Saturday, September 19, 2009

18/09/2009

(TuanVietNam) - Không có nhiều phát ngôn ấn tượng tới mức gây sốc, gây bất bình hoặc làm người nghe phải bật cười. Xét tổng thể, các phát ngôn trong bảy ngày vừa qua tạo nên cảm tưởng rằng "chủ đề" chung của tuần là: phản biện xã hội.

Nhân dân hỏi, chính quyền trả lời

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong liệu có phải cơ chế phản biện xã hội còn nặng tính hình thức, hiệu quả hạn chế, ông Vũ Trọng Kim - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQVN, cho rằng “tình trạng đó là có, nhưng không phải phổ biến”.

Ông Vũ Trọng Kim. Ảnh: Tiền Phong

Ông Kim cũng nói về mối quan hệ giữa bên phản biện và bên nhận ý kiến phản biện: “Nhân dân có ý kiến về dự án này, vấn đề kia thì cơ quan chuyên môn phải trả lời, giải thích về những vấn đề mà người dân còn tranh luận, còn thắc mắc”. (Tiền Phong, 16/9).


Tổng Thư ký nói phải quá. Người nghe chỉ hơi “chạnh lòng” ở phần “ý tại ngôn ngoại” hoặc phần ẩn ý chưa được nói ra.


Có lẽ khi nói về phản biện, đa số vẫn coi đó là hoạt động nhân dân thắc mắc, hỏi và cơ quan chức năng, cơ quan có chuyên môn giải thích để sau đó nhân dân hiểu và thực hiện. Ít ai nói rằng phản biện xã hội còn có chức năng quan trọng là giúp chính quyền hoàn thiện các chính sách.

Thực chất hoạt động phản biện là sự thảo luận công khai của Nhà nước và xã hội dân sự, thúc đẩy khả năng thương lượng và tự điều chỉnh của các bên để tiến tới một xã hội tiến bộ, văn minh. Phản biện không chỉ là người dân thắc mắc, chính quyền giải thích, mà còn là người dân đóng góp ý kiến, chính quyền sửa đổi.

Có thế, phản biện mới thực sự đạt tới hiệu quả của nó, như ông Vũ Trọng Kim nói ở câu tiếp theo: “Như vậy, phản biện xã hội sẽ làm tăng thêm tính dân chủ, đồng thuận hơn mà thôi chứ không có gì làm khó dễ cả”.

Tiến sĩ hóa cán bộ Thành ủy Hà Nội

Đại diện cho Sở Nội vụ Hà Nội trả lời phỏng vấn báo chí, Tiến sĩ Lê Anh Sắc - thành viên soạn thảo Chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền TP - cho biết, trong đội ngũ cán bộ, công chức có hai khối: chỉ huy và thừa hành. “Chúng tôi cho rằng, trình độ của hai khối này ít nhất phải ngang nhau”.

Ông Lê Anh Sắc. Ảnh: VNN


Suy luận logic chưa cho phép hiểu ý nghĩa của phát biểu này. Thực tế chỉ có hai khả năng: trình độ hai khối hoặc chênh lệch, hoặc ngang nhau. Đại diện Sở Nội vụ nói “ít nhất phải ngang nhau” thì quả là khó hiểu.


Tuy nhiên, dù sao đó cũng chỉ là vấn đề câu chữ. Quan trọng hơn vẫn là ý tưởng: Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có 100% cán bộ diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ. Mục tiêu này hết sức quan trọng, bởi theo ông Sắc, “trong hệ thống đào tạo của ta hiện nay cũng như thông lệ quốc tế thì đề xuất ra cái mới, có khả năng tư duy đột phá phải là những người đã được cấp bằng tiến sĩ, được công nhận bởi một hội đồng khoa học cấp nhà nước”. (VietNamNet, 16/9)


Ông Sắc nói vậy thì oai cho tiến sĩ mà thương cho những người "trót" có tư duy đột phá song lại không sở hữu bằng tiến sĩ.

Điều đáng nói là, thay vì có cơ chế khuyến khích và đưa người có khả năng tư duy đột phá vào bộ máy chính quyền, Thành phố lại quyết tâm nâng cao khả năng tư duy đột phá cho cán bộ bằng cách tiến sĩ hóa đội ngũ cán bộ, công chức. Chính từ ý tưởng có phần ngược đời đó mà Chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền TP đã ra đời.


Việc tiến sĩ hóa bộ máy quản lý cũng sẽ giúp thủ đô sánh ngang thành phố lớn và thủ đô ở các nước bạn. Ông Sắc bảo: “Nhìn thấy đội ngũ cán bộ, công chức của người ta, thực sự tôi cảm thấy rất thèm. Tôi nghĩ không có lý do gì, mình không bằng người ta được”.

Quả đúng vậy, chẳng có lý do gì ta không bằng bạn bằng bè. Không chừng còn có thể vượt xa, nếu tính về mật độ tiến sĩ trên đầu người.

Nguyên Phó Thủ tướng “là người hay cãi”

Chia sẻ “bí quyết” trở thành Phó Thủ tướng, ông Vũ Khoan hài hước: “Tôi là người hay cãi”. (VietNamNet, 12/9)

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh: VNN

Cụ thể hơn, “tôi hay phản biện và lật ngược vấn đề. Từ đó, tôi mới nhận được sự đánh giá cao của cấp trên. Tóm lại là tôi phải chịu khó mày mò, có ý kiến độc lập và luôn có sáng kiến mới” - ông Khoan cho biết.


Ở đây, điểm rất quan trọng mà nguyên Phó Thủ tướng đề cập là “sự đánh giá cao của cấp trên”. Trên thực tế, người tài không ít nhưng nếu những ý kiến của họ không được cấp trên lắng nghe, bản thân họ không được trọng dụng, hay nói như ông Vũ Khoan, họ không gặp “minh chủ”, thì dần dần hiền tài cũng chẳng còn “hay cãi”, “mày mò”, “có sáng kiến mới” nữa.

Như vậy, tạm thời có thể khái quát bí quyết để thành công trong sự nghiệp là: hay cãi (tức có suy nghĩ độc lập, có khả năng phản biện) + may mắn gặp được “minh chủ”.

Vậy, làm thế nào để gặp được “minh chủ”? Câu trả lời là: Phụ thuộc may mắn, hoặc nếu không, phải có một cơ chế nào đó khả dĩ để giảm thiểu sự phụ thuộc vào cá nhân lãnh đạo - vốn cũng là những con người, nhiều khi không tránh khỏi cảm tính và chủ quan.

“Bộ lọc” ấn tượng của VinaGame

Khi chơi các game online của Công ty CP dịch vụ phần mềm trò chơi Vina (VinaGame), nếu game thủ dùng những từ ngữ có liên quan đến từ “Hoàng Sa, Trường Sa”, thì “bộ lọc” (hệ thống kiểm soát) của VinaGame sẽ cảnh báo: “ngôn ngữ không phù hợp”, không cho hiển thị những từ ngữ trên trong nội dung chat.


Cộng đồng game thủ và blogger đã có phản ứng trước “hiện tượng” kỳ quặc này, và được nghe VinaGame thanh minh rằng Công ty không chỉ đưa vào “bộ lọc” những địa danh Việt Nam như “Hoàng Sa, Trường Sa”, mà còn chặn luôn cả các địa danh liên quan như Tây Sa, Tam Sa... trong nội dung trao đổi giữa các game thủ sử dụng sản phẩm của công ty.


Việc VinaGame tự kiểm duyệt, nói theo ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ, chắc là để “cho nó lành”. Bà Lê Thị Ngọc Diệp, Phó TGĐ VinaGame, thể hiện rõ sự lo xa đó khi khẳng định: “Các sản phẩm của VinaGame phần lớn là hướng tới mục đích giải trí và chia sẻ thông tin; không có chức năng tạo thành diễn đàn có nội dung liên quan đến chính trị”. (Sài Gòn Tiếp Thị, 15/9)


Như vậy, tinh thần là các game thủ nên vui chơi, giải trí, chứ chẳng nên nhắc tới Hoàng Sa - Trường Sa làm gì, vì nhắc đến dù chỉ một từ trên chat ắt cũng là “tạo thành diễn đàn có nội dung liên quan đến chính trị”. Không lẽ vì sợ chính trị, “cho nó lành” mà đại diện VinaGame muốn thanh niên bỏ quên tình hình biển đảo quê hương và chủ quyền lãnh thổ - điều mà Chính phủ đã nỗ lực tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian gần đây?

Tất nhiên, một cách công bằng thì cũng phải nói rằng hiện tượng VinaGame tự kiểm duyệt còn xuất phát từ sự mập mờ của Thông tư 60 do liên Bộ Công an, Văn hóa - Thông tin và Bưu chính Viễn thông ban hành ngày 1/6/2006, nghiêm cấm dùng một số từ ngữ nhạy cảm về chính trị, thuần phong mỹ tục… trong game, nhưng lại không quy định cụ thể những từ “nhạy cảm”. Chính sự mập mờ, chung chung này cùng với sự thiếu ổn định trong chính sách, quy định của pháp luật nói chung đã khiến VinaGame “phát sốt phát rét” mà cầm đèn chạy trước ôtô!

May mắn là, cuối cùng, VinaGame đã cho phép xuất hiện các cụm từ Hoàng Sa, Trường Sa trên chương trình của mình.

Phát ngôn viên phải có thái độ dân chủ

Tại một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các cán bộ làm công tác phát ngôn, bà Gerda Meuer - giảng viên, GĐ điều hành Học viện Deutsche Welle (Đức) - đã nhấn mạnh về một vai trò của người phát ngôn là giúp thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công chúng. Để làm được điều này, theo bà, “phát ngôn viên phải minh bạch. Họ phải đưa ra những thông điệp, thông tin rõ ràng”. (VietNamNet, 15/9)

Bà Gerda Meuer. Ảnh: VNN

“Họ phải là những người có óc cởi mở, có thái độ dân chủ và phải có khả năng nói. Tôi muốn nhấn mạnh việc họ phải thực sự cởi mở và muốn nói chuyện với mọi người”.


Những điều bà Gerda Meuer gửi gắm tới đội ngũ cán bộ làm công tác phát ngôn thực sự đã khẳng định vai trò của nghề phát ngôn cũng như đề cập trực tiếp tới các phẩm chất mà phát ngôn viên phải có. Rõ ràng, họ không thể là “cái máy nói” như một bộ phận dư luận vẫn lầm tưởng. Nghề phát ngôn cũng không phải đơn thuần là làm nhiệm vụ truyền đạt lại y nguyên những điều cấp trên hoặc cơ quan chỉ đạo, trong tư thế “đối đầu” với báo chí.

Thực chất, trong một xã hội truyền thông, phát ngôn viên là cầu nối (hay như từ bà Gerda Meuer dùng là “kênh quan hệ”) giữa chính quyền bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, với báo chí. Thông qua kênh này, chính quyền và các cơ quan, tổ chức giúp báo chí (và tiếp sau đó là công chúng) hiểu được các vấn đề mà công chúng quan tâm hoặc có nhu cầu tìm hiểu.

Và như thế, phát ngôn viên phải là lực lượng hợp tác cùng báo chí và góp phần vào sự nghiệp chung của giới truyền thông là xây dựng một xã hội cởi mở, minh bạch thông tin.

Bất đồng về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Với vốn đầu tư khoảng 38 tỷ USD, nếu được phê duyệt, đây sẽ là dự án lớn nhất trong lịch sử giao thông Việt Nam. Và nếu thành công, theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, dự án sẽ giúp hành khách đi tàu từ Hà Nội vào TP HCM chỉ mất 5 tiếng rưỡi.

Tuy nhiên, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) lại “phản biện” rằng dự án thiếu khả thi vì số vốn đầu tư khá lớn. Để tuyến đường sắt cao tốc hoạt động hiệu quả, thì một nửa hành khách phải mua vé bằng vé máy bay, một nửa khác được mua bằng 1/2 vé máy bay.

Đáp trả lại phản biện của JICA, TGĐ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Bằng tuyên bố: “Với mức độ an toàn của đường sắt cao tốc, số người chết vì TNGT sẽ giảm đi. Do đó, dù hiệu quả đầu tư chưa hấp dẫn, Nhà nước vẫn đầu tư... Tôi đề nghị JICA sửa lại kết luận của báo cáo”. (Dân Trí, VnExpress, 16/9)

Đi sâu phân tích về kỹ thuật là việc của các nhà chuyên môn. Ở đây, chỉ thấy nổi lên một vài thắc mắc: Đối với những “công trình thế kỷ”, “đại dự án” như thế này, tất cả các bên tham gia, dù là Nhà nước hay tư nhân, đều phải hết sức cẩn trọng khi xem xét tính khả thi, hiệu quả kinh tế, cũng như những tác động của đại dự án tới môi trường...

Cứ theo logic bình thường mà xét, nếu vé tàu bằng giá vé máy bay, thì ai dư thời gian đi tàu (cho dù là tàu nhanh)? Ngoài ra, tại sao khi thấy yếu tố khả thi còn chưa biết thế nào, mà một số quan chức ngành Giao thông Việt Nam lại vẫn nhất quyết muốn lao ngay vào “công trình thế kỷ” này?

Và dù lãnh đạo ngành đường sắt có hăng hái đầu tư quá đi nữa thì cũng có đến mức phải yêu cầu một tổ chức khoa học độc lập của nước ngoài sửa lại báo cáo của họ cho phù hợp ý mình, như thế này không: “Với lợi ích xã hội như vậy, tôi đề nghị JICA sửa lại kết luận của báo cáo”.

Gia đình một Thứ trưởng tặng gần 800 triệu tiền phúng điếu

Xin được bầu đây là hành động ấn tượng của tuần này: Toàn bộ số tiền phúng điếu trong lễ tang của thân phụ Thứ trưởng C.M.Q. vào ngày 8/9 vừa qua, gồm 785 triệu, đã được trao tặng cho người nghèo và bệnh nhân tại TP HCM và Bình Phước. (Dân Trí, 14/9)

Các vị lãnh đạo, quan chức cao cấp rất nên noi gương Thứ trưởng Q. Vì, trong thực tế, ở những trường hợp tương tự, việc quan chức nhận một khoản tiền phúng điếu lớn đến như vậy không thể không khiến người dân có suy nghĩ rằng, ngoài phần tình cảm, chia buồn, thì một phần không nhỏ số tiền quan chức nhận được là do cương vị mà họ đang nắm giữ.

Vậy nên hành động của vị thứ trưởng không chỉ là một nghĩa cử đối với những người dân có hoàn cảnh khó khăn, mà còn có tác dụng củng cố niềm tin của người dân dành cho chính quyền, và đấy mới là vấn đề quan trọng hơn cả.

Đoan Trang

Related Articles

No comments:

Post a Comment