Monday, February 23, 2009

20/02/2009

(TuanVietNam) - Thêm một tuần nữa đến, mời bạn đọc cùng "Phát ngôn & Hành động ấn tượng" nắm bắt tình hình, để xem: Ai, ở đâu, làm gì và nói gì?



"Phản biện xã hội là chuyện tự nhiên"

Sau một thời gian chuẩn bị, Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN đã trình Bộ Chính trị xin ý kiến nội dung đề án về quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ.

GS Phan Đình Diệu

Trước vấn đề này, GS-TSKH Phan Đình Diệu, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học - giáo dục của MTTQ VN, "phản biện": “Theo nghĩa thông thường thì phản biện xã hội là chuyện tự nhiên, không cần luật lệ gì cả.

Trong xã hội, người quản lý đưa ra các luật lệ, chủ trương, chính sách và dân có quyền phản ánh ý kiến của mình về những chuyện ấy. Người dân tự do phát biểu ý kiến và nhà nước sàng lọc, phân tích, tiếp thu những ý kiến đúng để bổ sung hoặc sửa đổi những chủ trương, chính sách chưa hợp lý”. (Pháp luật TPHCM, 16/2)

“Không có mục đích tư túi cá nhân”

Nguyễn Minh Chung, Phó TGĐ Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, khẳng định như thế về dự án xây khách sạn 4 sao Novotel on the Park (nếu hiểu tên theo nghĩa tiếng Việt rõ ràng là “Novotel nơi công viên"!).

Dự án này trước đây hợp tác với phía đối tác Thụy Điển với mục đích “hợp tác quốc tế”, nhưng sau đối tác Singapore thay thế (không rõ có còn mục đích như vậy nữa không?).

Ông Nguyễn Văn Thịnh (Ảnh: VNN)

Theo ông Nguyễn Minh Chung: "Toàn bộ quá trình dự án, Công ty Du lịch Hà Nội chỉ thực thi nhiệm vụ chính trị cho Hội đồng Bộ trưởng và UBND Thành phố giao, hoàn toàn không có mục đích tư túi cá nhân”“Chúng tôi cũng lăn tăn như các đồng chí là làm sao có thể điều chỉnh được. Nhưng chúng ta đã tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, kí kết WTO… cho nên tất cả những kí kết từ 91 đến nay đều có hiệu lực”.

Tại cuộc họp báo chiều 13/2, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh văn phòng UBND Hà Nội cho hay, sau khi xem xét các ý kiến, Thường trực Uỷ ban đã quyết định tiếp tục cho thực hiện dự án khách sạn Novotel on the Park mặc cho công luận và rất nhiều kiến trúc sư tâm huyết với Thủ đô lên tiếng “can ngăn”. (VietNamNet, 14/2).

“Chỉ có thành viên BTC giải mới được xem”!

Ông Dương Nghiệp Khôi

Ông Dương Nghiệp Khôi, Phó BTC Giải Bóng đá Hạng nhất quốc gia nói để từ chối cung cấp băng ghi hình trận đấu có pha đá phạt của tiền đạo Sĩ Mạnh (của Xi Măng Ninh Bình) vào lưới Hòa Phát nhưng không được công nhận.

Trọng tài và BTC cho rằng lý do bàn thắng không được tính vì Sĩ Mạnh đã xô đẩy hậu vệ Hòa Phát. Tuy nhiên, với băng ghi hình có trong tay VTV cho rằng bàn thắng hợp lệ, Sĩ Mạnh không phạm lỗi.

Không rõ băng ghi hình của bên nào đúng, chỉ biết rằng khi BTC giải nhất định không xòe băng ra chứng minh kết luận của trọng tài và BTC đúng thì tính minh bạch, rõ ràng, trong sáng trong bóng đá đã không được đảm bảo. (Tuổi Trẻ, 18/2)

“Khi buông ra, giá có thể cao hơn giá thật”

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào

“Chúng ta giữ giá quá lâu, đến khi buông ra giá có thể tăng cao hơn giá thật. Nên chủ động thả ra, không đợi giữ được nữa mới thả”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói trong buổi họp báo giải thích những vấn đề khi tăng giá điện từ ngày 1/3 (trung bình tăng 8,92%, trong đó 13% với điện sinh hoạt và 10% cho khối hành chính sự nghiệp).

Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra giá, tránh tình trạng tát nước theo mưa”, tăng giá bất hợp lý của các doanh nghiệp.

Việc tăng giá, theo Phó Thủ tướng là “một tín hiệu” để các doanh nghiệp thay đổi công nghệ nhằm tiết kiệm và từ năm 2010 giá điện sẽ tăng theo cơ chế thị trường hoàn toàn không mâu thuẫn chính sách kích cầu của Chính phủ.

Còn Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào khẳng định: Mỗi năm ngành điện cần phải đầu tư xây dựng thêm được 3.700 MW, với số tiền đầu tư khoảng 5 tỉ USD. Như vậy, với 6.400 tỉ đồng thu được của năm 2009 do tăng giá, ngành điện không giải quyết được hết tất cả các vấn đề. Việc này đồng nghĩa với câu chuyện thiếu điện vẫn xảy ra, trình trạng cắt điện vào giờ cao điểm, cắt điện cục bộ sẽ tiếp tục tái diễn.

"Tập đoàn Điện lực không thể bảo đảm được ngay là 5 năm sẽ không thiếu điện" - Thứ trưởng Hào nhấn mạnh. (Tuổi Trẻ, Thanh Niên - 18/2)

“Phải truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm”

GS. C. Peter Timmer (Ảnh: SGTT)

Tích tụ ruộng đất và nguồn gốc sản phẩm trong nông nghiệp là hai vấn đề mấu chốt được GS C.Peter Timmer đề cập trong cuộc toạ đàm “Nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế trong thế giới chuyển động”.

Theo GS, người tiêu thụ thế giới đang thay đổi, ở Hoa Kỳ, giá trị nông sản không phải được người tiêu dùng đánh giá bằng khẩu vị hay cái gì khác, mà chính là sự an toàn. Muốn như thế, phải truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm. Và không có tích tụ ruộng đất, thì thật khó truy nguyên nguồn gốc sản phẩm của ai trong hàng chục triệu hộ nông dân.

Mặt khác, các chính sách phải ổn định, người nông dân mới yên tâm sản xuất. Không thể hôm nay cho bán, ngày mai không. Ở Mỹ, sáu tháng qua, hầu như nhà đầu tư không làm gì vì trước những tranh cãi của hai đảng Dân chủ và Cộng hoà, họ chờ chính sách.

GS C.Peter Timmer dự đoán đa số nông dân sẽ tiếp tục là nông dân trong 10 - 20 năm nữa. Nhưng thế hệ sau của họ, phải có sự chuẩn bị để có sự thay đổi. Và giáo dục ở nông thôn rất quan trọng để người nông dân có thể đổi đời. Phải làm sao để các trường học ở nông thôn có chất lượng cao hơn. (Sài Gòn Tiếp Thị, 19/2)

“Mỹ cần những đối tác mạnh ở khắp Thái Bình Dương”

Ngoại trưởng Hillary Clinton đến Indonesia (Ảnh: AP)

Chuyến công vụ đầu tiên ở cương vị tân Ngoại trưởng Mỹ được bà Hillary Clinton chọn tới 4 nước châu Á là: Nhật, Indonesia, Hàn Quốc và Trung Quốc.

“Khi chọn châu Á là nơi thực hiện chuyến công du đầu tiên với tư cách bộ trưởng ngoại giao, tôi mong muốn phát đi tín hiệu cho thấy Mỹ cần có những đối tác mạnh ở khắp Thái Bình Dương”, bà nói.

Rõ ràng khu vực châu Á đang có tầm quan trọng đặc biệt đối với các chính sách của Tổng thống mới đắc nhiệm Obama. Lý do ngoại trưởng Hillary tới nước Đông Nam Á là Indonesia chứ không phải… VN không chỉ vì Indonesia là nước Hồi giáo lớn nhất và đông dân thứ tư thế giới mà còn là nơi Tổng thống Obama từng đi học hồi còn nhỏ.

Tỉ phú Mỹ lừa đảo 8 tỉ USD và... biến mất

Sir Allen Stanford (Ảnh: The Sun)

Hôm 17/2, Uỷ ban chứng khoán Mỹ (SEC) loan báo thông tin làm bao người Mỹ điêu đứng, rụng rời: Tỉ phú người Texas, nhà tài trợ cho môn cricket Sir Allen Stanford (giàu thứ 605 thế giới, với 2,2 tỉ USD tài sản - theo Forbes) gian lận đầu tư trị giá 8 tỉ USD!

Cáo buộc được đưa ra sau khi cảnh sát Mỹ lục soát những văn phòng của Tập đoàn tài chính Stanford ở Houston, Texas.

Theo SEC, Ngân hàng quốc tế Stanford – ngân hàng lớn nhất vùng Caribbea đã bán chứng chỉ quỹ giá trị xấp xỉ 8 tỉ USD cho các nhà đầu tư với cam kết "lãi suất cao không hề có căn cứ và không có thực”.

SEC mô tả “vụ lừa đảo gây sốc này có chiếc vòi bạch tuộc ở khắp thế giới”. Những người gửi tiền ngân hàng đã xếp hàng chờ đợi rút tiền từ các ngân hàng thương mại liên kết với Allen.

Tuy nhiên, kể từ hôm thứ Ba (17/2), cơ quan quản lý Tài chính Mỹ cũng cho hay, họ không biết Sir Allen Stanford, người bị cáo buộc gian lận đầu tư 8 tỉ USD hiện đang ở đâu! (BBC, 18-19/2)

"REE đã không lường trước được sự trượt sâu của thị trường"

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh

Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE), bà Nguyễn Thị Mai Thanh, giải trình về sự thua lỗ của công ty trong năm 2008 cũng như kế hoạch giảm lỗ năm 2009 tại Sàn giao dịch Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) vào sáng 18/2 trước rất đông nhà đầu tư:

"Biến động của thị trường đã được chúng tôi dự đoán trước, nhưng sự thiếu kinh nghiệm và hành động thiếu dứt khoát là nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ. Ban điều hành đã không lường trước được thị trường lại trượt sâu đến như vậy. (Pháp luật TPHCM, 19/2)

Trong thời điểm "nhạy cảm" hiện tại, có không ít doanh nghiệp có niêm yết trên sàn chứng khoán không tránh khỏi phải thừa nhận "sai lầm" như REE. Chỉ số VN-Index đã giảm phiên thứ 8 liên tiếp, xuống mức thấp nhất từ trước đến nay: 254,85 điểm (ngày 19/2). Trong khi đó, giá vàng liên tục tăng cao, vượt mức 20 triệu đồng/lượng, theo tâm lý lo lắng và tích trữ của thời khủng hoảng tài chính.

Nữ sinh viên giết người trong xe Lexus

Kim Anh tại cơ quan điều tra (Ảnh: VNN)

Vũ Thị Kim Anh (sinh năm 1987, quê tỉnh Cao Bằng, hiện đang là sinh viên năm thứ 4, khoa Hóa - trường ĐH Sư phạm Hà Nội) - hung thủ giết người trong xe Lexus tại phố Vạn Bảo đã bị bắt giữ khi đang ở nhà người yêu.

Theo lời khai của Kim Anh, ông Nguyễn Tiến Chính (người chết trong xe Lexus) và Kim Anh từng có quan hệ tình cảm. Đến năm 2006, mối quan hệ này chấm dứt và Kim Anh đã có bạn trai khác.

Tối 13/2, ông Chính đến nhà trọ của Kim Anh đòi đưa Kim Anh đi chơi. Khi đến số nhà 12, ngõ 279 phố Đội Cấn, ông Chính dừng xe và nói đang chờ một người bạn nữa. Lúc này ông Chính ngả ghế lái ra đằng sau và bắt đầu giở trò sàm sỡ.

Kim Anh tức giận, vớ được con dao gọt hoa quả trên ô tô và cứa 1 nhát vào cổ ông Chính. (VietNamNet, 19/2)

Hãy xem xét thật kỹ hành vi nữ sinh này cố ý giết người hay tự vệ...?

“Nếu tự mình làm hỏng mình thì…”


Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn

“Từ những hành động của nhiều người trẻ hiện nay, tôi đọc ra những lý lẽ phản bác, đại loại như: Sở dĩ chúng tôi đến nông nỗi như thế này là tại người lớn quá hư hỏng! Chúng tôi có được dạy bảo tử tế đâu mà đòi chúng tôi tử tế!

Những lời than vãn oán trách này có cái lý của nó. Nhưng tôi cho rằng không thể dùng để biện hộ cho những buông trôi bừa bãi, thậm chí những phá phách thác loạn. Nếu tự mình làm hỏng mình thì chính là chúng ta trở thành vật hi sinh của cái xấu”.


Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn viết khi nhìn thấy một khía cạnh mới trong ứng xử của xã hội với giới trẻ từ Đại hội Toàn quốc Hội Sinh viên VN lần thứ VIII vừa qua: Người trẻ không còn bị coi như một lớp người ngây thơ quen sống với lời khen và làm theo những cái mẫu có sẵn. (Tuổi Trẻ, 18/2)

Nhạc sư Việt là Di sản quốc gia của Mỹ

GS Nguyễn Thuyết Phong

Đó là GS Nguyễn Thuyết Phong - người gần đây dành nhiều thời gian ở VN để nghiên cứu âm nhạc VN và giáo dục VN.

Năm 1997, tại Nhà Trắng, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong là người trẻ tuổi nhất trong 11 nghệ sỹ của nước Mỹ được tôn vinh là di sản quốc gia Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên, âm nhạc Việt Nam được công nhận như là một thành tố âm nhạc của nước Mỹ.

Tháng 5/2001, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong được ghi tên và tiểu sử vào cuốn Đại từ điển Âm nhạc Thế giới The New Grove.

Ông là người Việt Nam thứ hai, sau giáo sư Trần Văn Khê, được ghi tên và tiểu sử vào cuốn sách danh tiếng này cùng với những bậc thầy về âm nhạc thế giới như Shubert, Bethoveen... (Tiền Phong, 15/2)

"Chưa nước nào có mật độ lễ hội dày như VN!"

GS-TS Đỗ Quang Hưng (Ảnh: Thanh Niên)

Đó là điều GS - TS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo, phải thốt lên trong tình hình "bùng phát lễ hội" như hiện nay.

Ông nói: "Ai cũng biết một trong những chức năng quan trọng của lễ hội là cố kết cộng đồng. Ngoài ra, lễ hội còn có chức năng xả stress. Song với tình hình hiện nay thì nhiều người đi lễ hội lại càng thêm stress, còn lễ hội thì lại mang đến sự khó chịu...

Như vậy, theo tôi, phải bắt đầu từ vấn đề tự nhận thức, tức là bắt đầu từ việc trả lời câu hỏi: "Tôi đi lễ hội này để làm gì?".

Tuy nhiên, với đà này, tôi nghĩ khoảng 5-10 năm nữa, chính người dân cũng không thể chấp nhận những lễ hội chỉ đem lại sự khó chịu". (Thanh Niên, 18/2)

“Thà đẹp giả tạo còn hơn xấu tự nhiên”

Ca sĩ Thủy Tiên

Thủy Tiên - ca sĩ vừa "bị" đưa lên báo với "nghi vấn"... ảnh nude ghép hay thật - viện dẫn ra câu nói vô tình cô nghe thấy để trả lời cho câu hỏi: “Có hay không việc chị phẫu thuật thẩm mỹ”.

Cho dù sau đó cô ca sĩ này có trả lời nước đôi rằng: “Tôi được biết, những bí mật sẽ làm cho người phụ nữ bí ẩn và quyến rũ hơn, đúng không nào? Vậy hãy để cho tôi giữ điều đó lại cho mình nhé” thì chắc khán giả cũng biết thực chất Thủy Tiên đã “xinh ra” theo cách nào!

Và điều quan trọng, đúng như cô nói là mong muốn “được khán giả công nhận mình là người có khả năng thực sự, chứ không phải ở cái ngoại hình bên ngoài”. (Ngôi Sao, 17/2)

-----------

* Phát ngôn & Hành động ấn tượng nhất(tuần từ 13/2 đến 20/2/2009): Phần "ấn tượng" đó dành cho ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh văn phòng UBND Hà Nội, khi thay mặt UBND TP Hà Nội khẳng định trước báo giới trong cuộc họp báo ngày 13/2: Thường trực Uỷ ban đã quyết định tiếp tục cho thực hiện dự án khách sạn Novotel on the Park ở khu vực công viên Thống Nhất vì lý do "ân nghĩa" và "cam kết quốc tế" với phía Thuỵ Điển, chủ đầu tư ban đầu của dự án. Còn ông Nguyễn Minh Chung, Phó TGĐ Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, cũng khẳng định dự án"không có mục đích tư túi cá nhân".

Nhớ lại những "lùm xùm" của vụ việc xây trung tâm thương mại trên đất chợ 19/2, ít ra còn có một số hồi âm nhanh chóng, tích cực sau khi công luận ồ ạt lên tiếng.

Sau khi ông Giám đốc công ty TNHH Thủ đô II Nguyễn Anh Cường gửi công văn đòi các cơ quan báo chí ngừng “xuyên tạc” về việc xây dựng Trung tâm Thương mại ở khu vực chợ 19/12 ở Hà Nội mà công ty này đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án.

Sau đó, UBND TP Hà Nội đã gián tiếp chứng minh báo chí không “xuyên tạc” như cách dùng từ kia với việc đưa ra quyết định thuận lòng dân và hợp lý hơn là xây khu trung tâm thương mại ở địa điểm khác.

Còn "vụ" xây khách sạn 400 phòng trên diện tích 1ha đất công viên cũ lần này, như Tuần Việt Nam đã tổng kết từ 10/2 đến nay, sau khi công luận "phải" cày xới lại câu chuyện, sau khi phần móng khách sạn đã có và công tác xây dựng đang được... rục rịch trong âm thầm thì vẫn chưa có một phương tiện báo chí nào tiếp cận được với các vị lãnh đạo Hà Nội đương nhiệm để tiếp tục hỏi về vấn đề này.

Như GS.TS Phan Đình Diệu nói đến ở trên "Phản biện xã hội là chuyện tự nhiên" và "Trong xã hội, người quản lý đưa ra các luật lệ, chủ trương, chính sách và dân có quyền phản ánh ý kiến của mình về những chuyện ấy. Người dân tự do phát biểu ý kiến và nhà nước sàng lọc, phân tích, tiếp thu những ý kiến đúng để bổ sung hoặc sửa đổi những chủ trương, chính sách chưa hợp lý”.

Có lẽ vào lúc này, khi những người liên quan đến dự án xây dựng khách sạn trong (hay kề cận?) công viên đương nhiệm hoặc tiền nhiệm chưa kịp lên tiếng thì rất cần đến đối tác nước ngoài khi xưa của dự án là phía Thụy Điển (sau được thay bằng đối tác từ Singapore) lên tiếng? Đã đến lúc cần đến một Hội thảo về vấn đề này.

Chắc hẳn những người có trách nhiệm chẳng ai coi câu chuyện xây dựng khách sạn hay bất cứ dự án nào khác mà người dân, công luận lên tiếng là chuyện "ném đá ao bèo" hay "chìm xuồng" mất tăm mất dạng...

Bùi Dũng

Sunday, February 22, 2009

Phá bỏ di tích hơn 100 năm tuổi vì thiếu tiền trùng tu

Tỉnh Long An cho phá bỏ "Dinh tổng Thận", một trong những công trình kiến trúc cổ nhất còn lại của tỉnh, được xây cách đây 116 năm. Địa phương này dự định khi nào có tiền sẽ xây lại di tích này như cũ.

Dinh tổng Thận. Ảnh: VOVNews.
Dinh tổng Thận. Ảnh: VOVNews.

Nằm ở trung tâm thị xã Tân An, "Dinh tổng Thận" là một trong những công trình kiến trúc cổ nhất còn lại của tỉnh Long An, được xây dựng cách đây 116 năm. Tuy nhiên, nhiều năm qua, di tích này bị bỏ hoang phế và ngày càng xuống cấp. Gần đây, tỉnh Long An cho san bằng, phá bỏ di tích này.

Theo lãnh đạo của một ngành ở Long An, hiện tỉnh không có kinh phí trùng tu di tích nên đành phải phá bỏ, vì tòa nhà làm mất mỹ quan khu trung tâm của tỉnh và khi nào có tiền sẽ làm lại tòa nhà di tích như cũ.

Dinh tổng Thận có kiến trúc châu Âu, từng là nhà của một vị cai tổng thời Pháp thuộc, được lực lượng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám lấy làm trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa và Ủy ban Hành chính sau khi khởi nghĩa giành thắng lợi ở tỉnh Tân An (nay là Long An) ngày 21/8/1945.

Sunday, February 15, 2009

Bill Gates châu Á: "Tôi sang Việt Nam săn nhân tài"

Đang ở đỉnh cao thành công, Steve Chang người được mệnh danh là Bill Gates châu Á, đột ngột rẽ ngang để đi trồng rừng. Đến Việt Nam từ 12/2, ngoài mục đích lập quỹ từ thiện, ông còn cất công tìm kiếm nhân tài cho công ty.
> Bill Gates châu Á và bí quyết lập nghiệp

Ông Steve Chang qua Việt Nam lần này để thành lập một quỹ trẻ em khuyết tật, theo ý nguyện của mẹ. Chương trình giúp đỡ những trẻ em khuyết tật duới 15 tuổi, cả về giáo dục lẫn sức khỏe. Kinh phí bao gồm cả đào tạo giáo viên là 500.000 USD và sẽ nâng lên 1 triệu USD. Số tiền này do ông tự bỏ ra.

Mục đích thứ hai là giúp InnovGreen tại Việt Nam tìm kiếm một số nhân tài. Trong tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay, rất nhiều công ty giảm biên chế. Ông cho rằng đây là cơ hội rất tốt để tuyển dụng lại các nhân viên giỏi.

Trong buổi phỏng vấn dành riêng cho VnExpress.net hôm 13/2, ông "vua diệt virus" cởi mở chia sẻ những câu chuyện đời tư, kinh nghiệm thành công và dự định tương lai.

- Cơ duyên nào đưa ông đến với quyết định trở thành nhà doanh nghiệp?

- Tôi sinh ra tại Bình Đông, khu vực nghèo nhất của Đài Loan. Tôi vẫn còn nhớ, mỗi buổi tối đi ngủ, có rất nhiều chuột chạy qua chạy lại trong căn nhà gỗ nhỏ của gia đình.

Lúc đó, nhà tôi rất nghèo. Mà tôi cũng không được ngoan lắm, kết quả học không được tốt nên thường xuyên bị bố đánh đòn. Tuy vậy, tôi biết bố mẹ luôn kỳ vọng vào mình và luôn lấy những tấm gương của những người thành đạt ra làm “kim chỉ nam” để giáo dục dạy dỗ, mong một ngày tôi sẽ thành công như họ.

Tuy nhiên, do khá ham chơi nên tôi đã bị trượt đại học. Bạn bè tôi lần lượt đi học xa hết. Tôi cảm thấy rất hụt hẫng như mất mát một điều gì đó. Từ thất bại đầu đời, tôi quyết tâm rời Đài Loan sang Mỹ khởi nghiệp và xây dựng nên tất cả từ bàn tay trắng.

Từ năm 2004, ông bỏ công việc kinh doanh đang tốt đẹp để sang Việt Nam trồng rừng. Ảnh: InnovGreen

- Giờ đây ông đã là doanh nhân thành đạt, và được nhiều người biết đến như một Bill Gates của châu Á. Ông nghĩ gì về biệt danh này?

- Tôi và Bill Gates đều làm trong lĩnh vực phần mềm, bởi vậy có thể có nhiều điểm tương đồng. Cả hai chúng tôi đều không bị bó buộc bởi chế độ giáo dục hiện có. Bill Gates lập nghiệp từ con số không và tạo nên một sản nghiệp lớn. Tôi cũng vậy. Sau khi đã thành công trong sự nghiệp, cả Bill Gates và tôi đều đã lui lại phía sau nhường chỗ cho thế hệ mới.

Ngoài ra có một điểm giống nữa là cả hai đều dành phần lớn tài sản của mình đi làm từ thiện, làm công ích chứ không để lại cho con cháu. Chúng tôi làm ngay sau khi kết thúc công việc cũ chứ không để sắp chết mới làm.

Dẫu vậy, giữa chúng tôi cũng có nhiều điểm khác biệt, nhất là về nhân sinh quan. Tôi bị ảnh hưởng bởi tư tưởng triết học phương Đông, nên có mong muốn được cộng sinh với người nông dân và qua đó giúp đỡ họ. Còn Bill Gates thì mang tài sản của mình đi làm từ thiện tại các nước châu Phi.

- Thời điểm nào ông cảm thấy khó khăn nhất trong cuộc đời.

- Năm 2000, khi đó kinh tế suy thoái, giá cổ phiếu bị đẩy lên rất cao, thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng “bong bóng”, đặc biệt là những cổ phiếu ngành công nghệ. Còn trong lĩnh vực phần mềm, chúng tôi phải tìm ra cách xử lý nhiều loại virus mới do bọn tin tặc liên tục tấn công. Tuy nhiên sau 72 ngày khó khăn nhất, chúng tôi đã vượt qua và tiếp tục đứng vững.

- Tại sao ông lại rời Trend Micro khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp và chỉ để đi trồng rừng?

- Theo quan điểm của tôi, mỗi còn người, khi đến 45-50 tuổi thì nên xem xét lại để chọn một con đường riêng mà mình muốn đi. 50 tuổi trở về trước là cuộc đời 1.0, sau 50 tuổi là 2.0. Nếu như 1.0 là dành cho tình yêu, công việc, phấn đấu vì sự nghiệp, thì 2.0 là dành cho riêng mình. 1.0 là một cuộc sống chinh phục, đối mặt với những thách thức, còn 2.0 là một cuộc đời hoàn toàn theo lẽ tự nhiên.

Ông từng 2 lần nhận danh hiệu "Ngôi sao châu Á" của BussinesWeek. Ảnh: InnovGreen.

Tôi cho rằng cuộc đời như việc leo qua một quả núi. Ở nửa đầu ta cố gắng hết sức leo lên đến đỉnh. Khi đã lên đến đỉnh rồi ra có quyền nghĩ đến việc hưởng thụ, tiêu tiền cho mình hoặc cho xã hội. Đấy là thời điểm xuống núi. Thế nhưng chưa chắc xuống núi đã dễ dàng hơn nhiều so với lên núi. Vì xác suất bị vấp, bị ngã có khi còn lớn hơn. Tôi có cảm nhận tương tự về công ty InnovGreen. Trước đây trong lĩnh vực phần mềm tôi chỉ thuần túy tìm kiếm lợi nhuận. Còn InnovGreen mang tính xã hội, tôi hợp tác với người nông dân và giúp đỡ họ. Tất nhiên trong đó vẫn phải có kinh doanh. Vì không có tiền thì không thể làm công tác xã hội lâu dài.

Khi bắt đầu một thứ hoàn toàn mới như vậy tôi phải học hỏi rất nhiều. Điều này cũng làm cho con người tôi bớt bảo thủ hơn trước, và trở nên khiêm tốn hơn.

- Lý do gì khiến ông chọn việc trồng rừng ở Việt Nam làm con đường mới trong giai đoạn cuộc đời 2.0 "dành cho riêng mình"?

- Thực ra công việc kinh doanh phần mềm là niềm mơ ước của cha tôi. Bản thân tôi là người biến ước mơ đó thành hiện thực. Tuy cũng rất hứng thú với nghề này nhưng cái mà tự đáy lòng tôi mơ ước lâu nay, là rời khỏi lĩnh vực thương mại, quay trở lại với thiên nhiên, thành lập một công ty để giúp đỡ người dân. Tôi quyết định dành nửa cuộc đời còn lại mong muốn đó.

Hai ngành nghề mà tôi lựa chọn hoàn toàn trái ngược nhau. Ngành công nghiệp phần mềm có sức cạnh tranh rất ghê gớm nhưng mang lại lợi nhuận cao. Còn công việc trồng rừng lại khác. Khi cây trồng xuống, sự tăng trưởng của cây phụ thuộc hoàn toàn vào trời, vào thời tiết, mình có sốt ruột cũng không thể được. Trước đây khi kinh doanh phần mềm chúng tôi thu được 2 triệu USD mỗi ngày. Còn hiện nay Inmov Green thì chỉ toàn chi ra chưa thu lại đồng nào.

Nếu như trong mô hình thương mại phần mềm, tài sản của chúng tôi hoàn toàn là trí tuệ, còn khi trồng rừng thì tài sản là cố định, bao gồm đất và cây. Một bên thì ở khách sạn 5 sao, một bên thì toàn ở rừng rú, lán trại. Một bên là khoa học kỹ thuật tiên tiến, còn bên này suốt ngày quan tâm đến phân bón, cây trồng, sâu bệnh.

Steve Chang được báo chí thế giới gọi là "Bill Gates châu Á".
Ảnh: Thanh Bình.

- Như ông đã đề cập, cả ông và Bill Gates đều khá lận đận trong đường học vấn. Lần trước khi Bill Gates đến Việt Nam, ông ấy đã khuyên sinh viên Việt Nam không nên bỏ học giống như ông ấy, “hãy làm như tôi nói, đừng làm như tôi đã làm”. Còn ông, ông muốn khuyên thanh niên Việt Nam điều gì?

- Chỉ có một điều đó là “Đừng sợ thất bại”. Đấy là điều cơ bản nhất.

Làm việc với tư tưởng không sợ thất bại là một tâm thế rất cần thiết và quan trọng. Khi tôi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh phần mềm, tôi không những không sợ thất bại mà còn dám đối mặt với nó. Cũng bởi vì lúc đó tôi chẳng có gì để mất nên không sợ.

Ngoài ra trong sự nghiệp, tôi luôn muốn làm những việc tôi cảm thấy có hứng thú. Tôi biết rõ mình thích gì và không thích gì.

Tôi cũng thích làm những việc chưa ai làm, mình là người làm đầu tiên. Ngày xưa khi đọc các tài liệu phần mềm bằng tiếng Anh, tôi nảy ra ý định tự viết ra các tài liệu bằng tiếng Trung. Ngoài ra tôi cũng lập các kho dữ liệu bằng tiếng nước mình, những việc mà trước đó chưa có ai làm.

Tôi nhận thấy thanh niên Việt Nam nổi bật nhất ở châu Á về tính hiếu học. Đặc biệt, họ mang trong mình khát vọng mạnh mẽ muốn đuổi kịp các nước trên thế giới về khoa học kỹ thuật. Nếu họ có sự hướng dẫn hợp lý và đúng đắn, chắc chắn họ sẽ thành công.

- Ông sẽ hướng con mình trở thành mẫu người như thế nào?

- Tôi để chúng tự do phát triển và chúng sẽ tự tìm con đường đi cho riêng mình. Đứa con cả của tôi đã tốt nghiệp đại học và nó đã chọn con đường riêng là làm việc ở một công ty khác. Đứa con thứ năm sau sẽ tốt nghiệp đại học. Nó tuyên bố học xong sẽ chưa vội đi kiếm việc ngay mà sẽ đi du lịch vòng quanh thế giới để mở mang tầm mắt.

Steve Chang (Trương Minh Chính) là người đồng sáng lập Tập đoàn Trend Micro, tập đoàn kỹ thuật mạng xu thế nổi tiếng thế giới của Đài Loan. Trend Micro hiện đã phát triển thành tập đoàn xuyên quốc gia chuyên cung cấp những sản phẩm phần mềm chống virus.

Steve Chang được báo chí thế giới gọi là Bill Gates của Châu Á. Năm 2001, ông lọt vào danh sách "25 người tạo ra sự thay đổi" do tạp chí ZDNET ASIA bình chọn. BussinessWeek cũng hai lần trao giải "Ngôi sao châu Á" cho ông. Năm 2004, Steve Chang đã được nhận danh hiệu "Nhà cải cách của năm" dành cho các nhà lãnh đạo châu Á.

Ông đến Việt Nam năm 2004 và sáng lập Tập đoàn InnovGreen hoạt động chính trong lĩnh vực trồng rừng.

Sau khi trồng thử nghiệm thành công tại Quảng Ninh, InnovGreen đang có kể hoạch mở rộng ra các tỉnh khác như Nghệ An, Kon Tum.

Thanh Bình

13/02/2009

(TuanVietNam) - Khá nhiều sự kiện - nhân vật - vấn đề được nhắc đến trong "Phát ngôn & Hành động ấn tượng" tuần này, thật ngẫu nhiên, đều ở trạng thái... lừng khừng, chưa có dấu hiệu sáng tỏ!



“Có đủ chứng cứ về hành vi gì thì làm trước cái đó”


Ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị đưa ra khỏi nhà (Ảnh: VNN)

Trước câu hỏi của Tuổi Trẻ (12/2): “Vì sao không khởi tố ông Sĩ hành vi nhận hối lộ mà khởi tố hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ?”.

Đại tá Hồ Văn Minh, phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng Bộ Công an (C37), Phó Ban chuyên án trả lời: “Bước đầu cơ quan điều tra có đủ chứng cứ về hành vi gì thì làm trước cái đó”.

Trong khi đó, ngày 8/12/2008, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án về tội nhận hối lộ và đưa hối lộ xảy ra từ năm 2003 – 2006 tại Ban quản lý dự án đại lộ Đông – Tây và môi trường nước Tp. HCM.

Có thể nói, chuyện về ông Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên phó giám đốc Sở GTVT kiêm giám đốc BQL dự án đại lộ Đông – Tây) và ông Lê Quả (phó giám đốc BQL dự án đại lộ Đông – Tây) bị khởi tố, bắt tạm giam trong thời hạn 4 tháng để điều tra về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” chính là tâm điểm của dư luận.

Ông Lê Bầu (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Theo cơ quan điều tra, trong thời gian từ năm 2001 – 2002, phía PCI đã trả tiền thuê nhà công vụ tổng cộng 80.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng). Số tiền này ông Sĩ, ông Quả và nhiều đối tượng khác không nộp cho cơ quan điều tra mà giữ lại đen chia nhau sử dụng vào mục đích riêng. Sát thời điểm bị khởi tố, hai ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Lê Quả và các đối tượng khác mới đem nộp cho cơ quan gần 790 triệu đồng.

Sự kiện trên diễn ra ngay sau chuyến thăm VN lần đầu tiên của Hoàng thái tử Nhật Bản Naruhito. Còn trước đó, TTX VN (9/2) đưa tin: Tại buổi gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều 9/2, Đại sứ hữu nghị đặc biệt Việt - Nhật Sugi Ryotaro (từng là một ca sỹ, diễn viên nổi tiếng của Nhật) khẳng định Nhật Bản đang mong muốn khôi phục viện trợ ODA (bị đình hoãn vì vụ PCI) cho Việt Nam trong tháng 4/2009 và ông sẽ đóng góp tích cực trong vấn đề này.

“Không phải bất cứ thông tin nào muốn giấu cũng có thể đóng dấu “mật”

Ông Nguyễn Quốc Việt (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Nguyễn Quốc Việt (Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp) nói về Luật tiếp cận thông tin đang được soạn thảo.

“Luật được xây dựng trên quan điểm bảo vệ và tạo điều kiện cho các cơ quan, cá nhân được quyền tiếp cận thông tin (trừ những thông tin thuộc bí mật nhà nước). Sẽ có những quy định cụ thể loại thông tin, tài liệu nào cần được công khai, loại thông tin, tài liệu nào là mật. Nghĩa là không phải bất cứ thông tin nào mà anh không muốn cho người khác biết thì anh cũng có thể đóng dấu “mật”.

Báo chí là một kênh để người dân tiếp cận thông tin. Bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của báo chí cũng là bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của công chúng. Đó là mục đích của dự luật này”
, ông Việt nói. (Tuổi Trẻ, 01/2)

"Nếu muốn người dân Thành phố hạnh phúc, hãy tìm cách mở rộng công viên!"

Bà Debra Efroymson

Debra Efroymson, người đã có 4 năm làm việc tại Hà Nội với tư cách là Giám đốc vùng của Quỹ Healthbridge, Canada, tức là không phải người con của đất Tràng An cũng không kìm nén được sự xót xa khi lãnh đạo thành phố đã chấp thuận việc xây dựng khách sạn SAS Hanoi Royal (4 sao, với gần 400 phòng trên diện tích 1 ha) liên doanh giữa Tổng công ty Du lịch Hà Nội và đối tác SIH Investment Limited (Singapore) có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD tại công viên Thống Nhất.

Tiếng nói của bà thực ra cũng là tiếng nói của nhiều người dân Thủ đô, khi cho rằng: "Hạnh phúc của con người có giá trị hơn tiền có được từ những bất động sản của các chủ đầu tư, và nếu muốn người dân Thành phố hạnh phúc, hãy tìm cách mở rộng công viên, đem lại cho họ nhiều không gian xanh công cộng có chất lượng hơn.

Và nếu các bạn không tin tôi, hãy đi dạo trong công viên Thống Nhất vào lúc 6 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều, xem người dân chơi cầu lông, học nhảy, tập khí công, tập thể dục, đi bộ, uống trà, cà phê và tán gẫu với nhau, bạn sẽ tự hỏi những thú vui đời thường đó của người dân có thể bán với giá bao nhiêu?".

Còn ông Huỳnh Đăng Hy, Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, thắc mắc "không hiểu người ta đã giải quyết dự án này trên cơ sở quy hoạch nào" (!) và "kêu" cụ thể hơn rằng: "Nhìn lại cả quãng thời gian qua, qua các đời Chủ tịch Thành phố, tôi thấy chỉ có duy nhất cố Chủ tịch TP Trần Duy Hưng (30/8/1945 đến 12/1946; và từ 1954 đến 1977) đã xây dựng cho nhân dân Thủ đô được 2 công viên lớn nhất là công viên Thống Nhất và công viên Thủ Lệ.

Hiện nay, công viên Bách Thảo cũng đang bị chiếm dụng dần. Ở công viên Thành Công, Tập đoàn Dầu khí, một nhà hát to tướng và một sân tập golf cũng lấn dần vào đó".
(TuanVietNam, 11-12/2)

Khi những dự án mờ mờ tỏ tỏ, thiếu minh bạch kiểu như trên từ lâu vẫn không ngừng diễn ra ở Hà Nội, chỉ biết nói một câu nữa rằng: Những bàn tay "vô hình" kia, hãy dừng lại, đừng tiếp tục làm người dân thêm nghẹt thở!

“Xà xẻo” tiền của người nghèo là mang tội với dân”

Ông Lê Bá Trình

Đó là nhận định của ông Lê Bá Trình, ủy viên thường trực Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trước hiện tượng nhiều địa phương cấp phát tiền hỗ trợ của Chính phủ cho người nghèo trong dịp Tết không đúng đối tượng và có hiện tượng xà xẻo.

Có tội thì phải xin lỗi và phải “chuộc tội” – điều này cũng được ông Lê Bá Trình cho rằng, ngoài chuyện bồi hoàn, chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã, thôn ở những nơi đã xảy ra sai phạm phải trực tiếp xin lỗi và kiểm điểm trước dân.

Nguyên nhân được đưa ra là: Do áp lực về thời gian, do sự yếu kém về năng lực và phẩm chất, cứ nghĩ tiền nhà nước là của chung nên cảm tính, chủ quan, nảy sinh lòng tham vô đáy và “đây còn là vấn đề điều hành của các cấp chính quyền từ tỉnh xuống đến huyện, xã, thôn”. (VietNamNet, 12/2)

“VN có tâm lý sợ thiếu nên thường đưa ra cái gì cũng nhiều…”

Bà Đặng Huỳnh Mai (Ảnh: Tuổi Trẻ)

“Việt Nam có tâm lý sợ thiếu nên thường đưa ra cái gì cũng nhiều và ngôn ngữ sử dụng chưa thiết thực…”, Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, bày tỏ và đề nghị xem lại bộ chuẩn của Dự thảo phát triển trẻ em dưới 5 tuổi.

29 chuẩn với 125 chỉ số (ban đầu còn là hơn 200 tiêu chí, sau “sợ thừa” nên bỏ bớt) với nhiều người dân VN chắc vẫn là “quá thừa”. Bởi một lẽ với nhiều người lớn, kể cả người làm trong ngành giáo dục, có nhiều tiêu chí còn là “xa lạ”, “phi thực tế” chứ đừng nói với trẻ mầm non.

Trẻ 5 tuổi phải thích động vật, phải chạy được liên tục 150m, biết thuốc lá có hại cho sức khỏe, dự đoán được một số hiện tượng tự nhiên đơn giản (như mưa, nắng, gió…), thực hiện đến cùng công việc được giao, có khả năng sáng tạo, thể hiện cái độc đáo trong trò chơi, âm nhạc, kể chuyện … là những điều được cho là “khó” với trẻ dưới 5 tuổi nhưng có những “chỉ số” khác tuột hẳn xuống như biết cài và mở được cúc áo; Cầm bát, thìa xúc ăn gọn gàng, không làm rơi vãi…. (VietNamNet, 4-12/2)

Bạch Đình Thắng phản biện!

Bạch Đình Thắng

Sự kiện chưa có tiền lệ ở VTV đã diễn ra: Trận chung kết năm vào 15/2 tới của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” sẽ là sự so tài của 5 thí sinh thay vì 4 như tất cả các các cuộc thi này trước đó!

Kết thúc buổi ghi hình trận chung kết quý III, Bạch Đình Thắng (trường chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội) cho rằng mình đã trả lời đúng câu hỏi về sáu hệ trong cơ thể người.

Cố vấn sinh học của chương trình, 3 chuyên gia về y học và hai phó giám đốc bệnh viện lớn tại Hà NộI cũng khẳng định như đáp áp của chương trình và kết quả, Thắng bị xử thua.

Sau đó, VTV nhận được đơn khiếu nại của gia đình Thắng, kèm theo cuốn sách Sinh học lớp 8 có ghi rõ: Hệ nội tiết là một trong các hệ của cơ thể người. Cuối cùng, VTV đã không phụ thuộc vào cuộc tranh luận của các chuyên gia mà có kết luận dứt khoát: Em Thắng học thế nào thì trả lời thế ấy và câu trả lời của em được chấp nhận!

Trong số phát sóng ngày 8/2 vừa qua, không giấu giếm sự cố, VTV đã cho phát sóng công khai toàn bộ diễn biến về khiếu nại của Thắng, lập luận của các chuyên gia và kết luận sửa sai của ban tổ chức trên sóng VTV3.

Một blogger bình luận: "Vượt lên trên những kiến thức chương trình cung cấp, cuộc thi quý III năm thứ chín đã khuyến khích được các em học sinh nâng cao tính phản biện, biết bảo vệ cái đúng đến cùng bằng chứng lý khoa học. Đó là một bài học thực tiễn, vượt ra khỏi khuôn khổ giáo khoa trong nhà trường". (Pháp luật TPHCM, 11/2)

4.000 USD để tạo nên một thiết bị vô tuyến đầu tiên trên thế giới

Kevin Lương (thứ 2 từ phải qua) và các bạn đang lắp ráp thiết bị (Ảnh: Đất Việt)

Chỉ với 4.000 USD, Kevin Lương, chàng trai gốc Việt 22 tuổi và nhóm bạn tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Humber (Toronto, Cananda), đã chế tạo thiết bị vô tuyến đầu tiên trên thế giới có thể liên lạc thành công với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Với thành tích đặc biệt xuất sắc này, nhóm sẽ được trao giải thưởng danh giá “Những thành tựu viễn thông Canada” vào tháng 10/2009.

Theo GS Rector, với chi phí chưa tới 4.000 USD, nếu so sánh với NASA có đội ngũ kỹ sư lên tới 5.000 người và ngân sách hàng trăm tỉ USD, thì thành công này quả là đáng ghi nhận. (Nhịp Cầu Đầu Tư, 9/2)

"Gói kích thích kinh tế không hề đảm bảo sẽ tạo ra việc làm hay khôi phục kinh tế"

Nghị sĩ Mitch McConnet (Ảnh: foxnews.com)

Đó là nhận định của Mitch McConnel, một đại diện của phe thiểu số trong Thượng viện Mỹ, trong việc bỏ phiếu cho gói kích thích kinh tế Mỹ. Với 61 phiếu thuận, 37 phiếu chống, kế hoạch thúc đẩy kinh tế của Tổng thống Barack Obama trị giá khoảng 838 tỷ USD đã được thông qua hôm 10/2.

Trong khi còn nhiều ý kiến hoài nghi về gói kích thích kinh tế thì Obama cho hay kế hoạch kích thích kinh tế của ông sẽ tạo ra tới 4 triệu việc làm.

Tổng thống Obama hoan nghênh sự ủng hộ của Thượng viện và gọi đây là sự khởi đầu tốt đẹp. "Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải điều chỉnh dự luật của hai bên trước khi nó được chuyển tới chỗ tôi. Chúng ta sẽ còn nhiều việc cần làm trong những ngày tới", ông nói.

Muốn tranh phần với Hoa hậu Quý bà cũng khó!

Ông Lê Ngọc Cường

Đó là điều được Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Lê Ngọc Cường xác nhận khi Quy chế tổ chức các cuộc thi hoa hậu mới ban hành chỉ cho phép một cuộc thi cấp quốc gia tổ chức mỗi năm và suất giấy phép tổ chức duy nhất đó đã thuộc về cuộc thi Hoa hậu Quý bà VN vào năm nay (trước khi cuộc thi quốc tế diễn ra).

“Các cuộc thi khác muốn “xí phần” cũng không còn cơ hội nữa”, ông Cường nói.

Thông tin ấy làm ngỡ ngàng không ít người, vì nếu như thế thì 2009 có lẽ sẽ là năm “thiểu phát” thi hoa hậu sau năm 2008 “lạm phát”. Công chúng cũng không thể tin được một cuộc thi cấp quốc gia, là bộ mặt của một nước lại là cuộc thi sắc đẹp dành cho các… quý bà! Quy chế mới vừa ra đời đã thể hiện sự cứng nhắc có phần thái quá qua lời ông Cục trưởng.

Như thế là “đảm bảo Quy chế” như ông Cường nói, nếu bây giờ dư luận phàn nàn mà Cục “xé rào” quy chế thì chẳng khác nào BTC Hoa hậu VN 2008 này nào đã “xé rào”! Hoa hậu năm nay sẽ lại “oái oăm”?

Nghịch lý ở ta: Tiền càng nhiều thì văn hóa càng ít đi

Nhạc sĩ Dương Thụ

Nhạc sĩ Dương Thụ giải thích về hấp lực của công nghệ giải trí với công chúng so với giá trị nghệ thuật:

“Chúng ta là những người nghèo, bây giờ có ít tiền đương nhiên là thích “ăn chơi nhảy múa”. Giải trí là một sự hưởng thụ tinh thần rất cần thiết, nhưng do túi tiền và vốn liếng văn hóa hác nhau nên cách “ăn chơi nhảy múa” cũng khác nhau.

Tôi không sống ở nước ngoài nên không dám bình luận, nhưng ở trong nước trào lưu giải trí đang lấn lướt vì công chúng chủ yếu của nó là giới trẻ đang có khuynh hướng chạy theo lối sống hưởng thụ.

Những người kinh doanh nghệ thuật không bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này. Các hãng sản xuất và thương mại tìm mọi cách lợi dụng nó để quảng bá sản phẩm, để bán hàng. Đây là một minh chứng cụ thể cho một nghịch lý ở nước ta hiện nay:
Tiền càng nhiều thì văn hóa càng ít đi”. (Đẹp, tháng 2/2009)

"Khoe hàng" trên sân bóng

Do bất mãn với ban lãnh đạo vì chậm trả lương, các cầu thủ của Galactico Pegaso đã phản ứng bằng cách... tụt quần ngay sau khi phát bóng, trong trận cầu với Real Madrid C, tại giải hạng tư Tây Ban Nha!

Nếu cần thư giãn một chút với "hành động ấn tượng" đó, mời bạn đọc xem clip vui vẻ này tại đây.

--------------------

* Phát ngôn & Hành động ấn tượng nhất (tuần từ 6/2 đến 13/2/2009): Phát biểu của bà Đặng Huỳnh Mai, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam với việc Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo bộ chuẩn phát triển trẻ em dưới 5 tuổi. Vì có nhiều điều chưa sát thực tế mà bộ chuẩn với 29 "chuẩn" và 125 tiêu chí này được đem ra bàn tán, so sánh với hơn 80 "cửa ải" mà một dạo Bộ Y tế ban hành, quy định người ngực lép, nhẹ cân, thấp bé không đủ chuẩn lái xe...

Chẳng biết rõ những người soạn thảo có tham khảo, dựa trên bộ chuẩn cụ thể của nước nào và đưa vào sáng tạo riêng cho phù hợp với nước ta không, nhưng để có Dự thảo này, được biết, Bộ GD&ĐT đã qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh sửa.

ThS Lê Thị Liên Hoan - phó Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TP.HCM), tham gia soạn thảo cho biết: các nước như Trung Quốc, Thái Lan còn có trên 200 chỉ số.

“Bộ chuẩn này được Bộ GD-ĐT nghiên cứu, xây dựng từ năm 2005 với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước. Đây là một hoạt động trong dự án toàn cầu do UNICEF hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật mà Việt Nam là một trong 17 nước tham gia. Việt Nam tham gia cuối cùng so với các nước trong khu vực”.

PGS.TS Nguyễn Công Khanh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nói: “Những chỉ số trong dự thảo chuẩn đưa ra nên hiểu là những chỉ báo để có căn cứ đánh giá. Tôi cho là bộ chuẩn này khá công phu, có sơ sở khoa học. Chỉ có điều, cách viết các tiêu chí “cứng” dễ gây hiểu lầm gây tranh cãi”.

Chưa hết, trong dự thảo “Chương trình Giáo dục mầm non” được Bộ GD-ĐT trưng cầu ý kiến ngày 11/2 cũng có nhiều yêu cầu "khó" tương tự: Trẻ 3 - 4 tuổi phải quan tâm đến cảnh đẹp, lễ hội của quê hương, đất nước; trẻ 5 - 6 tuổi, ngoài tiêu chuẩn đó, cần biết kính yêu những người có công với quê hương, đất nước và quan tâm đến di tích lịch sử, nhận ra hình ảnh Bác Hồ, chỗ ở, nơi làm việc của Bác Hồ, biết một số bài hát, bài thơ, câu chuyện về Bác Hồ v.v…

Làn này, cũng nên theo dõi quá trình tiếp thu và thực thi bộ chuẩn này để các bậc phụ huynh có thể cùng với Bộ GD-ĐT làm một việc là "chấm điểm" cho nó.

Bùi Dũng

Thursday, February 12, 2009

Cần tôn vinh thực học


Nhìn dòng người đông nghịt viếng Văn Miếu trong những ngày đầu năm, những người đã từng xuýt xoa tự hào với truyền thống hiếu học đáng quý của dân ta ắt phải rút lại lời nhận xét này khi nghe J., một bạn Mỹ của tôi, bình phẩm.

Với một cái nhún vai kèm theo cái nheo mắt đầy hàm ý, J. bảo: “Thật chưa thấy đâu lạ như người Việt ở Văn Miếu!”.

Đắng chát, nhưng phải công nhận J. có lý. Ở đâu trên thế giới này người ta dạy cho trẻ em tôn vinh các giá trị văn hóa bằng cách khuyến khích chúng sờ mó, leo trèo, đụng chạm thoải mái vào các cổ vật vô giá là các bia tiến sĩ? Ở nơi nào khác ngoài VN người ta hồn nhiên tin rằng giấc mơ hiển đạt sẽ nhích gần một bước nếu con cái chịu khó chen chúc vào Văn Miếu, chạm tay được vào đầu rùa trong những dịp lễ tết? Ở đâu khác người ta thản nhiên cùng con trẻ “thành kính” xả tiền lẻ tung tóe nơi tôn nghiêm, như thể đang đặt cọc trước với thần linh, tiên tổ cho một sự hiển đạt ở thì tương lai?

Có bao nhiêu bậc cha mẹ răn dạy con cái mình bằng tấm gương của cụ Chu Văn An, bậc “vạn thế sư biểu” của dân tộc Việt. Người mà mấy trăm năm sau vẫn còn làm ngỡ ngàng người đọc sách bằng tấm gương tiết liệt qua thất trảm sớ đòi chém bảy gian thần, bằng sự từ chối vinh hoa khoa bảng, treo ấn từ quan về làng dạy học trong cảnh thanh bần! Cái thực học cao quý của cụ Chu Văn An há chẳng đáng ngưỡng mộ hơn mấy tấm bằng tiến sĩ hư danh hay sao?

Chẳng lạ lùng gì chuyện con trẻ chúng ta đã “nhuốm mùi khoa bảng từ chương” rất sớm. Được dạy dỗ như thế, bao nhiêu đứa trẻ theo cha mẹ vào Văn Miếu hôm nay khi lớn lên sẽ sẵn sàng luồn cúi, chạy chọt, mặc cả…để kiếm được một tấm bằng tiến sĩ, mà dư luận luôn kiêng dè về phẩm chất của thực học đằng sau nó.

Tôi biết ở một công ty dược phẩm nước ngoài nọ, có một thông lệ thế này: mỗi năm toàn thể công ty trên thế giới sẽ có một ngày hội gia đình. Hôm đó mẹ, vợ (chồng), con cái của các nhân viên sẽ được trực tiếp đến phòng thí nghiệm, nhà máy, công xưởng… để xem người thân của mình làm việc.

Ngày đó người vợ (chồng) sẽ thấy những giọt mồ hôi của chồng (vợ) mình trên dây chuyền sản xuất. Hôm ấy, trẻ thơ sẽ thấy mái đầu bạc của ông, cha, chú… của chúng nghiêng mình trên kính hiển vi, bên ống nghiệm. Chúng sẽ được thấy những thành quả lao động, trí óc hay chân tay, của người thân biến thành những dược phẩm cứu người, sinh lợi và mang lại sự sống.

Phải chăng đó là cách tôn vinh thực học mà chúng ta cần ngẫm nghĩ?

BS LÊ ĐÌNH PHƯƠNG (Bệnh viện FV)

Sunday, February 8, 2009

Sự tin cậy


Sự tin cậy, đạo đức và luật pháp

Trong đời sống xã hội, tại sao người ta phải tin nhau? Nếu người ta không còn tin nhau thì hậu quả sẽ ra sao? Đâu là những điều kiện xã hội của sự tin cậy nhau trong xã hội?

Có thể hiểu sự “tin nhau” hay “tin vào người khác” là yên tâm nghĩ rằng người khác sẽ cư xử đúng như mình mong đợi, sẽ làm đúng như lời họ nói. Đây là một tâm thế cởi mở, thật tình, không có định kiến với người khác, kể cả những người chưa quen biết.

Sự tin cậy và sự trung thực

Niềm tin vào người khác ở đây được hiểu không như một khái niệm đạo đức hay tôn giáo, mà như một khái niệm xã hội học. Georg Simmel là nhà xã hội học Đức đầu tiên phân tích khái niệm này. Trong cuốn Sự bí mật và những hội kín (1908), ông cho rằng “mọi mối quan hệ giữa con người với nhau đều đương nhiên dựa trên sự kiện là họ biết gì đó về nhau”. Trong buôn bán, người chủ tiệm biết là khách hàng của mình muốn mua món hàng tốt nhất với giá thấp nhất; người thầy giáo biết là mình có thể đòi hỏi sinh viên phải đạt được một số kiến thức nào đó; vị giám đốc xí nghiệp biết là mình có thể yêu cầu một khối lượng và một chất lượng sản phẩm nào đó đối với công nhân... Nếu không có sự hiểu biết đó, thì hoàn toàn không thể có bất cứ sự tương tác nào trong xã hội. Tuy nhiên, trong những xã hội ngày càng phức tạp và phát triển, “đời sống dựa trên hàng ngàn giả định mà cá nhân hoàn toàn không thể nắm hết hay kiểm chứng hết mọi ngọn nguồn, nhưng họ buộc phải chấp nhận chúng dựa trên sự trung tín [Treu] và sự tin cậy [Glauben]”.

Bao lâu mà pháp luật chưa nghiêm và chưa mang đầy đủ tính chất dân chủ và lý tính thì sự suy thoái đạo đức trong xã hội và tình trạng mất niềm tin giữa con người với nhau trong xã hội là điều khó tránh khỏi.

Simmel coi lòng tin cậy là một trong những thuộc tính chủ yếu, thậm chí là thuộc tính đầu tiên, của các xã hội hiện đại; ông coi các xã hội này là những xã hội của lòng tin cậy. Trong những xã hội này, cuộc sống của chúng ta phụ thuộc phần lớn vào niềm tin vào người khác và vào sự lương thiện của người khác. “Những quyết định quan trọng nhất của chúng ta thường dựa trên một hệ thống các quan niệm phức tạp mà phần lớn trong đó đều dựa trên sự đoan chắc là mình không bị đánh lừa”.

Vì thế, nói cách nào đó, niềm tin cũng là một sự đánh cược. Theo Simmel, ai đã biết hết thì không cần phải tin cậy, nhưng ngược lại, ai không biết gì hết thì cũng không thể tin cậy một cách hợp lý. Ông gọi sự tin cậy là “một tình trạng trung gian giữa sự hiểu biết và sự không hiểu biết”, và ông định nghĩa sự tin cậy là “một giả thuyết về một ứng xử tương lai, khá chắc chắn để người ta có thể dựa trên đó mà hành động”.

Nhiều nhà kinh tế học cho rằng đặc trưng cơ bản của con người kinh tế (homo oeconomicus) chỉ là sự tính toán lợi ích và thường bỏ quên khía cạnh “niềm tin” này trong ứng xử của con người xã hội. Theo C. Koenig và G. Van Wijk (1992), sự tin cậy là một thứ “khế ước mặc nhiên” giữa con người với nhau. Sự tin nhau vừa là phương tiện, vừa là biểu hiện của các mối liên hệ xã hội. Tâm thế này là một trong những điều kiện căn bản để có thể duy trì đời sống tập thể, nó nằm ngay trong kết cấu của các mối liên hệ xã hội. Người ta không thể sống được với nhau nếu không tin nhau.

Chất kết dính của sự tin cậy trong xã hội chính là sự thật. Do vậy, nói đến sự tin cậy là phải nói đến tính trung thực: khi làm điều mình nói, và nói điều mình làm, thì chúng ta được coi là người đáng tin cậy. Còn khi người ta không còn tin nhau nữa, thì lúc ấy bắt đầu xuất hiện sự hoài nghi và sự giả dối.

Sự hoài nghi và sự giả dối

Thực ra, theo Simmel, chúng ta cần phân biệt giữa sự nói dối và sự chọn lọc những gì cần nói trong những bối cảnh nhất định. Ông viết: “Nếu người ta cứ phát biểu tất cả mọi thứ [trong đầu mình] một cách trung thành tuyệt đối theo thứ tự thời gian, thì người ta sẽ đi thẳng vào nhà thương điên”! Tuy nhiên, Simmel nói thêm rằng nếu việc nói dối có thể cần thiết trong một số hoàn cảnh quan hệ liên cá nhân nào đó, thì trong đời sống xã hội hiện đại, việc này lại trở thành một mối nguy cơ lớn: “Sự nói dối đe dọa sự tồn tại của nhóm trong những xã hội đơn giản ít hơn nhiều so với những xã hội rất phức tạp”. Bởi lẽ sự giả dối không cách bao xa sự gian dối.

Những hiện tượng giả dối và gian dối trong xã hội chúng ta ngày nay (như chạy chọt, xu nịnh, cơ hội, mua bằng bán điểm, vòi vĩnh, ăn chặn...) một khi phổ biến thì quả là hết sức nguy hại, bởi vì chúng có thể dẫn tới không chỉ sự phạm pháp, mà nghiêm trọng hơn và sâu xa hơn, còn có nguy cơ phá vỡ niềm tin giữa con người với nhau trong cuộc sống xã hội - nghĩa là hủy hoại chính cái cốt lõi nhất của mối dây liên hệ xã hội. Khi người ta không ai tin ai, cái gì cũng hoài nghi, kể cả lòng tốt của người khác, thì lúc ấy không khác gì tình cảnh mọi người chống lại nhau mà Hobbes đã cảnh báo (bellum omnium contra omnes), hay cũng có thể gọi là tình cảnh mang tính chất “Chí Phèo” trong đó người ta trở nên vô cảm và cư xử với người khác một cách bất chấp mọi chuẩn mực và luật lệ, miễn là có lợi cho mình.

Những điều kiện xã hội của niềm tin giữa con người với nhau trong xã hội

Vậy đâu là nguồn gốc của các hiện tượng gian dối và suy thoái niềm tin trong xã hội? Trả lời được câu hỏi này thì đồng thời cũng có nghĩa là tìm ra những điều kiện xã hội để xác lập niềm tin giữa con người với nhau trong xã hội. Câu trả lời của chúng tôi, đó chính là nền đạo đức xã hộiluật pháp quốc gia.

Nhiều người thường cho rằng sự suy thoái đạo đức trong xã hội bắt nguồn từ sự sút kém của ý thức đạo đức cá nhân. Lập luận như vậy không hẳn là sai, nhưng thực ra không tiến thêm được bước nào trong việc giải thích. Trong một bài trả lời phỏng vấn để giải thích tình trạng suy thoái về văn hóa, một nhà nghiên cứu đưa ra hai nguyên nhân, một là do hoàn cảnh chiến tranh trước đây, và hai là “có lẽ nằm trong “mã di truyền”, trong cốt cách của dân tộc” (1). Chúng tôi nghĩ rằng giả thuyết thứ hai hoàn toàn không ổn vì mang tính chất định kiến và không thể chứng minh được. Theo chúng tôi, cần tìm nguyên nhân của hiện tượng suy thoái đạo đức này ngay trong nền đạo đức của xã hội, bởi lẽ suy cho cùng và xét một cách tổng thể, ý thức đạo đức cá nhân là sản phẩm phản ánh nền đạo đức của một xã hội nhất định.

Trong môi trường kinh doanh, chữ tín trong xã hội hiện đại cũng mang nội dung khác với chữ tín trong xã hội cổ truyền. Mặc dù các doanh nhân ngày nay vẫn thường tin nhau sau khi trải nghiệm về nhau, nhưng niềm tin này còn được xác lập chủ yếu dựa trên nền tảng luật pháp. Chính điều này làm cho các mối quan hệ giao dịch có thể khuếch trương mạnh và rộng hơn nhiều so với nền kinh doanh cổ truyền.

Trong cuốn Phê phán lý tính thực hành, nhà triết học Đức Immanuel Kant nhấn mạnh rằng không thể lấy các giá trị hay các lợi ích đặt làm cơ sở cho đạo đức học; một nền đạo đức học lấy sự thành công hay hiệu quả làm thước đo chủ yếu thì suy cho cùng sẽ thủ tiêu bản thân đạo đức. Theo ông, nguồn gốc của đạo đức nằm trong sự “tự trị” (autonomy), trong việc tự ban bố quy luật của ý chí: “Luân lý là tổng thể những quy luật ra mệnh lệnh vô-điều kiện để ta phải hành động theo chúng”(2).

Theo chúng tôi, bản thân nền đạo đức trong xã hội Việt Nam ngày nay đang lâm vào tình trạng bất ổn sâu xa do chủ yếu đặt nền tảng trên quan điểm duy lợi và mang tính chất ngoại trị (heteronomy). Chính vì luôn đề cao lợi ích và hiệu quả lên hàng đầu (duy lợi) và chỉ chú trọng kết quả cần đạt được chứ không chú trọng tới ý chí của “chủ thể luân lý” về cái phải là hay cái phải làm xét như một mệnh lệnh vô điều kiện theo nghĩa của Kant (tức là dựa trên nguyên tắc ngoại trị chứ không phải nguyên tắc tự trị), nên mới phát sinh và lây lan những căn bệnh như bệnh thành tích, bệnh phong trào, bệnh thi đua, và hệ quả khó tránh khỏi là bệnh sống hai mặt, hay nói như Kant, đó là sự “đạo đức giả, không có thực chất”, chỉ có cái Thiện trên ngôn từ, chứ không có trong tinh thần. Vì chỉ dựa trên những động lực bên ngoài (chỉ tiêu, thành tích, khen thưởng...) hơn là những động lực thực chất bên trong, tức là các động lực tinh thần và đạo đức, nên hậu quả là làm đảo lộn thang bậc giá trị, đặt nặng mục tiêu hơn là phương tiện, thậm chí có thể đi đến chỗ bất chấp phương tiện, miễn là đạt mục tiêu (chẳng hạn, học để thi, học để lấy bằng; hoặc đề cao lý tưởng làm giàu nơi thanh niên, trong khi thực ra đáng lý cần cổ xúy tinh thần chuyên tâm học tập và cần cù lao động...).

Nguồn gốc thứ hai của tình trạng suy thoái đạo đức xã hội và hoài nghi xã hội chính là sự yếu kém của hệ thống luật pháp cũng như của bộ máy nhà nước. Bao lâu mà pháp luật chưa nghiêm (còn nhiều nhũng nhiễu và tham ô đến mức được gọi là quốc nạn) và chưa mang đầy đủ tính chất dân chủ và lý tính (còn nhiều bất hợp lý, mâu thuẫn...) thì sự suy thoái đạo đức trong xã hội và tình trạng mất niềm tin giữa con người với nhau trong xã hội là điều khó tránh khỏi.

Theo chúng tôi, sự tin cậy trong xã hội không phải xuất phát từ lòng tốt hay thiện ý của cá nhân, mà là xuất phát chủ yếu từ các định chế xã hội. Nói cách khác, sự tin cậy tồn tại trên nền tảng của các quy ước và các chuẩn mực xã hội. Trong xã hội cổ truyền, người ta tin nhau vì cùng là thành viên của một định chế xã hội nào đó, như làng xã, dòng tộc hay cộng đồng tôn giáo. Mỗi thành viên yên tâm rằng các thành viên khác sẽ cư xử với mình phù hợp với những quy tắc và chuẩn mực mà cả cộng đồng cùng chia sẻ. Phạm vi bán kính của sự tin cậy này nói chung là hẹp, đóng kín; các mối liên hệ xã hội thường là trực tiếp, mặt đối mặt. Trong xã hội hiện đại, ngoài những mối liên hệ trực tiếp trong gia đình hay giữa bạn bè thân thiết với nhau, người ta còn có những mối liên hệ giao tiếp rộng rãi hơn nhiều ở ngoài xã hội, và trong nhiều trường hợp còn mang tính chất vô danh tính. Những định chế trung giới (mediation) nối kết giữa cá nhân với xã hội không còn là những định chế cổ truyền (như làng xã hay dòng tộc), mà là những định chế xã hội đa dạng và phức tạp của xã hội hiện đại, trong đó đóng vai trò then chốt là những định chế chính trị và luật pháp.

Chức năng của các định chế không hẳn là thúc đẩy sự tin cậy mà trước hết là ngăn cản những kiểu hành vi cơ hội và thất hứa, thông qua các hình thức chế tài khác nhau, nhằm tạo điều kiện hình thành sự tin cậy lẫn nhau trong xã hội. Trong cuộc sống xã hội ngày nay, người ta không thể tin nhau nếu không có một hệ thống luật pháp ổn định và một bộ máy thực thi luật pháp hữu hiệu.

Chính vì lẽ đó mà có tác giả nói tới khái niệm “sự tin cậy được pháp điển hóa” (confiance juridicisée) xét như một sự tiến bộ của nền luật pháp hiện đại, khi mà, thông qua việc ký kết một hợp đồng, người ta có thể dự liệu được tương lai, lồng được tương lai vào trong một bản thỏa thuận dân sự(3). Trong Bộ luật Dân sự năm 2005, có ghi rõ “nguyên tắc thiện chí, trung thực” như sau trong các mối quan hệ dân sự: “Các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào” (điều 6).

Trong môi trường kinh doanh chẳng hạn, chữ tín trong xã hội hiện đại cũng mang nội dung khác với chữ tín trong xã hội cổ truyền. Mặc dù các doanh nhân ngày nay vẫn thường tin nhau sau khi trải nghiệm về nhau, nhưng niềm tin này còn được xác lập chủ yếu dựa trên nền tảng luật pháp. Chính điều này làm cho các mối quan hệ giao dịch có thể khuếch trương mạnh và rộng hơn nhiều so với nền kinh doanh cổ truyền. Nhà kinh doanh có thể yên tâm ký kết hợp đồng với một nhà sản xuất ở một nước cách xa hàng ngàn cây số, dù có thể chưa quen biết thân thiết lắm, vì tin rằng nếu nhà sản xuất này không tôn trọng hợp đồng thì sẽ có thể viện đến sự can thiệp của luật pháp - nhờ những thỏa thuận về tư pháp đã ký kết giữa hai quốc gia. Trong trường hợp này, sự tin cậy đã có sẵn một khuôn khổ pháp lý để được bảo vệ.

Như vậy, nói tóm lại, để xác lập và nuôi dưỡng niềm tin giữa con người với nhau, đồng thời để chữa trị căn bệnh suy thoái đạo đức và tâm trạng hoài nghi trong xã hội, điều hiển nhiên là cần khôi phục một nền đạo đức dựa trên nguyên tắc tự trị của chủ thể luân lý, nghĩa là tôn trọng và đề cao lương tâm và tinh thần tự quản, tự quyết định của mỗi chủ thể, dựa trên sự tự do và lý tính của mỗi chủ thể luân lý. Mặt khác, cũng không kém phần quan trọng là phải xây dựng một nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa của từ này.

Một xã hội hiện đại không chỉ cần có những công dân tốt, mà còn kỳ vọng có những chủ thể luân lý thực sự tự do.

1) Bài phỏng vấn do Kiều Hải thực hiện, “Cần ý thức về sự thiêng liêng của hai chữ ‘con người’”, Sinh viên Việt Nam Online, 15-10-2008.

(2) Xem bài giới thiệu của Bùi Văn Nam Sơn, “’Phê phán lý tính thực hành’ và sự phản tư đạo đức học”, trong Immanuel Kant, Phê phán lý tính thực hành (Kritik der praktischen Vernunft) (Đạo đức học) (1788), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2007, trang XI-LX.

(3) Xem F. Terré, “Le doute et le droit : synthèse”, in Le doute et le droit, Ouvr. coll., Dalloz, 1994, tr. 7.

Trần Hữu Quang
Thời báo kinh tế Sài Gòn

"Người Mỹ ngu xuẩn" trong mắt dân Trung Hoa


(TuanVietNam) - Bài viết châm biếm của Vang Po-ching, đăng trên Nhân Dân Nhật Báo, cho thấy một tính cách khá điển hình của người Trung Quốc. Phải chăng, tác giả muốn nói rằng nếu muốn theo kịp với thời đại, Trung Quốc phải dứt bỏ một cách không tiếc rẻ những "truyền thống" đang níu chân họ?


LTS: Những thói hư tật xấu của người Hoa từng là đề tài của một số tác phẩm văn học Trung Quốc. Từ đầu thế kỷ 20, hơn ai hết, văn hào Lỗ Tấn đã mổ xẻ, phanh phui những điểm yếu của dân tộc ông và phê phán chúng một cách hết sức sắc sảo.

Ra đời vào thập niên 1980, cuốn "Người Trung Quốc xấu xí" cũng từng gây xôn xao dư luận và là đề tài của nhiều cuộc tranh luận nảy lửa, vì tác giả Bá Dương đã đề cập không khoan nhượng tới những thói xấu, những hủ tục của một dân tộc vốn thường vỗ ngực tự mãn về truyền thống văn hóa và tinh thần của mình.

Bài viết châm biếm sau đây của Vang Po-ching trên Nhân Dân Nhật Báo (Trung Quốc) số ra gần đây cũng nằm trong dòng văn học "tự chỉ trích" đó. Chúng tôi chuyển ngữ theo bản tiếng Hung.

* * *

Nếu ai đó không muốn bị mất mặt, anh ta không được bại trận trong những cuộc thi thố. Điều này bắt đầu ngay từ trong trường học, nơi ấy kết quả thi cử được coi là cơ sở để so sánh. Nhưng cũng quan trọng là chúng ta phải biết cách hỏi các thầy cô giáo vào khi nào và ra sao.

Tôi còn nhớ khi đi học ở Trung Quốc, tôi không muốn đặt câu hỏi. Có nhẽ tôi là thằng hèn? Thật ra, tôi sợ bị các bạn đồng môn chê cười vì những câu hỏi của mình. Thà chẳng hỏi han gì còn hơn, để khỏi bị biến thành kẻ ngu xuẩn trong mắt thiên hạ.

Rồi sau đó, tôi qua Mỹ và tôi rất ngạc nhiên.

Thoạt đầu, ở đó, tôi cũng dè chừng, không hỏi han chi để khỏi chường mặt trước các bạn cùng lớp, tôi không muốn bị họ cười cợt sau lưng.

Nhưng về sau, tôi nhận thấy học sinh Mỹ thật kỳ quặc. Nếu không hiểu một điều gì đó, họ có thể đặt những câu hỏi thật… ngu cho thày giáo. Họ hoàn toàn không sợ kẻ khác có thể dựa trên những câu hỏi của họ để rút ra kết luận họ ngu xuẩn hay có vốn kiến thức ít ỏi.

Khác biệt là ở chỗ thái độ một học sinh Mỹ trong giờ học không liên quan gì đến uy tín cá nhân, đến thanh danh của anh ta. Anh ta muốn học và muốn hiểu những gì được nghe.
Khi về thăm nhà, tôi được cảnh báo rằng nếu muốn thuyết giảng tại Đại học Bắc Kinh, tôi phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho những câu hỏi mà học sinh có thể đặt ra. Bởi lẽ các sinh viên Bắc Kinh và các đại học khác trên đất Trung Quốc cũng đã được tôi luyện qua nhiều kỳ thi khó nhọc và vì vậy, họ có thể đặt những câu hỏi vô cùng hóc búa.

Một ông bạn quen của tôi vừa bảo vệ công khai luận án khoa học của ổng tại Đại học Yale. Khá nhiều người đã đến dự buổi bảo vệ đó. Sau khi xong xuôi, họ ngồi uống cà phê để tiếp tục câu chuyện. Chỉ khi đó, ông bạn tôi mới biết một người ngồi ở ghế cử tọa đã từng đoạt giải Nobel.

Điều này có thể xảy ra ở Mỹ, nhưng không thể tưởng tượng nổi ở Trung Quốc. Một nhân vật có uy tín không thể cho phép mình đến nghe buổi bảo vệ luận án của một kẻ vô danh, vì như thế ông ta sẽ đánh mất uy tín của mình. Ổng chỉ đến dự một buổi như thế nếu được ngồi trên ghế chủ tịch đoàn. Và nếu phải ngồi ở ghế cử tọa trên cương vị một khách mời, ông ta phải chọn chỗ ở chính giữa hàng ghế đầu và sẽ đặt những câu hỏi thật hóc hiểm.

Ở ta (tức Trung Quốc - ND), điều này giống như một màn tuồng, khi việc bảo vệ khuôn mặt, bảo vệ uy tín được coi là quan trọng hơn cả. Chúng ta đặt câu hỏi, không phải vì chúng ta không hiểu một điều gì đó mà ngược lại, để cho mọi người nhận thấy chúng ta thông minh biết nhường nào, thậm chí, chúng ta còn có thể khiến diễn giả phải bối rối.

Có thể thông thường chúng ta không hay lắm lời, nhưng đố quý vị có thể chỉ cho tôi một người Hoa không phô trương thành tích học tập, hoặc không khoe anh ta đã tốt nghiệp tại một đại học nổi tiếng như thế nào, được học hỏi từ một giáo sư xuất chúng ra sao. Cho dù nền văn hóa truyền thống [của chúng ta] luôn giáo giảng sự khiêm nhường.

Muốn lên chức giáo sư ở Washington, ông bạn của tôi rất cố gắng, ổng ở lại văn phòng đến tận đêm. Thành thử, ông ta gặp gỡ thường xuyên James, anh chàng quét dọn.

Một bận, trong khi đang quét rác và nghe nhạc rock bằng máy nghe tai, James kể: Từng là chủ nhiệm câu lạc bộ bóng đá rất có tiếng của trường đại học, nhưng sau đó anh bị giáng chức (ảnh không cho biết lý do tại sao). Và trường đại học không thể sắp xếp cho anh một công việc nào khác, ngoài việc quét dọn. Làm việc này đã từ nhiều năm nay, anh sống được nhờ nó, thậm chí còn nuôi được cả gia đình.

Ông bạn tôi không thể trấn tĩnh được sau khi nghe câu chuyện. Thử hỏi uy tín anh ta để đâu? Bị mất mặt như thế, thà tự sát còn hơn! - ông ta nghĩ.

Liên quan đến việc này, còn một mẩu chuyện nữa. Một nhà khoa học Trung Quốc trở thành một giáo sư nổi tiếng ở Los Angeles. Hai năm trước, ông ta qua châu Âu dự một hội nghị khoa học. Dựa trên công trình nghiên cứu khoa học của ông, người ta bầu ổng làm chủ tọa hội nghị. Nhưng rồi ông nhảy qua cửa sổ tòa khách sạn.

Báo chí viết rằng sở dĩ ông tự tử vì ổng luôn lo lắng, sợ không tiếp tục được chuỗi thành công đó. Ổng ngại sẽ bị mất mặt.

Hay là, cuối cùng, có thể người Mỹ vẫn không ngu xuẩn?

Nguyễn Hoàng Linh dịch

Vài “sự cố” thông tin khoa học và những bài học


Cứ mỗi nhà khoa học với một giả thuyết tưởng mới, thì có hàng trăm nhà khoa học khác muốn "chứng minh" giả thuyết đó sai.

Chỉ 3 thập niên trước đây, các bản tin liên quan đến khoa học và y khoa rất ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng khoảng giữa thập niên 1980, cùng với sự bùng nổ thông tin, và giới nghiên cứu khoa học cũng như các doanh nghiệp về khoa học kĩ thuật nhận ra rằng truyền thông có thể đem lại lợi ích kinh tế cho cả hai phía, nhưng lại là một địa hạt chưa được khai thác.

Mặt khác, giới truyền thông nhận thức được sự quan tâm này của quần chúng nên thường cung cấp cho bạn đọc những thông tin liên quan đến y khoa và khoa học.

Ảnh hưởng của các bản tin y tế và thực phẩm rất lớn. Theo một cuộc thăm dò ý kiến ở Mĩ, 75% người được thăm dò cho biết họ thường theo dõi các thông tin liên quan đến thực phẩm và y tế trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong số này, 58% người được hỏi cho biết họ sẵn sàng thay đổi lối sống hay hành động theo các bản tin đó.

Năm 2007 chúng ta đã từng chứng kiến một số sự cố truyền thông khoa học xảy ra ở nước ta, và cũng gây ra vài tác động tương đối nghiêm trọng. Chẳng hạn như một bản tin về bưởi và ung thư có làm giảm giá bưởi từ 8.000-10.000 đồng/kílô xuống còn 1.000 đồng/kílô, và gây thiệt hại không ít cho nhiều nông dân sản xuất và doanh nghiệp phân phối bưởi.

Một bản tin về sự cố của vắcxin viêm gan B có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực của công chúng đến loại vắcxin này. Những “sự cố” này để lại cho chúng ta một số kinh nghiệm và bài học quan trọng mà tôi muốn tóm lược trong bài viết này.

Bài học 1: Cần kiểm tra nguồn gốc và chất lượng nghiên cứu

Phần lớn các công trình nghiên cứu có chất lượng cao đều xuất phát từ những trung tâm nghiên cứu có tên tuổi và uy tín. Một nghiên cứu từ một trường đại học thường khách quan hơn các công trình nghiên cứu do các nhóm lợi ích (interest groups) hay công ty kĩ nghệ thực hiện. Chẳng hạn như một nghiên cứu về hút thuốc lá và sức khỏe mà do kĩ nghệ sản xuất thuốc lá thực hiện có thể không đáng tin cậy bằng một nghiên cứu do trường đại học thực hiện.

Nhiều thông tin y khoa trên hệ thống truyền thông thường nói đến những “phát hiện” chưa được công bố hay chỉ được công bố trong hội nghị khoa học. Tất cả những phát hiện, khám phá của khoa học loại này không được xem có giá trị cao và không cần chú ý đến. Tất cả các kết quả nghiên cứu khoa đều được công bố chủ yếu trong các tập san chuyên khoa, những tập san này được giới chuyên môn quản lí và điều hành. Các báo cáo được chấp nhận công bố trong các tập san này đều được qua ít nhất là ba đồng nghiệp kiểm tra về sự chính xác và phương pháp, bằng những tiêu chuẩn khoa học, do đó phẩm chất của chúng khá cao và đáng tin cậy.

Tuy nhiên, có khi có người lợi dụng khoa học và thường đăng bài ở những tạp chí hay website đại chúng, dành cho người không chuyên môn, và do đó, bài báo không có ai kiểm tra về phương pháp hay tính chính xác, và trong trường hợp này, những kết quả như thế không có giá trị khoa học gì cả.

Câu chuyện về vắcxin viêm gan trong năm 2007 là một bài học quí báu cho việc kiểm tra nguồn gốc thông tin. Khởi đầu là 4 trường hợp trẻ em mới sinh bị tử vong sau khi tiêm vắcxin ngừa viêm gan B làm cho nhiều người chất vấn chính sách này. Một số báo chí bắt đầu đặt câu hỏi về hiệu quả và an toàn của vắcxin.

Một bài báo với tựa đề khá giật gân “Hàng trăm ca tử vong sau khi tiêm văcxin viêm gan B ở Mỹ”, mà trong đó tác giả lthông tin trên website của ông Joseph Mercola ở bang Illinois (Mĩ), một bác sĩ vật lí trị liệu có nhiều ý kiến “phi chính thống” và nổi tiếng chống đối các chương trình tiêm chủng ngừa. Ông Mercola đã bị các cơ quan y tế Mĩ cảnh cáo vài lần về việc đưa tin … sai lạc.

Các bài báo khoa học có chất lượng cao cũng thường xuất hiện trên các tập san khoa học quốc tế có hệ thống bình duyệt nghiêm chính. Vì thế, một trong những việc mà phóng viên cần làm là kiểm tra nguồn gốc của nghiên cứu, và công trình đó được tập san khoa học nào công bố. Chẳng hạn như công trình nghiên cứu về bưởi và ung thư được công bố trên tập san ung thư của Anh, một tập san tương đối nhỏ và cũng không có ảnh hưởng lớn trong chuyên ngành.

Bài học 2: Phân biệt mô hình nghiên cứu và giá trị khoa học

Nghiên cứu y học được công bố trên các tập san y học thường rất đa dạng, và xuất hiện với nhiều danh từ, thuật ngữ không mấy quen thuộc với giới phóng viên. Một số nghiên cứu thường thấy là meta-analysis (phân tích tổng hợp), randomized controlled clinical trial (nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên), prospective (longitudinal) study (nghiên cứu xuôi thời gian), cross-sectional study (nghiên cứu tiêu biểu một thời điểm), và case-control study (nghiên cứu bệnh chứng), basic research (nghiên cứu cơ bản). Giá trị khoa học của các nghiên cứu này không tương đương nhau. Theo y học thực chứng (evidence-based medicine), các nghiên cứu có giá trị khoa học từ thấp nhất đến cao nhất như sau:

Ý kiến của các chuyên gia, dù là giáo sư hay chuyên gia đầu ngành, được xem là có giá trị khoa học thấp nhất. Đây là những ý kiến cá nhân, và vì cá nhân tính nên thường, không ít thì nhiều, mang tính chủ quan. Đó là chưa kể một số giáo sư chỉ là những cái loa phát thanh cho các công ty dược, hay lợi dụng tập san để quảng cáo cho công ty của chính họ, chứ mục đích phục vụ khoa học chỉ là thứ yếu.

Nghiên cứu cơ bản là những nghiên cứu được thực hiện trên chuột và các động vật "cấp thấp" khác như thỏ, cừu, chó, v.v… Đây là những nghiên cứu khởi đầu để thử nghiệm một giả thiết khoa học cụ thể nào đó. Bởi vì chỉ là nghiên cứu sơ khởi và không tiến hành trên con người, cho nên đối với y học thực chứng giá trị khoa học của các nghiên cứu này thuộc vào hạng thấp nhất, chỉ hơn ý kiến cá nhân một bậc mà thôi.

Câu chuyện về nước tương và ung thư dấy lên vào tháng 4-5 năm 2007 dựa vào những nghiên cứu như thế này. Nhưng tiếc thay, có lẽ vì phóng viên không nhận thức được giá trị khoa học của những nghiên cứu như thế nên đã làm hoang mang dư luận một thời gian.

Bằng chứng có giá trị cao hơn nghiên cứu cơ bản là các phân tích về các trường hợp lâm sàng cá biệt. Trong nhiều tập san y học, giới nghiên cứu thường báo cáo trường hợp bệnh nhân rất đặc biệt, rất hiếm, những trường hợp bệnh khó chẩn đoán, hay những trường hợp bệnh lí chưa được mô tả trong sách giáo khoa, những ca giải phẫu ngoạn mục, hay những tai biến y khoa hiếm, v.v... Có khi bác sĩ thành công trong chẩn đoán và điều trị và những thành công đó không thể xem là bằng chứng khoa học được, vì không có giá trị khái quát hóa đến các bệnh nhân khác.

Câu chuyện về 4 trẻ em bị chết sau khi tiêm vắcxin trong năm qua gây ra nhiều phản ứng cảm tính trong cộng đồng, nhưng không thể xem là một bằng chứng khoa học đáng tin cậy để chất vấn hiệu quả thật của vắcxin.

Các nghiên cứu có giá trị khoa học “trung bình” là nghiên cứu bệnh chứng, mà theo đó các nhà khoa học phải “đi ngược thời gian” để so sánh một yếu tố nguy cơ giữa một nhóm mắc bệnh và một nhóm không mắc bệnh, và từ đó xem yếu tố nguy cơ đó có mức độ ảnh hưởng đến bệnh như thế nào. Vì có so sánh, nên mô hình nghiên cứu này được xem có giá trị khoa học trung bình.

Đây là những nghiên cứu rất tiêu biểu liên quan đến thực phẩm, và hay gây nên những dư luận không tốt trong công chúng. Kết quả một nhiên cứu loại này, tuy rất có ích, nhưng vẫn chưa thể làm cho chúng ta phải đặc biệt quan tâm.

Các nghiên cứu có giá trị khoa học trên trung bình là nghiên cứu tiêu biểu tại một thời điểm (có khi gọi là “nghiên cứu cắt ngang”). Trong mô hình nghiên cứu này, nhà nghiên cứu chọn một quần thể một cách ngẫu nhiên trong cộng đồng, và tìm hiểu xem có bao nhiêu người mắc bệnh (như ung thư) hay không mắc bệnh tại thời điểm đó, và so sánh một yếu tố nguy cơ (chẳng hạn như ăn bưởi) giữa hai nhóm để đánh giá mối liên hệ giữa yếu tố nguy cơ và bệnh. Nghiên cứu này vì được chọn ngẫu nhiên từ một quần thể nên có giá trị khoa học trên trung bình.

Các nghiên cứu có giá trị cao hơn nghiên cứu cắt ngang là các nghiên cứu xuôi thời gian. Khác với nghiên cứu cắt ngang chỉ ghi nhận sự kiện tại một thời điểm, các nghiên cứu xuôi thời gian phải theo dõi đối tượng trong một thời gian có thể là nhiều năm tháng.

Chẳng hạn như để đánh giá mối liên hệ giữa hút thuốc lá và ung thư phổi, nhà nghiên cứu có thể chọn một quần thể, chia quần thể thành 2 nhóm (hút thuốc lá và không hút thuốc lá), và theo dõi hai nhóm trong một thời gian để xem có bao nhiêu người trong từng nhóm bị ung thư phổi. So sánh tỉ lệ phát sinh bệnh giữa hai nhóm là một cách đánh giá ảnh hưởng của yếu tố nguy cơ đến bệnh.

Mô hình nghiên cứu mang tính tiêu chuẩn vàng (gold standard) trong y học ngày này là các nghiên cứu can thiệp theo mô hình lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên. “Can thiệp” ở đây nên được hiểu là những thuật điều trị, kể cả thuốc và phẫu thuật. Theo mô hình nghiên cứu này, để đánh giá một thuật điều trị, nhà nghiên cứu chọn một nhóm đối tượng theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt được định trước, sau đó ngẫu nhiên chia thành 2 nhóm: nhóm được điều trị và nhóm không được điều trị.

Sau khi theo dõi hai nhóm trong một thời gian, nhà nghiên cứu quan sát số người mắc bệnh (hay không mắc bệnh), và so sánh tần số mắc bệnh giữa hai nhóm để đánh giá hiệu quả của thuật điều trị. Kết quả từ các công trình nghiên cứu này được đánh giá là những bằng chứng khoa học có giá trị cao nhất trong y học.

Thông thường với bất cứ một thuốc nào hay một thuật điều trị nào, một nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên đơn lẻ không thể nào giải quyết dứt khoát vấn đề, mà thường cần phải có nhiều nghiên cứu độc lập nhau. Nhiều nghiên cứu ở nhiều quần thể khác nhau, dù có cùng mục đích và tiến hành với một phương pháp chuẩn, có thể cho ra nhiều kết quả khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Trước sự khác biệt về kết quả như thế, vấn đề đặt ra là làm sao hệ thống hóa tất cả các kết quả nghiên cứu này để cho ra một “đáp số”, một “phát quyết” sau cùng.

Gần đây, có một nghiên cứu mới ra đời có tên là “phân tích tổng hợp” (meta-analysis) là phân tích tất cả các kết quả nghiên cứu trong quá khứ và đi đến một kết luận đáng tin cậy hơn. Trong y học thực chứng, kết quả phân tích tổng hợp được đánh giá là có giá trị khoa học cao nhất.

Bài học 3: Phân biệt tương quan và mối liên hệ nhân quả

Trong y khoa, người ta phân biệt hai thuật ngữ cause-effect relationship (mối liên hệ nhân quả) và association (tương quan). Trong các mô hình nghiên cứu vừa trình bày trên, chỉ có nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên là có thể cho phép chúng ta phát biểu về nguyên nhân và hệ quả, còn các mô hình nghiên cứu khác chỉ cho phép chúng ta phát biểu về mối tương quan.

Liên quan chỉ là một điều kiện cần nhưng chưa đủ để phát biểu một nguyên nhân. Nếu giá xăng dầu tăng theo ngày tháng, và chúng ta càng ngày càng cao tuổi, thì mối tương quan giữa giá xăng dầu và tuổi đời sẽ rất cao; nhưng điều đó không có nghĩa là tuổi tác là nguyên nhân làm cho giá xăng dầu tăng! Tương tự, có thể lấy một ví dụ dí dỏm hơn: nếu một chàng trai tặng người bạn gái mình một đóa hoa hồng, và người bạn gái mỉm cười; chúng ta không thể biết nàng mỉm cười vì đóa hoa hồng, hay vì cử chỉ lịch sự của chàng trai.

Nhưng trong thực tế, mối tương quan giữa hai yếu tố A và B rất dễ bị nhầm lẫn là mối liên hệ nhân quả. Chẳng hạn như trong vụ bộc phát bệnh tiêu chảy và bệnh tả vào tháng 10 vừa qua xảy ra một sự ngộ nhận đáng tiếc về nguyên nhân và yếu tố nguy cơ. Một vài quan chức y tế cho rằng mắm tôm là nguyên nhân, là nguồn gốc của sự bộc phát bệnh tả.

Thật ra, đây là một sự nhầm lẫn về khái niệm. Nguyên nhân (cause) là yếu tố sinh học trực tiếp gây bệnh, như vi khuẩn V. cholerae gây bệnh tả, còn yếu tố nguy cơ (risk factors) là những yếu tố -- qua các cơ chế gián tiếp hay trực tiếp -- làm tăng nguy cơ mắc bệnh của một cá nhân. Chẳng hạn như nước bị ô nhiễm có thể là một yếu tố nguy cơ của bệnh tả vì nước có thể hàm chứa vi khuẩn tả; nhưng nước không phải là nguyên nhân gây bệnh tả bởi vì không phải ai uống nước ô nhiễm cũng đều mắc bệnh, họ chỉ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người không uống nước ô nhiễm.

Một trong những ngộ nhận về nguyên nhân và yếu tố nguy cơ là lí luận mà các quan chức y tế từng phát biểu như “Theo Sở Y tế Hà Nội, có đến 90% số bệnh nhân kể trên đã ăn các thực phẩm sống, chủ yếu là mắm tôm, mắm tép và đây chính là nguồn truyền vi khuẩn gây bệnh”. Thật ra, đây là một loại … ngụy biện khá phổ biến trong khoa học, mà người ta đã chỉ ra từ rất lâu.

Điều quan trọng cần phải phân biệt để hiểu hai phát biểu sau đây: (a) trong số những người mắc bệnh tả, 90% từng ăn mắm tôm, và (b) trong số những người ăn mắm tôm, 5% mắc bệnh tả. Câu thứ nhất đề cập đến hệ quả (bệnh tả) đã xảy ra và truy tìm về quá khứ phơi nhiễm (ăn mắm tôm). Câu thứ hai nói đến sự phơi nhiễm hôm nay để dự đoán về khả năng bệnh xảy ra trong tương lai.

Hai phát biểu bao hàm thời gian tính khác nhau: câu thứ nhất nói về quá khứ và câu hai đề cập đến tương lai.

Bài học 4: Kết quả nghiên cứu khoa học mang tính tiến hoá chứ không phải cách mạng

Khoa học ngày nay bao gồm những hoạt động đóng khuôn trong một mô thức (paradigm), những hoạt động mang tính giải đáp các vấn đề nhỏ và cụ thể mà cộng đồng khoa học đang tìm một giải đáp. Khoa học bình thường, do đó, có tính tích lũy và tiến hóa, chứ không mang tính cách mạng. Các kết quả nghiên cứu mới bổ sung cho những kết quả hiện hành, nhưng những kết quả này không dẫn đến một cuộc cách mạng.

Trong quá trình cập nhật hóa kiến thức, chúng ta thấy những kết quả nghiên cứu trái ngược nhau. Có một số nghiên cứu cho thấy cà phê hôm nay có lợi cho sức khỏe, nhưng hôm sau lại có kết quả nghiên cứu cho thấy ngược lại! Những kết quả nghiên cứu như thế phải đặt trong bối cảnh tiến hóa của khoa học trong một mô thức, chứ không thể xem là một kết luận sau cùng, hay một sự thật khoa học vĩnh viễn.

Do đó, giới phóng viên cần phải tìm hiểu các nhà khoa học khác để biết ý kiến của nhà khoa học mà phóng viên trích dẫn có phản ảnh luồng tư tưởng chính thống hiện hành liên quan đến vấn đề trong bản tin hay không; nếu không phóng viên nên trình bày cho người đọc hay người nghe biết luồng tư tưởng chính thống là gì.

Bài học 5: Kết quả nghiên cứu khoa học thường mong manh và bất định

Nghiên cứu khoa học thường bắt đầu với một giả thuyết, và sau khi thu thập dữ liệu thì kết quả có thể nhất quán hay không nhất quán với giả thuyết đó. Nhưng dữ liệu thường được thu thập từ một nhóm đối tượng trong một quần thể. Nhóm đối tượng đó có thể không đại diện cho quần thể, và do đó kết quả rút ra từ dữ liệu cũng có thể sai, dù giả thuyết đúng. Nhưng cũng có trường hợp dữ liệu được thu thập theo đúng phương pháp, nhưng giả thuyết lại sai.

Nhìn khoa học dưới góc độ [đơn giản] như thế, chúng ta thấy các kết quả nghiên cứu khoa học rất mong manh và nhiều bất định. Đúng hay sai, một giả thuyết mới cũng giống như một cục nam châm, thu hút các khoa học gia khác dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu.

Cứ mỗi nhà khoa học với một giả thuyết tưởng mới, thì có hàng trăm nhà khoa học khác muốn "chứng minh" giả thuyết đó sai. Thỉnh thoảng, việc phản nghiệm cũng làm cho nhà khoa học trở nên nổi tiếng. Dĩ nhiên, phản nghiệm là một phương cách tuyệt vời để xem xét tính khả dĩ của một giả thuyết. Đối lập trong khoa học -- dù với động cơ nào -- là một bộ phận quan trọng trong quá trình phát triển khoa học.

Nhưng tình trạng mong manh trong nghiên cứu khoa học không phải là một yếu tố làm cho khoa học chậm tiến; ngược lại, đó là một ảnh hưởng “domino” đảo: bằng chứng yếu, giả thuyết táo bạo có thể đan xén với nhau và gây ra ảnh hưởng lớn.

Những nghiên cứu về loét bao tử cũng nằm trong tình trạng này trước khi khám phá ra nguyên nhân thực của nó (tức là nhiễm trùng). Những hiểu biết về bệnh tim, ung thư da, loãng xương ngày nay cũng nằm trong tình trạng này, chỉ chờ đến ngày có một khám phá thật sự.

Các biện pháp cần thiết để nâng cao hiệu quả một bản tin khoa học

1. Kiểm tra sự chính xác và tính cân bằng của câu chuyện hay bản tin.

  • Kiểm tra uy tín của nguồn gốc bản tin, tức là tác giả của công trình nghiên cứu.
  • Tham vấn các nhà khoa học có uy tín khác xem họ có tin tưởng vào công trình nghiên cứu hay đánh giá thế nào về kết quả của nghiên cứu đó.
  • Ý kiến của nhà khoa học mà phóng viên trích dẫn có phản ảnh luồng tư tưởng chính thống hiện hành liên quan đến vấn đề trong bản tin hay không; nếu không phóng viên nên trình bày cho người đọc hay người nghe biết luồng tư tưởng chính thống là gì.
  • Tránh sử dụng những từ ngữ mang tính liên hệ nhân quả (cause-effect relationship), hay những từ ngữ dễ gây cảm tính như “đột phá”, “bức phá”, “khám phá”, v.v…
  • Đảm bảo những tiêu đề và hình ảnh minh họa phải thích hợp với nội dung bài báo.

2. Hoài nghi, hoài nghi và hoài nghi!

  • Khi dịch lại bản tin từ báo chí nước ngoài, hay một thông cáo báo chí từ trung tâm nghiên cứu, phóng viên cần phải phân biệt được sự thật của dữ liệu (fact) và ý kiến hay bình luận cá nhân.
  • Kiểm tra xem kết quả nghiên cứu có khả năng thực tế hay không?
  • Cần phải áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong suy luận khoa học để thẩm định mối liên hệ giữa nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu, và cơ quan tài trợ cho nghiên cứu. Nhiều khi các kết quả nghiên cứu được thổi phồng một cách quá đáng chỉ vì quyền lợi kinh tế chứ không vì lợi ích khoa học.

3. Kiểm tra xem bản tin có cung cấp những khuyến cáo, hay chỉ dẫn thực tế cho công chúng và người tiêu thụ.

  • Diễn giải kết quả nghiên cứu sao cho có liên quan đến những khuyến cáo thực tế cho công chúng.
  • Nếu nghiên cứu liên quan đến một hóa chất có ảnh hưởng đến sức khỏe, cần phải cho người đọc biết hoá chất đó đến từ đâu và thường hay thấy trong các thực phẩm nào.
  • Trong những trường hợp liên quan đến dịch bệnh, cần cung cấp cho công chúng những nguồn thông tin chính thống khác để người đọc có thể tìm hiểu thêm, chẳng hạn như website, báo cáo khoa học, số điện thoại của cơ quan chức trách, v.v…

4. Kiểm tra nguồn gốc bản tin

  • Kiểm tra bài báo gốc (tức bài báo đăng trên một tập san khoa học mà bản tin dựa vào). Ngoài việc đọc thông cáo báo chí hay các bản tóm lược do trung tâm nghiên cứu phát tán, phóng viên cũng cần đọc hay truy cập cho được bài báo khoa học để có thêm thông tin.
  • Phân biệt sự khác biệt giữa bằng chứng khoa học và ý kiến cá nhân của nhà nghiên cứu.
  • Bản chất của nghiên cứu khoa học là tiến hóa, chứ không phải cách mạng hay đột phá.
  • Nắm vững các khái niệm về kiểm định giả thuyết, nhóm chứng, ngẫu nhiên hóa, khách quan, v.v…
  • Phân biệt những mô hình nghiên cứu như bệnh chứng, cắt ngang, đối chứng ngẫu nhiên, cơ bản, v.v…
GS TS Nguyễn Văn Tuấn