lên tiếng rên khẽ, vì sợ sự khó tính cau có của những kẻ khoác áo blue trắng. Một người đàn ông vừa thở nhẹ “đau quá cô ơi, khi nào có thể mổ được” và lập tức bị trấn áp bằng chất giọng cường độ cao “nằm đó đi, mới có một tháng mà la lối cái gì, người ta nằm mấy tháng có nói gì đâu”.

Con đã nhìn thấy những gia cảnh đáng thương, hai người nằm trên một giường bệnh trở đầu nhau, có người nằm trên băng ca ngoài hàng hiên nắng gió, không một tiếng rên la, nhẫn nhịn chờ đợi, cắn răng chịu đựng, vì họ nghèo, vì họ biết thân phận của mình và họ sợ tiếng la lời mắng của những y công mang trên mình bệ vệ đầy y đức.

Con đã nhìn thấy những bộ đồ xác xơ sũng nước vắt vẻo tay vịn cầu thang, của những người phụ nữ nuôi chồng, những người mẹ nuôi con, họ ngồi lây lất những nơi có thể ngồi, nằm vạ vật những nơi có thể nằm, họ có thể nhổm dậy thu dọn chiếu mền trong một cái chớp mắt, để các cô hộ lý điều dưỡng ung dung bước đi không vướng bận gót hồng.

Con đã nhìn thấy các cô thu ngân gọi tên người đóng tiền với chất giọng hách dịch cau có dằn dỗi bực dọc, nhưng cũng những con người ấy, lại đổi giọng niềm nở ân cần chu đáo lịch thiệp khi tiếp người khách với trang phục nhìn có-vẻ-có-tiền.

Con đã nhìn thấy trang thờ tượng phật trên lầu bốn, nơi bố và nhiều người khác vẫn thường mua hương hoa khấn vái mong bình an cho bà nội, khi mà ta không hoàn toàn tin vào hệ thống y tế và những người được gọi là y sĩ, thì ta đành phải cố tin vào mảng bê tông mang dáng dấp một con người.

Con đã nhìn thấy và con sẽ tiếp tục nhìn thấy, bố mong con biết đau với nỗi đau đồng loại, biết thương thân phận người nghèo, biết xót xa với những điều tủi nhục, biết căm phẫn với những sự bất công, biết buồn phiền với những điều cay đắng.

Để sống,

Và để vươn lên.

http://blogduynguyen.wordpress.com/2009/05/21/ba-b%E1%BB%87nh/

TOU's Blog

Related Articles

No comments:

Post a Comment