Friday, June 26, 2009

Người Mỹ dạy bài học cô bé Lọ Lem như thế đấy

Giờ học văn bắt đầu. Hôm nay thầy giảng bài Chuyện Cô bé Lọ Lem.

Trước tiên thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem. Em học sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.

Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi?

Học sinh (HS): Thích Cô bé Lọ Lem Cinderella ạ, và cả Hoàng tử nữa. Không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.

Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?

HS: Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Leo ôi, trông kinh lắm !

Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy !

HS: (im lặng, lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.

Thầy: Vì sao thế ?

HS: Vì … vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.

Thầy: Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi.
Bây giờ thầy hỏi một câu khác: bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội ?

HS: Vì có cô tiên giúp ạ, cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.

Thầy: Đúng, các em nói rất đúng ! Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?

HS: Đúng ạ !

Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về nhà được không ?

HS: Không ạ !

Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt.
Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử được không ?

HS: Không ạ ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu.

Thầy: Đúng quá rồi ! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử ?

HS: Chính là Cinderella ạ.

Thầy: Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể làm cho Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế nào ?

HS: Phải biết yêu chính mình ạ !

Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không ?

HS: Đúng ạ, đúng ạ !

Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không ?

HS: (im lặng một lát) Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ.

Thầy: Trời ơi ! Các em thật giỏi quá ! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại (nhà văn Pháp Charles Perrault, tác giả truyện Cô Bé Lọ Lem - chú thích của người dịch) mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này có ai trong số các em muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem ! Các em có tin như thế không ?

Tất cả học sinh hồ hởi vỗ tay reo hò.


Cảm nghĩ sau khi đọc bài “Người Mỹ giảng dạy chuyện Cô bé Lọ Lem như thế đấy”

Thời Hàn Băng (nhà báo Trung Quốc)

Bài “Người Mỹ giảng dạy chuyện Cô bé Lọ Lem như thế đấy” để lại trong tôi một ấn tượng mạnh hơn bất cứ lời bình nào về nền giáo dục của nước Mỹ.
Người thầy giáo trong bài báo ấy chẳng khác một thiên thần. Ông đem lại cho lũ trẻ lòng công bằng, tình yêu thương, tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tư duy lý tính, ý nghĩa của cuộc đời … Với cách giáo dục như thế, sao mà lũ trẻ không có tình thương, sao mà chúng còn chịu sự ràng buộc và hạn chế của những điều này khoản nọ nào đấy ?

Tôi bỗng nhớ lại hồi học trung học, thầy giáo có tổ chức cho chúng tôi học tập tấm gương Lại Ninh.

Chuyện Lại Ninh như sau: Ngày 13 tháng 3 năm 1988, thiếu niên Lại Ninh 14 tuổi bỗng phát hiện thấy có đám cháy trong rừng, anh liền tức tốc chạy tới chỗ cháy và cầm lấy một cành cây hăng hái quên mình dập lửa. Tuy các đội viên đội chữa cháy từng khuyên mọi người chớ chạy đến gần đám lửa, nhưng vì không đành lòng nhìn thấy tài sản của nhà nước bị thiệt hại, Lại Ninh vẫn tiếp tục dập lửa. Sau cùng đám cháy rừng bị dập tắt, hơn 3500 mẫu rừng được cứu thoát, trạm vệ tinh chuyển tiếp truyền hình trong rừng và nhà kho của công ty dầu lửa cũng bình yên vô sự. Sáng hôm 14, người ta tìm thấy xác Lại Ninh trong đống tro rừng. Tay phải anh vẫn còn nắm chặt cành cây, mặt hướng lên đồi, cặp kính cận thị văng đâu mất, tay trái bám lấy mặt đất, chân phải ở tư thế leo lên đồi. Lại Ninh đã vĩnh biệt chúng ta nhưng tinh thần của anh mãi mãi còn sống với chúng ta. Anh là tấm gương để chúng ta học tập noi theo ! Anh mãi mãi là niềm kiêu hãnh của chúng ta !

Lại Ninh là một thiếu niên tốt và có tinh thần quý trọng của công rất cao. Thế nhưng tại sao chúng ta không dạy dỗ trẻ em cách phòng tránh khi có cháy rừng mà lại khuyến khích các em chạy tới đám cháy? Có “tài sản nhà nước” nào quý hơn tính mạng con người chăng? Những người thân của Lại Ninh sẽ phải chịu đựng nỗi đau như thế nào vì chuyện ấy? Còn có cách giáo dục nào thiếu đạo đức hơn lối dạy trẻ em như thế không? Nhất là ngày nay, trong khi một lũ quan tham ra sức chiếm đoạt “tài sản nhà nước” thì ta vẫn tiếp tục dạy dỗ các em hy sinh thân mình để bảo vệ một loại tài sản nào đó, thử hỏi đạo trời ở đâu?

Tại nước Mỹ, khi xảy ra nguy hiểm, các thầy cô giáo bao giờ cũng khuyên răn học trò rời xa ngay nơi đó và hướng dẫn chúng rất tường tận cách tránh né. Họ hiểu rằng tính mạng giữ được thì lại có thể làm ra tài sản… Cách giáo dục của chúng ta thì có thể đưa bao nhiêu thanh thiếu niên ưu tú đi tới chỗ chết !
Thế nhưng trước đây tôi đâu có biết đạo lý ấy. Tôi từng mong muốn mình cũng được như Lại Ninh liều thân chữa cháy, dẫu có hy sinh trong đám lửa thì cũng không quản ngại. Cho tới năm học lớp 12, tôi được một thầy giáo trẻ (dạy môn sử) có lương tri bảo ban, dần dần hiểu rõ thực chất của nhiều vấn đề, từ đó tôi bắt đầu suy nghĩ sâu sắc. Sau khi trở thành nhà báo, đi nhiều thấy nhiều, tôi dần dần hiểu ra rằng tính mạng con người, tình thương yêu, lòng khoan dung và niềm tin mới là thứ đáng quý nhất.

Kiểu giáo dục khuyên bảo lũ trẻ con ấu trĩ xông vào cứu cái gọi là “tài sản nhà nước” ấy thật đáng trách, ngay cả loài cầm thú cũng chẳng làm thế. Tất cả mọi thứ vật chất đều có thể làm lại, riêng sinh mạng thì không thể.

Cách giáo dục ấy hủy hoại lũ trẻ từ nhỏ, xóa bỏ thiên tính của chúng, ươm trồng hạt giống tính nô lệ. Ngay từ ở nhà trẻ, có cô giáo đã quyết định thái độ đối xử với từng cháu tùy theo bố mẹ cháu chức vụ cao hay thấp, giàu hay nghèo; ngay từ tuổi ấy chúng đã dần dần học được cách lấy lòng cô giáo. “Nô tính” ấy thâm căn cố đế tới mức sau này có người leo lên địa vị lãnh đạo rồi mà vẫn còn giữ thói cũ, thậm chí còn nặng hơn. Thấy khách nước ngoài thì cung kính vâng vâng dạ dạ; thấy quần chúng bình thường thì nạt nộ ra oai… Thật là đáng buồn làm sao!

Chế độ giáo dục xóa bỏ lương tri, tính người, hủy hoại tình thương yêu, trau dồi nô tính và tính phục tùng, gạt người nghèo ra khỏi ghế nhà trường chẳng những chỉ đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo mà còn hủy hoại tiền đồ của một dân tộc. Nếu không thấy rõ sự khác biệt giữa chúng ta với người Mỹ ngay từ cách giáo dục trẻ em, nếu không cải tổ nền giáo dục mà cứ phát triển theo kiểu giết gà lấy trứng như thế này thì chúng ta sẽ mãi mãi chẳng đuổi kịp người Mỹ và con cháu chúng ta sau này sẽ phải trả giá đau khổ cho cách tăng trưởng kinh tế này./.

Nguyễn Hải Hoành

Thursday, June 25, 2009

19/06/2009

(TuanVietNam) - Thật trùng hợp khi đa số câu chuyện mà "Phát ngôn & Hành động ấn tượng" chọn ra trong tuần này "quy về một mối"- đó là một số quy định mới ban hành.


Lổ hổng pháp lý

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc (Ảnh: VNE)

Trong phiên chất vấn hôm 13/6 tại Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc kiến nghị thu hồi 50/145 dự án sân golf.

Câu chuyện về bội thực sân golf đang nóng hổi ở nhiều địa phương. Nhất là vừa qua, vỡ lở việc hàng loạt dự án sân golf được cấp phép cấp tập trong thời điểm chuẩn bị sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội.

Theo Nghị định 108 của Chính phủ ban hành 9/2006 đã phân cấp quyền cấp phép tối đa cho các địa phương thay vì giao cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư như những năm trước đó.

Kết quả là các địa phương cạnh tranh quyết liệt thu hút dự án, không chỉ golf mà còn dự án thép, lọc dầu, resort, cảng biển... đều đã mọc lên tràn lan, gây nhiều bức xúc, "bỏ thì thương mà vương thì tội". Trong khi đó, năng lực thẩm định của đơn vị cấp phép còn hạn chế.

"Việc phân cấp đầu tư là đúng đắn, nhưng cần phải có quy chuẩn cụ thể làm cơ sở để cấp phép và giám sát. Rõ ràng, đây là một lỗ hổng pháp lý... và nó cần được trám lại trước khi quá muộn", tờ Sài Gòn Tiếp Thị hôm 17/6 bình luận.

Chưa sửa Luật Báo chí mới

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn (Ảnh: VNN)

Diễn tiến phiên họp Quốc hội chiều 17/6 cho hay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010.

Theo đó, Quốc hội nhất trí là dự án Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ tiếp tục cho lùi lại chuẩn bị kỹ hơn để trình ra vào thời gian thích hợp. Lý do vì báo chí là lĩnh vực phức tạp, đang còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết.

Trước đó, dự án luật này đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 nhưng đã phải lùi lại.

Trên VietNamNet, Thứ tưởng Đỗ Quý Doãn băn khoăn việc hoãn trình QH Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung hoặc chưa có Luật Báo chí mới sẽ là một sự chậm trễ, khiến quản lý chưa theo kịp sự phát triển của ngành.

Quy trình làm luật ngược

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Soạn thảo văn bản pháp luật trước khi quyết định chính sách thì cũng giống như xây nhà trước khi thiết kế ngôi nhà. Mặc dù, chuyện vừa thiết kế vừa thi công trong xây dựng cơ bản rất ít khi được chấp nhận, thế nhưng chuyện vừa soạn luật, và xử lý chính sách lại đang là thực tế phổ biến ở nước ta.

Điều này làm cho việc soạn thảo các văn bản pháp luật nhiều khi thật giống với việc "đẽo cày giữa đường". Qua mỗi lần trình bẩm, mỗi lần xin ý kiến, các chính sách lại được sửa đổi, được rút ra, rồi lại được đưa vào liên tục và không có điểm dừng.

Và, có lẽ, đây là lý do giải thích tại sao việc soạn thảo văn bản pháp luật ở nước ta thường kéo dài lê thê, mà các văn bản pháp luật lại có chất lượng không cao", TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nếu ý kiến trên Tia Sáng (20/6).

Tại sao chưa ai kiện ngành điện?

LS. Nguyễn Hữu Huỳnh

"Hầu hết các doanh nghiệp rất bức xúc về chất lượng cung cấp và tình trạng cắt điện. Nhưng tại sao không ai kiện? Đây là câu hỏi tôi thường đặt ra khi làm việc với các DN và họ đều hỏi ngược lại kiện xong rồi mua điện của ai?", luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) hỏi.

Ông Huỳnh phân tích, khi mất điện đột ngột mà không được báo trước thì "bên mua điện hoàn toàn có thể kiện ngành điện ra tòa nếu bị vi phạm hợp đồng""bên bán điện phải chịu mức phạt bằng 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, ngoài ra phải bồi thường thiệt hại phát sinh do vi phạm hợp đồng". (Người lao động, 16/6)

Trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng VN lâu nay ở hiền mà chẳng gặp lành, chưa được đối xử tử tế. Bây giờ, nếu người tiêu dùng tỏ ra "ghê gớm" hơn bằng cách vác đơn đi kiện theo trình tự như luật sư Huỳnh đưa ra thì cũng dễ lâm vào cảnh... kiện tôi thì ông ở với ai (!?). Và thế là năm này qua năm khác, điện cứ tắt bụp liên miên mà người dân vẫn phải "ngậm bồ hòn". Nhưng nếu không ai kiện thì sẽ phải ấm ức với tình trạng này đến bao giờ?

Hầm vừa thông xe đã bị bôi bẩn

Hầm vừa thông xe đã ngập

Quả là không may mắn, hầm đường bộ nút giao thông Kim Liên (Hà Nội) mới vừa thông xe sáng 16/6, thì chiều cùng ngày đã bị một nhóm thanh niên vẽ bậy nhoe nhoét lên bức tường trắng toát. Đáng buồn không kém là dù hầm đường bộ đã thông nhưng nút giao thông ở khu vực này vẫn... tắc.

Có hai nguyên nhân được đưa ra là do nhiều người dân vẫn chưa biết đường hầm đã thông, còn người biết thì lại đoán... vì trời mưa, sợ đường đang bị ngập nên vẫn đi đường đường khác cho lành!

Chẳng là trước đó, chỉ sau 2 tiếng đồng hồ thông xe, qua một cơn mưa lớn, hầm đã phải đóng cửa vì ngập nước tới nửa bánh xe.

Theo ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm Hà Nội, chủ đầu tư dự án nút giao thông này - "hầm ngập không có gì bất ngờ" vì hệ thống bơm chính chưa được đưa vào hoạt động. Nghe nói, đến tháng 10 hầm đường bộ này mới chính thức hoàn thiện. (VietNamNet, 16/6)

Bạo lực át thể thao

Ông Nguyễn Hải Hường

"Theo tôi, ở mỗi trận đấu bóng đá, vấn đề an ninh luôn cần phải được đặt lên hàng đầu còn chuyên môn chỉ xếp hàng thứ hai thôi", ông Nguyễn Hải Hường, Trưởng Ban Kỷ luật của Liên đoàn bóng đá VN (VFF) trả lời sau cuộc loạn đả giữa CĐV Hải Phòng và cảnh sát cơ động.

Theo lẽ đó thì đi xem bóng đá VN phải đổi lại là xem... đấu bóng, thật buồn với người muốn thưởng thức vẻ đẹp của thể thao. Theo đó, có lẽ Liên đoàn phải thiết lập và tăng cường chức năng của "ban an ninh" lên hàng đầu để những vụ loạn đả đau thương, bạo lực trong và ngoài sân có mới giảm bớt, đỡ làm khó thường xuyên cho... Ban Kỷ luật!

Riêng trong vụ xô xát sau trận đấu giữa Thể Công và Xi măng Hải Phòng trên sân Hà Nội - có thể coi là một vét nhơ của mùa bóng năm nay - thì rõ ràng hành vi của các CĐV quá khích cần phải lên án trước tiên. Hình thức phạt đã được Ban Kỷ luật đưa ra là cấm các CĐV Hải Phòng đến sân khách, nhưng được có mặt sân nhà.

Nếu vẫn chỉ đưa ra được những giải pháp, cách thức xử lý nửa vời mà thiếu biện pháp, chế tài hữu hiệu, cụ thể sẽ chỉ làm khó cho công tác bảo an ninh trong nền bóng đá mà vấn đề bạo lực sân cỏ luôn ở mức "báo động" và hết vụ này đến vụ khác xảy ra trong nhiều năm nay.

Cơ quan quản lý có ... lách luật?

Thứ trưởng Lê Tiến Thọ

Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng vừa ký công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Khánh Hòa về việc tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Thế giới người Việt 2009” tại tỉnh Khánh Hòa.

Điều này khá bất ngờ đối với công chúng, vì theo Quy chế mới về tổ chức hoa hậu đã ban hành cách đây không lâu, có một điểm mấu chốt bị cho rằng bất hợp lý là quy định mỗi năm chỉ có một cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia được cấp phép tổ chức. Các cuộc thi khác chỉ được lấy tên là "hoa khôi" chứ không phải "hoa hậu".

Suất "hoa hậu" duy nhất đã thuộc về cuộc thi Hoa hậu Quý bà. Vậy thì cuộc thi "Hoa hậu Thế giới người Việt" không phải cấp quốc gia và mang danh "hoa hậu" rất rõ ràng hay sao?

Ông Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, nói: Quy chế không phải là bất biến, có thể có điều chỉnh nhưng không phải phá bỏ những cái đã ban hành.

Còn Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Lê Tiến Thọ cho biết: việc cho phép tổ chức Hoa hậu Thế giới người Việt 2009 không trái quy chế mới, bởi đây là cuộc thi có yếu tố nước ngoài chứ không chỉ gói gọn ở quy mô trong nước. (Đất Việt, 17/6)

Hoa hậu Thế giới người Việt vẫn là cuộc thi dành cho thí sinh người VN ở trong và ngoài nước. Vậy các cuộc thi hoa hậu khác muốn được cấp phép, họ "lách luật" bằng cách mở rộng đối tượng cho cả thí sinh ở nước ngoài tham gia - một việc rất đơn giản - thì có được cấp phép không?

"Đã cấm là cấm"

Dù thêm phụ kiện hay không thêm phụ kiện, nghệ thuật hay không nghệ thuật, đã cấm là cấm! (Ảnh: Pháp luật TPHCM)

Theo “Quy định về hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP.HCM” (gọi tắt là Quyết định 39) do UBND TP.HCM vừa ký quyết định ban hành có hiệu lực từ 15/6, một trong 16 hành vi bị nghiêm cấm trong quảng cáo là “dùng hình ảnh sản phẩm minh họa quảng cáo, ma-nơ-canh trưng bày quần, áo lót, băng vệ sinh, tã lót ở nơi công cộng hoặc mặt tiền nơi sản xuất, kinh doanh”.

Theo ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Văn hóa gia đình, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP.HCM: "Mặt tiền là phía trước nơi sản xuất kinh doanh. Nếu người đi đường không thấy ma-nơ-canh mặc quần, áo lót ngay trước nơi kinh doanh tức không vi phạm. Đặt ma-nơ-canh miễn sao người đi đường không thấy là được".

Thế nhưng, oái oăm là theo Quy định đó thì "bikini vẫn được cho phép trưng bày với ma-nơ-canh" vì vẫn theo ông Vinh " bikini là sản phẩm thời trang có thể mặc nơi công cộng là hồ bơi, bãi biển. Quần, áo lót không ai mặc nơi công cộng, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam". (Pháp luật TPHCM, 18/6)

Như vậy, quảng cáo ở nơi không thể gọi là quảng cáo; hay nói cách khác quảng cáo ở... góc khuất chính là "điểm nhẩm" của Quy định mới kể trên.

Thật trùng hợp khi trong thời điểm này, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) cũng vừa công bố Dự thảo Thông tư trình diễn thời trang, trong đó có quy định sẽ không được trình diễn thời trang nội y ở những sân khấu lớn. (VTC News, 16/6)

Danh Anh

Saturday, June 13, 2009

Điều độ - Nguyễn Thiên Ngân

Anh thuộc cung Thiên Xứng, hiện thân của sự cân bằng: điềm tĩnh nhưng sinh động, lạnh lùng nhưng nhạy cảm, trải nghiệm mà khờ khạo, lý trí mà lãng mạn. Sẽ chẳng bao giờ nàng chán ghét anh. Nói vậy e chừng có hơi lạc quan, vì họ chỉ vừa dọn về sống chung chừng ba tháng và đám cưới vẫn còn là một khái niệm gì đó rất xa lạ trong ý nghĩ của mỗi người.

Anh không hút thuốc, cũng ngừng uống rượu từ khi biết mình có khả năng bị tăng men gan, chỉ thi thoảng nhấp một ngụm trong tiệc tùng cho phải phép. Anh cũng không uống nước có gas, không ăn những món có dầu mỡ và đồ chiên xào nướng để giữ sức khỏe. Thậm chí anh từng thổ lộ muốn trở thành một vegetarian (người ăn chay) nhưng như thế thì hơi bất tiện khi suốt ngày phải ăn cơm công ty, nên đành ăn uống lành mạnh hết sức có thể. Mỗi sáng anh đến phòng gym một giờ và cuối tuần thì đi bơi đều đặn. Nàng tưởng như anh nắm rõ mọi quy tắc về phép điều độ trên đời.

Nàng sống có phần buông thả, nếu không muốn nói là trái ngược với anh. Nàng không nghiện thuốc lá, nhưng một vài lúc phải làm việc cật lực nàng thường giữ sự tập trung bằng cách hút thuốc vị the và cảm thấy nhớ chết đi được nếu thiếu chúng. Nàng hay thức đêm, có khi hơn 48 tiếng không hề chợp mắt chỉ để đọc sách hay chúi đầu vào bộ xếp hình. Lúc khát, nàng chỉ duy nhất nghĩ đến một ly Cola lạnh bốc khói. Nàng mê ăn fast-food và những món chiên xào nướng dù có lúc cũng khá buồn bực vì vòng hai của mình. Nàng lười tập thể dục. Môn thể thao nàng yêu thích duy nhất là chơi cờ vua. À, và nàng mắc chứng đau đầu kinh niên.

Chúng ta sẽ cùng sống điều độ nhé! Anh nói trong bữa tiệc mừng ngày họ chính thức dọn về sống cùng. Nhưng thi thoảng em uống nước ngọt có gas được không? Nàng hỏi nho nhỏ, sợ anh nghiêm mặt lặp lại bài ca con cá về mối thù giữa nước có gas và sức khỏe. Anh nhìn nàng một lát rồi cười khùng khục. Gì vậy? Em ấy mà. Em thế nào? Em sẽ khó đào tạo lắm đây!

Điều độ thì điều độ, sợ gì! Nàng nghĩ. Nhưng điều độ không phải là một viên kẹo để sẵn, để ta bóc vỏ nhét vào miệng lúc nào tùy ý. Nàng phát hiện ra điều này khi họ cùng đi siêu thị cho những ngày đầu tiên sống bên nhau. Nàng hăm hở chọn một túi lớn cánh gà đông lạnh. Anh đứng hơi tần ngần một chút rồi hỏi em định làm món gì. Cánh gà chiên nước mắm. Nàng hồn nhiên đáp. Món đó em làm rất ngon. Anh nói nhỏ, sợ làm nàng buồn: anh không ăn đồ chiên xào. Nàng tặc lưỡi: à em quên. Rồi hôm đó họ về nhà với sữa chua, trái cây, rau cải, ba loại nấm và một tẹo thịt bò.

Tuần sau nữa cũng thế.

Tuần sau nữa cũng thế.

Và tuần sau nữa, sau nữa, sau nữa cũng thế. Nàng muốn làm một món gì đó và anh luôn cho rằng nó có quá nhiều dầu mỡ.

Nàng bắt đầu nghĩ chắc hẳn hồi bé anh đã từng nốc cả một can dầu nên bây giờ mới sợ dầu mỡ dữ vậy. Nàng hỏi anh có từng thích ăn đồ chiên xào không, vì chúng rất ngon? Anh suy nghĩ một lát rồi đáp có thể anh đã từng đấy, à không, đúng là anh đã từng. Nhưng khi ý thức được chúng không tốt cho sức khỏe, tự dưng anh không thích chúng nữa. Ý thức của anh quyết định ý thích, vậy đó! Nàng thở dài, anh tuân lệnh ý thức đến vậy ư? Hả, em nói gì? Không, em chẳng nói gì cả.

Lúc đầu, nhung nhớ thói quen, những bữa ăn trưa ở công ty, nàng mặc sức gọi fast-food và đồ chiên xào. Nhưng riết rồi nàng phát hiện ra mình cũng không còn mặn mà với những món ấy nữa. Nàng khoe với anh. Anh cười cười, phải không, hay lại lén tui đi ăn fast-food? Sao anh biết? Nàng la lên. Danh thiếp tiệm pizza nằm trong túi em kia kìa.

Và lúc nhỏ, có thể anh cũng đã từng phải ăn cả tấn muối. Vì anh luôn nói với nàng điều này: em biết không, thật ra lượng muối chúng ta thực cần hằng ngày ít hơn lượng chúng ta ăn rất nhiều. Vì thế anh không bao giờ bỏ hết gói bột nêm vào tô khi ăn mì gói, mà thường là chỉ một phần rất nhỏ. Nàng bảo sau này anh sẽ là một người cha tốt. Con anh không béo phì, không sâu răng, nhưng không biết thế nào là thú vui ẩm thực. Anh cũng chỉ cười cười.

Anh thức nàng dậy sớm tập thể dục. Và không được thức khuya quá 11 giờ. Và không hút thuốc nữa. Điều độ lại, có thể em sẽ hết chứng đau đầu, anh bảo vậy.

Một hôm nàng đi chơi với bạn bè, uống vài ly, lúc về chân nam đá chân chiêu, gò má nóng rừng rực. Anh đỡ nàng vào, từ tốn bảo không uống được thì tốt nhất đừng uống. Nàng gục vào vai anh, nói lơ mơ. Em nhớ em của ngày xưa! Em thường nghĩ mình hạnh phúc vì đã bước vào một cuộc sống mới điều độ cùng anh, nhưng sao đôi khi em thấy buồn quá.

Sau cơn say, nàng xin lỗi anh và anh mỉm cười bảo không còn nhớ gì cả. Nhưng nàng biết những lời đó làm anh đau lòng.

Thêm vài lần nữa nàng làm anh đau lòng, theo cùng một cách như vậy.

Một ngày nọ nàng đi làm về muộn, anh nấu cho nàng tô mì gói. Em không sao chứ? Không. Em mệt à? Vâng. Công việc có chuyện gì à? Có thể tháng tới em sẽ mất việc. Tại sao? Đừng hỏi em nữa. Em sẽ kể cho anh, nhưng không phải bây giờ.

Nàng đứng dậy uể oải định bước vào nhà tắm. Tình cờ mắt nàng lướt ngang qua sọt rác. Nằm trên vỏ mì gói là túi bột nêm đi kèm còn đầy vun. Hóa ra nàng vừa mới ăn một tô mì gói chỉ với một chút bột nêm, dù xưa nay nàng ăn rất mặn.

Vậy mà nàng đã không nhận ra. Từ bao giờ tô mì nhạt thếch đã không còn làm cho nàng cảm thấy khác lạ?

Nàng ngồi bệt xuống ngưỡng cửa nhà tắm, bật khóc.

Nhưng nàng biết, sẽ chẳng bao giờ nàng chán ghét anh.

Bà bệnh

Bà bệnh, nằm bệnh viện đã gần một tháng nay, mấy bố con mình vào ra thăm nom chăm sóc bà, hai con đã nhìn thấy gì và học được gì?

Bệnh viện, như một ngôi trường xã hội, tổng hợp tất cả trạng thái cảm xúc của con người, nơi hy hữu tập trung nhiều kiểu nghèo ở mọi vùng quê nước Việt và là một chỗ để mình có thể cảm nhận với trải nghiệm của nhiều thái cực tâm hồn.

Ngoài giờ thăm bà, bố thường đưa con đi lang thang qua những hành lang tăm tối, để nhìn thấy nhiều cảnh đời đáng buồn đáng thương, để biết rằng ta vẫn còn rất nhiều may mắn được sống trong sự trọn vẹn và đủ đầy.

Con đã thấy những hình hài không trọn vẹn, băng bông bịt kín, nằm la liệt vất vưởng không ai để tựa vào. Những cái trán đóng đinh kéo căng ngược trên giường sắt để cố định và gắn kết xương cổ. Con đã biết sợ, một thoáng rùng mình để biết cẩn thận với từng bước chân.

Con đã nhìn thấy những gia đình nghèo khó, có người mẹ còm cõi nhịn ăn để dành số tiền ít ỏi mua thuốc cho con mình. Cũng người mẹ ấy, đã băng qua đường mua cháo cho con mình, bị tai nạn xe, qua đời, đứa con không nhấc được cơ thể lên để khóc thương người mẹ.

Con đã thấy người cha cõng con mình vượt qua hàng nghìn cây số chỉ để mong chờ một niềm hy vọng vào phép lạ. Đứa bé nằm im dán mình vào tấp drap mỏng, mở đôi mắt thật to như sợ ai đó tước mất quyền-được-nằm-trên-giường bệnh của mình.

Con đã nhìn thấy những chai nước biển nhỏ từng giọt từng giọt, người nhà phải ngồi canh chừng, và khi hết nước biển, gọi cô ý tá trong tâm trạng hồi hộp lo sợ, vì biết thể nào cũng nghe lời trách móc đay nghiến, đặc biệt là nếu nước biển hết vào giờ khuya. Đã có người nhà khóa van vì không dám làm phiền y sĩ trực đêm đang ngủ.

Con đã thấy có những thân thể bẹp dí trên giường bệnh, đau nhức không dám lên tiếng rên khẽ, vì sợ sự khó tính cau có của những kẻ khoác áo blue trắng. Một người đàn ông vừa thở nhẹ “đau quá cô ơi, khi nào có thể mổ được” và lập tức bị trấn áp bằng chất giọng cường độ cao “nằm đó đi, mới có một tháng mà la lối cái gì, người ta nằm mấy tháng có nói gì đâu”.

Con đã nhìn thấy những gia cảnh đáng thương, hai người nằm trên một giường bệnh trở đầu nhau, có người nằm trên băng ca ngoài hàng hiên nắng gió, không một tiếng rên la, nhẫn nhịn chờ đợi, cắn răng chịu đựng, vì họ nghèo, vì họ biết thân phận của mình và họ sợ tiếng la lời mắng của những y công mang trên mình bệ vệ đầy y đức.

Con đã nhìn thấy những bộ đồ xác xơ sũng nước vắt vẻo tay vịn cầu thang, của những người phụ nữ nuôi chồng, những người mẹ nuôi con, họ ngồi lây lất những nơi có thể ngồi, nằm vạ vật những nơi có thể nằm, họ có thể nhổm dậy thu dọn chiếu mền trong một cái chớp mắt, để các cô hộ lý điều dưỡng ung dung bước đi không vướng bận gót hồng.

Con đã nhìn thấy các cô thu ngân gọi tên người đóng tiền với chất giọng hách dịch cau có dằn dỗi bực dọc, nhưng cũng những con người ấy, lại đổi giọng niềm nở ân cần chu đáo lịch thiệp khi tiếp người khách với trang phục nhìn có-vẻ-có-tiền.

Con đã nhìn thấy trang thờ tượng phật trên lầu bốn, nơi bố và nhiều người khác vẫn thường mua hương hoa khấn vái mong bình an cho bà nội, khi mà ta không hoàn toàn tin vào hệ thống y tế và những người được gọi là y sĩ, thì ta đành phải cố tin vào mảng bê tông mang dáng dấp một con người.

Con đã nhìn thấy và con sẽ tiếp tục nhìn thấy, bố mong con biết đau với nỗi đau đồng loại, biết thương thân phận người nghèo, biết xót xa với những điều tủi nhục, biết căm phẫn với những sự bất công, biết buồn phiền với những điều cay đắng.

Để sống,

Và để vươn lên.

http://blogduynguyen.wordpress.com/2009/05/21/ba-b%E1%BB%87nh/

TOU's Blog

12/06/09

(TuanVietNam)- Một số phát ngôn và hành động ấn tượng của tuần này có liên quan đến việc khuyến cáo người dân “rút kinh nghiệm”, hoặc cho thấy bản thân người có phát ngôn hoặc hành động đó nên tự mình “rút kinh nghiệm”. Tóm lại, chúng ta vừa trải qua một tuần với nhiều kinh nghiệm được rút.

"Nào ta cùng rút kinh nghiệm!"


Hai dự án bô-xít không thuộc diện phải đưa ra QH

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định trước các ĐBQH, dự án khai thác bô-xít ở Tân Rai và Nhân Cơ có vốn đầu tư vào khoảng 12.000 tỷ đồng, do đó không thuộc diện công trình quan trọng phải đưa ra QH.

Nghe xong câu trả lời của Bộ trưởng, cả ba ĐB chất vấn về vấn đề bô-xít đều đứng dậy bày tỏ: “Tôi không đồng ý với Bộ trưởng”.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trước QH. (Ảnh: Thanh Sơn)

ĐB Nguyễn Đăng Trừng cho rằng tất cả các dự án bô-xít đều gắn bó chặt chẽ với nhau: “Nó chỉ độc lập khi Bộ Công thương tách nhỏ ra, để nó nhỏ xuống dưới 20.000 tỷ”. (Thời báo Kinh tế Việt Nam, 11/6)

Như vậy, vấn đề đặt ra là có hay không chuyện “lách luật”, chia nhỏ đại dự án bô-xít thành các “tiểu dự án” có giá trị dưới 20.000 tỷ đồng để khỏi phải đưa ra QH?

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã khéo léo “đá” quả bóng trách nhiệm khỏi chân Bộ: “Bộ Công thương không có thẩm quyền chia nhỏ các dự án, cái này là nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp bô-xít đã được Chính phủ phê duyệt”.

Ông cũng khéo léo viện dẫn “kinh nghiệm nước ngoài” để nói rằng, “trong các tài liệu của quốc tế không tài liệu nào nói rằng alumin là nguyên liệu thô”, từ đó khẳng định việc xuất khẩu alumin không đi ngược lại chính sách hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô.

Vậy là các ĐBQH… hết nói qua nói lại?

Mất điện - ai bảo người dân dùng điện tăng đột biến?

Đúng vào những ngày nóng bức nhất từ đầu hè tới giờ (8-9/6) thì Hà Nội bị mất điện trên diện rộng. Lý giải về nguyên nhân, ông Dương Quốc Tuân, Trưởng phòng Thi đua tuyên truyền Công ty Điện lực Hà Nội, cho biết đó là “do thời tiết nắng nóng bất thường, người dân dùng điện tăng đột biến dẫn đến nhảy automat, làm điện bị ngắt đột ngột”. (VnExpress, 9/6)

Hà Nội nắng nóng. (Ảnh: Hoàng Hà - VnExpress)

Như vậy, mất điện là do người tiêu dùng sử dụng điện tăng đột biến. Mà họ sử dụng điện tăng đột biến là do trời nắng nóng bất thường. Từ đó suy ra mất điện là do trời nắng nóng - một nguyên nhân hoàn toàn khách quan. Nếu có phần chủ quan thì đó là lỗi của người dân, tự nhiên thì dùng điện nhiều, làm hệ thống phải tự động ngắt. Dân cần rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, khi trả lời chất vấn về vấn đề rất thời sự này, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng lại nói, mất điện trên diện rộng không phải do thiếu điện mà do sự cố đường dây.

Còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì đã cam kết từ trước đó, rằng “điện thương phẩm từ đầu năm đến nay tăng hơn so với cùng kỳ năm trước và đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển KT - XH, kể cả trong các đợt nắng nóng gay gắt ở miền Bắc và bắc miền Trung”. (Tiền Phong, 10/6/2009)

Như vậy, chúng ta tạm thời có hai cách giải thích cho hiện tượng mất điện nhiều nơi: hoặc do trời nắng nóng bất thường, hoặc do sự cố đường dây. Chứ điện thì không thiếu, và ngành điện cũng hết sức vì dân. Câu trả lời chính xác tùy vào việc chúng ta tin ai hơn.

Cơ chế học phí mới chỉ nhằm vào những người tự nguyện

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: LN)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Đề án đổi mới cơ cấu tài chính cho giáo dục nhằm hai mục tiêu: Có nhiều người đi học và tăng chất lượng. Đây không phải đề án tăng học phí”. (VietNamNet, 9/6)

Quan trọng hơn, theo Phó Thủ tướng, “thực hiện cơ chế học phí mới nghĩa là phụ huynh không phải đóng thêm, chỉ trừ những người tự nguyện muốn đóng góp, và sẽ khuyến khích để có cách thu nhận phù hợp”.

Như vậy, Đề án đổi mới cơ cấu tài chính cho giáo dục thực sự hết sức nhân văn. Chỉ có điều hơi lạ, là hình như chúng ta… ít gặp những người tự nguyện muốn đóng góp kinh phí cho một điều gì đó (kể cả là cho sự nghiệp giáo dục con em chúng ta)?

Không hiểu sắp tới hệ thống giáo dục Việt Nam có gì đổi mới mà lại có nhiều người tự nguyện muốn đóng góp học phí, đủ để xây dựng hẳn một cơ chế dành cho họ?

Ngư dân có nên yên tâm đánh bắt cá?

Xung quanh việc TQ cấm ngư dân VN đánh bắt ở ngư trường phía bắc, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá VN, khẳng định: Ngư dân hãy yên tâm đánh bắt, “các lực lượng chức năng đang duy trì sự bảo vệ đối với tàu bè VN trong phạm vi chủ quyền nên bà con hoàn toàn yên tâm”. (Người Lao Động, 11/6)

Chủ tịch Hội Nghề cá VN Nguyễn Việt Thắng. (Nguồn ảnh: nld.com.vn)

Không rõ “các lực lượng chức năng” mà Chủ tịch Hội Nghề cá nêu là lực lượng nào, nhưng nếu họ vẫn “đang duy trì sự bảo vệ”, thì sao lại có chuyện ngư trường bị phong tỏa, tàu cá nằm bờ suốt gần một tháng qua như báo chí đã đưa tin?

Đặt trong tình hình hiện nay, lời kêu gọi “ngư dân hãy yên tâm đánh bắt” có vẻ là một đề nghị khá nguy hiểm cho người dân, vì dễ đẩy họ vào tình trạng mất cảnh giác, trong khi không có gì thực sự đảm bảo an toàn cho họ.

Ông Nguyễn Việt Thắng còn cho biết “có xuất hiện tâm lý e ngại của một bộ phận ngư dân VN dẫn đến sản xuất bị đình trệ”. Cách “đổ thừa” cho người dân thế này e… không ổn, bởi lẽ việc TQ cấm ngư dân VN đánh bắt cá trên vùng biển của VN là một vấn đề thuộc quan hệ ngoại giao giữa hai nhà nước, người dân có thể làm được gì ngoài chờ đợi và e ngại?

Tất nhiên, phải thừa nhận rằng ở địa vị chủ tịch một hội nghề nghiệp, ông Nguyễn Việt Thắng khó có thể đưa ra giải pháp nào. Bản thân Hội Nghề cá cũng chỉ có thể chờ đợi mà thôi. Nhưng nếu vậy, ít nhất Hội cũng nên tránh đưa ra những lời kêu gọi có thể gợi liên tưởng về hành động mà dân gian gọi là… “xui trẻ con…”!

Xịt nhầm hơi cay thì… rút kinh nghiệm chứ sao!

Chiều 10/6, tiết trời nóng nực, xảy vụ xô xát giữa CĐV Hải Phòng và cảnh sát cơ động thủ đô trên sân Hàng Đẫy. (Lưu ý đây là xô xát giữa CĐV đội khách với cảnh sát của bên “chủ nhà” chứ không phải với CĐV “chủ nhà” – may mà khán giả Hà Nội “vô can”, nếu không, có lẽ sự việc còn rắc rối nữa).

Thôi thì cả cảnh sát lẫn CĐV đều nên cùng... rút kinh nghiệm. (Nguồn ảnh: VnExpress)

Giám đốc Công an TP Hà Nội, tướng Nguyễn Đức Nhanh, bình luận: “Theo tôi biết có một trường hợp trẻ em bị ngất. Trong khung cảnh phức tạp như thế, bình xịt hơi cay có thể nhầm sang người khác, đó cũng là điều phải rút kinh nghiệm.

Trên sân cảnh sát ngăn chặn như thế là được. Cũng có người bị cấp cứu, cũng có người bị xịt hơi cay, tuy vậy không xảy ra thương tích lớn, nghiêm trọng hay chết người
. (VnExpress, 11/6)

Báo chí mới chỉ phản ánh quan điểm của một phía trong vụ xô xát này. Kể ra, một khi cảnh sát/ công an đã phải sử dụng vũ lực, thì câu hỏi đầu tiên bao giờ cũng là: Việc dùng vũ lực đó có đúng luật hay không, có tương ứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội không?

Ở địa vị giám đốc công an thành phố, có lẽ tướng Nhanh nên phân tích và trả lời xem cảnh sát cơ động dưới quyền ông hành xử đã đúng luật hay chưa, thay vì “xuề xòa” kiểu “không chết người là được rồi”.

Thêm nữa, luật pháp chỉ xét lý mà không chiếu cố tình: Đã đánh nhầm người là phải xin lỗi, nặng thì bồi thường, chứ không thể xịt nhầm hơi cay rồi… rút kinh nghiệm được!

Ngoài ra, cũng theo tường thuật của tướng Nhanh thì ban đầu “ít nhất có khoảng 3-4 CĐV đốt pháo sáng ở khán đài”. Nếu sự thể đúng như vậy thì có lẽ khởi đầu cũng không lấy gì làm trầm trọng, không rõ vì sao lại đi đến mức xô xát lớn giữa CĐV và cảnh sát.

Nên nếu đặt vấn đề rằng chính cách xử lý của lực lượng cảnh sát đã góp phần sinh ra ẩu đả, thì có... oan cho cảnh sát quá không?

Cách phân làn giao thông Hà Nội chỉ là tình thế

Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Thạch Như Sỹ nói về công tác tổ chức giao thông: “Bất cứ một giải pháp nào cũng có thời điểm và tính ứng dụng. Chưa có ai dám khẳng định cách tổ chức giao thông hay thiết kế tòa nhà mang tính chất vĩnh viễn.

Cầu Thăng Long ngày xưa ai cũng bảo sao thiết kế to thế, lãng phí, hay đường Đại Cồ Việt rộng thênh thang chẳng mấy người đi nhưng bây giờ cũng đang quá nhỏ bé với người tham gia giao thông”.

Chánh TT Sở GTVT Hà Nội, ông Thạch Như Sỹ. (Ảnh: Xuân Tùng - VnExpress)

Dân thường, “tầm nhìn ngắn”, phát biểu như vậy cũng không sao. Nhưng một quan chức của ngành giao thông vận tải nói vậy thì… nghe qua tưởng có lý, nghe kỹ thấy chết dở.

Quy hoạch đô thị, tổ chức giao thông v.v. đều là những việc đòi hỏi tầm nhìn rất xa, nếu không phải cho vài trăm năm (như ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực) thì cũng phải có giá trị lấy vài chục năm. Không thể có chuyện hôm nay ta làm đường, ngày mai dân kêu đường hẹp, thì ta nói đó là vì ta làm đường cho ngày hôm qua được!

Xưa ở bên Tây, đại văn hào Victor Hugo từng có những áng văn tuyệt vời miêu tả tỉ mỉ hệ thống cống ngầm Paris, mà cho đến giờ, cả hệ thống cống này lẫn văn của cụ đều còn nguyên giá trị.

Nay ở VN, với việc “mọi giải pháp đều mang tính thời điểm”, giả sử các nhà văn nhà thơ của ta mà có mơ ước bắt chước cụ Victor Hugo miêu tả hệ thống đường xá hay phân luồng giao thông đô thị, chắc cũng đến phải… bật khóc vì bất lực.

Nhiều giáo sư, tiến sĩ bị bắt quả tang đánh bạc

Công an huyện Từ Liêm, Hà Nội vừa phá một chiếu bạc hy hữu, trong đó 6/8 con bạc là các giáo sư, phó giáo sư, giảng viên Học viện Tài chính. Chiếu bạc cũng đặt ngay tại khuôn viên Học viện. Khi công an ập vào, các “con bạc” trí thức vẫn đang say sưa hò hét, sát phạt nhau. (Dân Trí, 11/6)

Phải nói rằng chiếu bạc hy hữu, và hành động của các vị giáo sư cũng thật là ấn tượng. Sau khi họ bị đưa về cơ quan chức năng, Học viện Tài chính đã có công văn xin bảo lãnh cho các vị giáo sư, phó giáo sư này về để phục vụ cho đợt thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH sắp tới.

Có thể đến một lúc nào đó, các nhà làm chính sách ở VN cũng cần tính đến việc hợp pháp hóa một phần hoạt động cá độ, bài bạc, và lúc đó nhiều trí thức sẽ có dịp để vận dụng kiến thức về tài chính, xác suất thống kê, toán học, v.v... Tuy nhiên, từ giờ cho đến lúc đó thì đánh bạc vẫn bị coi là trái pháp luật, và nếu người tham gia chơi là các trí thức trên bục giảng ĐH, thì câu chuyện trở nên nực cười.

Đoan Trang

Monday, June 8, 2009

Huỳnh Phúc Điền lên kịch bản cho đám tang của mình

Kịch bản này thật ra là bí mật, chỉ có anh ấy và cô cháu gái biết, ngay cả chị Hải Anh, vợ anh cũng chỉ nghĩ là anh đang viết... di chúc, dặn dò...

“Âm nhạc Việt Nam đang đi vào quỹ đạo của chòm sao xấu” (dự báo của nhạc sĩ Quốc Dũng) và tuần qua thật sự là một tuần rất buồn với làng nhạc Việt. Đầu tiên là sự ra đi đột ngột của nhạc sĩ Bảo Phúc khi nhiều dự án âm nhạc còn dang dở. Và Huỳnh Phúc Điền, đạo diễn của những show ca nhạc lớn, cũng bất ngờ nhập viện trong cơn nguy kịch vào lúc nhiều bạn bè đã vội mừng cho anh sau ca mổ tưởng như rất thành công ở Singapore vào năm ngoái.

Cũng bất ngờ như một năm trước, anh nhận kết quả như một án tử hình của bệnh viện Chợ Rẫy: ung thư gan, trong khi suốt thời gian dài trước đó, chẩn đoán của một bệnh viện danh tiếng khác của thành phố vẫn chỉ là: đau dạ dày!

Lần ấy, vội vã tới thăm anh, Điền vừa vô thuốc lần đầu tiên theo chỉ định của bác sĩ và bị thuốc “hành”, rất đau đớn. Nhưng sau ca mổ được xem là thành công ở Singapore, anh như từ cõi chết trở về, tươi tắn, khỏe mạnh, và lại lao vào làm việc như điên, nhiều dự án live show tiếp tục, như một sự kỳ diệu của cuộc đời... Ai cũng mừng cho anh.

Nhưng kỳ thực, hơn ai hết, Điền hiểu rõ sức khỏe và bệnh tình của mình. Anh kể, sau ca mổ, các bác sĩ Singapore đưa ra bốn phác đồ chữa trị, và tất cả đều là thử nghiệm. Anh đã qua tới phác đồ thứ tư, là khi thuốc chủ yếu chỉ để giảm đau... Và một cơn ho bất ngờ đã làm thức dậy những cơn đau ngủ yên suốt thời gian qua. Ngày 28/5, Huỳnh Phúc Điền phải nhập viện trong tình trạng đau đớn mê man, bác sĩ lắc đầu và người nhà đã phải chuẩn bị trước tình hình xấu nhất có thể xảy ra. Đã có rất nhiều nước mắt của bạn bè, thân hữu khi đến thăm anh...

Vậy mà thật kỳ lạ, ngày thứ ba nằm viện, anh khỏe lại một cách ngạc nhiên. Tươi tỉnh, đầu óc tỉnh táo, Huỳnh Phúc Điền vẫn như những lúc ngồi cà phê trả lời phỏng vấn mỗi khi có dịp hẹn trước đây. Anh chuyện trò thật lạc quan, hài hước về tình hình sức khỏe của mình và cả những dự định công việc mà anh sẽ còn làm trong thời gian tới. Trong khi đau đớn, tưởng như không qua khỏi, trên blog của anh, blast vẫn là một dòng chữ về công việc: “Đi Mũi Né... làm show...”.

Những ngày trước khi nhập viện, anh vẫn lu bu, bận rộn với những dự án, chương trình, do các công ty đặt hàng. Sau show diễn kỷ niệm ngày giải phóng tỉnh Bình Thuận mà tỉnh này mời đích danh anh làm đạo diễn, Huỳnh Phúc Điền sống chủ yếu là ở Bình Dương, nhà người anh ruột, vì như anh nói: “Giờ chỉ thích sống ở một nơi gần gụi với đời sống thiên nhiên, cây cỏ cho... nhẹ người”. Căn hộ như mơ ước của anh từ hơn một năm nay là ngôi nhà xanh rợp bóng cây, thoáng mát bên quận 7, để hai đứa bé được sống gần thiên nhiên, bây giờ vẫn đành là mơ ước.

Những ngày lui về sống ở Bình Dương, ít ai ngờ được Huỳnh Phúc Điền lại can đảm đến mức ngồi viết kịch bản đạo diễn... đám tang cho chính mình. Khi đau quá, không gõ máy tính được thì anh đọc cho cô cháu gái ngồi ghi lại. Kịch bản này thật ra là bí mật, chỉ có anh và cô cháu gái biết, ngay cả chị Hải Anh, vợ anh cũng chỉ nghĩ là anh đang viết... di chúc, dặn dò. Chỉ đến lần nhập viện này, nhận biết mình đang ở vào tình trạng quá nguy kịch, Huỳnh Phúc Điền mới nói rõ “sự nhờ cậy” này và nêu đích danh Đinh Anh Dũng sẽ làm tổng đạo diễn, Dũng khùng đạo diễn, Lê Quang biên tập âm nhạc!

Huỳnh Phúc Điền mong muốn có một đêm nhạc ấm áp, mộc mạc vào đêm cuối trước khi đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Anh muốn được ra đi trong âm nhạc - thế giới mà anh đã gắn bó một cách tình cờ mà như định mệnh (Anh tốt nghiệp lớp diễn viên sân khấu trường SKĐA TP HCM) và cũng là nơi đã tạo nên một cái tên đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, một phong cách Huỳnh Phúc Điền không thể trộn lẫn!

Huỳnh Phúc Điền gọi đó là “event quan trọng cuối cùng của cuộc đời mình”. Anh nói: “Khi chào đời mình không thể nào biết được mình đã được sinh ra như thế nào, nhưng khi mất đi, mỗi người hoàn toàn có thể dự toán được mình sẽ có một cái chết như thế nào, sẽ diễn ra làm sao”. Anh gọi đó là hạnh phúc, vì “nghề của mình là đạo diễn mà!”. Anh nói bằng một giọng điệu hào hứng kèm nụ cười tươi: “Đến lúc này rồi, phải nói trước, phân công, giao nhiệm vụ cho rõ ràng, chứ đến lúc sự việc đã xảy ra rồi, mình không yên tâm khi mọi người sẽ chộn rộn, cuống cuồng...”. Anh nhẹ nhàng và bình tĩnh trước “kịch bản đời mình”, còn những bạn bè, những người được anh giao nhiệm vụ cho “event lớn” này thì không cầm được nước mắt. Ca sĩ Quang Dũng vừa mới khai trương QD Bar & Lounge, dự định mỗi thứ năm hàng tuần sẽ có chương trình ca hát đặc biệt, và chương trình đầu tiên sẽ là đêm Quang Dũng hát, nhưng đi thăm Điền về, anh quyết định dời thời điểm vào lúc khác vì chẳng còn bụng dạ nào để hát.

Nhiều dự định cộng tác với Huỳnh Phúc Điền, nhiều ca sĩ thân thiết với Huỳnh Phúc Điền (dù có đang làm một việc gì chung hay không) đã tạm hoãn, tạm dừng như thế. Họ chờ anh. Cái tình nghệ sĩ vẫn còn nhiều câu chuyện cảm động lắm. Tìm vào blog của Huỳnh Phúc Điền, thấy anh vẫn còn rất trăn trở với nhiều dự án sẽ làm. Anh sẽ là đạo diễn cho chương trình Duyên dáng Việt Nam sắp tới.

Đọc những tâm sự của anh trong những ngày suy nghĩ tìm ý tưởng, chủ đề cho chương trình, không thể không cảm động trước những khao khát muốn được làm thật nhiều việc của anh: “Có bao giờ bạn mất ngủ nhiều đêm cho một chuyến đi xa? Sự nôn nóng đôi khi làm bạn bồn chồn đến nghẹt thở? Có bao giờ bạn cảm thấy thời gian quá dài và mong đợi đến ngày khởi hành từng phút từng giây?”; Hay như tâm trạng, áp lực về nghề cũng như những âu lo về sức khỏe: “Tuy biên tập, mọi tính toán chuyên môn đã hình thành đâu đó nhưng nỗi lo âu và áp lực lại nặng nề vô cùng, cho nên đôi khi tự nghĩ lại thấy chuyến trở về với hành lý quá nặng nề trên vai, có nên chăng? Chắc bị quá cước rồi. Nhưng nếu chỉ vì hành lý, việc ấy ta có thể gánh vác và giải quyết được. Nhưng còn một gánh nặng khác không màu, không mùi làm ta quẫn cả trí và cũng chẳng biết lựa chọn con đường nào để trở về cho ngắn nhất, đẹp nhất!”.

Mong muốn lớn nhất hiện giờ của anh là được thực hiện một chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện dành cho bệnh nhân ung thư, mà có lẽ cụ thể hơn là những bệnh nhân K-Gan của bệnh viện Chợ Rẫy đang gặp hoàn cảnh khó khăn.“Đó là một việc làm thiết thực vì nó là công việc, là nghề của tôi, là thế mạnh mà tôi đang có. Có thể số tiền quyên góp từ thiện không được nhiều so với căn bệnh tốn kém này trong hoàn cảnh khó khăn chung của xã hội, nhưng ít ra nó cũng góp được một phần nào đó dành cho những người bất hạnh, có hoàn cảnh khó khăn”.

Ý tưởng hình thành và thôi thúc anh thực hiện bắt đầu kể từ cái ngày anh phải ra vào thường xuyên ở các bệnh viện của Việt Nam, mà điển hình là bệnh viện Chợ Rẫy.“Từ lúc đó tôi mới thấy bệnh nhân ung thư của Việt Nam sao bây giờ nhiều đến như vậy. Mà trong con số nhiều ấy, đa phần đều là những người nghèo, họ không có tiền để làm những mẫu xét nghiệm, chụp CT, làm Toce... Tôi đã từng chứng kiến cảnh một bệnh nhân lớn tuổi vào phòng khám K-Gan của bệnh viện Chợ Rẫy khi không có tiền để làm Toce lần hai. Mà nếu không làm Toce lần hai thì chẳng khác gì đang nuôi mầm mống tế bào ung thư trong người thêm ngày càng phát triển. Cái nghèo là vậy đó, nó có “cái quyền ưu tiên” là can thiệp trực tiếp vào sự sống và cái chết của con người, nhất là những người gặp hoàn cảnh khó khăn...”.

Vào thăm anh, nói chuyện với anh, nhìn anh ăn từng muỗng cơm vợ đút, dù ngượng ngùng với chúng tôi nhưng anh vẫn pha trò thật hài hước: “Có thấy giống “Bé bi one more time” không?” (nhại theo tên ca khúc nổi tiếng Baby one more time của Britney Spears); hay như suy nghĩ lạc quan mà anh luôn nói: “Còn nước còn tát, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Ta còn niềm tin ngày nào thì ta cứ tin vào cuộc sống tốt đẹp vẫn còn đang tiếp diễn để mà tồn tại”. Lại thấy như được anh tiếp sức cho niềm tin, một niềm tin dẫu có mơ hồ, vào sự kỳ diệu của cuộc sống...

Những ngày này, trong phòng bệnh trên lầu 10 Bệnh viện Chợ Rẫy hẳn anh sẽ còn vật vã lắm. Trong danh sách bệnh nhân ở khu này, Huỳnh Phúc Điền là người trẻ nhất. Sinh năm 1970, anh chỉ mới 39 tuổi...

Theo Phan Cao Tùng, Phạm Thị Thu Thủy
Thể thao & Văn hóa

Sunday, June 7, 2009

Một câu hỏi về thịt chó

Nếu người Việt không ăn thịt chó nữa thì có ảnh hưởng gì không?

Tửu tôi cảm thấy rất phấn khích khi đặt câu hỏi này. Quả thực, một thoáng ban đầu, chính Tửu tôi cũng cảm thấy câu hỏi này có vẻ bông phèng. Nhưng sau đó, ngẫm thật kỹ, Tửu tôi thấy câu hỏi cũng có vấn đề của nó. Tửu tôi đặt câu hỏi này không phải vì chúng ta đã ít nhất hai lần “trúng tả” bởi món ẩm thực siêu đặc biệt này của người Việt. Tất nhiên, nguyên nhân “trúng tả” không hẳn do 7 hay 9 món cầy tơ hay do sự tham gia của “kẻ đồng hành” với thịt chó là mắm tôm. Nhưng bản chất thịt chó hay mắm tôm cũng không có tội gì. Tội là ở người sản xuất ra nó và bảo quản nó thiếu vệ sinh mà thôi. Có người đã hăng hái đề xuất phương án thịt chó không mắm tôm. Nhưng nếu thịt chó không mắm tôm thì khác gì đàn bầu không người gảy.

Nước ta là một nước được xếp vào những nước vệ sinh môi trường kém. Bởi thế, khi mắm tôm vừa được “đánh bông” lên với chanh, ớt thì không chỉ những người nghiền thịt chó mà cả lũ ruồi cũng chảy nước miếng. Thế là, những vị khách không mời mà cứ tự nhiên xô đến, đậu xuống bát mắm tôm, thục cái vòi đen sì như một cái ống hút vào bát và rung nhè nhè đôi cánh bởi sự sung sướng ngất ngây và thả vào bát mắm tôm hấp dẫn đó đủ thứ vi trùng mà chúng mang theo trên hành trình “kinh hãi” của bầy ruồi.

Nhưng hình như sự hấp dẫn ma mị của món ẩm thực này làm cho chúng ta quên đi tất cả. Có một sự thật đằng sau những đĩa dồi chó thơm lừng, những đĩa thịt chó luộc với màu da vàng thẫm bóng nhẫy, những đĩa nướng ngào ngạt... Đó là sự thật về nguồn gốc thực phẩm – chó hơi. Chúng ta có cơ quan kiểm dịch các lò mổ nhưng chỉ với lợn, bò hoặc gà. Nhưng chúng ta chưa hề kiểm dịch các lò mổ chó. Sự thật, các lò mổ chó cấp “visa” nhập cảnh lò mổ cho tất cả các loại chó: chó già, chó trẻ, chó đen, chó trắng, chó ta, chó tây, chó ghẻ, chó què, chó ốm, chó dại… Và chỉ sau một hồi thui rơm và cọ rửa là tất cả các loại chó ghẻ lở, đau ốm, điên dại kia đều trở nên vàng ươm và căng mịn không còn dấu vết gì của những con chó bệnh tật trước đó.

Đã có một thời, Tửu tôi nằm ngủ cũng mơ về món thịt chó. Nhưng sau nhiều chuyện và nhiều vấn đề, Tửu tôi bắt đầu suy nghĩ và đặt câu hỏi nói trên. Khi đưa câu hỏi này ra trước công chúng, Tửu tôi biết chắc rằng sẽ bị rất nhiều người trong giới mày râu phản đối, cũng có thể Tửu tôi bị mấy người bạn thân lâu nay tẩy chay và cũng không ít người trong giới này đồng tình. Nghĩa là họ đồng tình tìm câu trả lời để cá nhân họ đi đến quyết định tiếp tục ăn thịt chó hay không ăn nữa. Dù ai đó tiếp tục “tôn thờ” thịt chó và ai đó giã từ nó thì cũng chỉ là chuyện cá nhân mà thôi. Tự do ẩm thực muôn năm.

Ẩm thực của một dân tộc cũng là một yếu tố làm nên văn hóa của dân tộc đó. Nhưng thịt chó là một nét của văn hóa hay chỉ là sự khoái khẩu mà thôi? Thực tế cho thấy: chỉ có hai nước được coi là ăn thịt chó chính thức. Đó là Việt Nam và Hàn Quốc. Có một, hai nước ở châu Á cũng có ăn thịt chó nhưng không phổ biến như ở Việt Nam và Hàn Quốc. Tửu tôi có hỏi một số người, trong đó có cả những nhà sử học và nghiên cứu văn hóa dân gian, vì sao chỉ có hai nước ăn thịt chó một cách chính thức như Việt Nam và Hàn Quốc thì nhận được câu trả lời như sau: đó là vì một bộ phận của dòng tộc Lý ở Việt Nam di cư sang Hàn Quốc trước kia và đã mang theo món ăn đặc biệt này. Nghe có lý đấy chứ cho dù chẳng có bằng chứng gì.

Theo thông tin của những người đã đi du lịch thì hiện nay Campuchia cũng là nước có nhiều người ăn thịt chó trong khu vực. Tìm hiểu nguyên nhân là vì có quá nhiều người Việt Nam định cư ở đó. Hơn nữa, Campuchia cũng không có luật và không có “văn hóa nuôi chó” như các nước khác trên thế giới. Nên việc ăn thịt chó của người Việt được tự do. Tửu tôi còn nhớ câu nói quen thuộc của những người đi công tác ở nước ngoài trong thời gian dài: “Nhớ vợ, thương con, thèm thịt chó” thì mới hiểu sự ám ảnh của thịt chó với người Việt như thế nào.

Và chỉ sau một hồi thui rơm và cọ rửa là tất cả các loại chó ghẻ lở, đau ốm, điên dại kia đều trở nên vàng ươm và căng mịn không còn dấu vết gì của những con chó bệnh tật trước đó... Nguồn ảnh: Vietbao

Chuyện ăn thịt chó của người Việt Nam ở một số nước châu Âu thời nay đã có lúc trở thành vấn đề căng thẳng. Cách đây mấy năm, dư luận xã hội Balan và một số cơ quan bảo vệ môi trường nước này đã cực lực lên án thậm chí sỉ nhục việc giết chó ăn thịt của một số người Việt đang sinh sống buôn bán ở đất nước này là thiếu nhân văn. Tửu tôi đã phản đối sự sỉ nhục đó. Tất nhiên “nhập gia tùy tục”. Nhưng nói đến chuyện nhân văn thì không ổn. Tửu tôi đặt câu hỏi: nếu giết thịt một con chó là thiếu nhân văn thì giết bò, cừu, gà… là nhân văn à? Nhưng cũng không ít người Việt Nam không ăn thịt chó hoặc có ăn nhưng đã cai cho rằng con chó là vật gần gũi và có tình cảm với con người khác hoàn toàn với bò, cừu, gà… Cho nên việc giết chó ăn thịt đã gây phản ứng tự nhiên và hợp lý.

Tửu tôi hoàn toàn khẳng định là ăn thịt chó hay không ăn thịt chó không đồng nghĩa với nhân văn hay thiếu nhân văn. Nhưng chúng ta cũng biết rằng chó là vật nuôi duy nhất đặc biệt của con người vì chúng có thể hiểu và thậm chí chia sẻ được tình cảm với con người. Một hiện thực cho thấy: ở Việt Nam, các gia đình chưa bao giờ nuôi chó để bán lấy tiền. Họ chỉ nuôi để giữ nhà, để cho vui và để giải quyết những thức ăn thừa. Nếu thấy cần thì bán bớt đi mà thôi. Càng ngày càng nhiều gia đình ở thành phố nuôi chó như một thú chơi. Chẳng thế mà một thời có quá nhiều gia đình nuôi chó cảnh để kinh doanh. Có nhà sẵn sàng ngủ ở gác xép còn phòng chính lại để cho chó chơi, chó ngủ. Vì lúc đó, xã hội có câu rằng: “Chó nuôi người chứ không phải người nuôi chó”.

Nhiều người ở thành phố sau khi nuôi chó đã không ăn thịt chó nữa. Bởi sáng đi làm, chó theo ra tận cửa. Chiều đi làm về, chó cũng chạy ra đón mừng vui rối rít. Con chó nào được nuôi cũng được đặt một cái tên rất thân thương như một thành viên chính thức trong cộng đồng gia đình trong khi hầu như quá hiếm người đặt tên cho trâu, bò, lợn hay gà, vịt. Vì tình cảm tự nhiên đó của con chó đối với mình mà không nỡ lòng nào gắp miếng thịt chó cho vào miệng nhai ngấu nghiến với lòng sung sướng vô biên.

Những người nước ngoài đến Việt Nam bần thần đứng nhìn những con chó bị thui, bị xả thịt. Văn hoá của họ khác chúng ta. Cũng như trên thế giới có nhiều người theo đạo này thì không ăn thịt lợn, theo đạo kia thì không ăn thịt bò. Những người nước ngoài coi chó như bạn. Còn người Việt coi chó như chó. Nên việc cắt tiết con chó vẫn quấn quýt với mình trong dăm ba năm, rồi thui vàng, rồi mổ bụng, rồi xào nấu, rồi đánh chén… là chuyện bình thường. Chuyện này không có ai đúng ai sai, chỉ có nên hay không nên mà thôi. Và hiện thực cũng cho thấy có một số người nước ngoài đã thử ăn thịt chó xem món ẩm thực này có gì “phù thủy” mà người Việt Nam mê mẩn và khó rời xa được như thế. Sau khi họ thử ăn thịt chó, họ mới sững sờ. Ngon thật và lạ thật. Cái ngon của món ẩm thực này và cái hoang mang của việc ăn thịt con vật mà họ yêu quí nhất đã làm cho không ít người nước ngoài không biết có nên ăn tiếp thịt chó hay bỏ chạy.

Tửu tôi bỏ thịt chó đã nhiều năm nay. Tôi không học người nước ngoài. Tôi có chủ quyền của tôi trong việc ăn uống. Tôi không ăn thịt chó chỉ vì một lý do đặc biệt. Khi cha tôi ốm đau trong nhiều tháng trời, mỗi khi về thăm ông, tôi đều thấy con chó mà cha tôi nuôi từ nhỏ cứ quanh quẩn bên ông. Đến đêm, con chó nằm dưới gầm giường cha tôi. Mỗi lần cha tôi dậy uống thuốc hay đi tiểu, nó đều đi theo. Ngày cha tôi mất, con chó bỏ ăn nằm bẹp trong bếp mấy ngày liền. Đôi mắt nó buồn bã và đẫm lệ. Từ đó, tôi không ăn thịt chó nữa. Bởi nó đã ở bên cha tôi trong những ngày tôi đi vắng. Nó thực sự chia sẻ với cha tôi một cách vô thức trong những ngày, những đêm các con của ông lao đầu vào công việc ở đâu đấy.

Tôi có một ông chú họ vốn nghiện rượu với thịt chó. Chỉ một cái đuôi chó là quá đủ cho ông nhắm hết một chai 75. Thế mà ông giã từ thịt chó. Tôi ngỡ ông chú có bệnh gì đó không ăn được thịt chó nữa thì mới phải bỏ. Hỏi ra thì không phải thế. Mà bởi một lần các con ông bắt con chó của gia đình ông để cắt tiết làm thịt. Con chó bị đuổi bắt chạy nấp sau chân ông để tìm sự che chở của ông. Nhưng cuối cùng nó vẫn bị bắt. Con chó bị trói quặt hai chân trước về phía sau. Nó cứ ngước đôi mắt giàn giụa lệ nhìn ông cho đến khi máu trong người nó chảy cạn kiệt xuống cái chậu sành để làm món dồi. Bữa trưa hôm đó, khi ông ăn đến miếng thịt chó thứ hai thì bỗng nôn thốc nôn tháo. Ông chú tôi bỏ ăn lên giường nằm và từ đó không bao giờ ăn thịt chó nữa. Khi biết chuyện này, các con ông nói: “Vớ vẩn, ăn thịt chó chứ ăn thịt người đâu mà phải sợ”.

Với một tâm trạng hoang mang có thật về việc ăn thịt chó hay không ăn thịt chó, Tửu tôi đã mang câu hỏi: “Nếu người Việt không ăn thịt chó nữa thì có ảnh hưởng gì không?” để hỏi một số người. Và dưới đây là một số câu trả lời:

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Không ăn thịt chó chẳng có ảnh hưởng gì cả. Đây không phải là vấn đề của văn hóa.

Nghệ sỹ rối nước Chu Lượng: Tôi cương quyết không ăn thịt chó nữa. Nhà tôi nuôi một con chó và tôi thấy nó như một người bạn tốt.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Tôi đã từng mê thịt chó. Nhưng cũng đã bỏ nhiều năm nay. Bớt ăn thịt chó thì bớt được số người mắc bệnh gút và bệnh tiểu đường.

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Không ăn thịt chó cũng giống như từ bỏ một thói quen chứ ăn thịt chó không có tính xã hội hay nhân văn.

Đạo diễn, nhà thơ Lương Tử Đức: Bỏ thịt chó là đánh mất một tính cách người Việt.

Họa sỹ Đào Hải Phong: Bỏ thịt chó cũng chẳng mất cái gì cả. Người Việt đã có quá nhiều món ăn ngon và đặc biệt rồi.

Kỹ sư Đỗ Minh Thắng: Thịt chó quả là rất ngon. Nhưng không phải món ăn ngon duy nhất của người Việt. Vì lý do gì đó mà phải bỏ thì cũng đơn giản chứ có gì mà phải băn khoăn.

Anh Trần Thúc Viêm, chạy xe ôm ở ngã tư Bà Triệu - Tuệ Tĩnh: Tôi không nghĩ đến ăn hay không ăn thịt chó. Có gì mà phải nghĩ. Nhưng lâu nay tôi không có thời gian đi ăn thịt chó và tôi thấy ăn cũng được mà không ăn cũng chẳng làm sao.

Chị Hà Thị Minh Thúy, kỹ sư thủy sản: Tôi chưa bao giờ ăn thịt chó vì là phụ nữ. Tôi chỉ thấy có người nuôi chó thường âu yếm, trò chuyện với nó rồi đến một ngày cắt cổ nó giết thịt thì thấy nó ang ác thế nào ấy.

Thấy giáo Ngô Mạnh Cường : Có người bảo ăn thịt chó là văn hoá ẩm thực. Nói thế là nói quá. Chỉ là món khoái khẩu thôi chứ làm gì có vấn đề văn hoá ở đây.

Đấy chỉ là câu trả lời của một số trong hàng triệu người ăn thịt chó. Những người được hỏi nói trên đã từng là những “kẻ” nghiền thịt chó một thời. Họ không đại diện cho một cộng đồng nghiền thịt chó. Họ chỉ đưa ra quan điểm của họ mà thôi. Nhân lúc nhiều lò mổ chó bị cấm vì vấn đề sức khỏe cộng đồng, Tửu tôi mang câu hỏi này ra để chúng ta cũng bàn. Tửu tôi mong nhận được ý kiến của những người vốn đã và đang nghiền thịt chó.

Chuyện ăn thịt chó hay không không hề là một chuyện hệ trọng. Nó không phải là vấn đề quốc gia mà chỉ là chuyện của từng người là chủ yếu. Nhưng vì thịt chó là một món ăn đặc biệt và nó bắt đầu được không ít người Việt Nam bàn đến với một ý nghĩa ngoài ý nghĩa thực phẩm. Có thể đọc xong bài này thì nhiều bạn đọc vẫn đi ăn thịt chó và bàn luận về nó với nội dung: Chúng ta mang cảm giác gì khi chọc tiết và ăn thịt một con vật nuôi duy nhất mà chúng ta có thể nói chuyện với nó ngày ngày như với một người bạn?

Đại Tửu

Saturday, June 6, 2009

7 nụ hôn dài - Khiết Lam

Lam nhận được thư Khương một sáng mùa thu trong vắt. Hòm thư trước cửa còn lấm tấm những hạt sương từ đêm trước, tiếng chìa khòa tra vào ổ bật tanh tách như tiếng reo vui của lá và gió. Lam mỉm cười, vào mùa thu, ngay cả những vật dường như vô tri nhất cũng trở nên dịu dàng đến lạ. Thư Khương viết ngắn. Anh nói vừa tìm được công việc mới, dặn dò Lam nhớ ăn ngủ đúng giờ. Cuối thư, như thường lệ, là 7 ngôi sao vẽ tay nguệch ngoạc. Lam thấy có vị ngọt phảng phất ở khóe môi. 7 ngôi sao là 7 nụ hôn của Khương gửi đến cô. Lam thích số 7, Khương biết như thế. Và từ khi họ không còn được chở nhau qua những con phố dài để vùi mặt vào tóc nhau, lấy trộm từ gió một cái hôn hiền lành thì những ngôi sao ấy bắt đầu thay Khương mang đến vị ngọt trên môi Lam.

Đó là lá thư cuối cùng của Khương.

Anh mất 2 ngày sau đó, với lí do cũng bình thường như lí do cho muôn ngàn cái chết khác: tai nạn giao thông.

Đó là lúc mùa thu đang vào độ đẹp nhất.

Mọi người muốn giấu Lam, nhưng giấu làm sao được. Che giấu cái chết có vẻ khó khăn hơn sự sống. Lam dễ dàng nhận ra sự thiếu vắng của Khương, cho dù đôi lúc cô dường như quên mất sự có mặt của anh.

Lam bay về vừa kịp ngày đưa anh ra nghĩa trang. Không có nước mắt. Không có sự cứng rắn gượng gạo. Chỉ có Lam-không-Khương, nghĩa là không có 7 nụ hôn dài mang ánh sáng của sao trời, không có những ngày trời âm u Lam nằm tựa đầu lên vai Khương lắng nghe tiếng nhịp tim anh rất gần, không có mái tóc phảng phất mùi bụi đường, không có những giấc ngủ vùi trong căn phòng thiếu ánh sáng thừa tình yêu.

Trong một chừng mực nào đó, người ta nhận thấy Lam-không-Khương đồng nghĩa với Lam-không-Lam.

Lam không quay lại bên kia nữa. Dù ở bên kia, mùa thu đang rất đẹp. Bạn bè không ai nghe Lam nhắc đến Khương nữa. Thậm chí không có cả những câu tình cờ buột miệng đơn thuần mang tính chất sự kiện như “Hôm trước Lam gặp mẹ Khương ngoài cửa hàng”. Họ nghĩ Lam không muốn chạm đến vết thương tươi rói, nên cũng thôi không nhắc về Khương mỗi khi có Lam ở đó.

Lam xin được công việc dạy vẽ cho một trường trung học. Cô sống lặng lẽ và bình thản. Rồi thời gian cũng dần qua. Và những người bạn, những người từng biết Khương, cũng đến lúc họ không nhắc về Khương nữa, dù có hay không có Lam ở đó. Lãng quên cái chết lại dễ dàng hơn là sự sống.

Khi Khương mất đi, nhiều thứ tản mát và nhạt nhòa theo. Đó là hệ quả không tránh được của sự mất mát. Chỉ riêng có một điều được thêm vào. Một thứ duy nhất vì sự mất mát của Khương mà xuất hiện. Thứ đó mang hình dáng của một hộp thư xinh xắn làm bằng gỗ sơn xanh nằm lặng lẽ cạnh mộ anh.

Hộp thư ấy vẫn thường xuyên nhận được 7 nụ hôn có hình ngôi sao vẽ nguệch ngoạc. Lá thư đầu tiên trong hộp và 7 nụ hôn đầu tiên là của người con trai đang nằm hiền lành cạnh nó. Những lá thư và nụ hôn tiếp theo được người con gái mang đến vào mỗi sáng thứ 7.

I.

Đôi lúc em tự hỏi cái chết có mùi vị như thế nào. Nó có giống như hương vị của mùa thu không anh. Em hi vọng nó sẽ dịu dàng và ngọt ngào như thế, để những khi em đi qua mùa thu, em biết em và anh có cùng một cảm giác.

II.

Đêm qua em mơ thấy anh. Anh mỉm cười với em. Và chúng mình hôn nhau. 7 nụ hôn dài anh ạ. Anh rất gần em. Gần đến mức em tưởng chỉ cần mở mắt ra chạm tay một cái là giữ được anh ngay. Nhưng em biết có khóc 7 lần cũng không đổi được 7 nụ hôn bằng ánh sao anh tặng em, nên em đã mỉm cười với anh trong giấc mơ.

III.

Hôm qua em được tặng một cái ly uống nước màu ngọc bích. Anh vẫn biết em hay pha trà sữa uống vào những ngày trời nắng nhẹ mà. Em thích cảm giác cầm ly trà trên tay, ngẩn ngơ nhìn từng làn khói như mùa thu toả nắng. Em hay nghĩ, không biết anh có phải là gió không? Anh có phải là khói không? Vì từ khi không có anh, em bỗng yêu những thứ đó lạ lùng, như là em-yêu-anh. Như là em-yêu-anh.

III.

Hôm nay tình cờ lúc đang đi bộ xuyên qua đám đông để đến trạm xe, em tình cờ trông thấy ánh mắt anh trên gương mặt một người khác. Em đã không hớt hải chạy theo, em đã không sững người hóa đá. Em chỉ nghĩ, chắc là anh biết em nhớ anh quá, nên đã nhờ một ai đó thay anh cho em một chút tình yêu của anh. Em đã bước đến gặp người thanh niên ấy, mỉm cười “Anh có ánh mắt giống như người yêu tôi”. Người thanh niên hơi ngỡ ngàng một chút, nhưng rồi anh ta đã cười với em anh à. Câu đầu tiên anh ta nói với em là “Đường ở đây nhiều bụi lắm, cô cẩn thận nhé, hình như có một vài hạt vừa bay vào mắt cô”.

IV.

Em vừa vẽ xong một bức tranh. Em đặt tên nó là “7 cái hôn dài”. Em đã để nó vào hộp thư của chúng mình rồi, nên anh sẽ thấy nó ngay thôi. Em vẽ chúng mình hôn nhau dưới bầu trời sao. Có tất cả 7 ngôi sao. Em vẽ đi vẽ lại mãi mà không vẽ được gương mặt của anh. Em đã khóc vì bất lực. Em sợ em quên anh. Em sợ đến một ngày nào đó ngay cả trong mơ em cũng không được nhìn rõ mặt anh. Cuối cùng, em nhận ra em đã quen nhìn anh bằng tim. Nếu anh thấy không giống, không phải vì không-phải-anh, chỉ là vì anh-trong-tim-em.

Thì ra anh chàng hôm nọ ở gần nơi này anh ạ.. Em thường chờ cùng trạm xe với anh ta mỗi lần đến gặp anh. Hôm nay anh ta nói với em “Hình như lâu lắm rồi cô không tiếp xúc với con người”. Không hiểu sao tự nhiên em bật cười. Em vẫn gặp anh thường xuyên đó thôi. Việc anh rời khỏi thế giới này làm sao ngăn được việc anh là một con người vẹn nguyên nhất. Anh vẫn là Khương-của-em, vẫn là Khương thích khuấy cà phê cho em khi chúng mình ngồi bên vệ đường, vẫn là Khương trầm tĩnh đưa lưng che cho em khỏi ướt khi chúng mình đứng tránh mưa. Có những điều em hiểu, và anh chàng kia không hiểu. Có những điều mà từ khi yêu một người như anh, em tự nhiên được biết.

VI.

Đôi lúc em tự hỏi sao em không giống những người con gái khác khi mất đi người yêu. Sao em không khóc một lần cho chết lặng đi, để rồi tái sinh và thản nhiên yêu thương một ai đó khác. Sao em không nhìn cuộc sống bằng ánh mắt u ám , vì sự u ám một ngày nào đó cũng nhạt nhòa dần. Em chỉ đơn giản là yêu thương anh. Em chỉ đơn giản là cảm thấy cuộc sống của em vì anh mà dịu dàng buồn bã như mùa thu. Vì không oán hận, vì không đau đớn, mà tình yêu không thể phai nhạt.

VII.

Hộp thư đầy rồi anh à. Em lấy thư xếp thành thuyền thả trên dòng sông ở cạnh đây. Tuần sau em sẽ lại bắt đầu viết những lá thư mới. Hôm nay khi đứng ở bờ sông nhìn từng chiếc thuyền giấy dần dần trôi ra xa khỏi tầm tay em, nước mắt em rơi xuống hòa tan vào muôn ngàn giọt nước phía dưới. Em tự hỏi có phải ngàn ngàn triệu triệu năm trước, những dòng sông đều bắt đầu từ nước mắt của từng cô gái nhỏ xếp thuyền bằng những lá thư mang ánh sáng của 7 nụ hôn dài.

Nhiều mùa thu nữa đi qua.

Có phải những dòng sông bắt đầu bằng nước mắt đều chở theo 7 nụ hôn dài qua biên độ vô cùng của thời gian…

Ly Hôn - Nguyễn Đông Thức

Trái với sự lo xa của vài người bạn, bữa tiệc nhỏ chia tay của hai vợ chồng Thạch - Ngọc lại diễn rất thân mật, vui vẻ. Đã khá lâu rồi, hôm nay Ngọc mới trổ tài nội trợ cho một bữa tiệc khoảng mười người, tất cả đều là bạn thân nhất của Thạch và Ngọc. Năm năm trước, họ đều có mặt đầy đủ trong đám cưới hai người. Dĩ nhiên họ cũng, người thì qua một tấm thiệp nhỏ đính kèm món quà, người thì qua lời phát biểu trên micrô, đều thành thât chúc mừng Thạch - Ngọc sẽ sống bên nhau trăm năm hạnh phúc, mặc dù nếu lời chúc đó mà thành hiện thực, thì Thạch sẽ thọ đến 128 tuổi, còn Ngọc 125. Năm năm sau, họ lại cũng có mặt trong bữa tiệc này, và lại cũng rất thành thật chúc mừng Thạch và Ngọc đã chia tay rất đúng lúc, hợp pháp, êm đềm.

Có lẽ tận đấy lòng, họ không vui, nhưng người nào cũng cố tỏ ra tự nhiên, nhiệt tình. Vả lại, tất cả đều đã làm hết cách để mong hàn gắn hai người rồi. Chính bữa tiệc hôm nay, sở dĩ có, cũng do sự đồng lòng đề nghị và nhiệt tình tham gia tổ chức của họ, có thể coi như một cố gắng cuối cùng của đám bạn đáng quý này.
Võ phát biểu sau khi nuốt một miếng lớn bò beefsteak:
- Thú thật tôi chưa hề thấy vợ chồng nào chia tay nhau mà lại làm tiệc đãi bạn bè đàng hoàng như Thạch - Ngọc. Đây là một bài học rất hay mà có thể tôi sẽ bắt chước.
Minh, vợ Võ, lườm chồng:
- Anh muốn lắm phải không? Muốn thì ngày mai tôi đãi trước cũng được, thủ tục còn lại làm sau!
Võ xanh mặt, chắp tay làm bộ vái vợ:
- Trời ơi, tôi giỡn chút không được sao bà? Không có bà thì làm sao tôi sống được!
Cả bàn tiệc cười ồ. Trọng hỏi, khi tiếng cười đã dứt:
- Các bạn có đồng ý với tôi sắp tới, một trong những điều mà Thạch tiếc đầu tiên sẽ là… những bữa ăn ngon như thế này không?
Việt, người đầu tiên có sáng kiến tổ chức buổi họp mặt hôm nay, mới uống nửa ly mà mặt đã đỏ gay, cãi:
- Tôi nghĩ là ông Thạch sẽ tiếc nhiều thứ lắm, chứ không phải chỉ chuyện ăn uống tầm thường đâu. Thí dụ như…cái này không phải rượu nói đâu nghen. Xin lỗi chị Ngọc chứ, năm năm nay tôi thấy chị chẳng già đi chút nào cả. Vẫn trẻ trung, tươi tắn và…hôm nay thì càng đẹp tuyệt!
Thạch lườm Việt. Thằng này đã thành tật, cứ rượu vô là phát ngôn thoải mái, chẳng nể ai cả. Nhưng lần này, Thạch liếc qua Ngọc. Coi bộ nó nói đúng. Hôm nay Ngọc đẹp thật. Lần đầu tiên sau cả một thời gian dài ít ngắm nhìn vợ, Thạch thấy rất rõ điều đó.
Ngọc hơi đỏ mặt:
- Các anh khen tôi làm gì? Đâu phải cứ nấu ăn ngon và đẹp là giữ được chồng đâu!
Mai, bạn gái của Ngọc, còn độc than và có nhiều hiện tượng đang rất muốn có chồng, tò mò hỏi:
- Vậy cái gì mới giữ được chồng chị?
Trọng bật cười ha hả:
- Hỏi cho nó đàng hoàng! “Giữ được chồng chị” nghĩa là sao? Coi chừng tôi hiểu lầm là cô Mai muốn tiếp tục nhận giữ ông Thạch thay cho Ngọc đấy!

Bữa tiệc vui vẻ quá. Thạch thấy thoải mái lắm. Anh lại liếc sang Ngọc, thấy người mà về mặt nguyên tắc nay chẳng còn gì dính dáng đến mình nữa này cũng đang có vẻ tươi tỉnh lắm, chẳng có chút buồn nản hay cau có, khó ưa như trước đây.

Hữu lại đặt vấn đề:
- Hồi đám cưới Thạch - Ngọc, lúc tặng quà, tôi có nói là bao giờ hai người không ở với nhau nữa thì phải trả lại cho tôi, vì công tôi đi tìm quà cực quá! Anh Thạch cam kết sẽ không bao giờ có chuyện đó, vậy mà bây giờ lại để cho nó xảy ra! Tôi đề nghị hai người phải đền lại món quà cho tôi.
Thạch cười ngượng ngập:
- Được rồi, được rồi! Bao giờ ông có vợ tôi sẽ tặng lại cho ông một món quà y chang như vậy.
Hữu kêu lên:
- Sao lại một món? Hai chứ! Quên rồi à!
Thạch lúng túng nhìn Ngọc cầu cứu. Ngọc làm lơ, quay sang Mai trao đổi chuyện riêng. Hữu vẫn không tha:
- Thấy chưa? Ông có nhớ gì đâu? Tôi có đọc ở đâu đó câu này: “Ngừơi nào có trí nhớ không tốt thì sẽ hiếm khi giữ được hạnh phúc gia đình”. Đúng thật!
Mai hỏi lại:
- Sao vậy?
- Bởi vì người đó sẽ không nhớ được bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ của hai ngừơi, và vì vậy, sẽ không thể dễ thông cảm và tha thứ cho nhau được khi những gì không vừa ý sẽ lần lượt xếp hàng hiện ra trong cuộc sống chung.
Thạch và Ngọc cùng cúi mặt. Thấy vậy, Quang, phóng viên ảnh của một tờ báo, cũng bắt chước Hữu, tuyên bố:
- Sẵn ông Hữu đòi lại quà, tôi cũng có ý xin trình bày ra đây. Tôi là người đã chụp ảnh đám cưới Thạch - Ngọc, cảnh mà tôi chụp đạt nhất tới giờ trong lịch sử chụp đám cưới của tôi, là cảnh hai ông bà đeo nhẫn cho nhau. Năm ấy tôi lấy tấm ảnh gửi dự thi ảnh nghệ thuật, với cái tên “Cuối cùng của một tình yêu”. Ảnh bị loại ngay vòng đầu vì cái tựa không phù hợp, so với vẻ mặt hí hửng của hai người. Bây giờ nghỉ chơi nhau rồi thì trả lại nhẫn cho nhau đi, để tôi chụp lại, chắc hợp hơn. Tôi vẫn còn mê cái tựa đề đó lắm.

Thạch và Ngọc nhìn nhau. Thật ra hai cái nhẫn đều do Ngọc đi mua, có đo tay mỗi người cẩn thận. Bây giờ…Chẳng lẽ lại cởi ra trả nhau trước mặt mọi người? Ngọc lén đưa tay xuống dưới bàn, thử rút nhẫn ra, nhưng không sao làm được chuyện đó. Năm năm với nhiều công việc nội trợ cực nhọc đã làm tay Ngọc to ra rồi. Thạch cũng vậy. Từ ngày lấy vợ, anh mập hơn. Những bữa cơm đúng giờ, ngon miệng. Anh sống điều độ hơn, ít đi nhậu bạt mạng như trước, sáng có điểm tâm đàng hoàng, không sang nhưng có thể đi làm với cái bụng no. Chiếc nhẫn bây giờ có muốn rút ra chắc cũng tốn ít nhiều xà phòng.

Quang tinh mắt tiếp:
- Tháo nhẫn không ra rồi phải không? Dễ gì, thấy chưa? Đâu phải không có lý do khi người ta đã chọn cái nhẫn làm vật ràng buộc đời nhau. Thường thì mang vào bao giờ cũng dễ mà tháo ra thì rất khó.
Thấy Thạch và Ngọc có vẻ buồn buồn, Võ nâng ly:
- Thôi, chuyện gì đến, đã đến. Dù sao chúng ta cũng hãy nâng ly mừng Thạch, Ngọc. Trong khu tập thể này, phòng tôi sát phòng Thạch, Ngọc. Tôi xin xác nhận với các bạn là cả hai đã không sống được với nhau hạnh phúc như chúng mình và chính họ từng mong muốn.. Thật vậy, trong chuyện này chúng ta không thể trách ai cả. Có nhiều điều mâu thuẫn, thậm chí nhiều cá tính trái biệt nhau, chỉ bộc lộ trong quá trình chung sống, không thể lường trước được. Như bà vợ tôi chẳng hạn. Tới giờ thì nội cái chuyện bả thích ăn thịt hay ưa gặm xương, tôi cũng chưa biết được.
Minh trợn mắt nhìn chồng:
- Anh này! Nói năng gì kỳ vậy?
Mai lại hỏi:
- Sao lạ vậy anh Võ?
Võ tỉnh queo:
- Thì hồi chưa cưới, đi đâu ăn tiệc với nhau, tôi gắp thịt cho bả, bả đều…dứt đẹp. Đến khi ở với nhau rồi, nhất là từ lúc có con, vào bữa cơm, bả cứ lén gắp xương ăn. Nhưng rồi đi ăn tiệc ở đâu khác, thí dụ như hôm nay chẳng hạn, bả lại “chơi” toàn là thịt! Kìa trong ché còn nhiều ghê chưa? Vậy bả thích ăn cái gì? Tôi cũng chưa biết. Và ông Thạch thử trả lời coi bà Ngọc thế nào? Có cũng khó hiểu như vậy không?

Mọi người cùng cười, nhưng Thạch hiểu Võ, cũng như các bạn nãy giờ, đều bằng cách này cách nọ muốn anh suy nghĩ lại. Anh nhớ đúng là Ngọc luôn nhường nhịn anh trong những bữa ăn, trong cuộc sống chung, cho đến một lúc anh coi chuyện đó là bình thường, chẳng để ý đên nữa.

Việt rót đầy một ly bia, bưng hai tay đưa cho Thạch:
- Thôi, dẹp ba chuyện đó đi, giờ này mà còn dễ hiểu, khó hiểu gì nữa! Hai ông bà cùng uống với nhau một ly cuối đi. Mỗi người năm mươi phần trăm!
Thạch và Ngọc đứng lên, không dám nhìn vào mắt nhau. Thạch nói:
- Em uống trước đi. Chạm môi thôi cũng được.
Ngọc cầm ly, tay run làm sóng sánh một ít ra ngoài. Cô nhớ lại trước kia, trong lần đầu uống với nhau như vậy, Thạch lựa ngay chỗ cô chạm môi, uống cạn ly một cách ngon lành và khen chưa bao giờ được uống rượu ngọt và thơm như vậy.

Họ nhìn nhau. Ngọc thấy có vài sợi tóc mai của Thạch đã bạc. Cuộc sống của ngừơi đàn ông là để cho xã hội, cho công việc? Còn Thạch, anh cũng thấy ở đuôi mắt Ngọc đã rạn những nếp nhăn nhỏ hình chân chim. Trong đó, có nếp nhăn nào đã hình thành từ những đêm Ngọc mòn mỏi thức đợi anh đi chơi với bạn bè về quá khuya? Cả hai cùng thấy xót xa, cùng không còn nhớ gì nữa về những muộn phiền, cay đắng mà hai người đã dành cho mình.


Mấy tháng rồi hai người mới đứng gần nhau như vậy. Trong khi chờ đợi hoàn tất thủ tục ly hôn, họ đã sống “ly thân tại chỗ”. Căn phòng bị ngăn đôi ở giữa bằng một tấm màn dày. Họ không còn ăn cơm tối và điểm tâm với nhau nữa. Cơ quan Ngọc có tổ chức nấu ăn trưa. Chiều về, cô ghé phòng Mai cùng ăn tối. Sáng cô đi sớm, chẳng biết có ăn gì không. Cái bếp dầu hôi và bếp điện của hai ngừơi nguội ngắt, lạnh tanh, chỉ còn dùng vào việc nấu nước uống, có khi hai ngày chưa hết một ấm. Tình trạng đó cũng làm bạn bè ngại, không dám đến.

Thạch uống cạn ly, thấy ngừơi lâng lâng một cảm giác vừa sảng khoái, vừa buồn nản. Những người bạn cũng cùng cạn ly. Quang bấm mấy “pô” hình. Miệng ai nấy cùng cười toe toét, chẳng khác gì đây chính là ngày cưới của Thạch và Ngọc. Thạch có cảm tủơng như vậy. Dường như năm năm trời chỉ là một cái chớp mắt. Dường như Ngọc đứng kia, đang chia tay với bạn bè, để rồi sẽ quay vào với anh, sẽ hổ thẹn úp mặt vào vai anh khi anh hấp tấp bế bổng cô lên đi vào phòng trong…

Ngọc đi ra, tiễn khách xuống tận chân cầu thang. Cảm thấy hơi chếnh choáng, Thạch ngồi lại, với chiếc bàn ăn bừa bãi chén đĩa và nhũng chiếc gạt tàn đầy ắp những mẫu thuốc hút dở tắt ngúm. Vừa mới đầy người, đầy tiếng cười nói ồn ào, căn phòng bỗng yên tĩnh trống vắng một cách lạnh lùng. Thạch đốt một điếu thuốc, thấy tay mình run run. Anh đưa mắt nhìn một lượt suốt căn phòng. Tối nay, Ngọc đã tháo tấm màn ngăn đôi nên nó bỗng rộng hơn rất nhiều, và mấy tháng rồi, Thạch mới thấy tấm ảnh mà Quang gọi là “Cuối cùng của một tình yêu” vẫn còn treo y chỗ cũ, phần bên Ngọc ở. Đúng là cả hai gương mặt trong ảnh biểu lộ một hạnh phúc tràn trề. Ai, trong hai ngừơi, có lỗi về cái kết thúc của ngày hôm nay?

Ngọc vào, hai ngừơi ngồi lại ở bộ salông nhỏ, uống trà. Đúng thứ trà Thái Nguyên pha đậm theo “gu” của Thạch, nhưng hương trà vẫn không thơm bằng hương ngừơi Ngọc thoảng sang. Thạch buột miệng:
- Dầu thơm gì có mũi dễ chịu quá!
- Soir de Paris. Em mới mua.
Thạch nhướng mắt nhìn Ngọc như một lời dò hỏi.

Trong cuộc sống chung trước đây, lúc đầu lãnh tiền được bao nhiêu, Thạch đều đưa hết cho Ngọc. Rồi thỉnh thoảng anh lại lấy lại chút ít để uống cà phê, hút thuốc, đi chơi với bạn. Riết rồi anh tự động giữ lại một khoản, chỉ đưa phần gọi là thu nhập chính cho Ngọc, cũng là phần ít nhất. Ngọc chẳng nói gì mà Thạch thì thấy ăn uống trong gia đình vẫn vậy, nên cũng yên tâm. Anh vô tình đâu hiểu Ngọc dường như không còn tiêu xài, may sắm gì cho riêng mình nữa từ ngày về sống với anh. Cũng có lúc anh thấy Ngọc hơi luộm thuộm, không còn “mát mắt” như trước, nhưng anh chỉ cho là tại Ngọc quá lu bu công việc. Vậy thôi!


Mấy tháng qua, Thạch mới ngạc nhiên khi thấy toàn bộ thu nhập của anh chỉ dùng vào việc ăn uống thôi cũng muốn không đủ. Thu nhập của Ngọc chắc chắn không cao hơn anh. Trước kia, cô đã làm thế nào để vẫn lo cho anh được chu đáo đến từng ly cà phê sáng như vậy?

Ngọc hiểu cái nhìn của Thạch, trả lời:
- Em đuợc thưởng sáng kiến và được tăng lương nữa.
Thạch lại chợt phát hiện, trước giờ mình quá ít để ý đến công việc của Ngọc, đến nỗi anh hơi bất ngờ khi nghe tin Ngọc được thưởng sáng kiến. Hoá ra có những cố gắng vươn lên bên trong con ngừơi thân thiết nhất với mình, mà sự vô tâm làm cho mình không nhận ra. Kỳ lạ. Đó là sáng kiến gì vậy? Chưa nói là vợ chồng, hai ngừơi ở chung nhà mà còn không biết những chuyện như vậy của nhau thì đáng trách thật!
Thạch băn khoăn:
- Mai mốt em tính sao?
- Đây là nhà ở tập thể của cơ quan anh. Em định ở nhờ anh vài bữa rồi sẽ dọn đến cùng ở tạm với Mai.
Thạch đã biết căn phòng nhỏ như cái lỗ mũi của Mai. Anh vội nói:
- Về việc đó thì em khỏi lo, cứ ở lại đây đi. Anh sắp đi học hơn một năm, không ai lấy phòng lại đâu.
Ngọc nói nho nhỏ:
- Thôi, ở đây buồn lắm…

Cả hai cùng im lặng một lúc, và ngạc nhiên khi nhận thấy sự lúng túng và nguợng nghịu của chính mình, như thể họ là hai ngừơi chưa hiểu gì về nhau và mới làm quen với nhau trong buổi tối nay.

Thạch lại hỏi một câu…ngoài lề:
- Cái áo này em cũng mới may bằng tiền thưởng à?
- Đâu có, áo này em may hai năm rồi. Kỳ đó em may tính mặc trong ngày sinh nhật, để đi chơi với anh, nhưng hôm đó giờ chót anh lại bị đi công tác xa đột xuất, rồi lu bu hoài không có dịp mặc.
Thạch nhớ lại, lần đó anh lo cho công việc quá, đã quên không mua quà sinh nhật cho Ngọc. Anh biết mình sai, nhưng sau đó, thấy Ngọc không nói gì thì cũng…cho qua, chặc lưỡi nghĩ: “Vợ chồng còn cả đời ở với nhau!”

Anh làm sao hiểu được, dù Ngọc không nói gì, những trong lòng người vợ trẻ ấy đã buồn tủi thế nào, và những vết rạn nứt báo hiệu sự đổ vỡ bắt đầu hiện ra từ dạo ấy. Khi nghĩ “còn cả đời với nhau”, anh cũng không hiểu “cả đời” ấy chính là sự góp nhặt, chắt chiu, vun vén của từng ngày từng giờ. Và sự thờ ơ sẽ giết chết tình yêu cũng dễ dàng không thua gì sự dối trá.

Thạch nghe như Ngọc vừa thở dài. Hay đó là tiếng thở dài của anh?