"Làm sao để dân luôn được ăn ngon, mặc đẹp, ở sang...”
"Ông khoán hộ" Kim Ngọc, cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, vừa được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Việc này dẫu có muộn màng, nhưng vẫn cần được ghi công và nhớ đến, vì sau 30 năm, ông không còn nữa trên cõi đời để chứng kiến sự đổi thay của nông nghiệp - nông thôn VN nhờ mô hình "khoán 10" và những Đổi mới trong nông nghiệp mà ông khởi xướng.
Tượng đồng nhà cải cách Kim Ngọc (Ảnh: Tiền Phong) |
Con người chỉ học hết lớp 7, vậy mà tư duy đã đi rất xa so với thời gian, dù không bị đi tù vì khoán hộ, nhưng số phận của khoán mà ông đã từng khởi xướng đã phải trải qua biết bao sóng gió, thăng trầm của lịch sử. (Dân Trí, 20/3).
"Thương con thì ta để của, cho nó một cái nghề, hay một tri thức?"
Nhà thơ Lê Minh Quốc |
Mẩu chuyện nhỏ mà Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910) - ông nội của cố Tổng Bí thư Trường Chinh - có kể: “Xưa tôi có ông bạn quanh nhà lát toàn cối đá, đến cả bờ ao, lòng ao cũng lát toàn cối đá. Ông ta bảo: “Để ruộng thì về sau con cháu dễ bán cả mẫu, để cối đá thì phải bán dần từng cái một, lâu dài hơn”. Gần đây tôi hỏi thăm thì biết cối đá đã bán gần hết!
Lại có một quan khác làm nhà gỗ mà đầu xà cột đều đóng chốt sắt nối nhau, để cho khó dỡ ra mà bán. Nay con cháu cũng đã bán cả nhà lẫn đất rồi!”. (Thể thao & Văn hóa, 25/3)
"Liệu có ngòi bút trẻ nào có thể chạm sâu vào vấn đề nhức nhối?"
Nhà văn Nguyên Ngọc |
Thế hệ tuổi 20 hiện nay lại khác, họ đang đối mặt với những vấn đề rất khó và rất lớn của xã hội. Chúng tôi viết về sự sống, cái chết, thắng và thua còn các bạn phải đương đầu với trách nhiệm về những vấn đề cốt lõi, sâu xa trong xã hội, về những căn bệnh trầm kha của xã hội hiện tại.
Liệu có ngòi bút nào ở thế hệ các bạn có thể chạm sâu vào vấn đề nhức nhối của dân tộc, về những ray rứt bên trong. Đó là điều rất khó và đòi hỏi tài năng phải lớn". (eVăn, 25/3)
"Phải có đại biểu của nhân dân mới được"!
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo
"Nhân dân phản đối, báo chí đã nêu thì phải lấy lại ý kiến của dân. Dân bảo thôi không làm thì không làm, kể cả một nửa bảo làm, một nửa không - vẫn thôi. Quá bán cũng không làm, vì đây có phải là bầu bán gì đâu? Mình làm cho dân, tại sao dân phản đối - phải xem lại ngay! Khi nào đại đa số dân thực sự đồng ý mới làm!"
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nói rất quyết liệt cho quyết địnhtạm dừng dự án "chợ tạm dân sinh" trên vườn hoa Con Voi, giao Sở Kế hoạch - Đầu tư rà soát toàn bộ thủ tục, trình tự đầu tư dự án này và giao UBND quận Đống Đa chịu trách nhiệm lấy ý kiến người dân theo qui trình của Sở Nội vụ.
Chủ tịch Hà Nội cũng đồng thời bày tỏ, không riêng vụ việc tại vườn hoa Con Voi mà nhiều vấn đề khác, quan điểm của ông là các cấp, ngành phải quen dần với cách lãnh đạo dân chủ. Theo ông, lợi ích ở đây phải là nhiều lợi ích chứ không chỉ một lợi ích nào cả. Lòng dân cũng phải đúng thật sự là lòng dân chứ không chỉ một bộ phận nhân dân. (VietNamNet, 25/3)
Quan điểm này của vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội (đồng thời là một kiến trúc sư) cũng được bày tỏ trên một số phương tiện truyền thông đại chúng khác trong thời gian qua, trong thời điểm Hà Nội có nhiều dự án xây dựng tạo nên những luồng thông tin đa chiều đồng tình - phản đối từ phía người dân.
Chính phủ hợp tác với tư nhân để mua tài sản xấu
Bộ trưởng Tim Geithner (Ảnh: timeinc.net) |
Geithner đã thuận theo ý tưởng mà giới kinh tế đề xuất: liên kết chính phủ và tư nhân. Theo đó, chính phủ sẽ hợp tác với giới đầu tư tư nhân để chi từ 500 tỉ đến 1.000 tỉ USD để mua tài sản xấu - tức những tài sản không thể bán được trên thị trường tài chính. Phải có sự tham gia của tư nhân, vì 350 tỉ còn lại không đủ để giải quyết hết số tài sản xấu còn tồn đọng, có những ước tính lên đến hơn 1000 tỉ USD.
Kế hoạch này - được thực hiện với sự hỗ trợ của cục Dự trữ liên bang (FED) và Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) - sẽ tạo ra sự hậu thuẫn cho giới đầu tư tư nhân mua lại tài sản xấu của các ngân hàng. Chính phủ sẽ làm nhiệm vụ kết nối nhà đầu tư với các ngân hàng trên cơ sở phân chia lợi nhuận công bằng. (Sài Gòn Tiếp Thị, 25/3)
Có cần thiết mở rộng thêm biên độ tỷ giá?
GS Trần Hoàng Ngân |
Đồng USD trên thế giới đang giảm giá mạnh, tạo thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam. Tuy vậy, theo Giáo sư: “Về tỷ giá, việc chúng ta phá giá tiền đồng về mặt lý thuyết là luôn luôn khuyến khích xuất khẩu. Tuy nhiên nó có tính hai mặt. Nếu chúng ta phá giá mà Việt Nam vừa nhập siêu, vừa nợ, lại vừa xuất không được mà lại vừa phá giá, thì “chết” cả đám.
Cho nên việc phá giá hiện nay, theo tôi, là không nên. Nhưng điều chỉnh theo hướng có lợi cho xuất khẩu là điều cần thiết. Năm vừa rồi ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá USD/VND tăng 8 – 9%. Theo tôi năm nay với tình hình này việc giữ tỷ giá tức là phá giá rồi” (Sài Gòn Tiếp Thị, 23/3)
Trong khi đó, từ ngày 24/3, Ngân hàng Nhà nước đã có nới rộng biên độ tỷ giá giữa tiền đồng Việt Nam, VND, với đô la Mỹ, USD, lên 5%. Trước đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thông báo đẩy ra một lượng tiền khổng lồ hơn 1.000 tỉ USD để mua lại trái phiếu chính phủ và chứng khoán dài hạn của các doanh nghiệp.
Những động thái kể trên đã góp phần giúp chứng khoán Mỹ bất ngờ tăng đột biến 6-7%. Ngay sau đó, gần như toàn bộ cổ phiếu đồng loạt quay đầu ào ào tăng giá kéo VN-Index lên ngưỡng 280 điểm.
Như vậy, biên độ tỷ giá có cần thiết phải mở rộng thêm?
"Quản lý xe ôm để... tôn vinh nghề xe ôm"!
Ông Nguyễn Văn Thanh (Ảnh: VNN)
"Chúng tôi vẫn khẳng định, xe ôm là hoạt động kinh doanh cần phải quản lý. Quản lý để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi cho cả người hành nghề và hành khách", ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) - người chủ trì soạn thảo bản thông tư "quản lý xe ôm" - khẳng định trước những bức xúc của dư luận về dự thảo đang lấy ý kiến.
Ông nói: "Cần phân loại đối tượng xe ôm. Nghề này rất đa dạng. Có người làm thêm, nhưng cũng có người làm nghề "chuyên nghiệp". Mà tôi nghĩ, những người làm nghề chuyên nghiệp, nghĩa là muốn kiếm tiền thường xuyên và chân chính bằng nghề này thì họ nên đăng ký, nên tập hợp lại, có đồng phục, có tổ chức. Như thế cũng là một cách để tôn vinh một nghề lao động đàng hoàng".
Như vậy, theo Dự thảo, có thể từ 1/7, người hành nghề lái xe ôm sẽ phải "có phù hiệu hoặc trang phục do UBND cấp tỉnh quy định để phân biệt người điều khiển phương tiện hoạt động vận chuyển kinh doanh công cộng với các đối tượng tham gia giao thông khác" - một trong số nhiều quy định mà Thông tư đề ra, đang được tiếp thu và... chỉnh sửa! (VietNamNet, 20/3 - 26/3)
Chỉ xin có một bình luận nhỏ: Giới "chân dài" đã lập Hội Người mẫu VN, giới ca sĩ đang hô hào lập Hội Nghệ sĩ hát cho bằng chị bằng anh; bây giờ, để có phong trào, đoàn thể có tính hành chính nhà nước - nhất là khi có văn bản pháp lý cho nghề nghiệp sắp ban hành - giới lái xe ôm có nên tiến tới lập... Hội Người lái xe ôm VN?
Nỗi đau xé lòng của con người
Nguyễn Văn Tuyên (Ảnh: GĐ&XH) |
Chỉ vì sự phàn nàn của vợ về thói ham mê cờ bạc, Nguyễn Văn Tuyên (49 tuổi, ở Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) bất ngờ đánh vợ. Khi biết vợ đã chết, y bèn dùng chăn bông quấn lại, để gọn vào một góc. Sau đó, Tuyên đi nấu cơm cho các con như không có chuyện gì xảy ra. Đến chiều, khi hai đứa con đi học, y vội khóa cổng lại, cắt rời thi thể vợ thành ba phần mang ra hồ Rẻ Quạt, trạm bơm nước thôn Bằng B và sông Nhuệ vứt để phi tang.
Ngày 25/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “xác chết không đầu ở hồ Rẻ Quạt”. Bị cáo Nguyễn Văn Tuyên đã bị tuyên án tử hình về tội giết người. (VietNamNet, 26/3)
Ông Rinh bên hồ chờ tìm con cả ngày lẫn đêm (Ảnh: Đất Việt) |
Hơn một tuần bơm nước ròng rã, hồ cạn trơ đáy nhưng vợ chồng ông Rinh không thấy xác người. Riêng tiền thuê máy bơm, xăng dầu, công thợ tính ra đã hơn 30 triệu đồng. Việc làm của vợ chồng ông Rinh tạo ra nhiều lời thêu dệt như “xác người bị chặt khúc vứt xuống hồ”. Có người còn tới hồ nước để xin xăm, cầu số đánh đề.
Ngày 21/3 vừa qua, nhiều người dân địa phương hiếu kỳ tụ tập quanh hồ chờ xem lời “thầy” phán có xác chết dưới đáy hồ là đúng hay sai. Khi rõ sự thật, một số người nổi giận nên chặn đường “thầy” đòi đánh để trị tội “bói ra ma”... (Đất Việt, 26/3)
"Tôi không chơi bời trác táng"
Nhạc sĩ Phạm Duy |
Nhạc sĩ cũng nói về sự "ngoan" của mình: "Tôi không có sự đam mê về tửu sắc. Không có, không có đâu nhé, chỉ đam mê nghệ thuật thôi... Nhưng, cái đau đớn nhất của tôi là các con có đứa nó hút thuốc lá mà bảo nó không nghe". (VnMedia, 25/3)
Hỏi nhạc sĩ Phạm Duy về một vấn đề lớn hơn là vấn đề cá nhân: "Nếu cần đính chính, ông sẽ đính chính điều gì trước chương trình lần này ở Nhà hát Lớn Hà Nội?", ông nói:
"Tôi không muốn bị coi là người kiêu hãnh, nhưng đây chỉ là một chương trình nghệ thuật, nên không có gì để thanh minh cả. Tôi vẫn là người “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”, đến giờ vẫn chưa thoát được những nỗi buồn cố hữu. Mà làm sao chối bỏ được? Cảnh li tán, cả triệu người ra đi, sang Mỹ thì bơ vơ, buồn lắm. Dù sao tôi cũng may mắn là người nghệ sĩ nói được những gì mình muốn nói". (Tintuconline, 25/3)
------------------
* Phát ngôn & Hành động ấn tượng nhất (tuần từ 20/3 đến 27/3/2009): Lần đầu tiên, một nhân vật đã quá cố trở thành "ấn tượng" nhất trong tuần này, đó là "ông khoán hộ" Kim Ngọc. Ông đã nói cách đây hàng chục năm, mục tiêu của Chủ nghĩa Xã hội là để “Dân luôn được: ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, học hành chữa bệnh không mất tiền”.
Đó là quan niệm "lạ" lúc bấy giờ mà có thể đến tận ngày nay mới được chứng minh, thừa nhận là đúng, là "bình thường", giản dị, thuận lẽ sống, lẽ đời, nhất là đối với những mô hình tổ chức xã hội được cho là ưu việt.
Nếu không có "đi trước" với những tư tưởng đổi mới, tầm nhìn sáng suốt, tấm lòng nhân ái... thì sẽ khó đưa ra mô hình khoán hộ trong nông nghiệp VN vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, khó có những bước đi bạo dạn trong nông nghiệp - nông thôn ở miền Bắc lúc bấy giờ như ông Ngọc đã khởi xướng, để rồi tạo nên những thành quả cho đến tận hôm nay.
Công lao của một "ông khoán hộ" Kim Ngọc - nói như tác giả Nguyễn Tham Thiện Kế là người "dám xác quyết hy sinh sinh mạng chính trị đang thăng tiến vì bát cơm của mỗi người nông dân" - đến nay đã được thừa nhận một cách chính thức với Huân chương Hồ Chí Minh do Đảng, Nhà nước truy tặng. Cho dù con đường đã đi người Cộng sản đó không thiếu những gập ghềnh, trắc trở, nhưng đó là lựa chọn của người mở đường.
Đến nay, nông nghiệp - nông thôn VN dù đã có rất nhiều đổi thay, phát triển trong những năm qua, nhưng chưa phải người nông dân đã hết những nguy cơ, cực nhọc. Và có lẽ sự "vinh tặng" ý nghĩa lớn nhất đối với "nhà cải cách Kim Ngọc - cha đẻ của khoán 10" - vào lúc này, là sớm đến lúc không chỉ người nông dân một nắng hai sương mà phần đông người dân VN nói chung "luôn được: ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, học hành chữa bệnh không mất tiền” như chân lý giản dị mà ông Kim Ngọc hằng xác định.
Chúng ta đang nhắc đến "Đổi Mới II", đó là lúc những tư tưởng, mô hình đổi mới của thời kỳ cũ cần được kế thừa, tối ưu; của thời kỳ mới được khơi thông, tiếp thêm sức bật để vượt lên, chống lại sự tụt hậu, đưa đất nước phát triển bền vững. Câu chuyện về "ông khoán hộ" Kim Ngọc là câu chuyện của "Đổi Mới I", nhưng vẫn là bài học của "Đổi Mới II" và hy vọng rằng thời nay sẽ có thêm nhiều "ông Kim Ngọc mới", được đi trên con đường thuận buồm xuôi gió hơn, để cùng thúc đẩy những vòng quay của bánh xe cải cách và tiến bộ.
Bùi Dũng