Saturday, September 20, 2008

19/09/08

Rất nhiều sự kiện nóng bỏng trong và ngoài nước lần này được "Phát ngôn & Hành động ấn tượng" lựa chọn đều có gắn với những nhân vật cụ thể. Họ đã nói và làm gì?



“Còn có thêm những tập đoàn tài chính lớn khác sụp đổ”


Cựu chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Alan Greenspan đã có nhận định như vậy sau tuyên bố phá sản hôm 15/9 của Lehman Brothers - tập đoàn tài chính lớn thứ tư của Mỹ - khiến phố Wall chao đảo, thị trường thế giới chấn động.

Ông Alan Greenspan

Ông cho rằng “không nên bảo vệ mọi thể chế tài chính” “quá trình thông thường của thị trường tài chính là có kẻ thắng và người thua”.

Peter Kenny, giám đốc điều hành tại Knight Equity Markets ở New Jersey, đánh giá: “Thế giới tài chính đang trên ngưỡng của một cuộc sắp xếp lại toàn bộ”.

Còn Bill Gross, người phụ trách về đầu tư tại Tập đoàn đầu tư PIMCO, thậm chí dự báo “nếu Lehman phá sản thì sẽ có một làn sóng những vụ bán tháo cùng những hoán đổi” trong thị trường tài chính. (Tuổi Trẻ, 16/9)

Và những ngày này, mỗi giờ trôi qua, những biến động thực tế trên thị trường toàn cầu đã diễn ra không nằm ngoài những dự báo kể trên...

"Chúng ta sẽ hành động thận trọng và sáng suốt"

Thủ tướng Vladimir Putin (Jamestown.org)

Thủ tướng Nga Putin lên tiếng trấn an thị trường nước mình như vậy và tuyên bố Nga đủ mạnh để vượt trên cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ngày 17/9, Bộ Tài chính Nga thông báo đang phải bơm 45 tỷ USD để cứu hệ thống ngân hàng. Chính phủ cũng buộc thị trường chứng khoán phải ngừng giao dịch do giá sụt quá mạnh.

Trước đó, sau “trận động đất” của Lehman Brothers, ngân hàng Merrill Lynch bị mua lại, đến lượt tập đoàn bảo hiểm khổng lồ AIG rơi vào khủng hoảng và Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định bơm 85 tỉ USD để cứu tập đoàn này.

Còn tại VN, tác động của cơn địa chấn phố Wall đã khiến gần như toàn bộ các mã cổ phiếu trên cả hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội tiếp tục bị bán đổ, bán tháo. Chỉ số VN-Index mất thêm 4,1% xuống dưới 420 điểm. Khối lượng giao dịch giảm mạnh. (Tuổi Trẻ, VietNamNet – 17-18/9)

“Hành vi của Vedan là xảo trá...”

BT Phạm Khôi Nguyên (Ảnh: Lao Động)

Ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đã chỉ thẳng mặt hành vi “vi phạm nghiêm trọng pháp luật VN” khi công ty này “vô tư” “bức tử” sông Thị Vải trong nhiều năm qua.

“Công ty Vedan sẽ phải đình chỉ hoạt động để kiểm tra toàn bộ hệ thống của nhà máy này tới khi tìm ra những biện pháp khắc phục ô nhiễm” - ông Phạm Khôi Nguyên khẳng định trong cuộc họp báo sáng 17/9.

“Cứ 1% tăng trưởng của Vedan thì chất lượng môi trường mất đi 3. Năm 2005 Vedan đã sẵn sàng bồi thường 15 tỉ đồng để hỗ trợ nuôi trồng thuỷ sản chứng tỏ công ty đã có siêu lợi nhuận. Họ đã ăn không chi phí dành cho môi trường của chúng ta”. (Lao Động, 17/9).

Bộ trưởng Bộ TN & MT đã đưa ra lời kết tội đanh thép đó. Nhưng giá mà những hành vi đó của Vedan được “vạch mặt” sớm hơn thì sẽ kịp thời bớt đi những hậu quả mà người dân chung quanh suốt bao năm phải gánh chịu.

Và tất nhiên bây giờ, những người dân sống xung quanh khu vực dòng sông Thị Vải hoàn toàn có thể khởi kiện công ty Vedan trên cơ sở có đầy đủ chứng cứ pháp lý.

Sữa nhiễm hoá chất ở Trung Quốc – không có trách nhiệm chung chung!

TT Ôn Gia Bảo

Hôm 17/9, tức là hai ngày sau vụ Tập đoàn Tam Lộc - hãng sữa lớn hàng đầu Trung Quốc – phải lên tiếng xin lỗi công chúng về sản phẩm sữa bột nhiễm độc vốn đã cướp đi sinh mạng của 4 trẻ và khiến hàng nghìn bé nhập viện vì sỏi thận, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tổ chức cuộc họp Nội các đặc biệt bàn về cuộc khủng hoảng sữa bột trẻ em.

Nội các Trung Quốc đã thừa nhận, thiếu các quy định trong việc nâng cao các chuẩn lương thực thực phẩm.

"Vụ sữa bột trẻ em Tam Lộc phản ánh sự hỗn loạn trên thị trường sản phẩm sữa và kẽ hở trong việc giám sát, quản lý", Nội các Trung Quốc nhấn mạnh.

Nhiều hãng sữa đã bị đóng cửa. Cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ thêm 12 người trong vụ bê bối sữa nhiễm hóa chất.

Như vậy, Trung Quốc đã phản ứng rất nhanh mà còn khó trở tay trước những hậu quả diễn ra; thử hỏi nếu còn loay hoay, ậm ờ thì tình hình còn diễn biến thế nào... Đó âu cũng là điều đáng suy ngẫm về trách nhiệm quản lý và cách phản ứng với tính hình của người lãnh đạo khi đất nước có “sự cố” liên quan đến tính mạng người dân.

“Có những cái có thể tính bằng tiền, có những cái không thể”

Đại sứ Mỹ và TS. Lê Kế Sơn (Ảnh: Xuân Linh)

TS Lê Kế Sơn, chánh văn phòng Ban chỉ đạo 33 phát biểu như vậy với BBC (17/9) cuộc họp thường niên lần ba của Hội đồng tư vấn Việt - Mỹ về chất độc da cam từ 8 - 11/9.

Ông Sơn hoàn nghênh Hoa Kỳ bắt đầu có những hành động cụ thể để hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam VN, tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc hỗ trợ tâm lý các nạn nhân nhiễm chất da cam và gia đình của họ rất khó.

Liên quan đến việc giải ngân 3 triệu USD mà Quốc hội Mỹ thông qua, Tiến sĩ Lê Kế Sơn, cho biết trong cuộc họp báo chung vào chiều 16/9 tại Hà Nội: "Sẽ dành một phần số tiền cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân gần vùng ô nhiễm dioxin ở Đà Nẵng và một phần dành cho xử lý ô nhiễm dioxin trong sân bay Đà Nẵng".

Đại sứ Mỹ Michael Michalak nói: "Quan hệ Mỹ và Việt Nam đang ở giai đoạn tốt nhất từ trước đến nay và chúng tôi muốn xây dựng quan hệ này tốt hơn nữa". (VietNamNet, 16/9)

“Đại sứ Mỹ tại Caracass có 72 giờ để về rời Venezuela”

Hugo Chavez

Ông Hugo Chavez, Tổng thống Venezuela đã tuyên bố như vậy vào hôm 11/9.

Lý do mà ông Chavez đưa ra: Venezuela muốn “bày tỏ tình đoàn kết với đất nước, nhân dân Bolivia”. Ông cho rằng Mỹ đang tìm cách phá hoại chính phủ của ông “tương tự như những gì họ đã làm ở Bolivia”.

Vị tổng thống cánh tả này cũng cho rằng nhóm cựu quân nhân và quân nhân âm mưu đảo chính vừa bị bắt đã lên kế hoạch ám sát ông có sự hậu thuẫn của Washington.

Trước đó, Tổng thống Venezuela đã yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này triệu hồi Đại sứ của mình từ Mỹ trở về.

Cá nhân ông Chavez cũng vừa có bức tranh do chính ông vẽ trong thời gian 2 năm ngồi tù vì nỗ lực bất thành nhằm lật đổ Chính phủ hồi năm 1992, được 3 doanh nhân mua Venezuela với giá 255.000 USD trong một cuộc đấu giá. (Thanh niên - 13/9, Thể Thao & Văn hoá, 18/9)

“Nền “giáo dục chất lượng cao” là đáp ứng được lý tưởng của dân tộc mình”

TS Ngô Tự Lập

Theo TS. Ngô Tự Lập, giảng viên Khoa Quốc tế (ĐH QG HN): “Một nền giáo dục “chất lượng cao” không phải nền giáo dục của Mỹ, của Pháp hay của Nhật mà phải là nền giáo dục đáp ứng được lý tưởng của dân tộc mình. Đừng chạy theo cái gọi là “đẳng cấp quốc tế” chung chung”.

Là người từng học và dạy ở Mỹ nhiều năm trước khi về VN, TS nói: “Học tập theo kiểu “nhắm mắt” tiếp nhận các gói kiến thức mà người ta đã “đóng đai đóng kiện” và bàn giao cho như thế, tôi gọi là bị “nhân bản vô tính” về mặt tư duy và điều này rất nguy hiểm.

Xã hội chỉ có thể phát triển được nếu mọi người cùng sáng tạo. Nếu cứ tiếp tục giáo dục như thế này là chúng ta tự hạn chế sức mạnh của dân tộc mình”.
(Sinh viên VN, 17/9).

“Thống kê thấy nghi ngờ, sẽ chấm thẩm định lần 2”

Ông Trần Văn Kiên

Đó là chuyện “lạ mà không lạ” lại diễn ra trong ngành giáo dục khi kết quả thi tốt nghiệp THPT lần 2 vừa qua cho ra tỷ lệ đỗ xấp xỉ 50%, tính chung cả hai lần là 86,57%.

Mức đỗ cao như thế, nếu nhìn vào thực tế và đánh giá thực chất sẽ là... không tưởng. Các tỉnh như Đắc Lắc, Gia Lai có số học sinh đỗ tốt nghiệp cao hơn hoặc bằng Nghệ An, Hà Tĩnh... Có thể nghi ngờ: cứ địa phương nào tổ chức thi ngiêm túc, chấm đúng thì kết quả thấp và ngược lại!

Thế nên, ông Trần Văn Kiên, Phó Cục trưởng Cục Khảo khí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), không khỏi giật mình mà phát biểu: “Nếu tỷ lệ tăng đột biến tại nhiều địa phương, qua thống kê thấy có nghi ngờ, chúng tôi sẽ tổ chức chấm thẩm định lại lần 2 nếu thấy cần thiết”. (Hà Nội Mới, 12/9)

Trước căn bệnh thành tích thấy rõ này, báo Lao Động (15/9) bình luận: “Cách nói trên đã trở nên bình thường từ rất lâu rồi, bởi lẽ, kết quả đã công bố, ai có quyền hạ thấp hay – dùng từ một cách “khoa học” là thẩm định?

Với một nền giáo dục còn nhiều bất cập, chương trình đào tạo còn ít thay đổi, làm sao tạo nên sự chuyển biến nhanh về thành tích thi cử?”.


Hai sinh viên SV phát hiện “lỗ hổng” Google

Hàng ngồi: Mạnh Tùng và Đức Anh

Đầu tháng 9 vừa qua, VN lần đầu tiên ghi dấu ấn quốc tế trong lĩnh vực an ninh mạng với việc Trung tâm An ninh mạng BKIS (ĐH Bách Khoa Hà Nội) phát hiện các lỗ hổng bảo mật trong sản phẩm của các “đại gia” Microsoft và Google. Những người tìm ra các lỗ hổng này là SV Bách Khoa, đang làm viêc tại BKIS, đó là Lê Đức Anh (21 tuổi) và Lê Mạnh Tùng (22 tuổi).

BKIS đang muốn vươn ra thị trường toàn cầu nên thời gian qua rất tích cực quảng bá hình ảnh của mình. Trung tâm này cũng tự hào rằng: 100% các chuyên gia BKIS đều là những người được đào tạo trong nước. (Thanh Niên, 13/9)

“Nghệ thuật không phải bằng cấp, nghệ thuật là từ con tim”

Nhạc trưởng Đỗ Kiên Cường

“Điều quan trọng nhất đối với tôi sau thời gian du học này là bọn Tây học ở Mỹ cũng không giỏi như mình nghĩ, thấy trong nước mình dạy cũng không thua kém, nhưng mình bị cái thiếu tự tin, không dám tranh luận, những người học ở nước ngoài về luôn áp đặt những người chưa đi học nước ngoài.

Cái học được lớn nhất của tôi là sự tự tin, là cảm nhận được con người và sự việc một cách rõ ràng hơn. Và nghệ thuật không phải là bằng cấp, nghệ thuật là từ con tim”
, một trong những nhạc trưởng trẻ nhất VN Đỗ Kiên Cường, từng tốt nghiệp thạc sĩ Nhạc viện Brooklyn (Mỹ), nói.

Anh cũng là người khởi xướng và tổ chức chương trình Âm nhạc đương đại VN và quốc tế thường niên tại TPHCM và vừa qua là sự ra mắt của đêm rock & opera Unlimited Symphony được khán giả trẻ hoan nghênh nhiệt liệt. (Thể thao & Văn hoá Cuối tuần, 12/9)

Related Articles

No comments:

Post a Comment