Tuesday, October 21, 2008

10/10/08

Lý tưởng cống hiến và đóng góp cho xã hội, dứt khoát nói "không" với sự tổn hại cho người khác - đó là nhu cầu tự thân, quan niệm về giá trị sống của những nhân vật mà "Phát ngôn & Hành động ấn tượng" tuần này phác họa.


Kinh doanh “vì người” là cách “vì mình” khôn ngoan nhất

"Phải nhận thức rằng không phải ai đi kiếm tiền cũng đều được coi là “doanh nhân”, mà có khi còn bị gọi là “trọc phú” hay là “con buôn”.

Ông Giản Tư Trung

Doanh nhân là người làm nghề kinh doanh. Và kinh doanh thực chất là: kiếm tiền bằng cách dùng doanh nghiệp để phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm, dịch vụ của mình; là “kiếm” bằng cách “mang” và không “gây”; là kiếm tiền mà không lừa ai, không hại ai và luôn mang lại cho xã hội những giá trị nào đó. Đó luôn là cách kiếm tiền khôn ngoan nhất".

Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng, Chủ tịch Sáng lập Trường Doanh nhân & Giám đốc PACE, trò chuyện nhân ngày Doanh nhân VN, 13/10 (VietNamNet, 9/10)

Warren Buffet "cứu" thị trường tài chính

Tỷ phú Warren Buffet (Ảnh: businessangelblog.com)

Quyết định chi 700 tỷ USD để cứu nguy thị trường sau khi được Quốc hội Mỹ thông qua không ngờ, lại khiến tình hình trở nên u ám hơn. Thị trường tài chính Mỹ bị coi là đã "làm phiền kinh tế thế giới" và cơn lốc sụt giảm cũng quét qua hầu khắp các nước từ Âu đến Á.

Thế mà tỷ phú hàng đầu thế giới Warren Buffet lại bỏ ra 8 tỉ đô la để mua tài sản ngân hàng vào đúng thời điểm chao đảo! Với nhà đầu tư tài ba này, không có đồng tiền bỏ ra nào là vô nghĩa. Và hành động này, ngoài việc thể hiện cái nhìn về đầu tư của "nhà từ thiện lớn nhất thế giới", Buffet còn được công chúng coi là... “hiệp sĩ” cứu thị trường, và 8 tỉ kia vẫn bảo đảm “ích nước lợi nhà”.

Chưa biết quyết đình này là "sáng suốt" đến mức độ nào, nhưng thấy rõ một điều: những doanh nhân hàng đầu luôn có mặt vào lúc cam go và cần đến sự "góp thêm vào" (chứ không phải "thâm thủng đi") của họ nhất.

"Quốc tế hóa thì cần phải thực hiện nghiêm theo Luật"

TS. Nguyễn Đình Hòe

Khi còn quá nhiều điều to tát đòi hỏi mỗi doanh nhân, doanh nghiệp trong nước cần hướng tới thì theo PGS. TS Nguyễn Đình Hoè (Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) những vẫn đề thiết thân, có tính chất nền tảng nhất như khung pháp lý cho vấn đề bảo vệ môi trường của chúng ta "vẫn còn sơ sài, đơn giản, không để ý đến mức độ tàn phá môi trường của DN, chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế".

Còn Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Vũ Phạm Quyết Thắng, nói: "Xử phạt hành chính Vedan hơn 200 triệu đồng, không bõ bèn gì, chẳng mua nổi một chiếc xe ôtô cho quan chức địa phương đi công tác. Quá nhẹ, nhưng cũng không thể nặng hơn vì thiếu luật. Vì vậy, cái án phạt nặng nhất là hãy làm cho người dân biết tôn trọng sản phẩm của DN có trách nhiệm với môi trường". (VietNamNet, 3/10)

Chất lượng sống người dân TPHCM đang giảm vì ô nhiễm môi trường

Đại biểu Đặng Văn Khoa

Đó là ghi nhận từ kỳ họp HĐND TPHCM vào sáng 7/10. Theo đại biểu Phạm Minh Trí, "không thể "phát triển bền vững" nếu cứ để GDP mang màu sắc ô nhiễm môi trường".

Lý do của tình trạng ô nhiễm đáng báo động ở TPHCM nói riêng đã được đưa ra qua một số ý kiến. Theo đại biểu Đặng Văn Khoa, "nếu 15 năm qua chúng ta làm đúng luật thì môi trường chắc chắn không ô nhiễm trầm trọng như ngày hôm nay".

Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng Hải, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, nói: "Như vụ Vedan, mặc dù dư luận và cơ quan chức năng rất muốn khởi tố hình sự nhưng theo tôi căn cứ xử lý cũng mới "50-50" thôi... Bởi vì pháp luật của ta chưa đồng bộ, hơn nữa cảnh sát môi trường cũng chưa có thẩm quyền điều tra nên phải... chờ". (Thể thao & Văn hóa, 8/10).

"Dù bị phản đối vẫn phải áp dụng..."

Ông Nguyễn Văn Thanh

TP HCM đang đề xuất thu phí lưu hành phương tiện và tăng gấp đôi lệ phí trước bạ đối với ôtô, xe máy. Năm 2007, Cục Đường bộ từng đưa ra đề xuất này và đã vấp phải sự phản đối của dư luận.

Và theo lý giải "giật mình" của Cục phó Cục Đường bộ Nguyễn Văn Thanh: "Nhiều người phản đối vì quy định trên đánh vào túi tiền của họ. Nhưng theo tôi dù bị phản đối vẫn phải áp dụng để giảm ùn tắc".

Ông còn nói khó nghe: "Nếu đời sống khó khăn thì tại sao anh lại có ôtô, xe máy? Tôi đồng tình với quan điểm tăng phí trước bạ để hạn chế xe đăng ký mới. Người ra đã có tiền mua ôtô sẽ không ngại chi phí thuế trước bạ. Tôi được biết TP HCM có đưa ra mức thuế đăng ký mới đối với từng loại ôtô, xe máy để áp dụng linh hoạt". (VnExpress, 7/10)

Tiền hậu bất nhất và ai bị "sốc"?

Thứ trưởng Bùi Xuân Khu

Trong cuộc họp báo chiều 7/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Chính phủ giao Bộ Công Thương trong quý 4/2008 phải trình phương án điều chỉnh giá điện lên để Chính phủ xem xét, quyết định. Hiện EVN là đơn vị được giao xây dựng phương án điều chỉnh giá điện cho năm 2009 và đang xây dựng dự thảo.

Trả lời báo chí một ngày trước đó, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, cũng cho biết như vậy.

Tuy nhiên, trong cuộc họp Chính phủ ngày 30/9, ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công Thương, "tiết lộ": từ năm 2009 giá điện sẽ tăng trung bình từ 20-30%. Trong 2 năm 2009 - 2010, giá điện sẽ được tăng theo lộ trình để tiệm cận giá điện trong khu vực. Phương án tăng giá điện đã được Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ ngành và đến nay đã hoàn thành.

Sau này ông Đinh Quang Tri tự "bình luận": "EVN không rõ các thông tin về phương án tăng giá điện từ đâu ra. Thông tin tăng giá đó có thể là một số ý tưởng của một số chuyên gia đưa ra. Còn cho đến thời điểm này EVN chưa có một đề xuất nào lên Chính phủ về việc này". (VietNamNet, 7/10)

Trong khi giá điện khó mà ngồi yên thì giá xăng vừa giảm "nhẹ" 500 đồng/ lít (mà nhiều chuyên gia lên tiếng đáng lẽ phải giảm 1.000 - 1.500 đồng/ lít vì lý do giá xăng dầu trên thế giới đã giảm mạnh và giá xăng dầu đã chính thức được "thả" theo cơ chế thị trường).

Vụ giảm giá xăng cho có này được ông Lê Xuân Trình - phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam - thản nhiên phát biểu trên rằng "nên giảm từ từ chứ không nên tụt mạnh xuống sẽ dễ bị sốc!" (Theo Đại Đoàn Kết, 9/10). Ngay lập tức dư luận đã bày tỏ sự "phẫn nộ"!

"Bây giờ là lúc phải trở lại với nền kinh tế thật"

GS. Trần Văn Thọ

GS Trần Văn Thọ viết như vậy trong bài "Đừng quên "nền kinh tế thật" trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn và theo ông "trên cơ sở một nền kinh tế thật vững chắc mới có thể có một nền kinh tế tiền tệ phát triển trong ổn định".

Khái niệm "nền kinh tế thật" (real economy) được phân biệt với nền kinh tế tiền tệ (monetary economy) và "thật" ở đây không có nghĩa ngược lại với "giả" mà có nghĩa là "hiện vật", "thực thể" như số thép sản xuất, số lúa gạo tiêu thụ, số hàng may mặc xuất khẩu, số lao động tham gia sản xuất, số lượng điện cung cấp...

Theo GS, "đối với VN hiện nay, mục tiêu tối thượng của hệ thống tiền tệ phải là làm sao góp phần làm mạnh nền kinh tế thật và hệ thống đó phải hoàn toàn nằm trong khả năng quản lý, giám sát của Nhà nước".

Để được như vậy, theo ông là phải ưu tiên củng cố hệ thống ngân hàng để ngân hàng trở thành chỗ tin cậy và gần gũi với dân chúng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận với vốn mới và thị trường chứng khoán nên được phát triển từng bước vững chắc (chứ không phải "chưa phát triển lành mạnh" như mấy năm qua).

"Bản thân tôi xin thôi chức trưởng thôn..."

Trưởng thôn Hoàng Đức Toàn (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Ông Hoàng Đức Toàn là trưởng thôn nhưng không ngăn chặn được tình trạng rừng thuộc thôn bị tàn phá, hàng trăm cây gỗ nghiến 100 tuổi bị triệt hạ nên tự nghĩ mình không xứng đáng giữ chức nữa, đã viết đơn rằng:

"Bản thân tôi xin thôi chức trưởng thôn, bởi vì tôi nghĩ một khi bị bất lực và cô lập thì còn lãnh đạo gì nữa, thà rằng nghỉ để người khác làm, cố làm mà vẫn không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc rừng càng ngày càng bị phá thì khó lắm".

Theo thông tin trên Lao Động (9/10), ông Toàn đã cố hết sức thuyết phục dân trong bản đừng phá rừng, nhưng ông bất lực vì cả bản cùng phá rừng, con trai ông cũng tham gia. Ông ra đường, bị người ta chỉ mặt nói: "Con đảng viên còn phá rừng thì nói ai nghe?".

Ông Toàn xin từ chức từ 4/10, còn tất nhiên, các cán bộ cấp to hơn ông ở thôn Lủng Pảng, xã Côn Minh, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Cạn vẫn không suy chuyển vị trí chút nào.

Bộ trưởng GD-ĐT đề nghị giới thiệu nữ Thứ trưởng

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân

Sau thông báo tuyển dụng Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo công khai trên mạng, nay Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân lại có một hành động "ấn tượng" nữa khi ra công văn hỏa tốc tuyển nữ Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phụ trách công tác giáo dục mầm non, công tác báo chí, quan hệ cộng đồng...

Phải chăng phụ trách các lĩnh vực đó thì nhất định phải là "nữ"? Hoặc Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân muốn phá bỏ một tiền lệ nào đó hay chăng?

"Họ đố kị..."

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, người còn được "bạn đọc", "nhân dân" và "giang hồ" (tức là anh em đồng nghiệp) - như ông lý giải - gọi bằng một danh xưng có lẽ là đọc nhất vô nhị ở Việt Nam: Nhà Hà Nội học.

Trước câu hỏi "Hình như cách gọi đó về ông cũng làm một số vị giáo sư khả kính cảm thấy khó chịu?", ông trả lời: "Họ đố kị...".

"Tôi luôn nhận mình chỉ là người nghiên cứu địa phương thôi chứ không có tham vọng gì khác. Bởi thực tế gọi là nhà Hà Nội học nhưng không có bổng lộc nào cả, không có một sự đánh giá nào trong con mắt quan phương... nhưng tôi vẫn cứ làm, vẫn cứ đi theo con đường mà mình đã chọn cho đến bây giờ.

Từ ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954 cho đến bây giờ, tôi thấy dải đất này đáng yêu thật, bởi vì ngoài sự mỹ lệ của núi sông ra, ngoài cái thanh lịch của con người ra thì nó còn chất chứa, còn hàm dưỡng bao nhiêu cái gọi là tiềm năng, tiềm lực của đất nước", ông Nguyễn Vĩnh Phúc nói. (An ninh Thế giới giữa tháng, 10/2008)

"Thời trang Việt Nam thừa họa sỹ giỏi nhưng thiếu nhà thiết kế"

NTK Minh Hạnh

Barbara Kisko, Giám đốc điều hành Học viện thời trang Luân Đôn tại Hà Nội, nhận định như vậy, đã nhận được sự đồng tình mà không bị phật lòng. Theo bà, ngành thời trang Việt Nam mới chỉ chuyên tâm về cắt may, trang trí nên khâu thiết kế còn đơn điệu. Sản phẩm chưa đa dạng hóa, không định vị được khách hàng. Các nhà thiết kế có tên tuổi cũng đơn thuần tung tẩy ý tưởng của mình trên sân khấu trình diễn, mà ít nhắm tới tính ứng dụng.

Nhà thiết kế Minh Hạnh gọi sinh viên thời trang các trường chuyên ngành tốt nghiệp mới "chỉ như những thợ cắt may khéo" vì "hầu như không thể bắt tay vào công việc". (Công an nhân dân)

NTK Võ Việt Chung

Còn Võ Việt Chung, nhà thiết kế từng có phát ngôn gây sốc "Hãy tách tên tôi ra khỏi thời trang Việt", cũng có phát biểu khắc nghiệt hơn trên Tạp chí Người mẫu: .

"Mỗi năm các trường lớp Việt Nam ào ào cho ra lò hàng trăm nhà thiết kế thời trang be bé, ôm tấm bằng công nhận, ngất ngây với danh vị ảo rồi không đụng gì đến thời trang nữa, phải sống bằng một nghề khác.

Số ít quyết tâm sống bằng nghề thì đạp lên nhau, rêu rao nhau, có cả đánh cắp mẫu của nhau. Thử đi hỏi khắp các nhà thiết kế trẻ hiện nay, điểm coi được mấy người có thể vừa thiết kế vừa tạo mẫu. Đây là điểm khác nhau rõ nhất giữa thời trang của ta và thời trang thế giới".

Tất cả những phát biểu trên được đưa ra trong thời điểm diễn ra các sự kiện trao giải "Doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may VN 2008", Hội thảo "Thời trang Việt Nam, cái nhìn từ nhiều phía" và 10 năm cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix (sau có "nghi án" thí sinh đoạt một trong 5 giải chính là Nhà thiết kế trong năm "sao chép" mẫu của John Galliano, thuộc hãng thời trang danh tiếng Christian Dior).

Thực tế là vậy, nhưng cả nhà thiết kế Minh Hạnh cũng như Võ Việt Chung - dù "không ưa" nhau - cũng đều bảy tỏ khát vọng đến ngày "Thời trang Việt Nam thật sự phát triển đúng như giá trị của dân tộc mình!" (Tiền Phong cuối tuần, 4/10)

"Chúng ta đang giật lùi về hưởng thụ văn hóa, văn nghệ"

Họa sĩ Nguyễn Quân (phải) (Ảnh: buithanhphuong.com)

Qua thực tế và những chuyến đi, họa sĩ - nhà phê bình Nguyễn Quân, thấy "bên ngoài họ trân trọng mỹ thuật ta hơn ở ta", ông còn tâm sự rằng:

"Tôi thực sự buồn khi con cháu mình không được giáo dục nghệ thuật và di sản các ngành chứ không chỉ mỹ thuật) như con cháu người ta. Làm sao các cháu có thể yêu nghệ thuật, quý di sản phát huy bản sắc cho nổi! Và không gian văn hóa nông thôn bị tàn phá trong khi không gian đô thị hoàn toàn bị "sa mạc hóa về nghệ thuật". (...)

Trừ truyền thông và internet ra thì có lẽ chúng ta đang đi giật lùi về mặt hưởng thụ văn hóa, văn nghệ". (Thể Thao & Văn hóa Cuối tuần, 3/10)

Hoàng Anh Tuấn - Huy chương bạc và sự "bạc bẽo"

VĐV Hoàng Anh Tuấn

4 bài viết liên tiếp trong tháng 10 trên Thể thao & Văn hóa về VĐV cử tạ Hoàng Anh Tuấn - người đoạt Huy chương bạc Olympic thứ hai trong lịch sử thể thao VN - đã hiện lên chân dung "bạc bẽo" của VĐV "con cưng" này.

Tại Olympic Bắc Kinh, Tuấn may mắn thoát khỏi "nghi án" dính chất Metan dianon (một dạng doping bị cấm) có trong cơ thể, trong khi cả đội tuyển cử tạ Bulgaria là những đối thủ nặng ký bị đầu độc. Đạt được tấm HCB với cả 1 ê-kíp đứng đằng sau, nhưng VĐV người Bắc Ninh này sẵn sàng "bội ơn" tất cả.

Khi “nổ” ầm ầm với giới báo chí tại Bắc Kinh, Tuấn luôn vỗ ngực là: “Tiếc quá, sức tôi thì phải HCV mới xứng” hay “tôi còn định phá kỷ lục thế giới”, nhưng ỉm đi việc người ta đã khổ ải cứu anh ra sao.

Và một điều gây "ấn tượng" mạnh ở VĐV luôn coi mình là ngôi sao này là những phát biểu ngạo nghễ, thể hiện tầm thấp cả trên TV (mà không ít người nghe được đã phải "choáng") lẫn ngoài đời sống. Tác giả bài viết phát biểu ở bài thứ 5: Tuấn có tài nhưng cũng không thiếu tật với "những hành xử của anh trong thời gian qua là điều đi ngược lại với những quy chuẩn chung của thể thao và xã hội".

Còn chuyên gia huấn luyện Stefan Tupurov đã phải thốt lên: "Cuộc đời tôi cũng gặp nhiều người tốt, người không tốt, nhưng “đặc biệt” như Tuấn thì chưa bao giờ".

Còn khi nghe câu chuyện về Tuấn đã bình luận: "Tuấn bây giờ đúng là đại diện của TTVN. Nhưng đó là cái đại diện cho sự mù quáng về ảo vọng của danh lợi, là đại diện cho sự tôn sùng lợi ích cá nhân. TTVN chỉ mang lại cho người dân những tiếng thở dài không nén được..."

Related Articles

No comments:

Post a Comment