Bác là một cán bộ, một đảng viên gương mẫu trong mắt tôi vì bác đã từ bỏ rất nhiều cơ hội để làm giàu chỉ để giữ vững tấm lòng và lý tưởng của chính mình. Tôi mở đầu câu chuyện bằng lời đề nghị đóng cửa hẻm cho bác vì tôi là người về sau. Bác cười đồng ý và nói là dù gì mình cũng ở đây để rít hết điếu thuốc trước khi vào nhà.
Tôi thấy vậy cũng chưa vào nhà vội để hai bác cháu có thể đứng nói chuyện một chút và chính bác là người bắt đầu. Bác nói với tôi bác mới đi đám tang về, lại một người bạn nữa ra đi và ở tuổi của mình, bác đang chứng kiến từng người bạn rời xa. Có lẽ tôi chưa phải đối mặt với hoàn cảnh như vậy nên tôi không thể cảm nhận hết được nỗi lòng của bác, nhưng tôi biết, bác sẽ sống trọn vẹn hơn sau từng biến cố, và đó cũng là điều tôi trả lời bác. Bác kể tôi nghe những việc bác đang cố gắng để làm cho cộng đồng nghèo ở miền quê xa xôi và nhắn nhủ với tôi là tôi đang có tuổi trẻ, đang có thời gian để cống hiến.
Điều bác nói không biết có phải là điều tôi mong mỏi bấy lâu nay hay không, nhưng nó đã làm tôi suy nghĩ, và tôi trả lời bác thật nhiều. Tôi nói con người có 3 quá trình và tùy mỗi người sẽ có những hành động khác nhau để thực hiện. Quá trình đầu tiên là tồn tại, vì chỉ có tồn tại mới giúp cho chúng ta sinh tồn và thực hiện các việc khác. Quá trình thứ hai là tích lũy, chúng ta sẽ tích lũy tiền bạc, vốn sống, kinh nghiệm, kiến thức khi mà chúng ta có thể tồn tại. Và cuối cùng là phục vụ, khi đó chúng ta sẽ phục vụ cho gia đình, cho họ hàng, và cho những người xung quanh. Tôi nói với bác bản thân tôi cảm thấy bất trắc vì tôi không trả lời được tôi còn bao nhiêu thời gian, vì vậy tôi thực hiện 3 quá trình này song song, không phải bằng mọi giá cho tồn tại, tích lũy rồi khi thoải mái thì mới phục vụ.
Bác tán thành và nói với tôi rằng không biết có phải chủ quan hay không, nhưng hiện nay theo bác rất ít thanh niên suy nghĩ được như vậy và bác thấy mừng khi tôi có suy nghĩ đó. Tôi có thể hạnh phúc rằng mình có suy nghĩ như vậy và đặc biệt tôi càng vui khi có dịp cống hiến cho sự thành công của những người xung quanh. Tôi nói với bác là con thấy tiếc khi có rất nhiều người chỉ loay hoay với việc tồn tại, tích lũy và không biết bao giờ là đủ. Và tôi đã đổ thừa cho xã hội Việt Nam, khi mà không có đủ nội lực cần thiết để chăm sóc cho người dân khi ốm đau, bệnh tật để ai cũng phải tích lũy để lo cho những trường hợp đột ngột xảy đến. Và tôi cũng đã ví dụ ở những xã hội phát triển khác, khi mà mỗi người không cần phải lo vì đã có một hệ thống y tế thật tốt, thì đó cũng là phương tiện để cho người dân có thể cống hiến nhiều hơn. Tầm vĩ mô của xã hội là vậy nhưng tầm vi mô ở mỗi con người là chuyện khác vì nhận thức là một quá trình dài. Bản thân tôi cũng có những loay hoay, những suy nghĩ về tồn tại, tích lũy thế nào là đủ, nhưng may mắn tôi là người luôn biết mình cần gì và muốn gì ở mỗi thời điểm, và điều đó giúp tôi hiểu tôi đang làm gì.
Bác nghe xong và nói với tôi trong cuộc sống chắc chắn lúc nào cũng phải có min và max, và điều quan trọng là cháu xác định nó thế nào. Tôi hiểu và câu chuyện chấm dứt khi điếu thuốc đã tàn...
No comments:
Post a Comment