Tín hiệu Obama
Với khẩu hiệu "Chúng ta tin vào sự đổi thay" (Change - we believe in), Thượng nghị sĩ bang Illinois Barack Obama đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 4/11 đã kéo theo hàng loạt tín hiệu tích cực của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở nhiều nơi trên thế giới.
Thị trường chứng khoán có một ngày khởi sắc sau khi kết quả bầu cử công bố. Đa số dân chúng và nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới bày tỏ sự tin tưởng vào người từ tháng 01/2009 sẽ chèo lái con tàu nước Mỹ.
| Obama và gia đình trong ngày chiến thắng | Hãy xem hai phát biểu về một sự kiện thổng thống da màu Obama đắc cử với những màu sắc ngôn ngữ khác nhau.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng: “Chúng tôi xin chân thành chúc mừng ông Barack Obama đã được bầu chọn làm tổng thống mới của Mỹ. Trong những năm vừa qua, nhờ nỗ lực chung của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Việt - Mỹ đã có những phát triển tích cực trên con đường xây dựng quan hệ đối tác mang tính xây dựng, hữu nghị và hợp tác hai bên cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực trên cơ sở những thỏa thuận chung giữa hai nước.
Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng trong thời gian sắp tới, quan hệ hữu nghị tốt đẹp và hợp tác Việt - Mỹ sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới”.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy: “Với một thế giới chìm trong rối loạn và hoài nghi thì người Mỹ, vốn tin tưởng vào những giá trị bấy lâu nay định hình nên bản sắc Mỹ, đã thể hiện lòng tin của họ trong giai đoạn hiện tại và tương lai.
Vào thời điểm mà chúng ta phải cùng nhau đối mặt với những thách thức to lớn, cuộc bầu cử của các bạn đã tiếp thêm hi vọng to tát cho Pháp, châu Âu và hơn thế nữa”. (Tuổi Trẻ, 6/11)
“Lụt” phát ngôn khi Hà Nội ngập lụt
Không hẹn mà gặp, có rất nhiều phát ngôn đáng chú ý xoay quanh sự kiện Hà Nội bị ngập lụt tuần qua.
| Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị | - “Dân còn ỷ lại Nhà nước” – đó là nhận định dễ gây "sốc” của Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị hơn một ngay sau trận mưa “bom tấn” bắt đầu giáng xuống Hà Nội khiến Thủ đô thành một cái hồ lớn, bao người dân phải sống trong cảnh khổ sở.
Nguyên văn câu nói là: “Kinh nghiệm tốt nhất vẫn là huy động chính sức dân và huy động tại chỗ. Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm”. (VietNamNet, 2/11).
Tuy nhiên, ngay sau đó, cũng trên VietNamNet ngày 5/11, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã chân thành giãi bày: "Tôi thực sự rất lấy làm tiếc và muốn chân thành xin lỗi bạn đọc, xin lỗi mọi người về những lời gây nên sự bức xúc và bị phê phán. Tôi đã nói lên sự lo lắng, bức xúc của mình vào lúc người dân cũng đang vô cùng bức xúc. Tuy nhiên, tôi tin rằng mỗi người sẽ được mọi người nhận xét, đánh giá thông qua cả việc làm và lời nói, và nhất là việc làm trên thực tế. Tôi nói điều này vừa để xin lỗi, vừa để nói lên niềm tin nơi mọi người".
| Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu | - Tại Hội nghị triển khai phòng chống dịch bệnh khẩn cấp do hậu quả bão lụt vào sáng 6/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh: “Nếu dịch bệnh xảy ra, phải phát hiện và khoanh vùng được ngay từ ca đầu tiên. Nơi nào kiểm soát dịch chặt chẽ, tức là đã lập công; còn để khi có dịch lan rộng, tức là có tội".
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Triệu bị Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân “nhắc nhở” vì Bộ Y tế ban hành quy định 33 và 34 “ngực lép” không được lái xe bị dư luận phản đối, sau phải rút lại. (VTV News, 3, 6/11)
- Vừa qua “đại hồng thủy” thì tin vỡ đê ở Hà Đông lan rộng. Hóa ra đó chỉ là tin đồn thất thiệt, không có căn cứ nhưng đã đủ khiến một bộ phận dân cư nháo nhác. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, tin đồn vỡ đê lan truyền ngày 4/11 xuất phát từ sơ suất đánh máy trong công văn của lãnh đạo UBND Hà Đông.
Đoạn văn bản nguyên văn là “các đơn vị phòng ngừa, chuẩn bị phương án sơ tán dân trước 5h chiều”. Tuy nhiên, cán bộ văn phòng đã đánh máy thiếu hai chữ “chuẩn bị”, khiến nhiều người hiểu lầm, thế là tin đồn sơ tán dân lan rộng toàn thành phố. (VnExpress, 6/11)
| Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo (Ảnh: VTC News) | - “Đừng hỏi tôi chi tiết quá!” – cũng là một “phát ngôn ấn tượng” nữa của quan chức, và ở đây là ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Đó là câu trả lời cho câu hỏi: “Thưa ông giai đoạn I (trị giá 100 triệu USD) của dự án thoát nước chúng ta đã triển khai được những hạng mục gì?”.
Câu hỏi tiếp: “Ông có nói, tất cả dự án thoát nước Hà Nội vay vốn nước ngoài, vậy ông đánh giá như thế nào về hiệu quả sử dụng vốn vay cho các dự án quan trọng này?”. Ông Thảo trả lời vẻn vẹn: “Hai vấn đề này không liên quan tới nhau” (VTC News, 3/11)
- Vẫn chưa hết, Phó chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi còn có so sánh vừa tạo cảm giác vui "Tôi cảm giác lãnh đạo thành phố đi thị sát thực tế nhiều hơn công nhân thoát nước" khi lãnh đạo thành phố có chỉ đạo các lực lượng khẩn trương cứu trợ dân, tìm phương tiện đi lại cho người dân đối với các khu vực đông dân cư vẫn bị ngập nặng như Tân Mai, Linh Đàm, Định Công, Nam Đồng. (VnExpress, 5/11)
Em Vân Anh và 21 người xa Hà Nội vì ngập lụt
“Chúng tôi khuyên nên ở nhà, nhưng Vân Anh vẫn nhất định đi. Cháu bảo con là cán bộ lớp, nghỉ thì cô mắng chết”, ông Nguyễn Hải, bố của em Vân Anh (học lớp 7A trường THCS Bế Văn Đàn) nhớ lại ngày mưa buồn 1/11 ở Hà Nội, khi con gái mình bị tụt chân, rơi cả người và xe đạp xuống miệng cống thoát nước mở ở hồ Nam Đồng.
| Hà Nội những ngày ngập lụt | Vì khó có thể đưa xe tang vượt qua những đoạn đường lụt lội để xuống nghĩa trang Văn Điển trong những ngày qua nên phải sau 4 ngày, từ khi gia đình có sự giúp đỡ của nhiều người lặn lội tìm được xác em, gia đình Vân Anh mới có thể đưa em về nơi an nghỉ cuối cùng vào chiều ngày 6/11. (Thể thao & Văn hóa, 6/11)
Theo UBND TP Hà Nội, tính đến 5/10, trận ngập lụt đã cướp đi mạng sống của 21 người.
Để “cứu” Hà Nội và đề phòng nguy cơ lại có thêm một trận mưa lớn kéo đến Hà Nội, tỉnh Hà Nam đã tiến hành bơm nước từ sông Nhuệ vào các cánh đồng của Hà Nam. Vì thế, hoa màu của Hà Nam chìm trong nước, thiệt hại của cây vụ đông khoảng 600 tỷ đồng.
Ông Phạm Bá Tảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, cho biết: “Từ khi tách tỉnh đến nay là hơn chục năm, đây là lần đầu tiên Hà Nam phải bơm nước từ sông vao đồng rồi lại thoát nước từ đồng ra biển. Tuy nhiên, để cứu Hà Nội thì cán bộ và nhân dân Hà Nam không suy tính gì, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận thiệt hại, khó khăn”. (Thanh Niên, 6/11)
Mưa như Hà Nội, TP HCM ngập nặng hơn | Bà Lê Thị Xuân Lan | “Đừng để ngập nước xảy ra như ở Hà Nội rồi lúc đó ngồi trách cứ nhau”, thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ nói về việc phải xây dựng kịch bản ngập ở TPHCM trường hợp ngập như Hà Nội.
Một trận mưa đầu tháng 8 ở TPHCM đo được 140mm, nhiều khu vực ở TPHCM đã chìm trong “biển nước”, có đoạn nước ngập hơn 5 tấc nhiều giờ liền. Trong khi đó, lượng mưa ngày 31/11 ở Hà Nội là 347mm.
Ông Trần Xuân Dũng, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển giao thông vận tải phía Nam cho biết hệ thống thoát nước của TPHCM đã lạc hậu và cần tiếp tục cải tạo, vì quy hoạch về thoát nước trước đây chỉ tính cho 2 hoặc 3 triệu dân, nay dân số đã tăng lên đến gần 10 triệu.
“Nếu TPHCM bị trận mưa lớn và ngập như ở Hà Nội thì thiệt hại càng nặng nề hơn…”, ông Dũng nói. (Tuổi Trẻ, 6/11)
“Nghệ sĩ múa cũng làm quản lý dự án”
| ĐB Đỗ Mạnh Hùng | “Hiện nay kinh nghiệm và năng lực của chủ đầu tư và các ban quản lý dự án rất hạn chế, nhiều khi lúng túng dẫn đến chậm trễ. Cái này không phải do lỗi của những người trong ban quản lý dự án vì thực tế do cơ chế hiện nay nên nhiều thầy thuốc, thầy giáo, thậm chí cả nghệ sĩ múa cũng làm quản lý dự án”, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước.
Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) đặt câu hỏi: “Xây dựng cơ bản bằng vốn nhà nước đắt, chậm, chất lượng không cao, hiệu quả thấp do với ngoài nhà nước. Tại sao?”
Nhiều đại biểu khác đã trả lời thẳng một nguyên nhân chính: đó là do những cái bắt tay, móc ngoặc giữa nhà thầu với đơn vị tư vấn thiết kế để rút ruột công trình. (Tuổi Trẻ, 6/11/2008)
“Làm đường sắt cao tốc không thể dựa vào nguồn vốn trong nước”
| Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng | Bộ Giao thông vận tải đang xúc tiến với cơ quan tư vấn của Nhật Bản lập dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam với số vốn đầu tư dự kiến khoảng 33 tỷ USD.
Dự án này, theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, nếu làm thì sẽ "phân kỳ đầu tư” và có thể kéo dài hàng chục năm.
“Chúng ta vẫn phải dựa vào vốn vay ODA và vốn trong nước đối ứng. Nhưng vốn đó đầu tư cho cả một giai đoạn dài có thể tới 20 năm, vì hình thành một tuyến đường như vậy không hề đơn giản. Khi đi sâu vào từng phân kỳ đầu tư, sẽ tính toán cụ thể về kinh phí. Nhưng rõ ràng không thể dựa vào nguồn vốn trong nước; 2/3 là phải đi vay”, ông Dũng nói. (Sài Gòn Tiếp Thị, 3/11)
Xin rút dự án “ngàn sao”
Sau rất nhiều băn khoăn của các chuyên gia trong nước, phản ứng của dư luận, ông Hoàng Kiều, tổng giám đốc công ty Rass (Hoa Kỳ), chính thức xin rút ý định đầu tư thực hiện dự án xây dựng sân khấu, resort... tại Đầm Bấy - Bãi Tre để “phục vụ cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm 2010”.
| Ông Hoàng Kiều | Trước đó, nhân việc tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010 tại Nha Trang, phía ông Hoàng Kiều xin cấp quyền sử dụng tổng cộng gần 700 ha đất đảo, mặt nước và ven bờ ở nhiều khu vực quan trọng ở danh thắng Nha Trang để đón người đẹp và xây dựng những khu “resort & spa ngàn sao”.
Ông Hoàng Kiều từng rất mau chóng công bố "siêu dự án" trên trước báo giới cùng sự xuất hiện của đương kim Hoa hậu Thế giới Trương Tử Lâm, trong khi đó đến nay, nhà đầu tư này còn chưa có hồ sơ dự án chính thức để trình tỉnh Khánh Hòa xem xét.
Dù xin rút ý định đầu tư dự án nhưng cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm 2010 vẫn diễn ra tại Nha Trang và có thể sẽ được tổ chức tại một địa điểm trong đất liền. (Tuổi Trẻ, 5/11)
“Họ bị sốc vì mức ô nhiễm tại các điểm du lịch VN”
| Ông Antonio Berenguer | “Hầu hết các doanh nghiệp EU sang VN tìm hiểu thị trường, khi họ tham quan và thực tế tại nhiều nơi, họ bị sốc vì mức ô nhiễm tại các điểm du lịch của VN cao hơn họ tưởng tượng.
Các điểm du lịch lớn của VN đang tự giết mình khi hệ thống xử lý nước, rác thải lại tấn công và hủy hoại chính vẻ đẹp của mình”, ông Antonio Berenguer, tham tán thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại VN nói trong buổi hội thảo VN sau hai năm gia nhập WTO. (Sài Gòn Tiếp Thị, 5/11)
Đang bị thương, “hiệp sĩ đường phố” vẫn bắt cướp
| Anh Nguyễn Văn Minh Tiến khi bị thương (Ảnh: VTC News) | Giữa lúc đi tái khám vết thương trong lần săn cướp gần một tháng trước, ngày 4/11, anh Nguyễn Văn Minh Tiến, người từng bắt hơn 300 vụ cướp, lại rượt đuổi và tóm gọn một tên giật điện thoại.
Hai tên cướp là Lưu Ngọc Tân, 17 tuổi và Huỳnh Hạo Nhiên, 16 tuổi, đều ngụ phường Phú Thạnh, quận Tân Phú. Đây là hai trong số những kẻ “góp phần” khiến du khách hay người dân Sài gòn luôn phải cảnh giác với tình trạng có thể bị giật điện thoại bất cứ lúc nào trên đường phố.
Riêng “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến, anh gặp tai nạn, đập mặt xuống đường trong lúc rượt đuổi kể cướp. Anh Tiến phải phẫu thuật nâng xương hàm và gò má, hiện đã ra viện nhưng vẫn trong quá trình điều trị.
“Vượt đèn đỏ, có khi thành… ăn cướp”
| TS. Nguyễn Ngọc Điện | “Người thực hiện một quyền không phải của mình bị xã hội coi là người xấu. Về mặt pháp lý, vượt ngã tư khi đèn đỏ không chỉ được xác định là hành vi không tôn trọng luật lệ giao thông; đó còn là hành vi chiếm đoạt trái phép quyền sử dụng đèn xanh của người khác.
Về mặt đạo đức, hành vi này được phân tích thành một vụ ăn cắp (quyền của người sử dụng đèn xanh”; nếu đã vượt đèn đỏ mà còn sừng sộ, chửi bới, hành hung những người phản đối, thì thành ăn cướp”.
TS. Nguyễn Ngọc Điện (Khoa Kinh tế - Luật, ĐH QG TPHCM) đưa ra một ví dụ về cách ứng xử với tự do, quyền hạn và quy ước xã hội. (Sinh Viên VN, 5/11)
“Hợp tử là gì hả bố?...”
| HS cấp 2 với hình ảnh của... người lớn | Anh Thuận có con trai học lớp 5 tại trường Lê Văn Sĩ TP HCM cho biết, vì không có nhiều thời gian để ý đến tất cả các môn học, khi nghe con hỏi anh "tá hỏa": "Làm sao tinh trùng lại chui được vào trứng? Mà hợp tử là gì hả bố?..."
Hóa ra, những cụm từ đó nằm ngay trong những bài đầu tiên sách Khoa học, như bài: "Sinh sản", Phân biệt giới tính "nam hay nữ" hay "Cơ thể chúng ta hình thành như thế nào?". Hơn thế, trong bài 4 sách này còn ghi: "Quá trình tinh trùng kết hợp với trứng được gọi là sự thụ tinh. Trứng đã được thụ tinh gọi là hợp tử". Kèm theo những bài học này là hình ảnh minh họa quá trình thụ tinh. Trang kế bên còn có hình ảnh các bào thai và câu hỏi yêu cầu các em phân biệt đâu là bào thai 5 tuần, 8 tuần, 3 tháng, 9 tháng. (VnExpress, 5/11)
Có lẽ, Bộ GD&ĐT cần lập tổng đài “nóng” để trả lời những câu hỏi “cắc cớ” kể trên, thay vì các cháu học sinh đem về “làm khó” bố mẹ.
Tư cách người thường và tư cách nghệ sĩ
| Ca sĩ Madonna (Ảnh: People) | Christopher Ciccone là em trai ca sĩ Madonna - người vừa có cuộc ly hôn đắt giá nhất trong lịch sử nước Anh với người chồng Guy Ritchie sau 7 năm chung sống. Anh từng là trợ lý, cố vấn nghệ thuật của chị gái, nay đã bị nữ danh ca “từ mặt” vì dám cho phát hành cuốn tự truyện mà Madonna cho là bất lợi với mình.
Ciccone nói về sự khác biệt lớn nhất giữa Madonna – ngôi sao và Madonna – người chị gái tuổi 50 luôn nổi loạn và phá cách, có cuộc sống luôn ở trạng thái đa cực thăng – giáng:
“Chị gái là một con người. Với tất cả những thói quen, trạng thái và những gam màu trung dung. Ngôi sao Madonna thì chỉ biết hai màu đen – trắng. Dẫu đó là Yoga, Kabbala, một album mới hay trên sân khấu…
Với tư cách nghệ sĩ, điều đó đã làm cho Madonna trở nên vĩ đại. Với tư cách con người thì nó đã làm thay đổi chị ấy. Chị không có khả năng thực hiện một quan hệ bình thường, một cuộc sống bình thường”. (Thể thao & Văn hóa Cuối tuần 31/10) |
No comments:
Post a Comment