Thủ tướng yêu cầu dừng xây khách sạn trong công viên Thống Nhất
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Hà Nội dừng việc xây dựng khách sạn SAS Royal Hotel trong công viên Thống Nhất. Quyết định hẳn sẽ chấm dứt mọi sự lùm xùm của dư luận xung quanh dự án xây khách sạn này.
Cũng đã thấu tình, đạt lý với nhà đầu tư khi ngoài ra, Thủ tướng còn yêu cầu UBND thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá, xác định kinh phí do công ty liên doanh đã đầu tư vào dự án và đề xuất phương án xử lý.
Đây có lẽ là một sự kiện ấn tượng (không phải "hành động ấn tượng") của tuần này. Mong rằng trong tương lai, các nhà lãnh đạo sẽ có ngày càng nhiều quyết định hợp lòng dân như vậy.
"Chỉ để "lắng nghe" thì quá lãng phí!"
Nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An phát biểu như vậy với phóng viên tờ Pháp luật TP. HCM khi bình luận về chủ trương nhất thể hóa bí thư – chủ tịch.
Theo ông, chủ trương này là hợp lý bởi từ trước tới nay, cơ chế tồn tại song song cả chức vụ bí thư lẫn chủ tịch của UBND có những hạn chế nhất định khó khắc phục như nội dung hoạt động dễ chồng chéo, vấn đề trách nhiệm khó phân định và "trong thực tế, quan hệ cá nhân chủ tịch, bí thư vào công việc cụ thể thường có những lấn cấn…".
Nguyên chủ tịch Quốc hội cho rằng, người có năng lực nhất, tài giỏi nhất đã được chọn là người đứng đầu tổ chức Đảng các cấp. Vậy thì, "anh giỏi thì anh phải nắm quyền", họ nên nắm luôn cương vị điều hành chính quyền trực tiếp. Khi đó, người giỏi có được sự sát sao hơn với công việc và nhân dân. Tất nhiên, quyền lực ấy luôn đi kèm với trách nhiệm nặng nề hơn.
Trên nguyên tắc, ông An nói quả chí lý: Người giỏi thì phải nắm quyền. Nếu đã có một người giỏi nhất đứng đầu tổ chức Đảng các cấp, thì nên quy quản lý về một mối cho thống nhất, khỏi có sự chồng chéo trong quan hệ và trong việc ra quyết định.
Ông An khẳng định thêm: "Chứ sinh ra anh có uy tín nhất, năng lực nhất, quyền lực nhất mà chỉ để "lắng nghe" thì quá lãng phí!".
Người giàu đi ôtô sẽ xấu hổ khi đến ở nhà ở xã hội
Dự án xây dựng 800 căn hộ xã hội cho người nghèo thuê và mua vừa mới được khởi công. Đầu năm 2010, sẽ bắt đầu xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội.
Nhà sắp xây và hồ sơ còn cả năm nữa mới duyệt nhưng đã có nhiều ý kiến lo lắng về những tiêu cực liên quan đến dự án này.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội. (Ảnh: Đoàn Loan) |
Đáp lại những quan ngại trên, ông Nguyễn Quốc Tuấn, PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội, nói: "Không thể có chuyện người đi ôtô, cuộc sống sung túc mà ở nhà xã hội. Tôi tin, người giàu sẽ thấy xấu hổ khi đến ở tại đây". (VnExpress đưa tin, ngày 13/4)
Cũng mong "người giàu", đặc biệt là "công chức giàu", có được tinh thần xấu hổ như ông Tuấn nghĩ. Tuy nhiên, trước những chuyện cắt xén vài trăm nghìn đồng bạc tiền tết của người nghèo gần đây, chuyện "người giàu xấu hổ" có lẽ còn là một nghi vấn.
Hoặc giả, cũng có thể người giàu xấu hổ quá không chịu được và sẽ nhường cho "gia quyến" đến ở nhà xã hội để xấu hổ thay.
"Lấy công làm lãi", bao giờ mới giàu?
TS Vũ Quang Việt. (Nguồn ảnh: thesaigontimes.vn) |
Nói vui thì vậy, còn nói theo ngôn ngữ chính thống thì nền kinh tế nước ta đang ở trong tình trạng phát triển dựa vào việc tăng đầu tư tràn lan chứ không phải tăng năng suất, tăng lao động chứ không phải phát triển công nghệ. Số liệu tính toán đại khái thì 77% GDP đóng góp bởi tăng đầu tư còn 19% do tăng lao động.
Sở dĩ như vậy bởi nền kinh tế nước ta là kinh tế gia công. Việt Nam nhập mọi thứ về từ máy móc tới nguyên vật liệu để sản xuất ra thành phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Như vậy khác với Trung Quốc là nền kinh tế công xưởng: Trung Quốc cũng sản xuất ra thành phẩm nhưng có ngành công nghiệp phụ trợ mạnh để cung cấp nguyên vật liệu và cả thiết bị cho ngành công nghiệp chính.
Cái gì cũng phải nhập, lại có sự tham nhũng lãng phí trong các dự án kinh doanh và xây dựng cơ sở hạ tầng nên đồng vốn đầu tư của Việt Nam bị đội lên ở mức cao đến kinh ngạc. Đầu tư thì nhiều nhưng chỉ để phục vụ gia công nên phần giá trị gia tăng trong thành phẩm rất ít, khoảng 5-10%, chủ yếu là sức lao động.
Nói nôm na là nền kinh tế vẫn đang "lấy công làm lãi", bao giờ mới giàu?
"Đó là cái mà tôi gọi là chủ nghĩa xã hội kiểu Mỹ - xã hội hóa những tổn thất và tư nhân hóa các lợi nhuận"
Joseph Stiglitz, nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 2001, phê phán kế hoạch của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner nhằm loại bỏ các tài sản xấu của các ngân hàng trong nước.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Newsweek, ông Stiglitz tỏ ý bất bình vì các nhà đầu tư, chủ ngân hàng với mức lương cao ngất không phải chịu trách nhiệm gì, cùng lắm là "rũ áo ra đi", khi ngân hàng khủng hoảng. Tổn thất lại đổ lên đầu những người dân thường phải đóng thuế để "cứu" người giàu.
Ông Stiglitz nói chuyện nước Mỹ mà ở Việt Nam nhiều người giật mình. Tình trạng "xã hội hóa những tổn thất và tư nhân hóa các lợi nhuận" có lẽ là cũng là chuyện không hiếm gặp ở nhiều doanh nghiệp nhà nước của ta. Những dự án nhà nước được triển khai với hiệu quả kinh tế rất thấp hoặc lỗ nhưng các doanh nghiệp tư nhân "sân sau" thì lại kiếm được bộn tiền.
Đành tự an ủi, thôi, nước Mỹ giàu vậy còn thế, trách gì Việt Nam.
"Chức năng của phòng karaoke là để hát, chứ không phải để khiêu vũ"
Ông Lê Anh Tuyến, Cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, khẳng định như vậy khi nói về quy định mới cấm khiêu vũ trong phòng karaoke. Ông phát biểu thêm: "Khiêu vũ trong phòng karaoke là để hạn chế tình trạng sử dụng thuốc lắc, hạn chế những biến tướng, phát sinh tệ nạn xã hội".
Phóng viên Thanh Niên bèn "hỏi vặn": Thực tế có xảy ra tình trạng sử dụng thuốc lắc trong phòng karaoke, ngăn chặn thuốc lắc là chủ trương hợp lý. Nhưng còn một thực tế khác là rất nhiều gia đình, bạn bè đến phòng karaoke để hát đồng thời có nhảy múa, khiêu vũ một cách lành mạnh. Hát đi kèm với nhảy đôi khi đã trở thành một cặp như kiểu có ăn thì phải uống vậy.
Ông Lê Anh Tuyến, Cục trưởng Cục Pháp chế. (Nguồn ảnh: Thanh Niên) |
Tuy vậy, ông Tuyến vẫn phân trần thêm: "Nguyên tắc của chúng tôi là phải xử lý làm sao cho có lý, có tình. Nhưng ngay trong đội ngũ thanh tra cũng có những trình độ khác nhau, nhận thức khác nhau…".
Tóm lại là người dân vẫn phải trông chờ (và phụ thuộc) vào nhận thức và quan niệm của nhà quản lý trực tiếp. Nếu họ có trình độ tốt, nhận thức tốt thì… "tốt". Còn nếu không, thì làm theo… "luật". Về phía giới quản lý, có nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng thiếu nhân sự: Lấy đâu ra đủ cán bộ để chốt chặn ở các phòng karaoke trên cả nước? Mà nếu có đi nữa, lấy đâu ra người giám sát họ để họ khỏi "làm luật"?
Thêm nữa, nếu các đương sự trong phòng karaoke không nhảy mà chỉ ngồi lặng lẽ và khoác vai, hay… ôm hôn nhau thì có được không? Bởi vì cứ chiểu theo logic của nhà quản lý mà xét thì "chức năng của phòng karaoke là hát, chứ không phải là hôn nhau".
"Người ta không tin mà vẫn cứ làm thì... vô duyên quá"
Ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch HĐQT TKV. (Nguồn ảnh: VNN) |
Khó tin, thậm chí không ai tin, thì làm phim, viết văn ca tụng làm gì?
“Hãy làm đi, rồi mới kiểm nghiệm được…”
Nhiều học giả (và người dân) trong và ngoài nước đang không tin dự án khai thác bôxít ở Tây Nguyên sẽ có lãi và không ảnh hưởng tới môi trường.
Nhưng Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Than và Khoáng sản, ông Đoàn Văn Kiển, vẫn khẳng định: "Lỗ hay lãi chỉ là dự đoán. Chúng tôi nói có lãi, các nhà khoa học bảo không. Khoa học và thực tế bao giờ cũng là 50:50. Vậy thì tốt nhất hãy làm đi, rồi mới kiểm nghiệm được. Thực tế sẽ trả lời".
"Bình luận" về khủng hoảng, một blogger Hàn Quốc có nguy cơ bị tù
Tiền Phong đưa tin, các công tố viên Hàn Quốc đã yêu cầu phạt tù 18 tháng với một blogger nổi tiếng nước này - người bị cáo buộc đã đưa tin sai sự thật và phát ngôn bừa bãi trên cộng đồng mạng về cuộc khủng hoảng kinh tế.
Blogger nọ 30 tuổi, là người đã nhiều lần chỉ trích chính sách kinh tế Hàn Quốc trên blog của mình cũng như các mạng xã hội. Anh này đã bị bắt từ hồi tháng 1. Theo cáo buộc, anh đã tung tin Chính phủ Hàn Quốc ra lệnh cấm các thể chế tài chính lớn và công ty mua USD.
Bên công tố viên nói rằng việc viết bài (post) thiếu chính xác làm ảnh hưởng lớn đến thị trường ngoại hối Hàn Quốc và gây ra tình trạng bất ổn về khả năng tín dụng quốc gia.
Nếu blogger nổi tiếng nọ bị tù như đề nghị của công tố viên, thì đây sẽ là hành động ấn tượng của chính phủ một nước nhằm vào một blogger nổi tiếng – đại diện cho một kênh truyền thông quan trọng, mang tính tự lực và độc lập, là báo chí công dân. Nó cũng như lời cảnh báo gửi tới các "nhà báo" trên blog: Không đùa giỡn được với ngòi bút, hay nói đúng hơn là với bàn phím, của mình
Đoan Trang
No comments:
Post a Comment