VN không thu được kinh nghiệm gì từ khủng hoảng 1997, tiếc thay!
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. (Nguồn ảnh: VietNamNet) |
Có được kết quả này là do Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực tiến hành cải cách, tái cơ cấu trong hàng loạt lĩnh vực: luật pháp, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước…
Bàn về tình hình Việt Nam hiện nay, cựu Phó Thủ tướng nói: “Tôi có cảm giác là việc cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp Việt Nam chưa được đặt đúng tầm quan trọng mà nó đưa lại”.
Điều có lẽ làm ông Vũ Khoan còn buồn hơn thế, là Việt Nam đã không thu được bao nhiêu kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng khu vực 1997: “Chúng ta đã không có bất kỳ tổng kết nào. Thật đáng tiếc”.
Gộp sổ đỏ, sổ hồng: Quốc hội đã quyết từ... 6 năm trước
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên khẳng định điều này với báo chí, đồng thời nêu rõ: “QH từ xưa đến nay chưa bao giờ nói hai, ba giấy. Từ năm 2003, QH đã thông qua Luật Đất đai, trong đó quy định thống nhất một giấy. Năm 2005, QH cũng lại nói một giấy.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên. (Ảnh: Việt Hưng)
… Năm 2007 khi giám sát về đầu tư xây dựng cơ bản, QH một lần nữa cũng tuyên bố trước quốc dân đồng bào là một giấy. Nhưng nói thế mà chẳng ai làm. Vậy mà thêm hai năm nữa trôi đi vẫn chưa ra được một giấy”. (Thời báo Kinh tế Việt Nam, 28/5)
Những lời ông Kiên nói cho thấy, vẫn còn đó khoảng cách giữa việc QH thông qua và Chính phủ chấp hành, hay như cách dùng từ của ông Kiên, “giữa luật và việc tổ chức thực hiện”.
Đã 6 năm trôi qua mà một nghị quyết của QH vẫn không đi vào thực tế. Đây là biểu hiện của vấn nạn “trên bảo dưới không nghe”, hay là kết quả của sự bất cập trong phối hợp, thống nhất hành động giữa các cơ quan liên quan?
Bản thân Phó Chủ tịch QH cũng đành… chịu, không giải thích được: “Lý do không thực hiện thì tôi không rõ lắm. Còn bây giờ trời không chịu đất, đất không chịu trời thì lại khẳng định một lần nữa là một giấy”.
Địa phương không thắc mắc, sao cử tri nơi khác cứ "rách việc"?
Trả lời phóng viên về dự án bô-xít, đại biểu QH Võ Văn Đủ – GĐ Công an tỉnh Đăk Nông – thẳng thắn: “Chúng tôi là đại biểu QH thì tỉnh ủy, địa phương, HĐND đều đã thống nhất về chủ trương, đều hy vọng kéo theo dịch vụ phát triển, có thêm công ăn việc làm. Nhưng bà con thì không có ý kiến. Người dân tại chỗ không hề thắc mắc, mà tại sao cử tri các nơi cứ thắc mắc”. (VietNamNet, 26/5)
Ông Đủ cho biết trước khi về thủ đô dự họp QH, tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri: “Khoảng 1614 cử tri tham dự, với 140 ý kiến phát biểu. Không cử tri nào đặt vấn đề về việc mỏ bô-xít triển khai thế nào. Nhân dân đồng thuận”.
Không rõ con số 140/1614 đã đủ nói lên sự đồng thuận của toàn thể chưa, nhưng có lẽ là vậy, nếu chúng ta hiểu 1474 cử tri còn lại kia “im lặng là đồng ý”.
Ngoài ra, khi chính quyền cơ sở đều đã thống nhất về chủ trương, thì cử tri có mặt có lẽ là để lắng nghe phổ biến, hoặc được vạch ra viễn cảnh “dịch vụ phát triển, có thêm công ăn việc làm” hơn là để phản biện, để “thắc mắc”, “có ý kiến”? Cho nên “người dân tại chỗ không hề thắc mắc”.
Còn tại sao cử tri các nơi khác cứ thắc mắc thì thật khó hiểu...
Năm 2010, Hà Nội hết các điểm ùn tắc giao thông?
(Nguồn ảnh: Tiền Phong) |
Nhưng người thủ đô có thể lạc quan hơn một chút, bởi thành phố đang tiến tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Thường thì những dịp “tiến tới kỷ niệm” là lúc để nhiều công trình cơ sở hạ tầng lớn, trọng điểm, ra đời, đường xá sẽ được tu bổ cho phong quang, sạch đẹp.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cũng vừa cho biết: “… Quyết tâm của Sở là cố gắng từ nay đến năm 2010 xóa bỏ hết các điểm đen về ùn tắc giao thông”. (Tiền Phong, 28/5)
Bây giờ là gần giữa năm 2009 rồi, vậy là chỉ sang năm sau, Hà Nội sẽ hết các điểm ùn tắc? Nếu đúng vậy, cũng chẳng còn lâu nữa, người dân chúng ta có thể vui vẻ chờ đợi, và trong lúc chờ đợi thì nên gắng chịu đựng tình trạng ùn tắc hiện nay. Trời mùa hè nóng nực, đường xá nhiều bụi, xin đừng cáu kỉnh quát lác, gây sự với nhau khi phải nối đuôi xếp hàng trên phố. Hà Nội sắp hết ùn tắc rồi!
“Khó xác định ranh giới giữa tiền hoa hồng và hối lộ”
Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. (Ảnh: Việt Anh) |
“Ví dụ tại Mỹ, nhiều khách sạn, nhà hàng nhân viên đều đòi tiền "bo", chi hoa hồng. Còn ở ta, nếu anh nhân viên ở loại hình dịch vụ nào đó nhận tiền của khách thì sẽ bị xử lý”. (VnExpress, 25/5)
Bỏ qua mấy ví dụ, việc Thanh tra Chính phủ còn thấy khó khăn trong việc phân biệt giữa tham nhũng và tiền “bo” cho thấy, đối với “dân”, hay cụ thể hơn nữa, với doanh nghiệp - những người thường phải trực tiếp giao dịch với cơ quan công quyền và dễ phạm tội hối lộ nhất – xác định ranh giới còn khó tới mức nào!
Thật ra, đề ra các quy định cụ thể về hành vi cho và nhận quà, “lượng hóa” giá trị của món quà, có lẽ không phải “nhiệm vụ bất khả thi”. Việc người đứng đầu ngành thanh tra Việt Nam thấy lúng túng trong việc này cho thấy nền luật pháp Việt Nam vẫn còn bất cập so với thực tiễn, và căn bệnh kinh niên của người Việt: luôn thiếu căn bản, từ khâu định nghĩa trở đi.
Ngừng bố trí chạy tàu với ê kíp nghi đánh hành khách
Xí nghiệp Vận dụng toa xe Sài Gòn đã tạm ngừng bố trí chạy tàu với ê kíp tàu TN2, là ê kíp bị tố cáo đánh hội đồng hành khách tại ga Vinh, tối 24/5. (VietNamNet, 28/5)
Anh Đinh Hải Sâm - người tố cáo bị nhân viên tàu TN2 đánh hội đồng. (Ảnh: D.Tuấn) |
Cũng theo ông Long, quan chức của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có chỉ đạo, nếu nhân viên có sai phạm nghiêm trọng thì có thể áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất trong nội quy lao động của công ty, đó là sa thải. Tất nhiên, mọi việc còn phụ thuộc kết luận điều tra là nhân viên tàu TN2 có đánh hành khách thật hay không.
Dù sao đi nữa, việc làm của Xí nghiệp Vận dụng toa xe Sài Gòn cũng là một “hành động ấn tượng”: Thay vì ngay lập tức “phủ nhận sạch trơn”, hoặc “chờ xét đã”, thì Xí nghiệp cho thấy một cung cách làm việc ôn tồn: ít nhất cũng có yêu cầu nhân viên tạm ngừng việc để báo cáo lại sự tình, và sẽ thăm hỏi hành khách, tiến hành điều tra vụ việc. Khách hàng như Thượng Đế là vậy.
Ở nước tư bản, nhà báo có tì vết không trung thực rất khó tìm việc
Sắp tới ngày Báo chí Việt Nam 21/6, các ký giả trẻ tuổi có thể ghi nhớ những lời nhắn gửi của nhà báo lão thành Hữu Thọ: “Với nghề báo, cạm bẫy khiến tờ báo không trung thực, nhà báo bẻ cong ngòi bút vì lợi ích nào đó.
… Các nước tư bản phạt các tòa báo về tài chính rất nặng, đến mức phá sản nếu tờ báo không trung thực, còn nhà báo có tì vết về sự thiếu trung thực thì rất khó tìm việc. Trong cơ chế thị trường có nhiều cám dỗ hơn, người làm báo càng phải giữ được phẩm chất, để được xã hội kính trọng, đồng nghiệp nể và nhất là được độc giả tin cậy”.
Việt Nam không phải nước tư bản, nhưng những lời nhắn nhủ của nhà báo Hữu Thọ vẫn giữ nguyên giá trị, và sẽ mãi mãi còn giá trị, bởi đạo đức nghề nghiệp “là khía cạnh mà bất cứ nền báo chí nào cũng rất quan tâm”.
Khánh Châu
No comments:
Post a Comment