* Qua sự cố Tấn Tài suýt đánh nhau với đồng đội hay sự cố của Quả bóng vàng Dương Hồng Sơn, một số đồng nghiệp của chúng tôi đã đề cập một vấn đề khá mới là lòng đố kỵ. Theo ông, sự đố kỵ có hay không trong làng bóng?
- Ôi trời, đầy rẫy! Tôi nghĩ các bạn đã rất tinh tế khi phát hiện chuyện đó. Nói thật nhé, chẳng đội bóng nào muốn cầu thủ của mình lên đội tuyển cả, bởi khi trở lại CLB họ đều ít nhiều “gây ra” những rắc rối.
Vừa rồi có một hai nhà báo nêu vấn đề tại sao phần lớn tuyển thủ thi đấu rất tốt trong đội tuyển ở AFF Cup nhưng hiện nay hết sức mờ nhạt ở V-League. Tôi cho rằng đó là chuyện có thật, nhưng vì sao? Trong làng bóng VN, cầu thủ của chúng ta có một điều rất dở là khi trong đội có một vài cầu thủ nhận lương cao hơn mình thì lập tức sinh ra đố kỵ theo kiểu “Đã nhận lương cao thì phải đá đúng với lương cao đi”. Và thế là xuất hiện những đường chuyền “chết người”, hoặc tẩy chay không chuyền bóng cho những cầu thủ lương cao.
Trong sinh hoạt các cầu thủ này cũng thường xuyên bị châm chích. Theo dõi vụ của Tấn Tài, tôi hình dung có thể đây là câu chuyện của lòng đố kỵ. Đại loại như kiểu các tuyển thủ sau khi nhận món tiền thưởng hàng trăm triệu đồng nhờ đoạt cúp Đông Nam Á, khi trở lại CLB đã bị các đồng đội soi mói rất nhiều, xài ít thì bị cho là keo kiệt, xài nhiều thì bị bảo là chảnh. Thật khó sống! Phần lớn cầu thủ VN không bao giờ tự nhủ mình phải cố gắng để chơi hay hơn, để được hưởng như đồng nghiệp.
Người ghét Công Vinh thì bảo sự cô độc của anh là do mắc bệnh ngôi sao nên chẳng ai chơi! Nhưng người thương thì bảo Vinh là nạn nhân của lòng đố kỵ - Ảnh: Quang Thắng |
* Xin lỗi ông, sự mờ nhạt của Lee Nguyễn ở Hoàng Anh Gia Lai cũng xuất phát từ chuyện đố kỵ khi anh này nhận lương cao hơn hẳn nhiều đồng đội khác?
- Dĩ nhiên cũng có, nhưng nói thật chúng tôi may mắn khi căn bệnh đó rất nhẹ ở Hoàng Anh Gia Lai. Lý do cũng có thể nhờ chúng tôi cứng rắn, không khoan nhượng với những biểu hiện bệnh hoạn đó.
* Nhưng cũng có ý kiến ngược lại cho rằng các tuyển thủ khi về lại CLB đã mắc bệnh ngôi sao, cho mình quyền đứng trên người khác?
- Tôi nghĩ chuyện gì cũng có hai mặt và ở đây cũng thế. Do khủng hoảng cầu thủ giỏi nên thực tế có nhiều đội bóng quá cưng chiều các ngôi sao và một số đã ý thức được điều đó nên sinh ra hỏng chuyện.
* Theo ông, chúng ta giải quyết thế nào hai mặt của vấn đề nêu trên?
- Tôi đã nhiều lần phát biểu rằng các đội bóng VN, từ CLB tới đội tuyển, đều cần phải có người đóng vai trò như người cha tinh thần nhằm giúp đỡ, giáo dục, định hướng cầu thủ trong việc ứng xử sao cho đúng đắn.
Hãy bình tĩnh nhìn lại, đa số cầu thủ VN đều xuất thân từ gia đình nghèo, điều kiện giáo dục không tốt. Ngay từ nhỏ các em được đưa vào trung tâm đào tạo, ở đấy chẳng ai quan tâm giáo dục các em ngoài việc dạy kỹ năng đá bóng. Thế rồi cái cậu bé không được hưởng những điều kiện giáo dục ấy bỗng dưng trở thành “người hùng” của công chúng. Anh ta làm sao biết được mình phải đi đứng, ăn nói, cư xử, sinh hoạt sao cho đúng là người của công chúng. Vì vậy, cái gốc của câu chuyện “cầu thủ VN xấu xí” là do việc người lớn đã thiếu quan tâm đến vấn đề này.
* Nhưng theo chúng tôi biết, các đội bóng ở nước ngoài không có nhân vật “người cha tinh thần”?
- Chúng ta không thể so sánh với nước ngoài được khi trình độ dân trí họ cao hơn. Vì vậy, trong hoàn cảnh của ta phải có cách làm riêng của ta thôi.
* Về văn hóa khán đài, ông nghĩ gì về chuyện hai đầu chó ném xuống sân Hàng Đẫy cùng hàng loạt hình ảnh xấu xí khác?
- Đó là một hình ảnh thiếu văn hóa. Nhưng tôi xin hỏi: một ông già đầu bạc như tôi đi ngoài đường, lỡ va chạm với một chàng trai trẻ bằng tuổi con cháu mình, lập tức anh ta mắng tôi là “thằng già” thế này thế nọ. Chuyện ấy có nhiều ngoài xã hội không? Có quá nhiều đi chứ. Vì vậy, với cách nhìn “bóng đá là tấm gương phản ánh xã hội”, nhiều người đã cảm thấy lo lắng khi nhìn thấy sự xuống cấp của văn hóa trên khán đài. Và điều này đã được các nhà nghiên cứu văn hóa VN lên tiếng báo động từ nhiều năm nay.
No comments:
Post a Comment